A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nơi phát tích các bậc đại khoa

Sách vở xưa nay đã ca ngợi những làng xã có nhiều người thi hội, thi đình đỗ đại khoa. Những làng xã đó được mệnh danh là “Làng tiến sĩ” (Tiến sĩ sào).

“Làng tiến sĩ”

Trong số làng, xã loại trên, làng Mộ Trạch, nay là Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương được xếp hàng đầu, với tổng số 38 người thi đỗ từ tiến sĩ trở lên. Trong đó, có 1 trạng nguyên, 10 hoàng giáp và 27 tiến sĩ.

Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã thống kê được 276 người đỗ từ cử nhân trở lên ,trong đó có 13 người đỗ đại khoa. Song cũng có tài liệu chép số người đỗ đạt của làng này là 707 người. 


 
Thày trò xưa

5 anh em đều đỗ đại khoa

Sách vở đã viết đến gia đình họ Nguyễn ở làng Kim Đôi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, có 5 anh em ruột cùng nhà thi đỗ đại khoa.
 
Người anh cả Nguyễn Nhân Bị (1448-?) thi đỗ tiến sĩ năm Quang Thuận thứ 7(1466), giữ chức Bính bộ thượng thư. Em ruột ông là Nguyễn Xung Xác (1450-?) (còn có tên là Nguyễn Nhân Phùng, Nguyễn Trọng Ý) thi đỗ tiến sĩ năm Quang Thuận thứ 10 (1469), giữ chức Lễ bộ tả thị lang. Em ruột ông Xác là Nguyễn Nhân Thiếp (1452-?), đỗ tiến sĩ năm Quang Thuận thứ 7 (1466), giữ chức Lại bộ thượng thư. Tiếp đến em ông Thiếp là Nguyễn Nhân Dư (1456-?) đỗ tiến sĩ năm Nhâm Thìn triều Hồng Đức (1472), giữ chức Hiến sát sứ. Và sau cùng em ông Dư là Nguyễn Nhân Đạc (1458-?) đỗ tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 7 (1475), giữ chức Hàn lâm viện hiệu thảo.

Điểm đặc biệt là 5 anh em nhà họ Nguyễn này đều đỗ đại khoa và cùng làm quan dưới một triều vua (Lê Thánh Tông).
 
Riêng ông Nguyễn Nhân Thiếp sau đó có thêm 3 người con cùng thi đỗ đại khoa. Người con cả Nguyễn Hoàng Khoản (1471-?), đỗ tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 21 (1490). Em ông Khoản là Nguyễn Huân (1476-?) đỗ bảng nhãn năm 1496 và em ông Huân là Nguyễn Nhân Kính (1478-?) đỗ tiến sĩ cùng khoa.

Còn ông Nguyễn Xung Xác có người con là Nguyễn Đạo Diễn ( 1468-?) cũng đỗ tiến sĩ khoa này.
 
Chỉ riêng một gia đình họ Nguyễn làng Kim Đôi đã có 9 vị đỗ đại khoa giữ các cương vị Thượng thư các bộ, Hàn lâm viện, đi sứ nước ngoài…và  có những đóng góp nhất định cho đất nước ở nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn học, ngoại giao…
 
Đặc biệt hội Tao Đàn, giống như một Hàn lâm viện thời xưa của nước ta, gồm có 28 thành viên, từ tiến sĩ trở lên, giỏi thơ văn trong cả nước, được mệnh danh: "Nhị thập bát tú” (28 ngôi sao), thì riêng gia đình họ Nguyễn Kim Đôi này đã đóng góp 2 người. Đó là các tiến sĩ Nguyễn Nhân Bị và Nguyễn Xung Xác.
 
Đến nay nhiều tác phẩm của anh em gia đình  họ Nguyễn Kim Đôi đã bị thất lạc, hoặc chưa sưu tầm được.
 
Chỉ còn thấy một số văn bia do Nguyễn Xung Xác soạn như: Văn bia: “Khôn nguyên chí đức” ở Lam Kinh, văn bia ghi tên tiến sĩ khoa Tân Sửu năm Hồng Đức thứ 12 (1481) ở Văn Miếu Hà Nội, văn bia dòng họ Nguyễn bên ngoại vua Lê Thánh Tông ở Gia Miêu, văn bia công chúa Thụy Hoa, con thứ 3 của vua Lê Thánh Tông ở Thọ Xuân.Nguyễn Nhân Thiếp cũng là tác giả văn bia “Đại Việt Lam Sơn Dụ lăng” ở Lam Kinh…

Cha, con, cháu, chắt... đỗ đại khoa

Họ Vũ ở Tân Hồng – Hải Dương có tới 27 người đỗ tiến sĩ trở lên. Nhiều vị  rất nổi tiếng như: Vũ Hữu (1453-1497), tác giả cuốn sách “Lĩnh Nam chính quái”,  “ Đại Việt thông giám thông khảo”, Vũ Phương Đề (1698-?), tác giả sách: “Công dư tiệp ký”…

Ngoài ra, dòng họ Ngô ở làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh liên tục 5 đời đều có người thi đỗ đại khoa.
 
Nếu tính từ đời con là ông Ngô Nhân Tuấn (1596-?), đỗ tiến sĩ khoa Dương Hòa, triều vua Lê Thần Tông (1640) trở về trước, thì người bố là Ngô Nhân Triệt, thi đỗ tiến sĩ năm Hoàng Định thứ 8 (1607).  Rồi ông nội là Ngô Nhân Trừng (1540-?) đỗ hoàng giáp năm Diên Thành thứ 3, triều Mạc (1580). Người cố là Ngô Nhân Trừng (1540-?) đỗ hoàng giáp năm Diên Thành thứ 3, triều Mạc (1580). Người cố là Ngô Nhân Hải, đỗ hoàng giáp năm Đoan Khánh thứ 4(1508) và vị tổ mà ông Tuấn gọi bằng cụ là Ngô Như Ngọc (1475-?), cũng đỗ hoàng giáp năm Hồng Đức thứ 18 (1487).

Lại nói em cụ Ngô Như Ngọc ở huyện Vọng Nguyện đi lính ở Nghệ An và lập chi họ Ngô ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu và dòng họ Ngô này cũng rất nổi tiếng.
 
Sách vở chép ông cụ tổ họ này là Ngô Trí Tri (1507-1628), đỗ tiến sĩ năm Quang Hưng 15 (1592). Con cụ Tri là Ngô Trí Hòa (1565-1626) đỗ hoàng giáp cùng khoa với bố. Cháu nội cụ Tri là Ngô Sĩ Vinh (1596-?) đỗ tiến sĩ năm Phúc Thái thứ 4 (1646) và 2 người chít cụ là Ngô Công Trạc (1662-?) đỗ tiến sĩ năm Chính Hòa thứ 19 (1694) và Ngô Hưng Giáo (1666-?) đỗ tiến sĩ năm Vĩnh Thịnh thứ 6(1710).

Có một điều trùng hợp khá lạ là Ngoài dòng họ Ngô làng Vọng Nguyệt – Bắc Ninh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, còn thấy một dòng họ Ngô ở địa phương khác cũng phát tích nhiều bậc đại khoa tương tự. Ví như vào năm Hồng Đức thứ 15 (1484), họ Ngô ở xã Chiến Thắng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, có cụ cố là Ngô Văn  Phòng đỗ hoàng giáp, thì đến đời con cụ là Ngô Mậu Đôn cũng thi đỗ tiến sĩ vào năm Thống Nguyên II, triều Lê Cung Hoàng (1523). Rồi cháu ruột cụ là Ngô Mậu Du, đỗ tiến sĩ khoa Thuần Phúc, Triều Mạc Mậu Hợp (1656) và người chắt nội cụ là Ngô Văn Chỉnh, cũng đỗ tiến sĩ năm Dương Hòa thứ 3, triều Lê Thần Tông (1637).

Ngày nay, sự nghiệp giáo dục nước ta rất phát triển. Nhiều tỉnh đã có các loại trường Đại học để đào tạo những học sinh có trình độ tương đương hương cống, cử nhân thời xưa. Hàng năm các kỳ thi tiến sĩ cũng được mở liên tục. Vì thế hiện tượng 1 làng, xã có hàng trăm người đỗ tiến sĩ, một gia đình có nhiều anh em, cha con có học vị trên cử nhân là chuyện bình thường và khá phổ biến.
 
Nhưng dưới chế độ phong kiến chỉ có một ít tỉnh mới được mở khoa thi hương, để chọn những người đỗ tú tài, cử nhân và chỉ ở kinh đô mới mở khoa thi hội, thi đình để chọn những người có học vị tiến sĩ trở lên.
 
Mỗi khoa thi trung bình 3 năm tổ chức một lần. Có khoa thi hội số người đỗ chỉ đếm trên đốt ngón tay. Ví như hai khoa thi hội năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa 18 (1697) và năm Quang Hưng thứ 18 triều Lê Thế Tông (1595) cả nước có hàng ngàn sĩ tử đi dự thi mà chỉ lấy đỗ 6 người.
 
Vì thế, những hiện tượng có nhiều người thi đỗ đại khoa trong một gia đình, dòng họ, làng xã kể trên có thể được xếp vào số các hiện tượng lạ, hiếm thấy trong thi cử thời xưa của nước ta.

(Theo Bee.net)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm