A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Việt ở Sri Lanka giữa tâm bão khủng hoảng kinh tế và truyền thông

Sri Lanka đang ở vào thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1948.

Đại sứ Hồ Thị Thanh Trúc trao quà từ Quỹ Đạo Phật ngày nay giúp đỡ các hộ nghèo ở thủ đô Colombo trước thềm Năm mới

Khủng hoảng kinh tế tồi tệ khiến đời sống của người dân nói chung và đặc biệt là dân nghèo bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến giá cả tăng phi mã các mặt hàng thiết yếu như lương thực, nhiên liệu, thuốc chữa bệnh…

Chẳng ngạc nhiên khi đảo quốc nhỏ bé, vốn rất thanh bình trở thành tâm điểm truyền thông khi các cuộc biểu tình, đa phần là tự phát của dân chúng, ngày càng lan rộng ra khắp đất nước với sự tham gia của nhiều thành phần, nhiều dân tộc, tôn giáo.

Trong số các cuộc biểu tình ôn hòa, cũng xuất hiện nhiều cuộc xô xát giữa người dân và lực lượng chấp pháp khi có người quá khích tìm cách vượt tường rào xung quanh dinh thự Tổng thống hay nóng giận cố gắng đốt xe bồn chở xăng buộc cảnh sát phải nổ súng.

Thông tin, hình ảnh về tình trạng khan hiếm ga, điện, xăng, dầu diesel, thuốc men, người biểu tình khắp các đường phố, thậm chí cắm trại gần Phủ Tổng thống suốt cả thời gian lễ Tết….tràn ngập các phương tiện thông tin đại chúng, cả trong và ngoài nước.

Không chỉ người dân bản địa phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống thường ngày, cộng đồng người Việt tại Sri Lanka cũng không ngoại lệ khi phải gắng gượng ứng phó với những đảo lộn trong sinh hoạt do tình trạng cắt điện xảy ra hằng ngày trong điều kiện thời tiết nắng nóng, đỉnh điểm là 13 tiếng/ngày và hiện tại là từ 4-6 tiếng, xếp hàng dài cả cây số, thậm chí qua đêm, để mua ga nấu ăn hay đổ nhiên liệu cho xe cộ; giá cả tất cả các mặt hàng tăng cao trong khi lương của người làm công không tăng hoặc thu nhập của hộ kinh doanh bị giảm sút.

Người Việt sinh sống ở Sri Lanka không nhiều, hiện nay chỉ vào khoảng 300 người gồm các gia đình kết hôn với người bản địa, các tăng ni học tập và tu tập tại các trường đại học/cơ sở Phật giáo và quá nửa là công nhân đang làm việc tại công ty xây dựng.

Cộng đồng có truyền thống đùm bọc, sẻ chia và ngày càng gắn kết. Tận dụng sự phát triển của công nghệ, thông qua nền tảng các mạng xã hội như Messenger, Zalo,WhatsApp, thông tin trao đổi qua lại giữa Đại sứ quán với cộng đồng và giữa bà con cộng đồng với nhau diễn ra thường xuyên, kịp thời.

Các diễn biến về tình hình đất nước được Đại sứ quán và bà con chia sẻ, cập nhật trên các diễn đàn; nhắc nhau tỉnh táo, biết chắt lọc tin tức để ứng phó mà không hoang mang; dặn nhau tuân thủ luật pháp nước sở tại, cẩn thận trong sinh hoạt, đi lại, san sẻ cho nhau những sản phẩm tự trồng; sẵn sàng giúp đỡ, luôn động viên nhau cố gắng bình tĩnh thích nghi với hoàn cảnh để cùng khắc phục, vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Truyền thống tốt đẹp “tương thân, tương ái”, tinh thần “lá lành đùm lá rách” không chỉ phát huy giữa cộng đồng bà con người Việt mà còn dành tặng người dân bản địa.

Đơn cử như trong dịp Năm mới Sinhala và Tamil vừa qua, với sự phát tâm đóng góp của nhiều mạnh thường quân trong và ngoài nước, sư Thầy Pháp Quang, hiện đang trụ trì tại Thiền viện Trúc Lâm, Kandy, đã tổ chức trao tặng cả trăm phần quà yêu thương, thiết thực gồm tiền mặt, gạo và lương thực khô cho người nghèo Sri Lanka đón Tết.

Trước đó, trong chuyến hành hương tới Sri Lanka, phái đoàn do Thượng tọa Thích Nhật Từ dẫn đầu, ngoài việc cúng dường quý Tăng Ni Việt Nam đang du học nơi đây, đã cúng dường 100 suất học bổng cho các vị tăng trẻ người Sri Lanka và trao 100 phần quà cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại thủ đô Colombo.

Thầy Pháp Quang trao quà “Tết yêu thương” cho dân nghèo ở Kandy

Cộng đồng người Việt tại Sri Lanka chia sẻ cảm giác không vui khi đọc các bài báo chưa phản ảnh hết tình hình thực tế địa bàn từ một số trang báo trong nước.

Thông tin phiến diện, đôi khi chỉ là dịch từ một số nguồn báo chí nước ngoài mà thiếu sự hiểu biết thấu đáo về vấn đề, bản chất sự việc… không chỉ gây hoang mang, lo lắng cho các gia đình, người thân, bạn bè của bà con đang sinh sống, làm ăn xa quê, mà rất có thể vô tình đẩy Sri Lanka vào tình cảnh khó khăn hơn.

Chính vì vậy, bà con cho rằng, tuy báo chí có quyền khai thác các góc nhìn khác nhau về một sự kiện nhưng, với quốc đảo mà nguồn thu chủ yếu dựa vào du lịch và hiện tại dù gặp nhiều khó khăn vẫn đang nỗ lực đảm bảo là điểm đến an toàn với du khách, đặc biệt với những ai ưa thích du lịch tâm linh, du lịch khám phá cảnh đẹp tự nhiên và môi trường thiên nhiên hoang dã; khai thác đề tài tích cực ở Sri Lanka sẽ góp phần giúp người dân nơi đây vượt qua khó khăn trước mắt và đất nước sớm bình ổn trở lại.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Sri Lanka, tính đến 31/3, số du khách nước ngoài đến nước này từ đầu năm đạt 285.334, riêng trong tháng Ba là 106.500 người, chủ yếu là từ Ấn Độ, Anh, Đức, Nga và Pháp…

Ngày cuối trước Tết Năm mới của người Sinhala và Tamil (hai dân tộc chính ở đảo quốc này), chính phủ Sri Lanka tuyên bố tạm hoãn các nghĩa vụ trả nợ quốc tế, dành khoản dự trữ ngoại tệ ít ỏi duy trì mua sắm các mặt hàng thiết yếu.

Sáng ngày đầu tuần làm việc sau kỳ nghỉ lễ, các bộ trưởng, quốc vụ khanh của nội các mới lần lượt tuyên thệ, đồng thời chính phủ cũng đang gấp rút làm việc với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ… mang đến những tín hiệu thay đổi khả quan trong thời gian tới.

Cộng đồng người Việt ở Sri Lanka không quá lạc quan, nhưng luôn có cái nhìn tích cực, luôn mong những điều tốt đẹp sẽ đến với đất nước Sri Lanka xinh đẹp, người dân Sri Lanka thân thiện, hiếu khách.

Nhiều người Việt sinh sống lâu năm ở Sri Lanka yêu quý và coi đảo quốc là quê hương thứ hai của mình, cũng luôn đau đáu hy vọng tình trạng khó khăn hiện nay sớm được giải quyết, đất nước đang từng bước thay đổi, đi vào ổn định. Chỉ khi Sri Lanka trở lại bình thường, cuộc sống của cộng đồng người Việt nơi đây cũng sẽ bình an hơn, hạnh phúc hơn.

Chu An/ baoquocte.vn

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm