A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Buồn, vui chuyện in sai thơ

Nhà thơ Xuân Miễn (1922-1990) quê làng Bình Trì, xã Liêm Truyền, huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam 1957, tham gia cách mạng tháng 3/1945, là bộ đội chiến đấu nhiều năm ở An Phú Đông (Nam Trung Bộ). Năm 1954 ông tập kết ra Bắc,làm phóng viên, rồi phụ trách trang văn hóa văn nghệ báo Quân đội nhân dân, biên tập viên thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà thơ Xuân Miễn xuất bản tập thơ đầu Rung động (1938), các tập thơ tiếp theo: Lửa binh (1948), Gói đất miền Nam (1960), Những chặng đường hành quân (1971) và An Phú Đông (1982).

Trong tập bản thảo thơ “An Phú Đông” có bài “Nhớ miền Đông”, có hai câu hay nhất:

“Miền Đông gian khổ mà anh dũng
Đôi lúc tương tư một Tán đường”

Khi lấy sách về, nhà thơ giở ra thấy nhà in sắp chữ sai: “Một tán đường”, thành “Một tấn đường”. Lúc đó, nhân có nhà thơ Tạ Hữu Yên đứng bên, Xuân Miễn nói: “Một tán đường bằng 1/8 hay 1/10 bao diêm thôi. Ấy thế mình vẫn “tương tư”, thế mới biết mình nhớ miền Đông Nam Bộ da diết chừng nào. Mình có hàng chục năm sống, chiến đấu ở đó. Tình đồng đội, tình quân dân như cá với nước, sâu đậm lắm. Thế mà khi in sách, nhà in đã sắp chữ kiểu gì mà câu thơ đổi nghĩa hẳn “Đôi lúc tương tư một tấn đường”. Từ tán thành từ tấn, xem ra nặng biết chừng nào. Tương tư một tấn đường thì mối tương tư to và nặng quá, mình mang sao nổi. Bình luận một hồi chuyện sai sót này rồi cả hai nhà thơ quân đội cười nghiêng ngả.

Cũng là chuyện in thơ sai, nhưng lại ở một hoàn cảnh khác. Vào năm 1955, nhà thơ Nguyễn Bính cho xuất bản bài thơ dài hàng mấy trăm câu, theo thể song thất lục bát có tên là “Gửi vợ miền Nam”. Nội dung bài thơ nêu lên nỗi nhớ vợ con ở miền Nam khi người chồng ra Bắc tập kết đã một năm. Người vợ ở lại nuôi con, trông chờ chồng. Những ngày tháng đó, sống trong vùng địch kiểm soát, người vợ bị tra tấn, áp bức vẫn nuôi nấng, chở che con. Trong bài nhà thơ viết có câu:

“Lấy thân làm bức thành đồng cho con”

Khi xuống nhà in, đọc bản bông, câu thơ được in là:

“Lấy thân làm bức thành đồng che con”

Nhà thơ sung sướng reo lên: “Hay quá! Che con hay hơn cho con”, thật là trời cho chữ”.

Sự che chở cho con biểu hiện lòng dũng cảm quyên sinh của người mẹ, tất cả tương lai của con. Đó là người mẹ miền Nam anh hung thành đồng bất khuất.

Lê Hồng Bảo Uyên


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu