A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quách Tấn viết báo tố cáo

Nhà thơ tiền chiến Quách Tấn vào những năm ba mươi của thế kỷ trước, làm việc ở Toà Sứ Đà Lạt. Ở đây có tên Phó Sứ tên là Ginouvès người Pháp rất hống hách.

Có lần y mắng một ông phán dưới quyền tuổi bằng tuổi cha y: “Ông làm việc như một con lợn”. Ông phán nọ giận run người, không nói nên lời. Quách Tấn vốn người Bình Định cương trực, thấy vậy, không chịu nổi, liền xui ông phán nọ phát đơn kiện.

Thấy ông phán nọ có ý ngại, muốn nuốt hận bỏ qua, Quách Tấn liền viết bài tố cáo sự việc trên báo Tiếng dân ở Huế của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Dư luận lập tức xôn xao. Toà Khâm điện vào Toà Sứ Đà Lạt yêu cầu điều tra. Toà Sứ Đà Lạt cuối cùng lần ra manh mối, có ý nghi ngờ Quách Tấn là tác giả của bài báo.

Quách Tấn bị gọi lên, Chánh sứ Đà Lạt hết đập bàn đập ghế, quát tháo, doạ nạt, lại nắm hai vai Quách Tấn giật thét, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Muốn biết ai là tác giả, xin cứ hỏi toà báo”, cuối cùng, tức quá liền xô thi sĩ ngã ngửa và đuổi ông ra khỏi phòng làm việc.

Đã tưởng phen này sẽ bị sa thải, nào ngờ sau đó vẫn thấy nhà thơ ngày ngày cắp cặp tới công đường. Thì ra, sau đó, Toà sứ Đà Lạt điện ra hỏi Toà soạn báo Tiếng Dân thì được cụ Huỳnh Thúc Kháng trả lời như sau: “Nhà báo không thể cho biết tên tác giả bài báo nọ, vì đó là bí mật nhà nghề”.

Thật là một sự phối ngẫu tuyệt đẹp giữa nhà báo và nhà thơ!

Nhà thơ Quách Tấn 

Nhà thơ Quách Tấn sinh ngày 04/01/1910, quê ở Bình Khê, Bình Định và mất  lúc 7 giờ sáng ngày 21/12/1992 tại Nha Trang, xuất thân trong một gia đình gốc Nho học có pha Tây học. Quách Tấn tập làm thơ từ khi còn học ở trường Quốc học Quy Nhơn khoảng năm 1925-1926, nhưng mãi đến năm 1932 nhờ Tản Đà dìu dắt và cụ Sào Nam Phan Bội Châu nâng đỡ, ông mới chính thức bước vào làng văn. Lúc này, thi phẩm của ông thường đăng ở các báo: AnNam tạp chí (Hà Nội), Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), Tiếng dân (Huế). Những tập thơ tiêu biểu của ông đã xuất bản như: Một tấm lòng (1939), Mùa cổ điển (1941) có bổ sung lần tái bản 1960, Đọng bóng chiều(1966), Mộng Ngân sơn (1967), Giọt trăng (1973) và trên 10 tập thơ nữa đã hoặc chưa xuất bản, gồm những bài thơ viết từ trước 1975 đến 1994.

Quách Tấn là con người đa tài, thành công ở nhiều thể loại khác nhau. Bên cạnh thơ, Quách Tấn còn dịch thơ văn: Tố Như thi trích dịch (1973), Lữ Đường thi trích dịch, Việt Nam Hán văn thi tuyển trích dịch, Tập văn biền ngẫu (trên 15 bài văn tế, văn bia); viết văn xuôi: Trăng ma lầu Việt (1942, phỏng theo Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ) và Duyên Tiên (phỏng theo Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm), Nghìn lẻ một đêm 4 tập (1958-1960, phỏng theo tác phẩmMille et une nuit của Galland và Mille nuits et nuit của Mardrus). Ông còn biên khảo địa phương chí với những công trình nổi tiếng như: Nước non Bình Định (1968), Xứ Trầm hương (1969) v.v...    

(Theo vanhien.vn)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu