A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người ở phố

Hai nhà đối diện nhau, chếch khoảng 15 độ. Tính theo đường chim bay chỉ cách nhau khoảng hơn hai mươi mét. Tuy là hàng xóm nhưng suốt ngày đi làm biền biệt nên các ông chủ của hai nhà chẳng bao giờ gặp nhau chứ chưa nói đến việc hàn huyên, trò chuyện. Tuy vậy, vì đều là nhà tầng nên tối tối ở trên tầng hai, nếu đá mắt sang bên kia đường, họ đều có thể nhìn thấy những cái bóng mờ mờ ảo ảo của nhau trong những gian phòng cũng mờ mờ ảo ảo.

Phía đường bên này, chủ nhà là ông bác sĩ trưởng khoa của bệnh viện thành phố. Phía đường bên kia, chủ nhà là một người làm nghề tự do. Năm thì mười họa họ cũng có những giây phút hạ cố nhìn sang nhau. Ông làm nghề tự do thường được ngắm ông bác sĩ cắm cúi trên cái bàn chất đầy sách vở. Còn ông bác sĩ, thỉnh thoảng cũng được... chiêm ngưỡng ông làm nghề tự do ưỡn tảng ngực trần to phạp trên bộ salông kê ngay cửa sổ.

Đêm đêm họ chỉ "gặp nhau" theo kiểu như vậy, nhưng nếu chạm mặt ngoài phố chắc họ không nhận ra nhau. Thấm thoát ngày đi tháng lại, đã hai mươi năm họ sống trong cái nhịp điệu như thế rồi.

Tuy chưa hiểu gì về nhau nhưng ông bác sĩ vẫn được nghe những lời đồn đại về ông làm nghề tự do nhà đối diện. Rằng, lão ta suốt ngày lang thang ngoài phố, nhận bất cứ việc gì người đời thuê mướn. Lúc thì phu hồ, khi thì khuân vác ngoài chợ. Nghe đâu lão có thể uống bay cả lít rượu cùng với cái chân giò cân rưỡi. Ông bác sĩ vốn là người nhu mì, có truyền thống gia phong nền nếp, gia đình ba đời trí thức nên nghe những lời đồn đại trên thì ý nghĩ đầu tiên là thấy cần phải cảnh giác cao độ với ông hàng xóm phàm phu tục tử.

Cũng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu như không bắt đầu từ cái lần ấy...

Một buổi sáng, ông bác sĩ đang ngồi trong phòng trực của trưởng khoa thì có một người đàn ông cao to lừng lững, vẻ hơi thô lỗ bước vào, dúi nhẹ vào tay ông một chiếc phong bì khá dầy cùng với lời cầu khẩn thiết xin ông quan tâm đến bệnh nhân là mẹ của ông ta. Tất nhiên ông bác sĩ đã phản ứng một cách gay gắt. Không phải ông ngần ngại chuyện gì mà vì xưa nay ông chúa ghét thói nhận tiền đút lót của bệnh nhân. Hôm ấy, người kia cứ nằn nì mãi, ông bác sĩ đã phải dọa gọi bảo vệ bệnh viện đến giải quyết.

Mấy hôm sau, ông bác sĩ được trực khoa báo cáo người bệnh nọ đã không qua khỏi. Lúc ấy ông thấy hơi áy náy, không hiểu có phải vì khó chịu trước hành vi đút lót của người đàn ông nọ mà ông đã thiếu quan tâm đến bệnh nhân?

Nhưng cũng chỉ áy náy vậy thôi, chứ ở cái khoa có hàng chục người nhập viện mỗi ngày này, trưởng khoa làm sao để mắt hết được.

Không ngờ bà già xấu số ấy lại chính là mẹ ông hàng xóm làm nghề tự do nhà đối diện.
 



 Minh họa: Đào Quốc Huy



Ông bác sĩ rất buồn. Hoàn toàn vô tình, nhưng không ngờ ông đã gây nên một mối oán thù với người cùng phố. Nếu hôm ấy biết người bệnh là bà cụ người hàng xóm thì biết đâu mọi chuyện sẽ khác.

Sau đó ít lâu, một đêm đi trực về đến đầu ngõ, ông bác sĩ thấy một đám người xôn xao, ồn ĩ. Trong ánh trăng mờ mờ ông nhìn thấy mấy thanh niên đang dìu một người đàn ông máu me ướt đẫm chiếc áo ngoài ra xe taxi. Tĩnh tâm nhìn kỹ, ông bác sĩ nhận ra người đàn ông ấy chính là người hàng xóm làm nghề tự do nhà đối diện. Ông bác sĩ lắc đầu quầy quậy, ra chiều ngán ngẩm, lẩm bẩm: "Người như ông ta có cái kết cục như thế cũng không có gì làm lạ!".

Ông bác sĩ bước vào ngõ thì bà láng giềng túm lấy, vẻ hớt hải:

- Trời ơi! Sao bây giờ bác mới về? Hôm nay không có bác Biền thì cậu Hoàng con trai bác nguy rồi!

Ông hoảng hốt:

- Sao! Thằng Hoàng nhà tôi làm sao? Mà bác Biền nào hả bà?

- Bác Biền nhà đối diện với nhà bác chứ còn bác nào nữa! Gớm! Thằng Hoàng nhà bác bị bọn nghiện chặn đường cướp xe máy. May mà bác Biền chạy đến kịp, cứu thoát. Bác ấy bị bọn nghiện đâm thủng bụng.

Người đàn ông chao đảo không đứng vững.

Bà láng giềng đôn đáo nhắc nhở:

- Thôi! Bác về chuẩn bị rồi vào bệnh viện xem bệnh tình bác Biền ra sao!

                           *

Không hiểu có phải vì cái ơn trời bể kia mà đêm nay, ngồi trong bệnh viện, trước mặt ông hàng xóm làm nghề tự do, ông bác sĩ mới nhận ra đó là một người  hiền lành như đất?

Ông hàng xóm làm nghề tự do khẽ cười một cách vô tư:

- Ơn huệ gì đâu bác! Hàng xóm giúp nhau là chuyện thường tình. Bác không biết em đấy thôi, chứ em thì sao không biết bác với cậu Hoàng. Em còn biết tính cậu ta là vua sợ chuột nữa cơ. Hình như cái tính ấy là do di truyền từ bác thì phải.

Ông bác sĩ có ý ngượng:

- Vâng! Khổ thế! Ai cũng có cái gót chân Asin như vậy. Nhưng mà thôi! À... mà... cái hôm cụ bà vào viện, tôi có lỗi với bác quá. Xin bác xá tội cho!

Ông làm nghề tự do xua xua tay:

- Thôi! Chuyện đã rồi, bác nhắc lại làm gì cho thêm tủi. Hôm ấy, cũng vì ngại mà em không dám nói em là hàng xóm với bác. Quả thật thấy bác không nhận tiền, em cũng buồn lắm, nhưng nghĩ cho cùng thì bác làm vậy là đúng.

Ông bác sĩ, giọng buồn bã:

- Vậy mà bác chẳng chấp, vẫn liều mình vì con trai tôi. Bác đúng là bậc đại trượng phu.

Ông làm nghề tự do cười khơ khớ:

- Bác chớ nói vậy làm em xấu hổ. Chuyện vặt! Chuyện vặt mà bác...

Trước khi chào ra về, ông bác sĩ gật gù, nói một câu đầy vẻ chữ nghĩa:

- Quả là thất thố quá! Nhà tôi với nhà bác cách nhau có hai mươi mét đường chim bay mà mất đến hai mươi năm mới "bay" được đến với nhau.

Ông làm nghề tự do vỗ đùi đánh đét một cái, ra chiều tán thưởng câu triết lí sâu sắc của người hàng xóm:

Chí phải! Bác nói chí phải! Vớ vẩn thật! Đúng là chỉ có người ở phố thì mới thế! Thôi! Hẹn bác khi nào em khỏe lại mời bác sang nhà đánh một trận cuốc lủi với chân giò luộc!

Hồ Thủy Giang (VNCA)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu