A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện tình người quản trang

Có người gọi ông là "Ông Ba quản trang". Có người gọi ông là "Ông Ba si tình". Lại có người kể rất ly kỳ hẳn một câu chuyện về cái tên của ông. Họ bảo sở dĩ ông có cái tên "Ba" là vì ông đã ba lần yêu và cả ba lần đều không được yêu. Ông chán đời xin đi làm quản trang.

 Tranh minh họa

Mặc, ông không chấp. Miệng thế gian mà. Ngày ngày ông có nhiệm vụ mở và đóng cổng nghĩa trang, quét dọn, lau chùi các bia mộ, đưa đón khách vào thăm viếng. Ông chỉ có một mình trong hai gian nhà nho nhỏ ở ngay cạnh cổng. Một gian ông kê một chiếc giường cá nhân. Một gian ông kê một bộ bàn trà, gọi là phòng khách. Mỗi khi có người vào thăm viếng còn có chỗ để tiếp.

Công việc của ông thầm lặng một mình, ít tiếp xúc với bên ngoài. Rất ít người hiểu về ông. Họ chỉ biết rằng xưa kia ông đã có một thời làm mỏ. Sau đi bộ đội rồi bị thương. Phục viên về, xin ra làm quản trang. Họ làm sao hiểu hết được ông, vì chẳng bao giờ ông kể với ai. Mười tám năm làm quản trang, ông thuộc tên, nhớ tuổi của từng người một. Hằng ngày chăm sóc các phần mộ những người bạn, người đồng chí của ông, ông thấy lòng mình thanh thản. Ở cái nghĩa trang thị xã này tuy không lớn, nhưng các phần mộ ở đây cũng có đủ các thành phần, ở mọi địa phương.

Người ta vẫn thường thấy ông chăm lo chu đáo cho phần mộ của một chiến sĩ gái tên là Hà. Ngày mồng một, ngày rằm hằng tháng ông đều mua hoa tươi, mà chỉ một loại hoa mẫu đơn về cắm cho cô rồi ngồi rất lâu bên phần mộ của cô. Quan hệ giữa ông và người dưới mộ chắc chỉ có ông mới biết được. Mỗi buổi chiều khi mặt trời sắp lặn, gió từ sông Bạch Ðằng thổi về đem hơi nước làm dịu đi sự bỏng rát trên các phần mộ. Thắp một nén hương cho Hà, ông ngồi tĩnh lại. Mọi ký ức ùa về, xao động trong ông.

Quê ông ở thành phố Nam Ðịnh, ngay đầu phố Hàng Thao. Năm 1967 giặc Mỹ trút bom san bằng cả phố Hàng Thao. Nhà ông không còn một ai sống sót. Duy nhất chỉ có ông, may mà hôm ấy ông về quê ngoại. Ðau đớn, xót thương, ông vật vã mấy ngày liền, khóc không ra tiếng. Sau đó, ông anh họ xin cho ông ra mỏ làm việc. Ông bắt đầu cuộc đời làm mỏ từ đấy. Ðược cái ông vốn thông minh, lại cần cù chịu khó nên chỉ một năm sau tay nghề của ông đã khá. Ông được trao búa để vào lò. Từ một người học việc, ông thành thợ bậc hai, bậc ba.

Những năm tháng này là những năm tháng thành đạt nhất của ông. Cùng với việc ông thành đạt về tay nghề, ông lại còn thành đạt cả về tình yêu. Ông đã được một cô y tá trực ca yêu mến. Cô tên là Hà cũng người Nam Ðịnh, nhưng lại ở mãi dưới Trực Thuận, Trực Ninh. Hà theo bố ra mỏ sau ông hai năm. Học lớp y tá sáu tháng, giờ trực ở trạm cửa lò. Hà hiền lành, chất phác, ít nói, hay cười. Sớm mồ côi mẹ nên đôi mắt lúc nào cũng buồn buồn, sâu thẳm. Ông và Hà thương nhau chân tình. Bố Hà cũng quý ông hết mực. Những ngày nghỉ, ông thường đến nhà Hà, gặp bữa thì ăn, gặp việc thì làm. Bố con Hà đã quen coi ông như một thành viên trong gia đình. Những buổi tối Hà cùng ông đi dạo. Con đường qua xóm Lá Lốt đã quá quen thuộc đối với ông. Phiến đá to dưới gốc cây si già là nơi mà ông và Hà hay ngồi tâm sự. Dưới ánh trăng non đầu tháng, Hà gục vào vai ông nhỏ nhẹ:

- Em vẫn là người hạnh phúc hơn anh. Vì em còn có bố. Lại được anh hiểu em, thương yêu em.

Ông cũng ghì chặt lấy đôi vai của Hà:

- Giờ đây anh cũng đã có bố rồi đấy thôi!

Hà sụt sịt khóc. Nước mắt ướt đầm vai áo ông. Con tim ông cũng nhói lên vì hạnh phúc. Ông tưởng cuộc đời của ông thế là hết. Ai ngờ... Ông và Hà đã hẹn ước cùng nhau cuối năm 1970 thì tổ chức đám cưới. Mấy đêm liền hai đứa ngồi với nhau bàn bạc về tương lai, về những dự định sau này.

Ông vào quân ngũ. Hôm chia tay, hai đứa cứ ôm nhau nức nở. Cả đêm ấy Hà không muốn rời ông. Còn ông thì háo hức. Tuổi trẻ mà. Hà dúi vào tay ông một bông hoa mẫu đơn được gói rất khéo trong một chiếc khăn tay. Lúc ấy ông chưa hiểu được ý của Hà. Mãi sau này khi hành quân trên đường Trường Sơn ông mới nghĩ ra được. Thì ra Hà chỉ muốn làm vợ, muốn làm mẹ trước khi chia tay ông. "Ôi ! Ba ơi là Ba! Ngu ơi là ngu!". Cứ thế ông tự đấm vào đầu mình và tự trách mình...

Rồi các cuộc hành quân, các cuộc chiến đấu trên các mặt trận lại cuốn ông đi. Hết Khe Sanh, Ðường 9 - Nam Lào, về Tây Nguyên... Cuối cùng, ông chốt ở miền Ðông Nam Bộ. Năm 1975, sư đoàn ông được lệnh tấn công vào Xuân Lộc, cửa ngõ của Sài Gòn. Ðể chuẩn bị cho trận đánh ông được giao nhiệm vụ dẫn đầu một tổ trinh sát vào nghiên cứu thực địa. Ðồng đội của ông chẳng may vấp phải mìn cóc bị lộ. Cả tổ vất vả lắm mới rút được về căn cứ an toàn. Riêng ông bị trúng đạn phải đưa về tuyến sau. Khi tỉnh lại, ông tròn mắt ngạc nhiên. Người ngồi ngay cạnh giường ông có phải là Hà không? Ông chớp chớp mắt định vị lại để nhìn cho kỹ. Hà cầm tay ông nức nở:

- Anh Ba! Anh đã tỉnh rồi. Em đây! Hà đây! Anh không nhận ra em sao?

Cứ thế Hà vừa khóc, vừa gọi, vừa lay lay người ông.

- Hà đấy ư? Ông gượng ngồi dậy.

- Thôi! Anh cứ nằm xuống - Hà đỡ người ông - Em đây mà! Lúc cứu thương đưa anh vào là em nhận ra anh ngay. Không ngờ là em lại gặp anh ở đây - Hà vuốt nhẹ lên mái tóc ông - Em tình nguyện đi B từ năm ngoái. Em hy vọng vào trong này nhất định sẽ tìm được anh. Ðến chỗ nào em cũng hỏi thăm về anh.

Bất ngờ được gặp Hà làm ông choáng ngợp. Một cảm giác lâng lâng trong người.

- Bố ở nhà có khỏe không em? Mỏ vẫn sản xuất hay nghỉ? - Ðã lâu không nhận được tin nhà, nay gặp được người thân, mừng vui khôn xiết. Ông dồn dập hỏi Hà.

- Bố vẫn khỏe anh ạ. Máy bay đánh phá dữ lắm, nhưng mỏ vẫn sản xuất bình thường - ngừng một lát - Thôi ! Anh hãy còn mệt, anh nghỉ đi mai khỏe hẳn chúng mình sẽ nói tiếp anh nhé.

Những ngày ở trạm quân y tiền phương ông và Hà thật sự hạnh phúc. Rảnh việc là Hà lại đến với ông. Anh chị em ở trạm rất quý Hà, luôn tạo điều kiện để cho Hà được gần ông. Hôm đến thăm bệnh cho ông, bác sĩ trạm trưởng có nói:

- Anh Ba! Anh hãy điều trị cho nhanh khỏi, giải phóng Sài Gòn xong trạm sẽ đứng ra tổ chức cho hai anh chị.

Sự quan tâm, săn sóc chu đáo của anh chị em đã làm cho ông cảm động rưng rưng nước mắt. Hôm sau, khi vết thương của ông đã đỡ. Hà dìu ông ra ngoài lán tập đi. Hai đứa ngồi dưới gốc cây săng lẻ chuyện trò y như cái đêm chia tay dưới gốc cây si già xóm Lá Lốt. Hà rút tờ báo "Quân đội nhân dân" ra khoe với ông:

- Anh Ba thấy không! Em đã được đăng báo rồi nhé. Hôm mở màn trận đánh Buôn Mê Thuột bọn rằn ri tập kích binh trạm của bọn em...

Ông không để cho Hà kể hết, vội chộp lấy tờ báo:

- Em đưa anh xem nào - Ông ngắm nghía bức hình trên báo. Hà đây ư? Một cô giải phóng rắn rỏi đang dìu những thương binh dưới làn bom đạn. Ông ngẩng lên ngó trân trân vào mặt Hà. Hà xấu hổ che mặt:

- Anh Ba! Sao anh nhìn em kỳ thế!

- Em cứ để anh ngắm kỹ em - Xem em đẹp hay người trong ảnh đẹp nào?

Hà đấm ông thùm thụp rồi ôm lấy ông, cắn cắn vào vai ông.

- Giải phóng xong chúng mình tổ chức đám cưới ở Sài Gòn anh nhé!

- Thế còn bố?

- Tổ chức rồi chúng mình xin nghỉ về ra mắt bố. Em không chờ đợi thêm được nữa đâu.

Rồi cứ thế, ông và Hà hòa nhập vào màn đêm. Một đêm sao mà tĩnh lặng, không một tiếng súng, không một chùm pháo sáng. Chỉ nghe thấy tiếng tim đập và những hơi thở của nhau.

Ông điều trị được một tuần thì vết thương đã đỡ. Ðơn vị cho người đón ông về chuẩn bị cho chiến dịch đánh vào Xuân Lộc. Thế là ông lại phải xa Hà. Ðêm trước hôm ra đi, hai đứa ngồi với nhau thâu đêm bên ngọn đèn dầu. Hà kể hết với ông những tình cảm, những nỗi nhớ thương trong những ngày phải xa ông, kể cả điều mong muốn thầm kín nhất của Hà. Ông biết. Hà còn bảo rằng: Nếu ngày ấy mà ông để lại cho Hà một giọt máu của ông thì Hà sẽ không tình nguyện. Hà ở vậy sinh con và chờ ông.

Hiểu được lòng Hà, hiểu được tình yêu của Hà, ông lại càng thương Hà, càng quý trọng Hà. Ông và Hà chia tay nhau. Ông lao vào cuộc chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chiến thắng Xuân Lộc, sư đoàn ông tiến thẳng vào Sài Gòn. Từ đó ông cũng bặt tin Hà.

Ngày 30-4-1975 Sài Gòn giải phóng. Sư đoàn ông cùng ăn mừng ngày toàn thắng với quân và dân Sài Gòn. Một tuần sau, sư đoàn ông lại được lệnh hành quân lên Tây Ninh. Một tháng sau, ông nhận nhiệm vụ đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia.

Bốn năm chiến đấu trên chiến trường Cam-pu-chia, năm 1979, ông lại bị thương phải về nước điều trị tại bệnh viện Quân khu 7. Hiện vẫn còn một viên đạn trong người, không thể lấy ra được. Những ngày trở lạnh, ông lại tấy sốt và đau nhức. Ông chính thức rời quân ngũ vào tháng 4-1981.

Trên chuyến tàu thống nhất ra Bắc, bao nỗi buồn vui lẫn lộn trong ông. Mới có sáu năm xa người yêu mà ông cứ tưởng đã xa cách mấy chục năm. Ông chuẩn bị đủ thứ cho Hà: Xe đạp, quần áo, gương lược và các loại đồ dùng cá nhân... Ông còn mua cả búp bê, đồ chơi cho trẻ con, để sau này con ông có thứ mà chơi. Chắc gì ở ngoài Bắc các thứ này đã có.

Rồi cái gì đến cũng sẽ đến. Về tới cơ quan cũ ông mới được biết là Hà đã hy sinh, hy sinh ngay trong trận đánh vào Xuân Lộc mà ông không hề biết gì cả. Sự đời sao lắm cái trớ trêu đến thế.

Ðứng trước bàn thờ Hà ông khuỵu xuống ngất xỉu, không nói được một lời nào. Bố Hà và bà con lối xóm vội vực ông dậy, đưa ông đi cấp cứu. Mãi tới chiều ông mới tỉnh. Ông rút trong túi ra chiếc khăn mùi xoa có thêu đôi chim bồ câu và hai chữ "Ba + Hà" lồng nhau cùng với bông hoa mẫu đơn đã ép khô để lên bàn thờ Hà. Ông nấc trong cổ họng.

- Hà ơi! Chiếc khăn và bông hoa em tặng anh, anh luôn giữ bên mình. Ði đến đâu anh cũng thấy có em bên cạnh. Nay em ở đâu? Ðêm sương, ngày nắng thế này ai che chở cho em? Nguyện ước của em anh không đền đáp được. Thực là có lỗi với em. Trước vong linh em, anh xin hứa anh sẽ đi tìm em, dù cho cuối biển chân trời anh cũng sẽ đưa được em về với bố. Anh sẽ chăm sóc bố, chăm sóc em... Anh sẽ không rời em nửa bước. Em cứ tin ở anh.

Lời ông chìm dần rồi lắng tận trong tim. Bố Hà không cầm lòng được, ông cũng nấc lên, vật vã. Hai người đàn ông, một già, một trẻ trơ trọi như hai cái bóng không hồn nhòa dần trong làn khói hương nghi ngút.

Sau đó một năm, ông và bố Hà lặn lội vào Xuân Lộc để tìm hài cốt của Hà. Gần một tháng trời, qua bốn nghĩa trang, cuối cùng ông và bố Hà cũng đã tìm thấy và đưa được hài cốt của Hà về. Thị xã, mỏ than và phòng thương binh xã hội đã tổ chức lễ truy điệu trọng thể cho Hà. Hài cốt của Hà đã được đưa vào nghĩa trang thị xã.

Sau khi cố gắng đưa được hài cốt của Hà về, bố Hà lâm bệnh và qua đời. Giờ chỉ còn có một mình ông. Căn nhà sao mà lạnh lẽo, trống trải. Ông như người mất trí, suốt ngày thờ thẫn ngoài nghĩa trang thắp hương và trò chuyện với Hà.

Theo yêu cầu và nguyện vọng của ông, phòng thương binh xã hội thị xã đã cử ông ra trông coi nghĩa trang. Ðược ra trông coi nghĩa trang ông càng có điều kiện để gần gũi, chăm sóc cho Hà hơn.

Có người cứ thắc mắc không hiểu sao ông không lấy vợ. Ngoại ngũ tuần rồi còn gì. Hỏi ông, ông chỉ cười và lắc đầu. Cũng đã có một vài người mai mối nhưng chẳng đâu vào đâu. Có đêm ông ngồi với Hà đến tận khuya.

Ðêm nay cũng vậy, ông chẳng muốn về. Ông muốn ngồi đây để nghe tiếng vi vu của gió, tiếng xào xạc của cây, tiếng của côn trùng than khóc. Ông cầm tờ báo có hình của Hà trên tay thảng thốt như nói với Hà:

- Anh đã có em rồi, chỉ một mình em thôi. Em mãi mãi là người vợ yêu quý nhất của anh. Tuy chúng ta chưa kịp làm đám cưới, nhưng chúng mình đã thuộc về nhau rồi phải không em? Anh sẽ nguyện ở bên em mãi mãi. Lúc trẻ anh đã không lo được cho em. Nay về già anh sẽ chăm sóc cho em suốt đời...

Tiếng của ông trầm bổng, thổn thức. Tiếng nấc nghẹn của một ông già gầy gộc, khẳng khiu, chìm dần trong đêm tối.

Vũ Thế Hùng/https://nhandan.com.vn/


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu