A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bật mí về tác giả Thoong B.C

Gần 40 năm trước, trên tờ Văn nghệ quân đội xuất hiện liên tục các bút ký “Bun Chămpa”, “Giữa cánh đồng Chum”, “Theo bước tiểu đoàn 2” và được Hội nghị bạn đọc đánh giá là những tác phẩm hay nhất được in trong năm 1960. Sau đó ít tháng, tờ Trung lập - một tờ báo khổ lớn của cộng đồng người Việt xuất bản ở Phnompenh (thủ đô Campuchia) - in lại toàn bộ 3 bài ký nói trên với lời tòa soạn giới thiệu về tác giả: “Thoong B.C là một sinh viên Lào đang học ở Hà Nội”.

20 năm sau (1980) trong cuốn Tiểu đoàn 2 Phthét Lào, nhà văn Lào Xu-van-thon Buphanuvông phỏng đoán “Thoong B.C hồi đó có lẽ là một chiến sĩ liên lạc của tiểu đoàn”… Và 37 năm sau (1996), một bạn đọc còn có thư về Tạp chí Văn nghệ quân đội hỏi: “Thoong B.C, ông là ai?”. Câu hỏi thật không dễ trả lời đối với những biên tập viên trẻ của tòa soạn, thậm chí ngay cả các cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam từng tham chiến ở Lào những năm chiến tranh trước câu hỏi ấy cũng phải lắc đầu “không rõ”. Mãi đến những ngày kỷ niệm 40 năm Tạp chí Văn nghệ quân đội và 50 năm Nhà xuất bản Quân đội vừa rồi thì bí mật về Thoong B.C mới được bật mí.

Chả là mùa thu năm 1959, nhà văn Víchto Pêtơ rôvích (biệt danh của nhà văn Văn Phác – nguyên Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội, từng là Bộ trưởng Bộ văn hóa) bí mật trao nhiệm vụ cho một nhà văn đi thực tế ở chiến trường Lào để viết về sự kiện “Tiểu đoàn 2 Phthét Lào vừa vượt vòng vây ở Cánh đồng Chum ra được vùng giải phóng”. Nhà văn đó là ai, theo đường nào không ai rõ. Một năm sau thì thấy xuất hiện chùm bút ký Bun Chămpha, Giữa cánh đồng Chum... trên báo với tên tác giả là Thoong B C. Thoong B.C, ông là ai? Ông chính là nhà văn Ngọc Tự, con người của “nhà số 4”, nguyên Trung tá biên tập viên sách văn nghệ của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Ông vốn là một chiến sĩ của Sư đoàn 316 từng chiến đấu ở chiến trường Lào từ những năm kháng chiến chống Pháp. Với bút danh Hoàng Điệp, ông từng đoạt giải nhất tại các cuộc thi truyện ngắn do Báo Vệ Quốc quân tổ chức những năm 1958, 1959 với các tác phẩm như Vết xe lăn trên tường, Quán nước bên đường. Nhà văn Ngọc Tự - nhà văn Thoong B.C- là người Hà thành chính hiệu, nay đã vượt tuổi “cổ lai hy” và vẫn đang sống khỏe, sống vui ở Hà Nội.

Ngô Vĩnh Bình (vanvn.net)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu