A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quê nội

Vừa đến cái tuổi biết theo các anh các chị ra đồng mò con cua, kiếm con tép phụ vào bữa cơm của bà, của mẹ thì bố tôi được cơ quan điều chuyển công tác từ thị xã ra Hà Nội. Cái ngày nhà tôi chuẩn bị đồ đạc cũng đúng vào buổi mưa ngập trắng đồng, mà cứ theo lời nội, sau khi nước rút đem nơm ra đồng là tôm cá ăn vài ngày chẳng hết. Nội không đi cùng gia đình ra thành phố với cái lý do, đời nội đã gắn với làng quê, với hương lúa, giờ mà dứt ra e rằng không đặng…



Thế là nội ở lại, trong sự luyến nhớ da diết của ba anh em tôi. Từ khi sinh ra, lẫm chẫm biết đi, chúng tôi đã bám áo nội khắp trong làng ngoài xóm, cả trong giấc ngủ trưa êm đềm cũng bện hơi ấm và lời ru mặn mòi của nội. Vậy mà…

Mặc dù tháng nào bố mẹ tôi cũng gửi tiền về quê, nhưng cả nhà vẫn không yên tâm khi tuổi già như chuối chín cây,  một mình nội đêm hôm khuya khuắt trong căn nhà trống trải hơi ấm và tiếng cười con trẻ…chỉ dám yên lòng mỗi lần về thăm vẫn thấy khói bếp bảng lảng tràn qua nếp rạ, nghe tiếng chổi tre xào xạc trước sân nhà, vườn rau xanh tốt, vườn cà đơm hoa…

Lần nào về thăm nội cũng hiếm khi thấy bà trong nhà, cứ luôn tay luôn chân như thế, nội bảo thấy mình khỏe ra, giờ mà ngồi một chỗ thì e rằng con cái phải về đây mà phục vụ. Bảy mươi bảy tuổi, nhưng nội vẫn quán xuyến đủ việc, nhất là hai thửa ruộng bố tôi đã mấy lần gay gắt đòi cho người ta làm, nhưng nội nhất quyết không đồng ý. Bà luôn có cái lý riêng của mình, rằng ngoài Hà Nội, nông dân mất ruộng vì người ta lấy đất làm dự án, khu công nghiệp nên phải bó gối ngồi không, chịu mua gạo, thực phẩm ngoài thị trường với giá…cắt cổ, mình còn đất, còn khỏe, tại sao phải cho thuê chứ. Một năm nội vẫn cần mẫn hai vụ lúa, những hạt lúa không căng mẩy như ruộng nhà người ta, nhưng hạt gạo lại đậm đà khó nhà nào sánh bằng.

Mỗi bữa cơm, nội tôi vẫn thích ngồi đầu nồi, nội bảo, cái tính đã quen thì khó bỏ. Giống như làm ruộng cũng vậy, đã giữ được nghề trồng lúa, thì cũng phải giữ được cái cách trồng và chăm bón truyền thống. Chứ đâu phải như người ta, vì lợi nhuận mà cứ nhắm mắt làm liều, thuốc sâu phun tràn lan, phân đạm, phân lân thúc tới tấp, hạt gạo cứ căng mẩy, bóng mượt nhưng ăn nhạt hoét, chẳng còn vị ngọt thơm đậm đà vốn có. Bố tôi nghe xong thường đùa, gớm, câu chuyện nào bà kể cũng như  bài học lý thuyết của một bà giáo già mà học sinh đã thuộc làu tự bao giờ.

Không chỉ có công việc của bố mẹ bận rộn mà chúng tôi cũng căng thẳng với đủ thứ học thêm nên bữa nào về thăm quê nội cũng vội vàng. Và mỗi lần ra, lần nào cũng vậy, yến gạo, tải rau, quả bí…kĩu kịt khiến bố cứ phải "ngoại giao” với mấy bác tài để nhờ xe. Bố bảo, không mang về là nội lại tủi thân, cả tháng trời chăm chút ruộng vườn, không phải nội lo cho bản thân mà muốn dành chăm sóc cho con cháu và lấy đó làm hạnh phúc của tuổi già…Tôi tin lời bố nói, bởi cứ nhìn thấy dáng cái dáng hao gầy liêu xiêu tiễn cháu nơi đầu ngõ, rồi lại tất tả sớm hôm với ruộng vườn, mà thấy xót lòng…Nội ơi!


Nguyễn Ngọc Hải (Đại đoàn kết)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu