A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ phiên giữa lòng thành phố

Nói đến chợ phiên, người ta thường nghĩ ngay tới nét sinh hoạt văn hóa của người dân ở những vùng núi cao hoặc những vùng nông thôn xa đô thị. Mấy ai nghĩ rằng vẫn có một phiên chợ được họp đều đặn hàng tuần ngay giữa lòng thành phố. Một phiên chợ còn nguyên vẹn vẻ nhộn nhịp và những nét độc đáo của chợ truyền thống khi xưa. Một phiên chợ từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân thành phố cảng quê tôi. Ấy là phiên chợ Hàng.



Chợ Hàng họp vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần. Tôi không biết chợ có từ bao giờ, nghe ông tôi nói hình như từ thời Pháp. Còn tôi chỉ biết khi còn bé, tôi đã được theo ông ngoại đi chợ. Trong nhận thức của tôi ngày ấy, nếu theo mẹ đi chợ là đi mua thức ăn ở chợ thông thường, còn đi chợ với ông là được đi chơi, đi ngắm cây cối và những con vật vô cùng ngộ nghĩnh. Những thứ lạ lẫm ấy luôn gây hứng thú đối với những đứa trẻ thành phố chúng tôi, đến nỗi mỗi lần đi chợ là một lần tôi ao ước giá như mình được ở nông thôn, có mảnh đất và một cái sân rộng để có thể trồng cây và nuôi những con vật mà mình thích. Ông tôi cũng trồng cây, nhưng toàn trồng trong chậu. Mấy cái chậu nhựa hỏng được ông chằng dây thép rồi đổ đất trồng cây trong đó. Này là húng quế, kinh giới, tía tô. Kia là khóm gừng hay cây ớt. Có cả mấy chậu hoa mười giờ, hoa sam Nhật được trồng tươm tất hơn trong mấy cái chậu bằng đất nung. Ông tôi cũng nuôi chó, có lúc có đến ba bốn con, con nào cũng đẹp, cũng  khôn. Tôi không biết việc nuôi trồng những cây, con ấy trong sự chật chội của phố phường có ý nghĩa với ông như thế nào. Nhưng tôi biết chắc một điều: tất cả những cây ấy, con ấy đều được ông mua giống ở chợ Hàng bởi mỗi sớm chủ nhật, tôi đều thấy ông đi. Khi muốn cho tôi đi cùng, ông thường bảo: “ Ông đi chơi chợ đây, có theo không?”. Đến bây giờ tôi mới thấy cái khái niệm “đi chơi chợ” thật là độc đáo. Người ta đi chợ là để bán mua, còn những người đi chợ Hàng như ông tôi chủ yếu là đi chơi. Một thú chơi thật lạ.

Nhà tôi ở gần chợ, chỉ cần đi bộ một lúc là tới nơi. Ngày ấy, chợ họp trên một bãi đất rộng. Hình như không có cổng (hoặc có nhưng vì đông người quá, mải chen chúc mà tôi chẳng bao giờ nhìn thấy cũng nên). Thứ thường cuốn hút tôi đầu tiên là gian hàng bán cá chọi ngay cổng chợ. Trên một cái giá bằng gỗ nhiều tầng, người ta bày đầy những chai thủy tinh. Trong mỗi cái chai chứa lưng lửng nước ấy là một chú cá chọi. Con màu đỏ tía, con màu xanh lam. Con nào cũng có những cái vây sặc sỡ, dài thật dài, mềm mại uốn lượn như những dải lụa nhỏ xíu. Ngay bên cạnh đó, một đám người đang  túm tụm vào nhau, hò reo huyên náo. Thì ra người ta đang chơi chọi cá. Cho hai con cá vào chung một chai, xóc nhẹ rồi đặt xuống, xoáy nước trong chai đang còn xoắn tít thì hai con cá đã lao vào nhau. Chúng xù vây, lừa miếng, đớp vào đối phương tới tấp, con nào đuối sức bỏ chạy trước là thua. Có con chọi thắng hai hiệp mà còn hăng và sung sức, dẫu vây bị rách tươm vẫn có người muốn mua. Cả cái cách chọn được một con cá có “máu chọi” cũng là một điều thú vị mà tôi học được qua những lần say sưa ngắm nghía ấy. Người ta lấy một cục hắc ín độ bằng đầu ngón tay, gắn lên đầu que tre rồi vê tròn, đưa phần màu đen sát vào thành chai dử dử. Con cá trong chai nào xù vây mổ tới tấp về phía ấy là con cá chọi tốt. Người chen chân đến gian hàng này mỗi lúc một đông, nếu không có ông kéo đi, không biết bao giờ tôi mới có thể dời khỏi chỗ ấy.

Bước chân vào chợ là bước vào thế giới của các loại cây. Gi gỉ gì gi, cây gì cũng có, từ các loại cây giống nhỏ xíu cho đến những cây ăn quả, cây cảnh, cây bóng mát đã to. Mỗi loại cây tập trung thành một góc riêng khiến cho người mua cũng dễ tìm. Các loại rau giống được người bán gói thành từng gói trong những chiếc lá chuối, buộc dây rơm, mỗi gói chỉ độ dăm cây. Với những cây giống to hơn được ươm từ cành già như rau ngót, sắn dây… thì người ta buộc thành từng bó to hoặc cuộn thành từng vòng tùy loại, trên thân cây nào cũng đã bắn ra những mầm xanh xiu xíu rồi. Ở đây bán cả những cây khế, cam, bưởi… do người ta triết cành, tuy thấp lè tè nhưng đã có hoa quả chi chít. Cuối dãy này là những hàng bán cây cảnh. Những cây hoa đủ chủng loại, đủ màu sắc rực rỡ được trồng trong các chậu sành hoặc đất nung. Riêng phong lan, nếu không phải là cây mọc tự nhiên trên các đoạn thân cây mục thì sẽ được trồng trong những chiếc gáo dừa cũ kĩ mốc meo. Những cây sung, cây si được uốn theo nhiều thế khác nhau. Những cây thiên tuế, vạn tuế lá vươn dài xanh ngăn ngắt…Có cả những gốc lũa to, sần sùi, hình dáng kì lạ cũng được bày bán ở đây. Những người khách lạ hẳn cũng có khi thắc mắc sao chợ bán cây nhiều thế mà không bán hoa tươi. Đó là vì ở nội đô Hải Phòng, hoa tươi được bán buôn tập trung ở chợ Lũng – một chợ hoa riêng họp từ nửa đêm về sáng của mỗi ngày. Còn bình thường, ai muốn tìm hoa về cắm đều dễ dàng mua được từ những gánh bán rong, từ vô số những cửa hàng hoa tươi dọc tuyến phố Lạch Tray và khu vực Nhà hát lớn.

Một góc nhộn nhịp khác của chợ Hàng là nơi bán con giống. Đủ các loại giống vật nuôi. Những chú gà con trong cái lồng tre luôn miệng kêu rộn lên chiêm chiếp. Những chú ngan non với bộ lông vàng ươm như cuộn tơ. Đàn lợn con da hồng hào, chen chúc dụi vào nhau kêu eng éc. Trong mấy cái lồng sắt, lồng tre xinh xinh, đám chim sẻ, chim cu gáy, vẹt… cũng góp thêm những âm thanh, màu sắc của riêng mình để làm ồn ã và sặc sỡ thêm cả một góc chợ.  Dường như ở góc chợ này, người ta trao đổi, bán mua thứ mà mình tự nuôi hơn là buôn đi bán lại. Một bà cụ bán đàn chó con mũm mĩm đựng trong cái thúng cũ kĩ. Một cậu bé bán đôi mèo tam thể xinh xắn đặt trong cái hộp các-tông con con. Một bác trung niên bán vài con thỏ hay một cô công nhân tranh thủ ngày nghỉ mang đi bán mấy con chim câu mới ra ràng. Tôi còn phát hiện ra một điều thú vị khác khi đứng xem mua bán con giống. Người mua mặc cả không nhiều, không kì kèo thêm bớt lâu, người ta quan niệm nếu mua bán chặt chẽ quá thì con vật nuôi sẽ lâu lớn. Sau khi thỏa thuận giá, người mua trả tiền. Và người bán không quên đưa lại cho người mua mấy đồng tiền lẻ, gọi là tiền ra giống cho vật nuôi hay ăn chóng lớn. Dẫu đã mua xong thứ mình cần, người ta vẫn cứ chen chân nhau đi lòng vòng ngắm nghía. Chưa kể có nhiều người ban đầu chỉ định đi chơi, nhưng lúc ra về cũng tay xách nách mang đủ thứ, những thứ mà họ thích không thể cưỡng lại được khi đã tới đây. Đi chợ từ tảng sáng tới lúc vãn chợ đã giữa trưa, ai cũng hể hả hài lòng với cây con giống hoặc một vật dụng nào đó mình vừa mua được.

Lâu lắm rồi tôi mới lại có dịp về chơi chợ Hàng. Chợ mới bây giờ có hẳn một cái cổng to và rất đẹp. Tên chợ được khắc màu đỏ nổi bật. Nền chợ được làm bằng bê tông sạch sẽ. Các dãy bán hàng cũng được sắp xếp trật tự hơn. Nhưng không khí bán mua trong chợ vẫn dân dã như thế, thậm chí còn có vẻ còn náo nhiệt hơn xưa bởi thêm nhiều du khách tới thăm. Dạo quanh một vòng, tôi không khỏi ngạc nhiên vì vẫn thấy gian hàng bán các loại rổ rá rế, đòn gánh, lạt buộc bằng tre còn đó. Chỉ có điều mái tóc của bà bán hàng đã lốm đốm bạc chứ không còn đen như khi xưa. Chợ bây giờ cũng thêm nhiều mặt hàng phong phú khác. Đặc biệt ở dãy bán vật nuôi còn có hẳn một quầy hàng chỉ bán quần áo dành riêng cho chó mèo. Không biết còn nơi nào có cái quầy bán trang phục đặc biệt như thế này không nhỉ?

Lâu lắm rồi tôi mới lại nhìn thấy những mẹt cốm xanh non với hương thơm dìu dịu, ngòn ngọt của nếp mới, những chiếc bánh cốm nhân đậu xanh nức mùi va ni. Lâu lắm rồi tôi mới lại được sì sụp, xuýt xoa với bát canh bánh đa đỏ nấu với cua đồng nóng hổi, thơm lừng mùi hành phi, bắt mắt với màu xanh giòn của rau muống chẻ, màu nâu xen trắng của hoa chuối thái rối. Và còn nhiều nhiều những món ăn dân dã khác với giá rất bình dân. Không quá khi bạn tôi nói: “Đi chơi chợ Hàng, nếu không dừng chân ghé vào dãy hàng ăn thì sao có thể cảm nhận trọn vẹn những điều độc đáo của phiên chợ này” .

Chợ Hàng bây giờ bán rất nhiều giống chó đẹp, các loại chim cảnh, cá cảnh cũng phong phú hơn rất nhiều nhưng tôi không thấy hàng bán cá chọi đâu nữa. Có thể chưa đến mùa, cũng có thể trẻ em thành phố bây giờ không chơi trò chọi cá nữa chăng? Mà nếu gian hàng cá chọi không còn nữa cũng chẳng sao, có những thứ mất đi để những cái khác được sinh ra, phát triển hơn gấp bội, đấy mới là quy luật của cuộc sống muôn đời. Quan trọng nhất là những nét độc đáo chung nhất, xưa nhất vẫn còn tồn tại, được lưu giữ đến tận bây giờ và mãi đến mai sau.

Về chơi chợ Hàng, tôi vẫn được gặp lại nếp sinh hoạt quen thuộc của những ngày xưa cũ. Dù bây giờ thành phố đã đông đúc, náo nhiệt hơn gấp nhiều lần. Dù bây giờ các chợ và siêu thị lớn nhỏ mọc lên san sát khắp phố phường. Dù cuộc sống hiện đại sôi động và tiện lợi hơn gấp bội thì nơi đây vẫn tồn tại một phiên chợ Hàng vào sáng chủ nhật mỗi tuần. Một phiên chợ giữa lòng thành phố nhưng vẫn còn vẹn nguyên chất dân dã thôn quê.

Hải Phòng, cuối xuân 2012.

Đặng Thị Thúy (VanVN.Net)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu