A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị Ngoại giao 29: Tìm biện pháp nâng cao hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài

Chiều 24/8, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung thảo luận, trao đổi về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) và công tác bảo hộ công dân.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao 29

Công tác về NVNONN có chuyển biến rõ rệt

Điều hành phiên họp, ông Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN - nhấn mạnh, công tác về NVNONN thời gian qua đã phát huy vai trò là một trong bốn nội dung trọng tâm của công tác đối ngoại, ngày càng kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực các hoạt động ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa; tăng cường sự gắn bó giữa kiều bào với quê hương, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Thứ trưởng Vũ Hồng Nam mong rằng, tại phiên họp lần này, các đại biểu sẽ tập trung nêu những vướng mắc, những vấn đề chưa làm được để tới đây, công tác về NVNONN sẽ đạt được hiệu quả cao hơn nữa.

Đã có những chuyển biến rõ rệt trong công tác vận động cộng đồng NVNONN theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Người Việt Nam ở xa đất nước ngày càng hướng về quê hương, gắn bó và có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã và đang làm tốt nhiệm vụ bảo vệ công dân, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
(phát biểu tại phiên Khai mạc
Hội nghị Ngoại giao 29)

Báo cáo tại Hội nghị, ông Đặng Thế Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Ủy ban) cho biết, thời gian qua, Ủy ban đã chủ động, tích cực triển khai công tác đối với NVNONN, tạo được sự chuyển biến toàn diện trên nhiều mặt. Công tác tham mưu, xây dựng chủ trương, chính sách đối với NVNONN, hỗ trợ kiều bào ổn định địa vị pháp lý, hội nhập sâu vào xã hội sở tại, công tác đại đoàn kết dân tộc, là những mảng công tác được chú trọng và quan tâm hàng đầu. Đi liền với đó, công tác vận động NVNONN, thu hút nguồn lực kiều bào tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác thông tin, hỗ trợ kiều bào dạy và học tiếng Việt, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, được triển khai đều tay và hiệu quả.

Ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị trong giai đoạn 2016-2020. Đầu tháng 8 này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã ký ban hành Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao. Đây là những căn cứ, định hướng quan trọng để triển khai công tác về NVNONN tại tất cả các ban, bộ, ngành, địa phương, các CQĐD và trong cộng đồng NVNONN. 

Trăn trở công tác xây dựng cộng đồng

Tại phiên họp, các đại diện đến từ các địa phương trong nước và Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tập trung đề cập đến một số tồn tại, vướng mắc cũng như thảo luận biện pháp, phương hướng để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác về NVNONN và bảo hộ công dân trong tình hình mới có nhiều biến động.

Theo Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Nguyễn Thanh Sơn, cộng đồng NVNONN rất đa dạng, phong phú và nhiều người rất giỏi, đây là nguồn nội lực của đất nước. Đại sứ đề nghị chính sách về NVNONN cần tiếp tục có cải tiến mới, tiếp tục có hoạt động mang tính đột phá để thu hút nguồn lực kiều bào. Muốn có đột phá, có chính sách cởi mở mới thì phải lắng nghe ý kiến của bà con. Công tác vận động NVNONN thời gian tới cũng cần tiếp tục chủ động, sáng tạo và phù hợp với từng khu vực. Công tác bảo hộ công dân ở bên ngoài gắn với công tác vận động kiều bào trên khắp thế giới, cần có phân loại để xác định nơi nào cần bảo hộ, nơi nào cần vận động, củng cố; cần tăng cường bảo hộ ở những nơi cộng đồng yếu về cơ sở pháp lý, vì yếu về cơ sở pháp lý thì sẽ không thể có cộng đồng mạnh.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, thế hệ Việt kiều yêu nước, gắn bó với Việt Nam ngày càng lớn tuổi và ít dần, trong khi đó thế hệ kiều bào thứ 2, 3 có nguy cơ xa rời quê gốc, xa rời văn hóa Việt Nam vì không nói được tiếng Việt, sự gắn bó với quê hương, đất nước không được chặt chẽ như cha ông. Cộng đồng có đội ngũ trí thức đông đảo, trong đó có nhiều trí thức lớn; hiện nay ngoài Hội người Việt Nam tại Pháp, xuất hiện nhiều tổ chức hội đoàn mới của trí thức, doanh nhân… Phải làm sao để tăng cường đoàn kết, gắn bó các tổ chức hội đoàn ngay trong cộng đồng, giúp cộng đồng hội nhập sâu vào nước sở tại và hướng về quê hương là trăn trở lớn của cơ quan đại diện. Theo ông, sinh viên, du học sinh Việt Nam ở Pháp khá đông, các em chính là cầu nối thế hệ kiều bào trẻ không nói được tiếng Việt với đất nước. Hội Thanh niên, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động văn hóa của cộng đồng như tổ chức các lễ hội truyền thống, thi viết tìm hiểu về Việt Nam…, giúp thế hệ trẻ kiều bào gắn bó và hướng về Việt Nam. Do đó, cần có sự quan tâm và đầu tư cho thế hệ trẻ. Ông cũng cho rằng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hoạt động dành cho kiều bào như Xuân Quê Hương, kiều bào thăm Trường Sa, Trại hè Việt Nam… để thu hút, hấp dẫn đông đảo bà con tham gia.

Trong thời gian tới, cộng đồng NVNONN về cơ bản vẫn ổn định, tiếp tục hội nhập sâu vào xã hội sở tại, là cầu nối quan trọng về mọi mặt trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, có nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước. Tình hình quốc tế, trong nước và những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới đòi hỏi phải phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết, quy tụ mọi nguồn lực dân tộc và quốc tế, trong đó cần huy động có hiệu quả nguồn lực của NVNONN. Về vấn đề này, tại phiên họp sáng 23/8 của Hội nghị với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao phục vụ phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, các đại sứ và các cơ quan đại diện cần làm tốt hơn nữa công tác về NVNONN, nhất là huy động, khuyến khích các trí thức kiều bào về đóng góp cho đất nước: Cá nhân Thủ tướng rất quan tâm và sẵn sàng lắng nghe tư vấn, khuyến nghị phù hợp của các chuyên gia kinh tế và các nhà khoa học quốc tế; các đại sứ cần coi trọng chất xám của các nhà khoa học kiều bào. Trong khoảng 4,5 triệu người có khoảng 600.000 người là các nhà khoa học lớn, chúng ta cần huy động được nguồn lực này.

Kết thúc bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhắn nhủ: “Đảng và Nhà nước ta luôn coi cộng đồng NVNONN là bộ phận máu thịt của dân tộc và mong đồng bào luôn hướng về quê hương, góp phần làm cho đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng phồn vinh và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân ta và nhân dân thế giới ngày càng thân thiết, bền chặt”.

Lan Hương


Tin liên quan

Tin tiêu điểm