A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành nhà Hồ - Di sản văn hóa Thế giới

Vào 13 giờ chiều 27/6 (tức 18 giờ Việt Nam), tại Paris (Pháp), trong cuộc họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra từ ngày 19 đến ngày 29/6, di tích Thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Việc Thành nhà Hồ chính thức là Di sản văn hóa thế giới đã trở thành niềm tự hào, niềm vui chung của người dân Việt Nam, là sự tri ân tới những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn mà ông cha để lại.

Thành nhà Hồ vốn là trung tâm kinh thành của Việt Nam vào cuối thế kỷ 14 - đầu thế kỷ 15, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của khu vực Bắc Trung bộ Việt Nam từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, bao gồm tòa thành đá được xây dựng bằng kỹ thuật đá lớn, La thành, Nam Giao, các tầng văn hóa nối tiếp nhau trong lòng đất lưu giữ các dấu tích cung điện, đền đài, đường sá và nghệ thuật trang trí, các làng cổ cùng toàn bộ cảnh quan đồi núi, sông hồ còn lưu giữ được tương đối nguyên vẹn, phản ánh rõ nét một thời kỳ lịch sử văn hóa, văn minh Việt Nam.


 
Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ bao gồm vùng đề cử 155,5ha nằm trong
một vùng đệm 5.078,5ha, gồm toàn bộ tòa thành đá, la thành, hào thành…


 
Cổng Thành nhà Hồ


 
Cổng thành phía Đông của thành đá giáp với làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến
(huyện Vĩnh Lộc - tỉnh Thanh Hóa)


 
Một bài thơ chữ Hán khắc trên cổng thành phía Nam


 
Nét hoa văn mang dấu ấn kiến trúc thời nhà Hồ trên con rồng bằng đá



 
Kết cấu của tường thành bên trong là hào đất, bên ngoài đá xếp. Hào đất bên trong sẽ thuận tiện cho việc di chuyển các khối đá khổng lồ để xếp tường thành



 
Mỗi khối đá xây tường thành có trọng lượng từ 10 - 20 tấn
được xếp đan xen vào nhau



 
Mảnh trang trí kiến trúc bằng đất nung (thế kỷ XIV-XV) khai quật
tại đàn Nam Giao năm 2007



 
Các viên đạn đá được thiết kế bởi nhà quân sự Hồ Nguyên Trừng dùng để phòng thủ khi có giặc tấn công thành và những viên gạnh cổ thế kỷ XIV-XV mới được khai quật cách đây chưa lâu


 
Con rồng đá trong Thành nhà Hồ



 
Từ bốn cổng chính của thành, người dân địa phương sinh sống xung quanh mở đường theo hình dấu cộng (+) để thuận tiện cho việc đi lại và thông thương

Di sản Thành nhà Hồ là ví dụ nổi bật về một loại công trình kiến trúc được xây dựng bằng đá lớn, vốn được xem như một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng kiến trúc thành quách Việt Nam và khu vực. Ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Trưởng đoàn tham dự cuộc họp lần thứ 35 Di sản Văn hóa, cho biết, đây là một trong 4 di sản văn hóa được đưa ra bình chọn trong phiên họp sáng 27/6 của hội nghị và là một trong 35 di tích được đề nghị trong danh sách xét bình chọn đợt này.

Vậy là sau 6 năm (2006-2011) thực hiện hồ sơ, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới./.

(Theo BAVN)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm