A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày Tết và những mong ước của Việt kiều

Mùa Tết đến với Việt kiều ở Đức thường mang theo cả một khung trời giá băng, tuyết lạnh. Trong cái lạnh cắt buốt thịt da ấy, người Việt ở hải ngoại vẫn cảm nhận được chút ấm áp từ quê nhà, qua sự tưởng tượng về một không khí đầm ấm và hạnh phúc, khi những người thân, bạn bè quây quần bên gốc mai vàng, hay bên cành đào hồng khoe sắc thắm, và qua những cuộc điện thoại rôm rả kéo dài, vượt không gian cách trở bao nhiêu ngàn cây số, để nối những mảnh tình thân ái lại với nhau.

Trong ý nghĩa “năm hết Tết đến”, theo lối nói của người Việt chúng ta, thì ngày Tết là biểu tượng của sự chấm dứt một thời gian cũ, để bắt đầu một thời gian mới, và ai trong chúng ta cũng đều ước nguyện, rằng thời kỳ mới này sẽ mang đến cho ta nhiều hạnh phúc và may mắn.


Ngày Tết cũng là ngày bắt đầu của một mùa Xuân, trong chín mươi ngày Xuân ấy, hoa lá và vạn vật đều đua nhau chuyển mình, đơm chồi, nảy lộc xanh tươi, khoe sức sống khỏe mạnh trong ánh nắng chan hòa, rạng rỡ. Đất trời như cùng tận hưởng, không để mùa Xuân trôi qua uổng phí, như đại thi hào Nguyễn Du (1764-1820), tác giả “Kim Vân Kiều Truyện”, đã nhắc nhở, qua bài thơ chữ Hán “Mộ Xuân mạn hứng”, tức “Cảm hứng cuối Xuân”:

Nhất niên Xuân sắc cửu thập nhật
Phao trịch Xuân quang thù khả liên.

(Một năm có chín chục ngày Xuân
Thấm thoát Xuân đi tiếc bội phần.)

Chúng ta hãy sống hết mình với ngày Xuân, hãy yêu ngày Tết, yêu mùa Xuân với tất cả con tim và khối óc của mình, đừng để tình Xuân nát vụn dưới chân giày, như trong bài thơ “Mưa Xuân” của Nguyễn Bính (1918-1966):

Bữa ấy mưa Xuân đã ngại bay,
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa Xuân đã cạn ngày”.
Anh ạ! Mùa Xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?

Ừ nhỉ, bao giờ em mới gặp anh đây? Tình yêu hay mùa Xuân của em bao giờ mới trở lại? Phải chăng rằng khi mùa Xuân qua đi, thì tình yêu không còn cơ hội để cất cánh? Mùa Xuân chính vì thế là mùa của hy vọng, chờ đợi và mong ước…

Người Việt ở xứ người, trong ngày Xuân cũng hy vọng, chờ đợi và mong ước bao nhiêu điều, từ những việc vô cùng riêng tư, cho đến cả những chuyện… quốc gia đại sự!


Ngoài những mong ước hết sức đơn giản sau đây, rất thông thường như hít thở không khí hằng ngày, như những người Việt “sống chui”, chưa có giấy tờ cư trú ổn định trong xã hội, cầu mong đừng… bị lộ, nhanh chóng chuyển hóa được tình trạng cuộc sống đang trôi nổi, phập phồng. Đến những mơ ước, khi mới nghe qua tưởng đùa mà có thật, như việc những người phụ nữ Việt Nam, đang có giấy tờ đám cưới… giả với đàn ông Đức, để được phép định cư lâu dài, cầu mong “ông ấy” đừng trở mặt, chèn ép lung tung, đặt thêm những điều kiện mới không có trong giao kết thỏa thuận ban đầu, từ chuyện thêm tí tiền bạc đến chuyện đòi hỏi… hơi ấm gối chăn! Rồi có cả những chuyện cầu mong rất hi hữu sau đây, có người nghe xong phải ôm bụng mà cười bò, đó là ước mơ của nhóm chuyên tổ chức những lô hàng thịt… “nai đồng quê Việt Nam”, cầu mong thoát khỏi sự kiểm tra, được… hạ cánh an toàn và đúng hẹn trên các bàn nhậu ngày Tết.

Nhưng nói cho cùng, chuyện riêng tư quan trọng nhất có lẽ là chuyện… làm giàu, bởi người Việt chúng ta rời đất nước, hay có những trường hợp phải bỏ nước ra đi, dù dưới bao nhiêu hình thức hay lý do khác nhau này nọ, từ một sinh viên du học, cho đến người công nhân thợ khách, hay một thuyền nhân, chung lại cũng chỉ tìm cách… đổi đời, vươn đến một hạnh phúc mà khi ở trong nước, hoàn cảnh không cho phép mình đạt đến.

Hoàn cảnh đó là gì? Phải chăng ấy là một khung cảnh chính trị ngày xưa còn gò bó chưa thoáng mở, điều kiện phát triển kinh tế không đồng bộ, pháp luật không khoa học và công bằng, hạ tầng cơ sở của xã hội thì què quặt và cũ kỹ của thời Pháp thuộc còn để lại... Người Việt đến nước Đức có mục tiêu trước mắt là đổi đời cho chính bản thân mình, cho gia đình mình và cho thế hệ con cháu theo sau. Bước chân lên nước Đức, ta như sinh lại vào một cuộc đời mới. Từ một đất nước lạc hậu nghèo nàn, bước qua một trong những cường quốc của năm châu, có bề dày văn hóa và tư tưởng cũng như sự trưởng thành về tính chất con người, từ trẻ em cho tới người lớn.

Vì vậy ngày Tết đến, người Việt ở Đức cầu mong làm ăn thuận lợi, nhưng tùy theo công việc và hoàn cảnh riêng của mỗi người, cách cầu mong cũng khác nhau. Người làm công nhân trong xí nghiệp, cầu mong không bị sa thải, không bị thất nghiệp. Người nhận trợ cấp xã hội, cầu mong kinh tế Đức phát triển tốt, để nhà nước không cắt bớt đi tiền trợ cấp. Người làm quán ăn nhanh (tiếng Đức: Imbiss), cầu mong có nhiều du khách đến thăm thành phố, đi chơi nhiều sẽ… đói bụng nhiều. Người bán quần áo, mong lấy được nhiều lô hàng rẻ, bán nhanh và có lãi hơn. Những hộ bán hoa tươi cầu mong có sức khỏe, sức chịu đựng dẻo dai, để có thể đi lấy hoa từ tờ mờ sáng, cả trong những ngày đông giá đầy tuyết lạnh. Tóm lại mỗi ngành mỗi kiểu, mỗi người mỗi cách, cầu mong một cuộc sống ổn định, kiếm tiền khấm khá, rồi nếu có thời cơ, cờ đến tay thì... phất lên làm giàu, mặc dù phải thành thật mà nói, ở Đức làm giàu rất khó, nhưng bù lại, nhờ vào mạng lưới xã hội hiệu quả, nên không ai bị đói.

Ngày Tết đến, người Việt ở Đức cũng cầu mong con cái học hành thật giỏi, đạt điểm cao trong trường, tạo tiền đề và cơ hội tốt để tiến thân trong xã hội sau này, chứ không bon chen mệt mỏi như thế hệ cha mẹ, xứng đáng với lòng tận tụy chăm lo, theo đúng câu châm ngôn “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, mà hầu hết phụ huynh người Việt ai cũng thuộc nằm lòng.

Đó là những chuyện cầu mong riêng tư trong ngày Xuân. Còn những ước vọng của Việt kiều cho đất nước, thì cũng rất vô cùng…


Ngày Xuân, dĩ nhiên những người con Việt xa quê hương, luôn luôn cầu mong mọi điều tốt lành đến trên đất mẹ của mình, ấy là ước mơ một xã hội an lành, hạnh phúc, tiến bộ và phồn vinh.

Một sự thật không ai phủ nhận, rằng những người Việt có tấm lòng ở hải ngoại lúc nào cũng nghĩ về nguồn cội của mình. Vui mừng cùng với những thành công của đất nước, và buồn thương, trăn trở về những gì chưa đạt được. Ai đã về thăm quê hương những năm gần đây đều nhận ra nhiều thay đổi và tiến bộ không ngừng, thấy được đất nước đang từng ngày từng tháng phát triển đi lên. Bộ mặt xã hội đang mang nhiều nét hạnh phúc, tươi vui. Song song với những đổi thay đó, là sự ra đời của những chính sách và nghị quyết đối với Việt kiều, bước đầu tạo được niềm tin trong lòng mọi người.

Nhưng nếu có ai hỏi, người Việt xa quê còn mong ước điều gì cho đất mẹ, thì chắc chắn 100% rằng, họ sẽ bảo, còn biết bao nhiêu điều đang ấp ủ và lo lắng trong lòng. 

Chuyện đầu tiên có lẽ đó là tư duy và trăn trở về việc đưa con thuyền đất nước đi lên, có khả năng hội nhập tự nhiên vào dòng chảy văn minh của thế giới, hay là chúng ta vẫn cứ áp dụng mãi những phương pháp cũ kỹ lỗi thời, mà thế giới hiện đại ngày nay đã xếp vào quên lãng?

Chuyện thứ hai là vấn đề xây dựng một hệ thống có phân quyền rõ rệt, tránh sự chồng chéo, dẫn đến sự tranh giành quyền lực của nhau, xây dựng một xã hội mà trong đó không một ai có quyền sống ngoài, hay sống trên pháp luật.

Chuyện kế tiếp có tác dụng lâu dài cho thế hệ mai sau, đó là việc bảo vệ hữu hiệu môi trường để sống và an toàn thực phẩm, nhằm phục vụ cho sức khỏe và sự phát triển trí tuệ người dân, bởi con người ta như một thân cây, có chăm bón tử tế thì mới đơm được hoa thơm, kết được trái lành.

Cũng không ít người Việt hải ngoại cho rằng, nên xem việc giải quyết nạn thất nghiệp trong nước bằng phương án đơn giản “xuất khẩu lao động” ra nước ngoài như hiện nay chỉ là một giải pháp tạm thời, mà phải nỗ lực đầu tư tạo ra nhiều công ăn việc làm trong nước mới thật là phương án chủ đạo, lâu dài. Bởi vì trong một đất nước đang phát triển như Việt Nam, những chuyên gia có thể nhìn thấy được bao nhiêu nơi có khả năng tạo ra công việc.

Trong vấn đề đầu tư, nhà nước không nên khuyến khích, tung nhiều tiền vào các tổ chức đầu tư buôn đi bán lại các bất động sản, vì những đầu tư lợi nhuận với “ảo giá” này, hoàn toàn không tạo ra được thành phẩm thiết thực cho cuộc sống của đại đa số người dân trong xã hội. Dĩ nhiên trong kinh tế thị trường, nhà nước không có quyền cấm những đầu tư đó, nhưng chính những xí nghiệp sản xuất, các ngành kinh tế quốc dân tạo ra sản phẩm mới nên có được điều kiện ưu tiên hơn về mọi mặt để phát triển.

Chúng ta cũng phải nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở của đất nước, như cầu cống vững chãi và thuận lợi, đường xá, sông rạch rộng rãi và sạch sẽ, chôn ngầm các đường dây điện, chôn ngầm các đường dây thông tin như ở các nước tiên tiến vẫn làm, tạo mỹ quan cho thành phố và an toàn cho người dân, xây dựng hệ thống thoát nước và cống rãnh, tránh tình trạng ngập lụt khi có mùa mưa đến như hiện nay.

Trong năm 2010, đại lễ 1000 năm Thăng Long đã làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc, đánh dấu một chặng đường lịch sử quan trọng trong quá trình dựng nước của cha ông. Nhưng không may, thời điểm tổ chức đại lễ lại rơi vào lúc miền Trung bị bão lụt nặng nề, bao nhiêu sinh mạng con người, động vật và của cải bị cuốn chìm, trôi theo dòng nước lũ. Ngay sau đó, nhà nước đã nhìn ra và có phản ứng kịp thời, dấy lên một phong trào quyên góp và cứu lụt trong cả nước, trong đó có một phần đóng góp nhỏ của Việt kiều, xoa dịu được một phần nào những đau thương và bức xúc của những người còn sống sót và cả những nạn nhân đã chết.

Đất nước Việt Nam chúng ta, kể từ đời Hồng Bàng dựng nước, với quốc hiệu Văn Lang, cho đến nay, đã trải qua gần năm ngàn mùa Xuân. Qua bao nhiêu thăng trầm, trong cảnh bể dâu của cuộc sống, lúc lên lúc xuống, lúc thanh bình lúc loạn ly, ngày nay con cháu được hưởng những ngày Xuân thật thanh bình và hạnh phúc. Đó là kết quả đầy gian lao, khổ cực của tổ tiên, mà chúng ta, trong đó có bộ phận Việt kiều hải ngoại, cần cẩn trọng nghiêng mình. Trong gần 5000 năm đó, chính nhờ lòng yêu nước và sự dũng cảm, mà dân ta giữ vững được đất nước cho đến ngày nay. Thế nhưng trong thời đại mới từ đây, sự giữ vững bờ cõi cần thêm ở người Việt chúng ta tính chất mới nữa, đó là trình độ ý thức về dân chủ của mỗi người dân. Bởi rằng, khi người dân quen trong không khí dân chủ, quen tôn trọng cuộc sống tự do và tôn trọng nhân phẩm của mỗi con người, chẳng hạn như trình độ dân tộc Đức ngày nay, thì sẽ không có một thế lực ngoại bang nào có khả năng chà đạp, chèn ép nước ta.

Xây dựng đất nước theo phương án dân chủ văn minh, có khả năng hội nhập vào dòng chảy thế giới hiện đại, và vũ trang cho dân ta những tính chất mới để bảo vệ hữu hiệu giang sơn trong tương lai, có lẽ là niềm mong ước lớn lao nhất trong ngày Tết, của bao nhiêu người Việt ở nước ngoài.

Berlin, mùa Xuân năm Tân Mão

Sa Huỳnh (CHLB Đức) 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm