A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thế cờ định mệnh

Chiếc xe du lịch đầy bụi nhanh chóng rời phà lên bến, đến gốc đa cổ thụ thì dừng lại. Một ông già to béo, bệ vệ, đầu đội mũ phớt, mắt đeo kính đen bước xuống. Sau ông là người đàn ông lịch sự, có phần hơi đỏm dáng. Từ phía bờ sông văng vẳng thánh thót làn điệu quan họ "Người về em dặn í ì i câu này… Sông sâu là sâu chớ lội mà này cũng có ơ đò đầy, đò đầy chớ ơ ớ qua…".

Họ dừng lại, chẳng biết để lắng nghe giọng hát đa tình quyến rũ hay vì sự hối hả trên đường. Họ tần ngần ngắm bãi ngô xanh mướt, con đê sừng sững uốn lượn, cái lô cốt bê tông bị che kín bởi cái sạp hàng và cây đa có đến hàng trăm năm tuổi. Rồi họ cúi thấp bước vào quán ông Chất. Ông già đứng sững trầm ngâm nhìn chủ quán, một tay bỏ kính, một tay rút khăn mùi xoa chấm khẽ lên đôi mắt một mí sáng và sắc, khẽ cất tiếng:

- Chào ông chủ.

- Không dám. Chào các ông.

Ông Chất cảm thấy là lạ. Người già thường được dự báo bằng linh tính, bằng kinh nghiệm cả cuộc đời. Những bước chân nhanh mà không vội, cái giọng nói trầm mà rõ. Tuy mắt ông không còn ánh sáng để nhận ra họ là ai, nhưng trong quầng sáng tưởng tượng, ông lại thấy hiện ra một con người. Người ấy chính là hắn. Để có thể khẳng định, ông buông một câu không lấy gì làm thân thiện:

- Các ông muốn gì?

- Tôi… Tôi muốn phá cái thế cờ ông treo trên nóc quán mà từ dưới phà mọi người đều nhìn thấy

Ông Chất hơi sững lại, đôi lông mày rướn lên, vừa như mừng vui, vừa như giận dữ.

- Xin mời. Nhưng phải nói trước nếu không phá nổi thì giá đắt đấy ông khách ạ.

- Xin vâng!

Bấy giờ ông khách mới nhìn khắp quán. Gọi là quán nhưng làm gì có gì? Một cái bệ xi măng: Một nửa vẽ bàn cờ, một nửa để ấm chén, một hộp kẹo và một hộp kính đựng mấy bao thuốc lá, một cái giường con, chắc để ông lão ngả lưng những lúc mệt mỏi, thưa khách. Mọi thứ đều lẻ loi, đơn giản, có lẽ chỉ có cái điếu cày làm bằng ống pháo sáng, được chạm khắc rất cầu kì, đặt trong chiếc vỏ bình ắc quy là đáng giá.

Khi ông Chất bỏ bộ quân cờ đựng trong túi vải dù thì ông khách ngây người ngắm nghía, đôi mắt đăm đăm, vầng trán rộng nhăn lại như đang nghĩ về một kỉ niệm xa vời. Bộ quân cờ bằng sừng nhẵn lỳ, đen nhẫy, đặc biệt là các chữ viết vừa sắc nét, vừa bay bướm mà chắc chắn những đồ nho ít chữ, những tay thợ bình thường không thể nào có được. Ông khách ngắm bộ quân cờ rồi lại nhìn ông Chất. Ông giơ hai tay về phía trước, miệng há hốc, nhưng rồi lại rụt tay về, từ từ ngồi xuống.

- Nào! Xin mời ông.

Ông Chất cao giọng thách thức.

- Vâng. Tôi xin phép. Mã một tiến ba.

- Được. Tướng năm tiến một. Ông làm ơn đi giùm tôi.

- Ông… Ông…

Ông khách thốt lên những tiếng đứt quãng, nhìn sâu vào cặp kính chủ quán nghi ngờ, ái ngại.

- Có vậy tôi mới nhờ ông. Ông đi tiếp đi.

- Vâng. Xe bảy bình năm.

- Ông thí xe à.

- Vâng.

- Chắc ông đã giải thế này rồi.

- Vâng! Nước chủ chốt là nước thứ chín, thí nốt xe. Sau đó dùng mã tốt chiếu hết. Nếu bên ông đi đúng thì phải mười chín nước mới kết thúc. Đã bốn mươi năm tôi mới lại có dịp được giải thế cờ này.

Nhanh như cắt, tay trái ông Chất tóm chặt khuỷu tay ông khách, tay phải bóp chặt bả vai, ngón cái điểm huyệt trung phế.

- Dũng! Mày là thằng Dũng phải không?

Đồng thời với những động tác nhanh chính xác mà người ta không thể ngờ rằng một người khiếm thị lại có thể thực hiện được và câu hỏi bật ra từ cái miệng đã bắt đầu thều thào kia, là những hình ảnh của một quá khứ xa vời, khắc vào thời gian những mảng sáng hào hùng, những mảng đen bi thảm.



 Minh họa: Lê Tiến Vượng


Ông Chất còn nhớ như in cái buổi tối mùa thu cách đây bốn mươi năm. Khi mà mẹ Chất phải vất vả lắm mới kiếm đủ mấy chục cau, nửa lít rượu sang nhà ông Phán Thơ hỏi Thắm cho Chất, thì đúng lúc ấy bố mẹ Dũng cũng cho người bưng mấy mâm cau, gánh mấy vò rượu, mấy tút thuốc Côtáp, lại còn chục gói chè ngon để xin ông bà Phán cho Dũng làm tế tử. Ông bà Phán chẳng biết xử lí ra sao vì cả hai tuy giàu nghèo khác nhau nhưng đều là những người hàng xóm tối lửa tắt đèn, nghĩa tình trọn vẹn. Chất, Dũng, Thắm cùng ở đội điệp báo đã lập được nhiều chiến công, lại thương quý nhau như anh em. Dũng là con nhà khá giả nên được học cả chữ Nho, chữ Tây, chữ Quốc ngữ, lại điềm đạm thông minh, dũng cảm, mưu trí, luôn là chỗ dựa cho cả đội. Chất tuy nhà nghèo nhưng sáng dạ, khéo tay, thật thà, tốt bụng, chỉ phải cái tính nóng như lửa. Còn Thắm, Thắm là niềm tự hào của cả làng vì cô đã đẹp lại dịu dàng, thông minh, trong chiến đấu lanh lợi, mưu lược chẳng thua gì cánh con trai. Khi ông Ô Phi Hà về làng dạy võ, trừ Dũng, Chất, còn lúc nào Thắm cũng thi đấu ngang ngửa với trai làng. Kể ra thì Chất và Dũng đều xứng đáng làm chồng Thắm. Bí quá, ông Phán mới bày ra trò giải cờ thế. Nếu ai giải được cái thế ông gọi là ''Tiết nhân Quý nhất mã tranh hùng'' thì ông sẽ nhận làm con rể. Nói về văn thì Dũng hơn Chất, võ bất phân thắng bại, chứ còn cờ tướng thì Chất chấp Dũng một mã. Đất Lạc Thổ quê Chất nổi tiếng nhiều ''Đế Thích''. Vùng Kinh Bắc, rồi cả tận xứ Đông, xứ Đoài, hội hè có tổ chức thi đấu cờ thì thế nào cũng có người Lạc Thổ. Danh thủ các nơi không những mến mộ tài đức các đấu thủ đất Hồ mà còn say mê thích thú những thế cờ do các bậc tiền bối bày ra. Cái thế này Chất cũng đã có lần nghe nói là phải thí cả hai xe, thế mà Chất vào giải đến nước thứ chín đã phải chịu thua. Đến lượt Dũng, Chất tin là Dũng cũng như mình, nào ngờ Dũng đi ào ào như đã học thuộc lòng, đến nước thứ mười chín thì ông Phán vỗ đùi.

- Giỏi ! Giỏi ! Đây là thế cờ mà ông nội tôi nhờ phúc lộc lập được cơ nghiệp, tôi cũng nhờ phúc mà được thế này. Làng ta là làng cờ nổi tiếng mà đã ai giải được đâu? Thế mà anh giải được. Giỏi, giỏi. Tôi xin chấp nhận anh là rể.

Chất điếng người. Thế là hết. Lời nói của ông Phán là đạo lý, là tờ giá thú không ai có quyền thay đổi. Chỉ có điều Chất không hiểu tại sao Dũng lại làm như vậy? Anh cũng biết Dũng rất yêu Thắm, nhưng khi anh ngỏ lời, Dũng đã âm thầm nén tình cảm riêng, nhiều lần giúp anh hòa giải những lúc Thắm giận hờn. Với Thắm, Dũng là người bạn tốt nhất từ hồi còn để chỏm, là người đồng chí vào sinh ra tử trong những trận đấu trí, đấu lực với kẻ thù. Chất biết chưa bao giờ Thắm yêu Dũng. Với anh thì khác. Thắm đến với anh tự nhiên như bướm đến với hoa, êm đềm như đàn cò trắng sải cánh qua đồng làng. Chất đã dìu Thắm vượt sông Đuống trong cái đêm đại náo đường 38. Cả hai ngất lịm bên bờ cát, đã cuồng nhiệt ôm nhau khi biết tên quan ba Đờxăngê khét tiếng tàn bạo đã bị trừ khử. Và lần ấy, lần sau nữa, sau nữa Thắm đã trao gửi cả đời mình cho Chất. Chẳng nhẽ Thắm đã quên hết rồi sao? Không, Chất phải gặp Thắm, nếu cần thì nói toạc ra cho cả ông bà Phán biết. Chất làm hiệu cho Thắm ra cổng. Thắm như người mất hồn đổ ập vào người Chất nức nở, rồi bỗng nín bặt dằn giọng như một mệnh lệnh: "Anh hãy quên em đi. Từ tối nay em đã là vợ anh Dũng rồi". Chất há hốc mồm, vừa ngạc nhiên, vừa uất ức. Chất không cam chịu. Anh tức tưởi chạy một mạch về nhà dắt khẩu cônbát hằm hằm sục vào nhà Dũng. A! Lại cả Thắm. Hai khuôn mặt xanh xanh đỏ đỏ, nhăn nhăn nhó nhó, chẳng biết đang khóc hay đang cười. Chất chỉ muốn nhổ toẹt vào hai cái mặt ấy, găm vào hai cái miệng xoen xoét kia một loạt đạn rồi ra sao thì ra. Anh rút súng chĩa về phía hai người. Một vật gì bay trúng trán, mắt anh hoa lên. Khi tỉnh lại chỉ thấy mẹ anh ngồi bên, buồn rầu khuyên giải. Anh vùng dậy định đi tìm Dũng, Thắm một lần nữa. Mẹ anh níu lại vừa khóc vừa nói:

- Con ơi! Ở đời không gì bằng có của. Người ta phụ bạc chẳng thấy đâu, chỉ mình chuốc lấy tiếng ghen tuông.

Bà cụ đóng chặt cửa buồng, canh chừng anh suốt đêm.

Sáng hôm sau cả làng nháo lên, bảo đêm qua Dũng, Thắm sợ Chất trả thù đã bỏ lên đồn theo Tây, làm Việt gian bán nước. Suốt nửa tháng sau, Chất tìm cách lọt vào bốt Hồ quyết tiêu diệt hai tên phản bội, loại bỏ hai kẻ lạc loài bôi nhọ đạo hiếu trung nghĩa mà ông cha đã ngàn năm gìn giữ. Đến khi trên thông báo Dũng, Thắm được quan thầy đưa đi Hà Nội, rồi Sài Gòn, Chất thấy hẫng hụt buồn chán, xin đi thoát ly vào quân chủ lực. Nói đúng hơn là Chất muốn chạy trốn, chạy trốn khỏi nỗi xấu hổ ê chề, khỏi sự tổn thương, chạy trốn những gì đẹp đẽ thân thương mà ba người đã có từ thủa ấu thơ. Rồi cũng nguôi ngoai chút ít cho đến sau trận đánh kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ thì những kỉ niệm ấy lại trỗi dậy mãnh liệt, giày vò Chất có lẽ suốt cả cuộc đời. Trận ấy đại đội chủ công của Chất được vinh dự trao lá cờ Quyết chiến Quyết thắng. Buồn thay trận đánh đang lúc quyết liệt nhất, Chất bị bom napan cháy xém mặt mày. Đôi mắt cũng vĩnh viễn không còn ánh sáng. Chân trái lại bị mảnh pháo găm trúng bánh chè, phải trao quyền chỉ huy đại đội cho đại đội phó, lên đường về hậu phương.

Hòa bình, Chất xin về quê. Chao ôi, mẹ đã già yếu lắm rồi, chỉ mong Chất mau mau lấy vợ đẻ cho cụ một lũ cháu để cụ bế, cụ bồng. Nhưng Chất không làm sao quên được Thắm, có lúc còn như thấy đã có lỗi với cô. Đã thế cái mặt đầy sẹo, đôi mắt đui mù làm Chất đi đến quyết định suốt đời ở vậy. Năm ngoái nghe tin vợ chồng Dũng ở Mỹ làm ăn giàu có lắm, đang chuẩn bị về thăm quê cung tiến tiền của khôi phục làng cờ, làng tranh, Chất bèn nảy ra ý định mở cái quán bày cờ thế, cái thế đã đẩy Chất đến tận cùng sự đau khổ nhưng cũng là cái thế vạch mặt chỉ tên lũ người bạc tình phản bạn. Cũng chỉ là chơi đỏ đen cùng số phận, chứ hy vọng gì gặp hắn. Thế mà giờ đây lại chính là hắn.

Ông khách vẫn điềm nhiên như còn đang mơ màng hồi tưởng. Rồi hai tay nắm lấy cánh tay ông Chất nói khẽ, giọng rất buồn:

- Vâng! Tôi đây. Dũng đây. Nhưng chuyện của chúng mình không như lâu nay người ta vẫn biết đâu.

- Bịp bợm. Đồ bịp bợm - Ông Chất gầm lên.

- Anh hãy bĩnh tĩnh nghe tôi nói: Bốn mươi năm qua chưa bao giờ Thắm là vợ tôi, chưa bao giờ cô ấy quên anh, cũng như chưa bao giờ anh mất cô ấy.

Ông Chất há hốc mồm, buông thõng hai tay ngờ vực, căng thẳng. Lúc này mới thấy ông tàn tạ đau khổ hơn lâu nay mọi người vẫn tưởng: Vóc người cao lớn nay còng xuống giữ thăng bằng cho đôi chân cứng khớp, mặt đầy sẹo chỗ đỏ, chỗ đen, hai hốc mắt biến dạng núp sau cặp kính đen u tối, cái bướu to xám lù lù trên trán khiến khuôn mặt đã buồn lại càng thêm thất vọng, cô đơn.

Ông Dũng tiếp tục câu chuyện bằng một câu hỏi:

- Anh còn nhớ anh Đình không?

Ông Chất gật đầu.

- Chính anh ấy là người đạo diễn việc bố mẹ tôi đến hỏi trầu cau Thắm, đạo diễn thế cờ "Tiết nhân Quý" gì đó, vì chỉ có tôi và Thắm thích hợp cho nhiệm vụ đặc biệt sau này. Thắm đã đau khổ vật vã, đã có lúc định bỏ nhiệm vụ trở về với anh. Năm 1961, chúng tôi bị mật vụ Ngô Đình Cẩn phát hiện vây bắt. Thắm đã bình tĩnh mưu trí đánh cản đường để tôi đem tài liệu thoát vây. Trận ấy, Thắm hy sinh.

- Trời ơi!

Ông Chất gục xuống, người đàn ông đứng tuổi vội đỡ lấy ông, đặt ông ngồi xuống.

Ông thều thào :

- Tôi… Tôi không sao. Ông kể tiếp đi.

- Vâng. Bọn giặc cay cú đã lột hết quần áo, bêu xác cô ấy hai tuần, phải nhờ đến lực lượng sinh viên đấu tranh bà con mới lấy được xác đem đi chôn cất. Lúc chia tay, Thắm dặn tôi: "Anh gặp má Bẩy, bảo má đưa lại những thứ em gửi má. Nếu còn đến ngày toàn thắng, anh hãy đưa tận tay anh ấy. Được vậy em có chết cũng yên lòng". Hai tháng sau tôi mới gặp má Bẩy. Má đưa cho tôi túi nhỏ này.

Vừa nói ông Dũng vừa rút từ trong ngực áo một túi vải màu tím đưa cho ông Chất. Ông Chất lập cập lần lần cởi sợi dây đỏ, rút từ trong túi ra một phong thư và một quân cờ sừng. Đúng là bộ quân cờ ngày ấy. Thảo nào tìm đâu cũng không thấy quân tốt trắng. Ai ngờ…

- Anh có cần tôi đọc thư của Thắm không?

- Không. Tôi biết Thắm viết cho tôi những gì. Tôi muốn coi đây là những kỉ vật mãi mãi huyền bí. Bây giờ ông kể tiếp đi.

- Sau trận ấy tôi phải chuyển công tác, nhưng vẫn được ở trong ngành. Năm 1967 tôi mới xây dựng gia đình, cũng là theo yêu cầu nhiệm vụ. Bây giờ mình đã già rồi và cũng tạm gọi là hoàn thành nhiệm vụ, tôi sẽ xin nghỉ hưu về quê với ông, ta làm lại tình bạn như khi còn Thắm. Nhà tôi đang mệt còn đang ở trong Tp HCM. Hôm nay chỉ có tôi và cháu đây.

Ông Dũng, một tay cầm tay người đàn ông đứng tuổi, một tay cầm tay ông Chất kéo sát vào nhau.

- Cháu tên là Kì - Vương Văn Kì. Cháu là con Thắm, là con trai anh đấy!

Ông Chất rụt vội tay lại, đứng bật dậy:

- Sao? Ông nói sao? Ai là con tôi? Mà tôi làm gì có con?

- Xin anh bình tĩnh. Khi Thắm và tôi ra đi, Thắm đã không dám báo cáo tổ chức là đang mang thai. Tám tháng sau Thắm sinh con trai. Cô ấy nói là con anh, chắc xem thư anh sẽ rõ. Bây giờ anh có nhận không nào?

- Vâng! Vâng! Tôi nhận. Tôi không ngờ…

 Rồi ông lao cả người về phía trước, chới với, suýt nữa ngã sấp xuống bàn cờ, thảng thốt kêu lên:

- Con! Con ơi!

Người đàn ông có cái tên Vương Văn Kì ngơ ngác, quay lại hỏi ông Dũng:

- Bố. Thế là thế nào? Ông đây là…

- Là bố đẻ của con.

Kì vòng đôi tay rắn chắc ôm lấy ông Chất, gục đầu vào vai ông, toàn thân rung lên, gọi trong tiếng nấc:

- Bố ơi!

Ông Chất ôm lấy con, hai tay sờ soạng, ông muốn tìm lại bóng hình Thắm. Ông rên lên:

- Con! Con ơi! Thắm ơi!

Hai hốc mắt đen ngòm của ông chuyển màu đỏ hoe. Từ nơi ấy hai dòng nước mắt mặn chát tuôn ra như đã bị ứ đọng quá lâu qua bao nhiêu năm tháng. Ông buông con ra quay về phía ông Dũng.

- Ông Dũng. Ông Dũng đâu. Tôi thật có lỗi. Tôi hồ đồ, nhỏ nhen, ti tiện quá. Tôi làm khổ ông, khổ Thắm. Tôi không xứng. Xin ông tha thứ cho tôi.

Rồi ông quỳ xuống:

- Tha thứ cho tôi!

Ông Dũng vội vàng xốc nách, dìu ông đứng dậy:

- Anh đâu có lỗi mà tha. Chẳng qua chỉ vì chiến tranh.

Rồi ông cầm lấy mấy quân cờ, nói rất vui:

- Cũng bộ quân cờ này, cũng thế cờ này năm xưa chia lìa đứt đoạn, năm nay lại giúp chúng mình sum họp bè bạn, cha con. Hay, hay thật!

Ngoài cửa quán vang lên một giọng nói khỏe, lễ phép:

- Thưa Đại tá, mời Đại tá ra xe. Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã ra tận đây đón Đại tá.

- Vâng. Tôi ra ngay. Anh thu xếp giúp bác Chất đây rồi đưa bác và Thiếu tá về cả thể.

Ông quay lại đã thấy một đoàn người ăn mặc chỉnh tề đứng trước quán ông Chất. Thì ra họ đã im lặng chứng kiến cuộc gặp gỡ sau bốn mươi năm của những người con ưu tú làng cờ.

Đoàn người, xe con, xe máy, xe đạp lướt lên đê như cuộc hành quân chưa bao giờ dừng lại...

Hoàng Giá (VNCA)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu