A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Con của hai người lính

Hải quen Mai trong những lần hội thảo về giống cây trồng, họ thường gặp nhau những lần nghiệm thu công trình thực nghiệm về Atiso giống mới A75-A85 trên đất vườn nhà anh. Hai bạn trẻ rất tâm đắc về công việc tạo giống, nhân giống cây Atiso và các loại rau khác...

 Minh họa: Phan Nhân

Dưới gốc cây ổi, Hải đang loay hoay lắp lại dàn bánh xới để kịp làm đất chuẩn bị xuống giống trồng Atiso giống mới. Tiếng cánh cổng sắt nghe ken két, cùng lúc ấy con chó Tô nhảy lên sủa vang. Hải ngước mắt lên và đi về phía cổng sắt, cất tiếng:

- Con chào chú Tám, chú có khỏe không?

- Chào con! Chú vẫn khỏe, mày đang làm gì đó?

- Con đang lắp lại dàn xới vào chiếc máy cày chuẩn bị làm đất để trồng mới vì trời đang chuyển mưa đó chú.

Hải nhẹ nhàng nắm tay chú Tám dẫn vào nhà, con Tô vẫy đuôi chạy theo mừng quấn quít phía sau.

- Chú ngồi chơi, con vào bếp pha nước chè xanh mới hãm sáng nay. Chú cháu mình uống cho vui.

Trên bàn thờ hình ảnh người anh kết nghĩa và cũng là cấp chỉ huy của Tám trong trung đội nghĩa quân đóng ở xã Xuân Thọ - thị xã Đà Lạt, những hình ảnh của một thời quá khứ lại hiện về trong tiềm thức của ông. Thời gian đã phôi pha nhưng ông vẫn nhớ rất rõ những việc làm của người tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Năm. Anh thường hay rủ đàn em đi nhậu để xin đạn M.16, có lúc gạ mua đạn M.79 về đi săn, đi đánh cá. Trong cách nói với đồng đội, anh Năm thường gợi chuyện về những kỷ niệm ở quê hương, về truyền thống chống ngoại xâm của cha anh.

Hôm nay, trên bàn thờ có điều khác thường. Phía trên hình ông Năm là bằng Tổ quốc ghi công, làm ông rất đỗi ngạc nhiên. Tiếng bà Năm vọng từ dưới bếp lên làm ông Tám giật mình, quay trở lại ghế sa lon.

- Nước chè xanh nóng đây, cây nhà lá vườn mời chú Tám uống cho ấm bụng.

- Em chào chị Năm, chị có khỏe không?

- Chà, ở tuổi ngoài 70 mấy khi mạnh khỏe. Nhất là lúc trái gió trở trời những vết thương hồi ở tù cứ sưng tấy lên, nhức hết cả người. Chú qua nhà chơi, hay có chuyện chi?

- Em qua tìm thằng Hải, để hỏi nó căn nguyên sâu bệnh trên cây Atiso.

***

Bà Năm từ ngày chồng mất vẫn ở vậy nuôi Hải đến khi trưởng thành. Vất vả trăm bề, vừa làm mẹ vừa làm cha, lo toan chạy chợ từng bữa. Vườn nhà làm lúc được, lúc không, thu hoạch không đáng kể. Ấy vậy, mà bọn mật thám, dân ý vụ thường hay lui tới tra gạn, xét hỏi, nói xa, nói gần. Nhiều đêm bà không ngủ được; phần nhớ ông Năm, phần lo công việc liên lạc nắm tình hình địch đóng ở đâu, tăng cường thêm mấy đại đội về xã, lúc nào chúng đi càn quét để thông báo cho mấy anh ngoài rừng. Cũng may là cái vỏ bọc của anh Năm là tiểu đội trưởng địa phương quân, nên chúng nó cũng bớt xét hỏi. Ông Năm lúc còn sống vẫn thường hay giúp vợ chở phân bón vào vườn, dưới phân bón là bột ngọt, muối, gạo và thuốc tây tiếp tế cho anh em ngoài rừng cũng có lúc là đạn M16; M79.

Ông Tám nãy giờ ngồi yên, trầm ngâm suy nghĩ không biết tại sao ông Năm là lính cộng hòa mà lại được cấp bằng Tổ quốc ghi công.

- Nè Hải! Tấm bằng Tổ quốc ghi công có từ bao giờ vậy mày?

- Dạ! Thưa chú, hồi năm ngoái các anh trên thành phố có về nhà con, mời các cơ sở hoạt động trong thời chống Mỹ và những chú là cán bộ còn sống đã về hưu, xác nhận việc làm của gia đình và ba con để làm hồ sơ gửi ra Trung ương. Mới đây con được giấy mời của UBTP lên nhận bằng Tổ quốc ghi công, công nhận ba con là liệt sĩ.

- Hèn gì xưa nay tao đâu có thấy! Mừng quá!

***

Hải quen Mai trong những lần hội thảo về giống cây trồng, họ thường gặp nhau những lần nghiệm thu công trình thực nghiệm về Atiso giống mới A75-A85 trên đất vườn nhà anh. Hai bạn trẻ rất tâm đắc về công việc tạo giống, nhân giống cây Atiso và các loại rau khác. Mai là cô gái trẻ, tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp. Với nhiệt huyết tuổi trẻ cộng với kiến thức tiếp thu ở trường đại học, cô lao vào công việc tạo giống cây trồng từ phòng thí nghiệm đến thực tế ngoài vườn. Công việc vất vả những lúc đi xuống nhà vườn, đường đất đỏ trời mưa trơn trượt, có lúc ngã lấm lem cả quần áo. Nếu không có lòng yêu nghề, say mê với công việc thì không tài nào làm nổi, trong khi lương chỉ ba đồng, ba cọc.

Hải, một chàng trai vạm vỡ khỏe mạnh, ăn nói lịch sự, lúc nào cũng nở nụ cười trên khuôn mặt điển trai. Sau khi học xong lớp 12, Hải thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Sau 3 năm miệt mài học tập, ra trường anh được bổ nhiệm về vùng sâu Đầm Ròn, huyện Lạc Dương. Ngày ấy đi nhận nhiệm sở sao mà gian nan vất vả trong đó đáng kể nhất là phải đi bộ vượt qua Cổng Trời mất hơn một ngày đường mới vào đến trường. Dạy được một niên khóa, anh bị bệnh sốt rét ác tính nên phải về Đà Lạt điều trị. Do hoàn cảnh gia đình, mẹ già không ai chăm sóc nên anh ở lại nhà. Loay hoay mất mấy năm, đi xin việc các nơi đều từ chối, chỉ vì bản lý lịch là con của Tiểu đội trưởng nghĩa quân. Anh làm đủ nghề để kiếm sống, từ phụ hồ, kéo dây điện thoại, mắc loa truyền thanh... với đồng lương ít ỏi không đủ sống.

Thấy con vất vả sống chật vật với đồng lương, bà Năm ôn tồn, tỉ tê:

- Vườn nhà mình má làm không xuể, sức khỏe ngày càng yếu, không ai phụ giúp, thuê người làm ngày càng khó. Hay là con về phụ giúp mẹ làm vườn sớm hôm mẹ con có nhau.

Sau một đêm dài suy nghĩ, Hải quyết định giã từ sách vở, giáo án, giã từ bục giảng trở thành anh nông dân bên vườn rau bậc thang. Tuy là con nhà nông nhưng anh ít tham gia lao động, bây giờ là công việc chính anh mới thấy vất vả, lo toan, vừa học hỏi kinh nghiệm về nước, phân, giống vừa phân bổ sức lao động sao cho hợp lý nhất là việc ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp.

Tuổi trẻ đã nghĩ là làm, đôi lần thất bại, phá sản nhưng với ý chí và quyết tâm vươn lên làm chủ khoa học trong lĩnh vực nghề nghiệp nên Hải và Mai đã gặp nhau, tâm đầu ý hợp.

Chiều cuối tuần tháng bảy, trời Đà Lạt mưa dầm rả rích, có một anh chàng đội mưa đứng ở góc phố Ngã năm Đại học đợi cô nàng đi đến cà phê Điểm Hẹn.

- Anh đợi em có lâu không? Mưa quá nên em đến trễ.

- Cũng... hơi lâu.

Hai người dắt tay nhau đi về cuối phố, kỉ niệm đầu đời một buổi chiều mưa của đôi bạn trẻ. Từ buổi chiều hôm ấy họ đã yêu nhau.

Thời gian cứ trôi đi dài theo năm tháng, bạn bè cùng lớp với Mai có con tay bế, tay bồng nhưng cô vẫn phòng đơn, gối chiếc. “Sao lâu quá không mời bọn tao uống rượu”, “bộ anh chàng đó “hi fi” hả mày"? Lũ bạn gặp Mai là cứ trêu chọc, họ đâu biết trở ngại chính là bà già của Mai. Từ suy nghĩ đến lời ăn tiếng nói của bà rất cổ hủ “Con không cha như nhà không nóc”. Đôi lúc bà đay nghiến:

- Mày là người có ăn có học sao lại đi với một thằng nông dân, trông qua hàng xóm mà xem nhà con Thắm lấy chồng giàu sang, cuộc sống giờ đây đã đổi khác. Liệu thằng nông dân khi cưới mày về có nuôi nổi mày hay không?

Nghe vậy Mai ức lắm nhưng mẹ mình chứ phải người khác đâu, cô nói như khóc:

- Má ơi! Xưa khác, nay khác rồi, thời đại ngày nay xe không cần người lái, máy bay điều khiển từ xa vẫn bay. Chúng con đã trưởng thành, sẽ làm được má à… Vả lại anh Hải là con nhà gia giáo, là cơ sở cách mạng. Anh là giáo viên, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên phải nghỉ dạy để làm vườn nhà. Nghề trồng rau giờ đây đã đổi thay nhiều rồi! Nông dân xây nhà lầu, đi xe ô tô 4 chỗ má không thấy đó sao!!!

- Tôi biết! - Mẹ lên giọng: - Mấy người đủ lông đủ cánh rồi thì muốn ra sao thì ra đừng bao giờ nhắc đến tôi này nữa.

Nói xong bà ngoe nguẩy đi vào phòng đóng cửa “rầm”. Ông Lâm, ba Mai nãy giờ nghe vợ trách mắng con gái, vội đến bên con an ủi.

- Hôm nào bảo thằng Hải về đón cha con mình lên thăm nhà nó, xem ở đâu và cuộc sống thế nào cho rõ ngọn ngành.

- Dạ! - Mai nức nở nghẹn ngào lau những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má ửng hồng.

***

Con đường tráng bê tông xi măng, thay cho con đường đất đỏ trơn trợt dẫn vào xóm mới nhà Hải. Tiếng con Tô sủa vang, thấy Hải đưa 2 người khách lạ một già, một trẻ vào nhà, bà Năm vội chạy ra đón khách.

- Chào anh! Cháu Hải nói bữa nay anh lên nhà chơi.

- Dạ chào chị, chị có khỏe không?

- Cảm ơn trời Phật, dạ, cũng bình thường.

Má Hải đưa hai cha con vào nhà, căn phòng khách nhỏ hẹp như ấm cúng hơn. Bàn thờ của ông Năm đặt trên cao. Nhìn lên bàn thờ ông Ba Lâm thấy bằng Tổ quốc ghi công Liệt sĩ Nguyễn Văn Năm ở vị trí trang trọng. Ông đến bên bàn thờ rút ba nén hương đốt lên và vái lạy trước vong linh người đã mất. Trong lòng tự dưng thấy bồi hồi xao xuyến.

- Anh Năm hy sinh năm nào vậy chị?

- Anh ấy hy sinh năm 1971 ở gần nhà thờ Túy Sơn, xã Xuân Thọ.

Ngày ấy, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Năm được lệnh cấp trên tối đến là phải thường xuyên “Tuần tra an ninh lộ trình” không để Việt Cộng vào ấp Đa Lộc, Túy Sơn tuyên truyền, nhận hàng tiếp tế của người dân. Sau khi hỏi kỹ ngày, tháng, năm xảy ra trận đánh ở gần nhà thờ Túy Sơn, ông Ba Lâm rùng mình, buột miệng.

- Chết rồi!

Khuôn mặt ông Ba Lâm ngả sang màu tái, mồ hôi trên vầng trán vã ra. Cả nhà đều sửng sốt không biết xảy ra chuyện gì. Sau giây phút định thần, ông rút khăn tay nhẹ nhàng thấm những giọt mồ hôi, cầm tách nước chè xanh trên tay, run run thốt:

- Thưa chị Năm! Lâu nay trong lòng tôi cứ ray rứt, mong làm sao gặp lại gia đình người lính nghĩa quân năm xưa mà tôi đã bắn chết, để nói lời xin lỗi.

Ông nhớ lại tối hôm ấy trời tối mịt, tổ trinh sát do ông chỉ huy có nhiệm vụ tổ chức đưa đoàn cán bộ từ phía Lạc Dương đi về Tam giác để tập huấn trong đợt “Chồm lên”, giành lấy phần đất trước khi ký Hiệp định Paris. Con đường 11 (nay là Quốc lộ 20 nối dài) loáng thoáng trong đêm. Nằm phục kích trên đường xe lửa nhìn xuống, thấy một toán lính nghĩa quân đi từ hướng nhà thờ Túy Sơn về trụ sở xã Xuân Thọ, tổ trinh sát của ông vẫn nằm yên quan sát, chờ cho tốp lính đi qua. Những giây phút yên tĩnh, không gian chầm chậm trôi. Ba Lâm ra lệnh cho anh em rời chỗ núp trên đường xe lửa để xuống đường nhựa. Bất chợt, toán lính thứ hai xuất hiện, hai bên nổ súng, những tràng tiểu liên AK, AR15 nổ liên hồi, xé toang màn đêm u tối. Mười phút sau không gian trở lại yên tĩnh, ông ra lệnh cho đoàn người vượt đường đi về hướng thung lũng Đa Quý, trong tiếng đạn cối nổ vang rền dọc theo trục đường 11. Trận ấy ông Ba Lâm bị thương ở tay, được đồng đội cứu chữa. Vài ngày sau, cơ sở bên trong báo ra là ta đã đụng độ với toán lính nghĩa quân, trong đó có ông Năm là cơ sở địch vận của ta... Kể đến đây, Ba Lâm như trút được gánh nặng vẫn đè nặng trong lòng ông từ bao lâu nay, ông nói chậm rãi:

- Chiến tranh biết nói sao hở chị!!! Tôi có lời xin lỗi anh Năm, xin lỗi gia đình chị Năm. Nói xong, ông nắm tay Hải và Mai, kéo hai người đến trước bàn thờ và căn dặn:

- Hai con nắm tay cho thật chặt, từ hôm nay hai gia đình là một, ba xem hai đứa như con một nhà. - Ông quay sang bà Năm, nói quyết đoán:

- Mình chọn ngày lành tháng tốt, chúng ta làm đám cưới cho hai cháu phải không chị Năm...

Đà Lạt, ngày 15/9/2018

Võ Trần Phú (baolamdong)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu