A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi thay trên quê hương Bác Hồ

Nam Đàn- vùng đất sinh ra vị Anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh, quê hương của những anh tài kiệt suất như Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu và gần 40 vị đại khoa Việt Nam. Với bề dày truyền thống, ngày nay, miền đất Anh hùng đó đang không ngừng phát triển.

Vươn mình trên vùng đất khó

Nằm ở hạ lưu sông Lam, cách Thành phố Vinh 21km về phía Tây, cũng như nhiều vùng đất dải miền Trung, Nam Đàn có thời tiết không mấy thuận lợi. Khí hậu nơi đây được miêu tả trong 4 câu thơ của Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744 – 1818) ghi trong “Nghệ An thi tập”:

Hè đến gió Lào như lửa đốt
Thu qua mưa phùn lấm tấm sa
Tháng Mười sông còn tràn nước lũ
Mồng 9 tháng 9 cúc chưa nở hoa

Phải là một người gắn bó với mảnh đất này và hiểu nó, Hoàng giáp Bùi Huy Bích mới có được những câu thơ đúc kết như thế. Song vượt lên tất cả sự khắc nghiệt của tự nhiên, Nam Đàn đã và đang “thay da đổi thịt” từng ngày…



 Nhà Bác ở quê ngoại Hoàng Trù


Những ngày tháng Năm về thăm quê Bác, điều dễ nhận thấy là các hoạt động thi đua lao động sản xuất, văn hóa, văn nghệ, thể thao đang diễn ra sôi nổi từ các xã để chào mừng những ngày lễ lớn, kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong ánh nắng chói chang, dọc theo những con đường nhựa, những cánh đồng lúa chín vàng trải dài tít tắp. Trên các nẻo đường, từ Quốc lộ 46, đường du lịch ven sông Lam, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, các con đường liên xã đều hiện lên một diện mạo mới của một vùng quê Anh hùng.

Xác định truyền thống cách mạng là động lực cho phát triển kinh tế- xã hội, trong những năm qua, Nam Đàn đã có bước tiến về mọi mặt, nhanh chóng bắt nhịp xu thế phát triển mới. Phó Chủ tịch huyện Nam Đàn Nguyễn Thị Hằng cho biết, trong những năm qua, Đảng bộ, nhân dân Nam Đàn đã ra sức thi đua lao động sản xuất, khai thác tối đa mọi nguồn lực và đã tạo ra những kết quả khá tốt trên nhiều mặt, xứng đáng là quê hương Bác Hồ.

Kinh tế liên tục tăng trưởng, tốc độ bình quân đạt 10,1%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng kinh tế nông nghiệp từ 62,6% (năm 2005) xuống 54,4% (năm 2010); công nghiệp xây dựng tăng từ 15,4% lên 21,8 %.
 
Kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Diện tích có giá trị trên 35 triệu đồng/ha/năm trở lên đạt 10.262ha, chiếm 86,97% đất nông nghiệp, trong đó, diện tích trên 50 triệu/ha chiếm 70,95% đất nông nghiệp (năm 2009)… Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đạt được nhiều kết quả trong thu hút đầu tư.

Thu hút và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động (năm 2009 là 2.500 lao động, trong đó có 500 người đi lao động nước ngoài), tăng thu nhập và tăng thu ngân sách. Đời sống nhân dân được nâng lên, thu nhập đầu người bình quân đạt trên 16 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tăng 2,44 lần so với năm 2005. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,1 % (năm 2005) xuống 7 % (năm 2010), 20/24 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế…

Kết cấu hạ tầng, hệ thống điện, đường, trường, trạm, thuỷ lợi, thiết chế văn hoá ngày càng được hoàn thiện, tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn. Vùng đất với khí hậu khắc nghiệt giờ đây đã trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới.

Phát huy vùng đất học

Nói về thế mạnh của huyện, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hằng cho rằng, Nam Đàn xác định đi lên phải từ cái nôi truyền thống văn hoá. Xác định rõ điều này, chính quyền và nhân dân trên dưới một lòng sống và cống hiến xứng với nguyện ước của Người.



 Du khách khắp nơi về làng Sen nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người

Theo đó, văn hoá, xã hội ở Nam Đàn có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, chất lượng giáo dục đã được quan tâm đúng mức và đạt được thành quả đáng khích lệ: Hiện có 27 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia, hàng năm có từ 1.200- 1.300 em thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng.

Với việc thực hiện cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đạt kết quả tốt, chất lượng giáo dục văn hoá, đạo đức trong huyện được nâng lên.

Riêng năm 2009, tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96,1%, tốt nghiệp THCS: 97,4%, tốt nghiệp THPT: 91%, tăng 16% so với năm học 2007-2008, trên 1.300 em đậu vào các trường Đại học và Cao đẳng. Công tác xã hội hoá giáo dục có tiến bộ, nhất là trong huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường học. Các tổ chức khuyến học từ huyện đến cơ sở xã, cơ quan, đơn vị, khối xóm, dòng họ hoạt động ngày càng hiệu quả, kích lệ phong trào học tập ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh chăm lo cho công tác giáo dục, chính sách xã hội cũng được quan tâm, thực hiện tốt phong trào “đền ơn đáp nghĩa”. Năm 2009, toàn huyện thu được 720 triệu đồng, xây dựng mới 24 nhà, tu sửa 65 nhà tình nghĩa. Thực hiện vận động quỹ vì người nghèo vượt 31,8% kế hoạch, hỗ trợ xây mới 56 nhà cho các hộ nghèo trong huyện. Toàn huyện có 299 nhà văn hoá xóm đưa vào hoạt động, tổng số xóm văn hoá toàn huyện là163, có 13 xã hoàn thành hệ thống thiết chế văn hoá- thể thao đồng bộ. Tỷ lệ gia đình văn hoá toàn huyện ước đạt 80%.

Nam Đàn cũng là một trong số các huyện của Nghệ An có thành tích phát động sâu rộng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ các phong trào của các ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình học và làm theo Bác, trong đó có 103 tập thể, 262 cá nhân điển hình được suy tôn ở các cấp, góp phần tạo sức lan toả mạnh mẽ trong các phong trào thi đua yêu nước ở Nam Đàn trong mấy năm qua.

Niềm vui lại đến với người dân nơi đây khi huyện vừa đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ tặng Đảng bộ và nhân dân Nam Đàn. Phần thưởng cao quý đó càng có ý nghĩa khi đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người, song cũng là sự tin tưởng và hy vọng vào sự vươn mình không ngừng của Nam Đàn- nơi sinh ra vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh./.

(Theo VOV)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm