A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Núi Bài Thơ, một dấu tích thi nhân

Núi Bài Thơ, ngọn núi đá vôi cao 201 m nằm ở trung tâm thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là một trong những núi cao nhất vùng biển Cửa Lục. Ðây cũng là một ngọn núi nổi tiếng về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và giá trị lịch sử. Ba mặt của núi giáp với khu dân cư, phía tây và phía nam nằm sát vịnh Hạ Long.

Núi Bài Thơ trước đây có tên là Truyền Ðăng hay Rọi Ðèn. Xuất xứ của tên gọi này do trước đây ngọn núi là điểm tiền tiêu thông báo những thông tin quan trọng về an ninh, quốc phòng. Những người lính trạm gác trên núi khi có báo động thì đốt lửa báo tin và vào buổi đêm thắp các ngọn đèn như một ngọn hải đăng báo hiệu.


Nhưng núi Bài Thơ được biết đến nhiều nhất là do những bài thơ được khắc trên vách núi. Trên núi còn lưu dấu tích một số bài thơ chữ Hán và chữ quốc ngữ. Bài thơ đầu tiên và nổi tiếng nhất là tác phẩm của vua Lê Thánh Tông, chủ soái của tao đàn Nhị thập bát tú. Mùa xuân, tháng hai năm Quang Thuận tứ 9 (1468), vua Lê Thánh Tông đem quân đi duyệt trên sông Bạch Ðằng và tuần du ở vùng An Bang. Nhân dịp này vua đã qua khu vực núi Truyền Ðăng. Trước cảnh biển xanh, núi cao, một vùng thiên nhiên tươi đẹp nhà vua đã làm một bài thơ và cho người khắc vào núi. Bút tích của nhà vua bao gồm một văn bản thơ với 56 chữ Hán - một bài thơ thất ngôn bát cú, cùng với lời đề tựa. Từ đó trở đi núi mang tên núi Ðề Thơ và sau đó là núi Bài Thơ. Bài thơ của vua Lê Thánh Tông được khắc trong một khung vuông cạnh dài 150 cm, cách chân núi 6 m ở sườn nam của núi. Bài thơ của vua Lê Thánh Tông như sau:

Nhận nước trăm sông sóng cuộn đầy
Núi bày cờ thế, biếc liền mây
Xưa theo kẻ khác luôn bền chí
Giờ đã tung hoành một chớp tay
Ðế Chủ điệp trùng quân hổ mạnh
Hải Ðông đã tắt khói lang bay
Trời Nam muôn thuở non sông vững
Yển vũ tu văn dựng nước này!

(Trần Nhuận Minh dịch)

Sau vua Thánh Tông đã có nhiều tao nhân mặc khách qua lại và đề thơ vào núi. Một bài thơ của An Ðô Vương Trịnh Cương viết năm 1729, họa lại bài thơ của vua Lê Thánh Tông nhân một chuyến tuần du vùng Ðông Bắc. Tuần phủ Quảng Yên Nguyễn Cẩn viết một bài (1910), anh em quan án sát Vũ Tuân và Vũ Ðại mỗi người hai bài, vợ Vũ Ðại là bà Ðào Thị Thoa có một bài thơ quốc ngữ. Ngoài ra, trên vách núi còn hai bài thơ nữa viết vào khoảng những năm 40 của thế kỷ XX. Lời tựa và nội dung của các bài thơ chủ yếu về cảnh đẹp thiên nhiên, hào khí thời Trần, thịnh trị thời Lê.

Núi Bài Thơ còn là một di tích lịch sử ghi dấu những mốc son của quân và dân thành phố Hạ Long trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tối ngày 30/4/1930, đồng chí Ðào Văn Tuất đã dũng cảm treo lá cờ Ðảng trên đỉnh núi Bài Thơ ở mỏm Mỏ Quạ. Sáng ngày 1/5/1930, nhân dân Hòn Gai đã được chứng kiến lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên núi Bài Thơ, tượng trưng cho tinh thần quật khởi, quyết đấu tranh chống kẻ thù của công nhân và lao động khu mỏ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, núi Bài Thơ cũng ghi nhiều dấu ấn lịch sử. Trên núi đặt loa truyền thanh lớn để phát hiệu lệnh phòng không và một trạm quan sát máy bay địch từ xa. Một số hang động trong núi cũng được sử dụng để làm nơi sản xuất, cư trú, trạm y tế, trạm thông tin bưu điện trong thời kỳ đế quốc Mỹ đánh phá.

Núi Bài Thơ có nhiều vách đá dựng đứng, nhiều hang và các hườm đá. Các hang trong núi được gọi từ hang số 1 đến hang số 6, mỗi hang có độ rộng dài khác nhau. Hang số 1 có trần cao và rộng, nền hang bằng phẳng, hang số 2 dài và hẹp, hang số 3 có hai ngăn, ngăn ngoài rộng, ngăn trong dài và hẹp, hang số 6 là một căn cứ địa của tự vệ Hồng Gai thời chống đế quốc Mỹ. Các hang ở núi Bài Thơ đã được sử dụng như những nơi để tạm trú sản xuất, trạm y tế trong thời gian chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Trên núi có nhiều loài thực vật, trong đó một số loài có hoa và dáng đẹp như phong lan, si đá, thanh trúc. Ðứng trên núi Bài Thơ có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Hạ Long và cả vùng biển xanh biếc với chi chít những núi đá vôi.

Dưới chân núi Bài Thơ là chùa Long Tiên ở phía bắc - ngôi chùa lớn nhất và đẹp nhất của thành phố Hạ Long, đền thờ Ðông Hải Ðại vương Trần Quốc Nghiễn ở phía tây (đền Ðức Ông). Những di tích này cùng với núi Bài Thơ tạo nên một cụm di tích thiên nhiên, lịch sử văn hóa quan trọng và hấp dẫn của thành phố và thắng cảnh Hạ Long. Núi Bài Thơ đã trở thành biểu tượng của thành phố Hạ Long, niềm tự hào của người dân Hạ Long và Quảng Ninh.


 
(Theo Nhân Dân)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm