A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Truyện thơ 600 câu viết trong một đêm

Năm 1967 nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, Nhà xuất bản Kim Đồng kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trại sáng tác văn học cho thiếu nhi ở Yên Sở (ngoại thành Hà Nội). Nhà văn Tô Hoài lúc đó là Trưởng Ban Văn học thiếu nhi của hội làm trại trưởng; ông Trương Đình Bảng, Giám đốc nhà xuất bản làm trại phó. Có ngót 20 trại viên tham dự. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, lúc đó đang là giáo viên ngữ văn một trường cấp III ở Vĩnh Yên cũng được mời về làm trại viên. Trại mở ra một tháng, nhưng chưa đầy ba tuần đầu Nguyễn Bùi Vợi đã hoàn thành một truyện dài 240 trang, đề tài về nhà trường. Viết xong, Nguyễn Bùi Vợi đem nộp cho nhà văn Tô Hoài.

Đọc xong, nhà văn Tô Hoài gặp Nguyễn Bùi Vợi góp ý một cách rất chân thật, thẳng thắn:

- Tạng cậu không viết cho trẻ con được. Cậu là nhà thơ thì là nhà thơ của người lớn. Cái truyện dài về nhà trường có thầy, có trò, có tăng-xê, có phòng tránh máy bay Mỹ. Những chỗ nào cậu viết bằng tâm hồn nghệ sĩ thì đọc rất vào, những chỗ nào cậu viết bằng giọng ông giáo thì rất chán.

Đêm đó về nơi trọ, Nguyễn Bùi Vợi trằn trọc không ngủ được. Hôm sau nhà thơ liền xin phép lãnh đạo trại đạp xe một mạch về thẳng thị xã Vĩnh Yên, nơi vợ dạy học cùng bốn đứa con tíu tít ở khu tập thể của trường. Về nhà thấy cảnh vợ con nhếch nhác vất vả, đứa vào rừng kiếm củi, đứa quét lá, bà vợ thì ngày dạy 7 tiết. Đến bữa thấy con lớn đi kiếm lá chuối tươi về bọc bột mì nhào chấp cơm. Ngày ấy tiêu chuẩn 13 kg gạo một người lớn thì một nửa là bột mì. Bữa thì chấp cơm như thế, bữa thì áp chảo cũng phải dùng lá chuối tươi lót cho khỏi cháy.

Đêm ấy, nhà thơ lại không tài nào ngủ được, nhìn cảnh vợ con cứ như mẹ con chị Út Tịch, nhân vật trong tập "Người mẹ cầm súng" của Nguyễn Thi. Thế rồi, Nguyễn Bùi Vợi nảy ra cái tứ truyện thơ viết về "Con gái cô Út Tịch". Nhân vật chính trong truyện thơ như cô Tấm tí hon giúp việc gia đình, lo lắng mọi việc cho mẹ đi chiến đấu. Nguyễn Bùi Vợi nhập hồn vào cảnh sắc sông nước Bến Tre mà nhà thơ chỉ đọc qua sách báo, chứ chưa một lần vào Nam Bộ.

Truyện thơ có đoạn: "Ăn bánh xong, lũ trẻ/Tíu tít lên giường mùng/Bắt má bầy bắn súng/Thi nhau nổ đì đùng/-Ngoéo cò sao hả má?/- Đút băng đạn vô đâu?/- Nheo mắt sao thì trúng?/- Cho thằng Mỹ bể đầu".

Trong một đêm Nguyễn Bùi Vợi viết liền mạch 600 câu thơ, ông đặt tên tác phẩm là "Con gái cô Út Tịch". Cầm tập bản thảo, chừng như đã hoàn tất - ấy là lúc trời vừa sáng bảnh mắt, nhà thơ sang phòng bên cạnh gặp anh Quốc Bảo. Người bạn đồng nghiệp sau khi đọc đến ba lần khen:

- Không có câu nào lép! Nhiều đoạn khá sinh động. Trời cho cậu cái truyện thơ này đấy!

Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi hứng khởi, ông nghiệm ra như một chân lý, nói:

- Thì ra viết cái gì cũng là viết về chính mình thôi ông ạ!

Chiều ấy, Nguyễn Bùi Vợi trở lại Yên Sở. Nhà thơ Định Hải reo lên:

- Hoan hô Nguyễn Bùi Vợi lại sang trại. Tưởng tự ái bỏ về không dự nữa.

Nhà văn Nguyễn Quỳnh thì mừng quýnh nói:

- Chiều qua về, sáng nay đi bà Từ (vợ Nguyễn Bùi Vợi) không níu lấy áo à?

Nói xong, mấy trại viên kéo nhau vào phòng nhà văn Nguyễn Quỳnh chuyền tay nhau đọc. Ai cũng khen truyện thơ này khá. Sau khi xuất bản, truyện thơ dài "Con gái cô Út Tịch" còn  được khen thưởng.

(Theo Báo Hải Dương)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu