A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoa Kỳ ứng phó với Covid-19

Góc nhìn của một người Việt tại Mỹ.

 Ảnh minh họa

Những ngày cuối tháng 3 này, ở Đông Bắc Hoa kỳ, trời đã ấm, nhiệt độ ban ngày vào khoảng 65-73 độ F tức là khoảng từ 18-23 độ C. Nắng nhiều, hoa đủ màu sắc đã nở. Chim đã hót vang khắp nơi. Những chú sóc sau những ngày trốn rét đã thỏa sức chạy nhảy.

Trái với không khí mùa xuân đang vào những ngày tuyệt đẹp thì các trục giao thông vắng hẳn xe, trầm lắng. Các trường học, trung tâm fitness và thư viện, rạp chiếu phim, công viên, công trình công cộng cũng như các văn phòng đều đóng cửa sau khi Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về virus Sars-CoV-2.

Trên mặt trang nhất các tờ báo hay ti-vi không có tin bài nào không nói về dịch Covid-19. Ở Mỹ, một bộ phận không ít đã hoang mang, nhưng không đến nỗi hoảng loạn. Sáng hôm nay, đây là lần thứ 2 xảy ra việc khách hàng đến mua đông với số lượng nhiều.

Quản lý siêu thị luôn phát thanh kêu gọi khách hàng mỗi người nên mua số lượng đủ dùng, vì chúng tôi không bao giờ thiếu. Từ 6 giờ sáng, khách đã xếp hàng thanh toán. Hàng hoá vẫn chở về đầy ắp kho và siêu thị. Thế nhưng do tâm lý bất ổn khi truyền thông liên tục đưa tin vì Sars-CoV-2 (Covid -19), Cục dự trữ Ngân hàng liên bang Mỹ FED đã yểm trợ và kích thích nền kinh tế nhằm ứng phó với cú sốc tài chính nghiêm trọng mà đại dịch gây nên.

Để trấn an dân chúng và các nhà đầu tư, FED đã cắt giảm lãi suất xuống chỉ còn 0,25%. Việc ấy cũng sẽ chỉ giảm bớt áp lực các khoản nợ hiện tại đi một chút. Tuy nhiên, điều ấy không thể gia tăng các khoản vay trong khi doanh nghiệp và người tiêu dùng đang vật lộn với đà sụt giảm của nền kinh tế toàn cầu.

Chính vì vậy hôm thứ 4 tuần qua, Tổng thống Trump và Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã thông qua gói tài chính kích cầu có khả năng trị giá hơn 1000 tỷ đô la. Ông Steven Mnuchin nói nguyên văn: "President Trump wants to put in economic now", đại ý là: "Tổng thống Trump muốn bỏ tiền vào nền kinh tế ngay bây giờ".

Hệ thống bán lẻ của các siêu thị hay các kênh online trở nên hỗn loạn ngày 13/3 khi Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia thì ngay ngày hôm sau đã bình ổn trở lại. Hàng hoá đã đầy ắp. Nhiều mặt hàng chỉ có giá 1$. Rẻ hơn rất nhiều so với những ngày trước. Thực ra khi khách hàng hoảng loạn đi mua tích trữ thì cũng chỉ chủ yếu mua các loại hoa quả, giấy lau tay, trứng sữa, bánh mỳ… Còn hàng vạn mặt hàng khác trong siêu thị vẫn đầy đủ, không thiếu. Để dân chúng không hoang mang siêu thị đã cho giảm giá các loại hoa quả, rau, trứng...

Ảnh minh họa 

Tổng thống Trump đã họp trực tuyến với các Chủ tịch tập đoàn bán lẻ và yêu cầu họ đáp ứng đủ nhu cầu hàng phục vụ người dân. Với một thị trường lớn nhất thế giới luôn quảng bá để bán được nhiều hàng thì nay đã kiến nghị với Tổng thống khuyên người dân không cần phải mua nhiều và dự trữ. Tổng thống Trump đã cười khi các ông chủ tập đoàn bán lẻ yêu cầu ông khuyên dân chúng điều nghịch lý như vậy. Nhưng đó là thực tế của thị trường Mỹ trong những ngày qua mà trong lịch sử Mỹ chưa bao giờ xảy ra. Và quả là hàng hoá không thiếu mà còn chở về cấp tập, cung ứng kịp thời, đầy đủ.

Siêu thị khuyến khích, động viên nhân viên làm thêm giờ để phục vụ khách hàng. Thực sự, những ngày đầu khi dịch bùng phát ở Trung quốc thì Tổng thống Trump chưa quyết liệt trong việc đề ra các biện pháp ứng phó mà chỉ nghĩ truyền thông đưa tin quá lên. Ông thường mâu thuẫn với các quan chức y tế về mức độ nghiêm trọng của dịch và số lượng bộ dụng cụ xét nghiệm hiện có. Vì vậy, ông chưa có kế hoạch và biện pháp cụ thể chống lại đại dịch. Thế nhưng khi những nước đồng minh thân cận bùng phát dịch dữ dội và thị trường chứng khoán sụp đổ thì Tổng thống Trump mới sực tỉnh và đã bị lỡ nhịp.

Còn hôm nay, cuộc chiến chống dịch đã vào những thời khắc quyết liệt. Cùng với New York và Wasington thì bang California cũng là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Thống đốc bang California là Gavin Newsom và thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã yêu cầu dân chúng phải ở nhà vì tốc độ lây nhiễm quá nhanh trong cộng đồng. Cả 2 ông đã yêu cầu tổng thống Trump cung cấp nhiều hơn thiết bị y tế như tàu bệnh viện, giường nằm, máy thở, găng tay, bảo hộ... Riêng tại New York, ông Cuomo yêu cầu chính quyền liên bang hỗ trợ New York 15.000 máy thở, 3 triệu khẩu trang chuyên dụng, 50 triệu khẩu trang chuyên dụng giải phẫu và 45 triệu đồ bảo hộ, găng tay và quần yếm. Trước những điều các tiểu bang yêu cầu ấy, Tổng thống Trump tự thấy mình là vị Tổng thống thời chiến. Và ông đã tự thừa nhận là cuộc chiến rất khó khăn khi gặp phải kẻ thù vô hình mà ông là vị Tư lệnh đầu tiên phải đối mặt.

Cuộc chiến virus corona ở Hoa kỳ mới bắt đầu mở màn. Khi tôi đang viết những dòng này thì trên màn hình Ti-vi vẫn đang thông báo những con số người nhiễm và người chết tại các vùng dịch. Số liệu liên tục được cập nhật và thông báo nhưng tôi không nêu. Bởi một lẽ như bộ trưởng y tế Mỹ Alex Azar đã trả lời các phóng viên khi họ hỏi ông về kết quả đã xét nghiệm được bao nhiêu người: "Tôi không thể trả lời cụ thể. Vì khi tôi trả lời xong với các quý vị thì ngoài kia con số thực đã khác với lúc này". Nhưng sự thực, mặt khác ông cũng không thể cung cấp thông tin về số người và kết quả xét nghiệm chính xác, vì nhiều phòng xét nghiệm tư nhân ở Hoa kỳ không cung cấp dữ liệu cho CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa kỳ).

Gần đây, tôi gặp vài ông chủ doanh nghiệp Hoa kỳ cũng như một vài ông chủ là Việt kiều. Họ đều có chung suy nghĩ là Covid-19 đã làm cho hoạt động kinh doanh của họ bị ảnh hưởng cực kỳ nặng nề, nếu kéo dài lâu thì chắc kết quả kinh doanh sẽ rất thậm tệ.

Thứ nhất là do các hãng tàu biển ít, tăng giá cước vận chuyển cao hơn nhiều. Họ phải hủy một số hợp đồng với Việt Nam. Thứ hai, nguyên liệu bị hạn chế, công nhân không đi làm. Giá nguyên liệu tăng nhưng nguyên liệu thì khan hiếm hơn. Thứ ba, do công nợ và thanh khoản khó khăn hơn đồng nghĩa với rủi ro cao và mất cân đối nguồn tiền.

Tuy nhiên trong hoàn cảnh đại dịch là bất khả kháng, các ông chủ có hợp tác kinh doanh hàng xuất nhập khẩu với Việt Nam đều thấu hiểu và cảm thông, cùng chia sẻ và chỉ mong đại dịch qua nhanh. Còn đại bộ phận các tiệm làm móng, nhà hàng của bà con Việt kiều đều đóng cửa hoặc chỉ làm cầm chừng do lệnh cấm giao tiếp của Chính phủ.

Nhìn tổng thể ở Mỹ sau lệnh khẩn cấp quốc gia vì Covid-19, không khí trở nên ảm đạm. Trên các quốc lộ không còn các dòng xe cuộn chảy mà thay bằng các hàng xe đậu dài trên các tuyến phố của khu dân cư. Nhưng một bộ phận những doanh nghiệp và văn phòng vẫn hoạt động online nên công việc vẫn được vận hành như thường lệ.

Như mấy người bạn của tôi, ông Tom hay Grag, là những ông chủ của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã nói với tôi hôm nay rằng: "Lệnh phong tỏa kéo dài gây nhiều hệ lụy cho từng quốc gia, từng gia đình và mỗi cá nhân. Tuy nhiên một dịch bệnh lây lan quá nhanh, quá nguy hiểm, không có thuốc điều trị... ảnh hưởng cho sức khỏe cộng đồng, sự lựa chọn các giải pháp tối ưu chắc không có gì tốt hơn ngoài lệnh phong tỏa".

Hà An (Hoa Kỳ)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm