A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trí thức kiều bào chia sẻ giải pháp phát triển công nghiệp vi mạch điện tử

Chiều 16/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi tiếp một số chuyên gia, trí thức kiều bào trong lĩnh vực vi mạch điện tử, lắng nghe những đề xuất cụ thể của các chuyên gia để giúp Việt Nam xây dựng và phát triển thành công ngành công nghiệp vi mạch điện tử nhằm tăng cường năng lực tiếp cận trình độ phát triển của thế giới hiện nay trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại buổi gặp mặt, ông Đặng Trần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã báo cáo với Phó Thủ tướng về thành phần đoàn chuyên gia kiều bào, họ là những chuyên gia có uy tín trên thế giới, có người là tác giả của nhiều phát minh sáng chế, từng làm việc cho các công ty, tập đoàn lớn ở các nước phát triển như: Nhật, Đức, Thụy Sĩ..., là chủ các tập đoàn công nghệ đã có những hợp tác ký kết với trong nước trong lĩnh vực công nghệ vi mạch phục vụ việc xây dựng thành phố thông minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng Internet of Things (IoT) vào đời sống hàng ngày. Hiện nay, các chuyên gia này đang đóng góp tích cực cho hoạt động của Hội Công nghệ vi mạch TP Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và nhiều cơ quan khác ở Việt Nam.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh các chuyên gia, trí thức kiều bào trong lĩnh vực vi mạch điện tử đã quan tâm đến sự phát triển công nghiệp vi mạch của Việt Nam và mong muốn tham mưu cho Chính phủ trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tri thức là nguồn lực vô cùng quan trọng của đất nước, hoan nghênh và khuyến khích các chuyên gia, học giả kiều bào với kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm dày dặn, đóng góp xây dựng đất nước Việt Nam. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn mong muốn lắng nghe những đề xuất, kiến nghị các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia kiều bào với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Trong hơn một tiếng đồng hồ, các chuyên gia, trí thức kiều bào tham dự đã thẳng thắn chia sẻ nhiều giải pháp phát triển ngành công nghiệp vi mạch điện tử với Phó Thủ tướng.

Đại diện nhóm chuyên gia kiều bào, Giáo sư Đặng Lương Mô đã trình bày bản khuyến nghị về phát triển công nghiệp vi mạch Việt Nam để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Giáo sư cho rằng công nghệ vi mạch đóng vai trò nền tảng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, ngành công nghệ vi mạch Việt Nam lại hình thành khá trễ, thực sự mới khoảng 10 năm nay dù đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong hoạt động thiết kế, nhưng hướng chế tạo và sản xuất vẫn dậm chân ở điểm xuất phát.

Với nguồn nhân lực khoảng từ 3500 đến 4000 kỹ sư được đào tạo căn bản tốt, đang làm việc tại các công ty thiết kế vi mạch đầu tư tại Việt Nam và các nước có nền vi mạch phát triển cao, Giáo sư đánh giá nguồn nhân lực Việt Nam có khả năng tiếp thu nhanh kể cả ở những công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, do không được làm việc ngay từ đầu với công nghệ tiên tiến nên cần phải được đào tạo thêm và nguồn nhân lực này còn quá khiêm tốn với tiềm lực thực sự của nước ta, cần đặt mục tiêu phát triển lên đến vài chục ngàn kỹ sư trong thời gian 5 năm tới.

Về chính sách phát triển công nghệ vi mạch, Giáo sư Đăng Lương Mô nhấn mạnh: Trong lĩnh vực vi mạch có hai lĩnh vực, thiết kế và chế tạo (sản xuất). Một số công ty lớn trên thế giới chỉ tập trung vào thiết kế, một số lại tập trung vào chế tạo. Chính phủ nên lấy lĩnh vực thiết kế làm trọng tâm trong giai đoạn đầu phát triển vi mạch vì để xây dựng nhà máy đòi hỏi tốn kém hàng tỷ USD nếu muốn có công nghệ tiên tiến và phải định hướng được đầu ra. Nếu chọn thiết kế làm trung tâm thì sẽ tạo điều kiện để lực lượng này làm chủ những công nghệ hàng đầu thế giới và là tiềm năng lớn cho những ứng dụng IoT, cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, Giáo sư Đặng Lương Mô đề xuất: “Muốn tiếp cận nhanh công nghệ tiên tiến, cần phải tận dụng lực lượng chuyên gia hàng đầu thế giới, phải tận dụng lợi thế là lực lượng Việt kiều đông đảo đang làm việc trong lĩnh vực vi mạch và có nhiều thành công trên toàn thế giới. Cần có chính sách kêu gọi những Việt kiều về nước trong thời gian ngắn để giảng dạy, chuyển giao công nghệ”.

Lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kiều bào, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh mọi người Việt dù sinh sống nơi đâu đều là người một nhà và đánh giá cao những đóng góp tích cực của các chuyên gia trong việc đề xuất những giải pháp hữu ích, thiết thực trong việc phát triển ngành công nghệ vi mạch điện tử hiện nay, tạo nền tảng để hướng ra khu vực và thế giới.

Phó Thủ tướng lưu ý cần tập trung, gắn kết, hình thành mạng lưới và duy trì kênh đối thoại thường xuyên giữa các chuyên gia kiều bào với nhau và với các cơ quan chức năng trong nước, để xây dựng thành những chương trình, đề án, dự án cụ thể, gắn với thực tế, mang tính ứng dụng cao và phải làm chủ được công nghệ.

Cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dành sự quan tâm, lắng nghe ý kiến của các thành viên trong đoàn, các chuyên gia kiều bào tham dự đều bày tỏ quan điểm sẽ tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp quan trọng này tại Việt Nam.

Chiều cùng ngày, tại trụ sở Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có buổi tiếp Đoàn chuyên gia, trí thức kiều bào trong lĩnh vực vi mạch điện tử. Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung đã lắng nghe ý kiến và đề xuất của các chuyên gia, mong muốn các chuyên gia kiều bào đóng góp, tham gia vào các dự án trong lĩnh vực công nghệ vi mạch điện tử của TP Hà Nội trong thời gian tới.

Thủy Trần


Các tin khác

Tin tiêu điểm