A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơn say Ngọc Chiến

Hôm qua cậu bạn mới mang qua chai rượu ngô, bảo: đấy, quà Hà Giang đấy. Tôi lại cất chai rượu lên tủ bếp, nào có biết uống đâu.

Minh họa của Huy hiệp (Khoa Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai) 

Thế mà cũng đi qua bao mùa ngô, bao mùa thương nhớ. Tủ bếp nhà tôi thi thoảng lại có vài chai Lũng Phìn, Sim San là quà của bạn giang hồ. Rượu nào với tôi cũng cay. Tôi chỉ biết giữ lại, những món quà nhỏ hay chăng là niềm yêu thương của những kẻ qua đường.

Nhấp một ngụm, thấy cổ họng xé rát. Thành phố đắm chìm trong mưa.

Thế nào mà tôi lại nhớ về đêm Ngọc Chiến.

Ngày ấy một mình một ngựa, qua cây cầu nhỏ, tưởng mình đã bị mưa cuốn xuống con suối toàn đá hộc. Mà cây cầu tre bắc qua chẳng muốn gánh điều gì trên lưng nó, cứ chênh chao, như muốn đẩy tôi và chiến mã xuống dòng nước.

Ngày ấy, đúng mùa mưa bão, thế nào tôi lại buộc ba lô lên xe mà đi. Đi về những ngôi nhà sàn người Thái nằm chênh vênh giữa chân đồi và con nước.

Chiều ấy, nếu không dừng lại quá lâu dưới gốc gạo xù xì, tôi đã chẳng phải tắm trong mưa mùa lũ quét. Mưa xối xả. Suốt một đời lang bạt, tôi chưa từng gặp lại một cơn mưa nào đáng sợ và lạnh lùng như thế.

Trong đêm, tôi thấy mưa có vị mặn, hay chăng là vị nước mắt mình? Ai bảo tôi không sợ hãi, ai bảo tôi gan dạ, kiên trường? Chẳng ít lần, tôi khóc lóc như một đứa trẻ vừa mới rời xa vòng tay mẹ. Tôi là con gái, mà có đi hàng vạn cây số vẫn cứ là con gái.

Hành trình đi tìm cái tôi quả thật lắm thác nhiều ghềnh.

Ai bảo mê rừng mê rú, mê sàn nhà bằng nứa kêu cọt kẹt dưới chân, mê cả những đêm gió rừng xào xạc lá, tiếng chim đêm khắc khoải gọi đàn.

Tôi mặc áo mưa kín mít, mà sao nước cứ tràn từ cổ áo, khiến toàn thân tôi run rẩy. Trời muộn rồi, tôi thì cứ mò mẫm trong mưa, con đường mỗi lúc một hẹp, bóng điện chạy bằng sức nước tù mù mãi đằng xa. Chiếc xe cứ giật lên xuống như tắc thở, có lẽ nước đã vào chế hòa khí. Tôi hiểu rằng mình chẳng cố được bao nhiêu.

Trong đêm mưa, ánh sáng yếu ớt của một chiếc đèn pin khiến tôi vừa hốt hoảng vừa mừng rỡ. Một người đàn ông đi tìm bò lạc từ chiều, tay cầm dao sáng loáng.

Ánh chớp khiếp tôi giật mình. Con dao rất dài, rất sắc. Tôi chẳng còn nghĩ được gì, cả cơ thể mềm oặt như một cục bột nhão, bị ngâm nước quá lâu.

- Mày đi đâu?

- Tôi... tôi bị lạc.

- Lạc đi đâu?

- Lạc ở đây.

Một cuộc đối thoại luẩn quẩn. Người đàn ông có vẻ thấy sự thành thật trong đôi mắt sũng lệ, khi rọi đèn pin vào thẳng khuôn mặt tái dại đang được che đậy bởi cơn mưa, nghĩ ngợi một lúc rồi buông một câu:

- Đi theo tao!

Tôi lặng lẽ dắt xe máy theo sau, như thể mình là con bò của anh bị lạc hồi chiều, không phản kháng, thậm chí không dám lên tiếng.

Người đó mở cửa tre buộc hờ vào những phiến đá hàng rào xếp ngăn nắp, dẫn tôi vào nhà. Tiếng trẻ con khóc léo nhéo khiến tôi thở phào nhẹ nhõm.

Thằng bé lớn nhất trong nhà chạy ra sau bê nồi cơm nguội, luộc vội một đĩa rau dớn trong khi bố nó - chủ nhà rót rượu từ cái hũ to sang một chai nhỏ để tiếp vị khách lạc đường đang ngồi lau tóc trong góc nhà sàn.

“Bàn tiệc” đơn sơ chẳng có gì, chỉ có rượu là uống mãi không hết. Đứa lớn vừa cời bếp lửa, vừa ôm em nó.

Tôi nhìn quanh chẳng thấy chị vợ đâu. Như hiểu được ý tôi, anh cầm bát rượu, uống cạn, mắt đỏ ngầu, kể chuyện.

- Vợ tao bỏ đi rồi, hồi đẻ xong thằng kia, nó đi về phía đường cái, rồi từ đó chẳng về. Tao nuôi đứa này bằng sữa người Kinh, với nước cơm. Mà nó khóc ghê lắm, cứ đêm mưa nó khóc càng dữ. Tao vẫn đang chờ con vợ tao về, cho nó bú. Lúc nãy thấy mày, tao tưởng vợ tao...

Đôi mắt anh hướng ra ngoài cửa chính, khung cửa hiện ra như một hố đen sâu hoắm, không lối thoát. Trời mưa ghê lắm, vợ anh vẫn không về. Mà sau chuyến đi, có lần anh gọi điện cho tôi, anh chỉ kể là thằng con út đã thôi uống sữa, nó biết ngồi dưới sàn, vãi ngô cho gà ăn. Nhưng đó là chuyện sau này.

Còn đêm ấy, tôi uống nhiều lắm. Mà tôi có biết uống rượu đâu. Nhưng quý cái tình và thương cái phận người đàn ông và hai đứa con côi, mà tôi cứ bưng bát lên, uống cho cạn.

Rượu ấy - khi đắng cay, khi ngọt bùi, về sau tôi không quên được. Khi vào nằm ôm hai đứa bé, tôi biết mình đã say. Nước mắt lại trào ra.

Tôi say cho đến tận hôm sau, cánh tay nặng trĩu, mặt trời đã lên tới ngọn tre mà không thể nào ngóc đầu dậy được. Tôi nhìn qua cửa sổ, thấy bầy sẻ líu ríu. Nhà chẳng có ai, gần bếp có bát cơm trắng, trên có con cá suối nướng, chắc bố con anh để phần từ sớm.

Còn hũ rượu đã được gác lên chỗ cũ.

Tôi không thấy đau đầu, chỉ thấy trong mình có một cảm giác gì đấy nhẹ nhõm, trong xót xa. Tôi là một kẻ độc hành, bố con nhà này cũng vậy. Nhưng trong ngực họ, là nỗi buồn, chứ không phải là sự tự do như tôi.

Đến chiều, tôi nghe thấy tiếng bước chân đang leo cầu thang, sàn nứa kêu cót két, biết là bố con anh về. Anh không vào nhà ngay, mà ngồi dựa lưng vào cánh cửa, nhìn về dãy núi xa xôi. Một bầu không khí im lặng phủ lên căn nhà, dưới sân, thằng anh đang gỡ chiếc địu có thằng em ra, rồi múc một thau nước, thả em nó vào để tắm.

Ông bố ném cái khúc củi khô vào phía chúng nó, quát bằng tiếng dân tộc. Rồi hai đứa trẻ lại địu nhau lên nhà, ngồi vào cái góc tối tăm quen thuộc.

Tôi ráng lắm mới nói lời từ biệt chủ nhân ngôi nhà. Anh không giữ, chỉ gật đầu, rồi ghi số điện thoại của tôi lên vách, bảo khi nào có dịp ghé chơi. Tôi không đi tiếp mà trở về theo đường cũ. Trong đầu, một cảm giác mông lung cồn lên.

Thời gian cứ thế qua đi, tôi đổi số điện thoại. Sự vô tâm vốn có làm tôi quên đi mất gia đình nhỏ đã từng cứu sống và che chở tôi trong đêm mưa Ngọc Chiến ấy. Bỗng một ngày, một người bạn kể mới đi cung Ngọc Chiến - Mường La. Tôi giật mình nhớ về cơn say cũ. Cơn say mà ngỡ tưởng đã tỉnh rồi. Tôi lại xách xe lên rừng, lên Ngọc Chiến để tìm gia đình anh.

Căn nhà theo năm tháng đã mục, hoang tàn. Trên sân còn chỏng chơ đôi dép nhựa màu nâu.

Lần hỏi mãi, tôi mới được nghe một ông cán bộ kể lại:

- Thằng bé con về với mường trời rồi, nó bị sốt rét, đến mùa đông năm kia thì bỏ bố con Khằm Leo. Thằng Khằm Leo dẫn thằng lớn đi về phía núi, cái núi cao nhất kia kìa.

Tôi lặng đi, nhìn theo tay ông cán bộ, nhớ ra ánh mắt Khằm Leo buổi chiều ngồi ở bậu cửa.

Vậy mà tôi tưởng ánh mắt ấy vô hồn.

Đứa bạn đi cùng chẳng nói gì, khi thấy nước mắt trên má tôi. Lại là những giọt nước mắt cho đêm say Ngọc Chiến, đến bao giờ nỗi thương nhớ này mới qua đi.

Tôi không dám quay về mảnh đất ấy, dù tình người còn nóng hổi con tim.

 Hoàng Anh Thơ (baolaocai)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu