A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cô giáo vùng biên

Cuộc sống luôn biết cách xếp đặt cho người ta hội ngộ sau những chuyến lạc nhau. Vấn đề chỉ là niềm tin. Điều còn sót lại trên cõi đời này chính là tình yêu thương vượt qua mọi thử thách của thời gian, không gian, của lòng người, để được trọn vẹn…

Minh họa: Phan Nhân 

…“Ầu ơ… Gió mùa thu, mẹ ru mà con ngủ… Năm canh chày, năm canh chày, thức đủ vừa năm… Hỡi chàng mà chàng ơi…”.

Quyến với tay lắc lư cánh võng nhịp nhàng hát ru con ngủ. Buổi trưa đầy nắng, căn nhà mái lá gọn gàng đơn sơ cửa hướng về núi Bạc chỉ còn văng vẳng tiếng hát ngọt ngào của người đàn bà sống thầm lặng trên mảnh đất vùng biên, bằng cái nghề được xem là “sạch nhất”.

Mỗi buổi sáng Quyến cõng con vòng qua chân núi đến trường. Tan học, Quyến ghé ngang qua lớp mẫu giáo đón con rồi hai mẹ con trở về mái nhà bình yên cạnh chân núi Bạc. Căn nhà nhỏ nằm giữa đồng cỏ mênh mông, bóng cây và bóng núi phủ trùm mát rượi. Trước nhà, Quyến xới đất trồng mấy luống rau, khóm hoa để chiều chiều dắt con ra sân tưới cho rau xanh tốt, cho hoa lớn lên trổ bông khoe sắc với đời. Chiếc chõng tre trước hiên nhà là nơi để hai mẹ con ngồi ngóng núi Bạc rực rỡ trong ánh bình minh và nguy nga đến u huyền mỗi độ hoàng hôn buông xuống. Trong nhà, sớm chiều có ngọn khói rơm thơm phức bay lên, mùi cơm thơm dẻo, mùi của ngọn gió núi lồng lộng thổi vào và mùi hương bao dung trìu mến của cuộc sống dành tặng cho phần đời của Quyến để được bình an. Quyến là cô giáo vùng biên, Quyến gánh trên vai sứ mệnh thiêng liêng: dạy chữ và chắp cánh ước mơ cho những đứa trẻ nghèo sống lay lắt trong nỗi thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần nơi phố huyện nghèo nàn, xác xơ miền biên giới. Đi dạy, Quyến tìm vui trong nụ cười trẻ thơ, qua những đôi mắt trong ngần, những khuôn mặt lấm lem mà trí óc thông minh sáng suốt. Về nhà, Quyến cùng con ngóng núi, ngắm nhìn mây bay chầm chậm qua đỉnh dốc và sương mù bảng lảng trên rẻo cao. Giữa cái màu xanh lặng lẽ của núi đồi, của đồng cỏ, cuộc đời của mẹ con Quyến mang hơi thở của bình lặng an trú.

*

Quê Quyến ở miền Tây, nhà nằm bên bờ sông Hậu. Hồi nhỏ, Quyến theo ba má đi ghe chăn vịt chạy đồng, rày đây mai đó, nay xứ này, mai xứ khác. Ba con người trên chiếc ghe nhỏ lênh đênh vô định như cánh lục bình trôi mãi không biết về đâu. Thuở ấy Quyến còn bé xíu, còn mặc bộ đồ chấm bi má mua vải trên chiếc ghe bầu đậu ở ngã ba sông rồi cắt, rồi may tay cho Quyến mặc. Hễ gặp cánh đồng nào vừa mới xong vụ lúa, trên đồng còn lơ thơ mấy ngọn lúa vàng sót lại cuối mùa là ba cho ghe dừng lại, má lùa vịt lên đồng mót lúa. Đám vịt tình nghĩa như con người, chúng ăn no rồi đẻ trứng trả ơn cho ba má. Sáng sáng, Quyến xách rổ lên bờ ngồi nhặt trứng để trưa trưa ba chạy ghe ngang qua cái chợ còm nào đó thì má con Quyến bưng rổ trứng lên bờ ngồi bán, vịt đẻ được vài đợt thì ba kêu người bán cả bầy, lỡ vịt già thịt dai nhách bán mãi cũng không ai thèm mua. Một buổi tối Quyến nằm dưới ghe trùm mền, nước sông rào rạt chảy, Quyến nghe ba nói với má, giọng trầm:

- Má con Quyến, tui tính như vầy má nó coi có đặng hay không. Tui tính… dìa quê, bán bầy vịt với chiếc ghe đi, rồi cày cấy, rồi coi sóc ruộng vườn lúa má. Con Quyến cũng phải đi học chứ không lẽ để nó lông bông mãi, sinh hư.

Má im lặng chốc lát rồi gật đầu, ậm ừ:

- Ờ… ông nói phải đó. Thôi thì coi ngày tốt vợ chồng mình dìa quê, sửa lại căn nhà, cày xới đám ruộng, miếng vườn, coi bộ ổn hơn là phiêu diêu biệt xứ.

Vậy mà ba má dong ghe về quê. Ba dẫn Quyến ra trường làng ghi danh cho Quyến học. Trường làng thuở ấy chỉ là một dãy nhà cũ bỏ hoang, sửa sang, phết vôi cho sạch sẽ mà thành trường. Ba ra đồng, chăm chỉ cấy cày. Má dẫn Quyến đi trên con đường nhỏ, qua mấy nhịp cầu tre đến trường. Dưới mái trường này, Quyến biết đọc, biết viết, Quyến được thầy cô tiếp thêm nguồn tri thức mới. Cuối năm ấy, má mang bầu. Mùa lúa năm sau, má bình an sinh thêm đứa con nữa. Năm tháng đổi dời, cuộc đời thấm thoắt thoi đưa. Chị em Quyến lớn lên, còn ba má lưng mỗi ngày một còng xuống. Quyến học giỏi, lại chăm chỉ cần cù nên làng thương, ai đi ngang qua thấy Quyến ngồi ngoài hiên nhà học bài cũng ghẹo:

- Chú thím Chín có phước dữ chưa. Sinh hai đứa con đứa nào cũng đẹp, cũng học giỏi, thông minh… Con Quyến trổ mã nhìn duyên dáng quá kìa, chừng hai, ba năm nữa mà có sui…

Quyến ngượng đỏ mặt. Nhiều người đến nhà ngỏ ý kết duyên với Quyến mà má không chịu. Trong làng, con gái mười bảy, mười tám đã ôm gói theo chồng về miền xa lắc, khổ cực trăm bề, thanh xuân của họ là nỗi lo toan tủn mủn về vật chất, về gia đình. Làng nhỏ nằm ở ven sông, những mái nhà xác xơ nằm im lìm dưới vòm trời vàng vọt. Ở đây, Quyến xót xa khi nhìn những đứa trẻ không được học hành, suốt ngày rong ruổi ngoài đồng chăn trâu, nhổ cỏ. Những người lớn đã sớm đặt lên vai những đứa con bé bỏng của mình gánh mưu sinh. Lòng Quyến đau đáu. Hơn hai năm bôn ba trên thành phố học Cao đẳng Sư phạm, cuối cùng Quyến cũng trở về trường làng dạy trẻ. Ngôi trường ngày xưa Quyến bi bô tập đọc, nguệch ngoạc viết nên những con chữ đầu tiên trong cuộc đời. Ngôi trường bình dị mà cao quý, nơi này đã thay đổi cả cuộc đời của Quyến, giúp Quyến nhận ra: muốn thoát nghèo, muốn đổi đời thì nhất định phải đi học.

*

Mỗi lần thấy Quyến xách cặp đi trên con đường làng đến trường, người làng bĩu môi, lạnh lùng:

- Con Quyến khờ quá! Hồi đó tui định mai mối chỗ tốt cho nó sung sướng về sau mà chú thím Chín đâu có chịu, để con nhỏ vớ phải cái thằng không ra gì, cho sáng mắt.

Quyến nghe hết những lời cay đắng mà người làng dành cho mình. Quyến cắn răng chịu đựng, nhiều lúc trên đường về nhà nghe ai đó nói sau lưng mình, ấm ức, nước mắt Quyến chảy ròng ròng trên má. Thấy Quyến buồn rười rượi, má đứt từng khúc ruột nhìn Quyến mà an ủi:

- Con thấy không, dò sông dò biển chứ ai đo được lòng người đâu con. Mà, thằng Toàn nó bạc quá. Nó bỏ con đi không nói một lời. Nó tệ thiệt…

Quyến gục đầu vào vai má, bờ vai cứng cỏi nâng niu dìu dắt Quyến qua những khó khăn trong đời. Nức nở:

- Anh Toàn không xấu xa như vậy đâu má. Con tin anh sẽ trở về.

- Trở về. Biết chừng nào hả con?

Nghe má hỏi, Quyến im lặng. Chính Quyến cũng không biết khi nào Toàn sẽ trở về với Quyến, với miền quê yêu dấu có bóng dừa soi rọi mặt sông. Lúc yêu Quyến anh hứa hẹn đủ điều. “Ngày mai, ba mẹ anh sẽ mang cau trầu đến nhà em hỏi cưới”. Quyến mừng rỡ. Quyến đã mơ về cái ngày được mặc áo cưới, tay cầm bông đứng bên Toàn trong sự chứng kiến của gia đình hai họ. Đêm trăng, Quyến trao cho Toàn cái thứ quý giá nhất trong cuộc đời người con gái. Quyến không ân hận, Quyến chỉ thấy tủi tủi trong lòng. Một cơ thể sống đang lớn dần trong bụng Quyến. Những buổi lên lớp thưa dần, thưa dần vì cơn đau lưng, nhức mỏi cứ hành hạ người phụ nữ tội nghiệp. Chiều chiều Quyến ra bến sông có bóng dừa nghiêng ngả đợi chiếc đò dọc đưa Toàn về miền quê mến thương. Vô vọng. Quyến tủi lòng sờ tay lên bụng mà nói điều gì thầm thì với đứa con của mình.

- Con phải đi. Nhất định phải đi. Con ở lại đây chắc con chết. Lời ra tiếng vào sao con chịu nổi hả má? Ba má cho con đi, nguôi chuyện con dìa…

Quyến nói vậy. Má chỉ biết khóc, còn ba mắt ầng ậng nước, đỏ hoe. Ba kéo đờn cò đầu hồi mà tan gan nát ruột.

- Đi là đi đâu, con dại cái mang, điều tiếng thì có xá gì đâu con? Ở lại nhà mình vẫn hơn. Con lại sắp sinh nở. Má lo.

Quyến chết lặng. Quyến đi thật. Quyến đi hồi nào, đi đâu… không ai biết. Quyến để lại bức thư cho ba má với mấy lời nhắn kèm cho thằng út ở nhà ráng chăm chỉ học hành, thay Quyến chăm sóc cho ba má. “Ổn ổn chuyện con về với ba má”, Quyến viết vậy. Nước mắt má rơi xuống bức thư, nhòe con chữ, mắt má cũng nhòe đi… Má đứng nhìn chuyến đò chạy ngang qua dòng sông, buồn hiu buồn hắt…

*

Quyến đến huyện nghèo vùng biên giới khi cuộc đời Quyến rơi vào bế tắc, đau thương. Biên giới vùng sâu, nơi của sự nghèo nàn, của những đứa trẻ sống tách biệt với sự phồn hoa, ồn ã và hiện đại mà cũng lắm những xô bồ, toan tính, những đo đếm lòng người. Vùng biên hoang sơ, vùng biên bình lặng. Xứ sở của những con người đong đầy tình nghĩa như con người quê mình chất phác, thật thà. Chính quyền thương Quyến, dựng cho Quyến ngôi nhà nhỏ bằng lá nhưng ấm cúng dưới chân núi Bạc, cách trường không xa. Trên mảnh đất xa lạ chẳng mấy chốc đã hóa thân quen, Quyến sinh con - giọt máu của Toàn, mối tình đầu của Quyến. Thằng nhỏ giống Toàn y như đúc. Quyến không biết ngày mai, ngày kia,… thằng nhỏ có dịp gặp lại ba mình hay không, nhưng Quyến tin Toàn sẽ trở lại tìm Quyến. Để nói với Quyến rằng: Toàn không bạc tình bạc nghĩa, vì một lí do nào đó mà Toàn vô tình khiến cuộc đời Quyến rẽ theo một hướng khác. Nhưng chắc chắn đó không phải là hướng của sự cô đơn, vì ở đây, thứ mà Quyến nhận được chính là tấm lòng bao dung và sự cưu mang trọn vẹn của con người sống ở miền biên giới xa thẳm…

Trăng đã bồng bềnh trên đỉnh núi Bạc, đẹp lắm! Đứa trẻ đã ngủ say, còn Quyến đang ngồi bên bàn đèn soạn giáo án. Gió lộng. Lòng Quyến bâng quơ. Những đêm ngồi một mình Quyến thường nhớ về gia đình ngày xưa, nhớ ba má, nhớ thằng út hiền lành, chắc bây giờ út đã trưởng thành rất nhiều. Quyến nhớ cả Toàn, nhớ lời hứa của anh năm ấy: “Sau này, dù có lạc nhau anh vẫn sẽ tìm em. Lòng anh sạch như nước dòng sông quê mình”. Quyến mỉm cười. An nhiên. Quyến nghĩ về những khó khăn của vùng biên giới. Trường học tạm bợ, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đều thiếu. Rất nhiều lần chính quyền động viên, mời gọi giáo viên về đây dạy trẻ, nhưng mấy ai đủ can đảm để xa rời nơi chôn nhau cắt rốn hoặc cuộc sống náo nhiệt chốn thị thành để về biên giới heo hút, buồn bã mà sống, mà dạy trẻ.

Người vùng biên thường bảo: “Cô Quyến tốt bụng quá! Sau này lớn lên, nên người, những đứa trẻ nơi này sẽ chẳng bao giờ quên công lao dạy chữ và nghĩa tình trong sáng của cô”. Đó là những gì ngọt ngào nhất mà Quyến nhận được sau những cơ cực, chênh vênh tuổi thanh xuân.

Nghề giáo là nghề sạch nhất. Nghề mà người ta đặt cái tâm lên trên hết, vì con chữ, vì nghĩa tình…

*

Một buổi chiều Quyến ngồi trước nhà gieo mấy hạt giống mới trên luống hoa của mình, thằng nhỏ chạy còng còng trên mặt đất, Quyến bỗng thấy bóng ai cao cao, trông quen thuộc đi về từ phía núi Bạc, ánh lên trong bóng chiều.

Quyến đứng dậy. Đứa trẻ thấy người lạ vội vã nép vào lưng mẹ. Quyến nắm tay con. Hai mẹ con nhìn đăm đăm. Mắt Quyến có nước.

Là Toàn.

Cuộc sống luôn biết cách xếp đặt cho người ta hội ngộ sau những chuyến lạc nhau. Vấn đề chỉ là niềm tin. Điều còn sót lại trên cõi đời này chính là tình yêu thương vượt qua mọi thử thách của thời gian, không gian, của lòng người, để được trọn vẹn…

…Ba con người - một gia đình nhỏ - dắt nhau về thăm ngôi nhà nhỏ bên kia sông. Đã lâu lắm rồi Quyến không trở lại miền quê yêu dấu, không gặp ba má và những người thân thương. Quyến nhớ, nhớ đến nao lòng. Kia rồi, “con thấy không, đó là quê hương của mẹ, là ngôi nhà của mẹ. Ở đó mẹ đã từng sống những ngày thơ trẻ. Ở đó có ông bà của con, những người rất hiền và thương yêu mẹ con mình vô điều kiện”. Quyến trở về. Dù đi đâu thì quê hương vẫn mãi là chốn bình yên trong tâm khảm mỗi người…

Hoàng Khánh Duy (baolamdong)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu