A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần tăng cường hợp tác giữa cơ quan truyền thông báo chí trong và ngoài nước

Đó là kiến nghị của đa số đại biểu đại diện một số cơ quan truyền thông, báo chí tiếng Việt trong và ngoài nước khi tham dự Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức trong hai ngày 14-15/9 vừa qua tại Hà Nội.
Trên 80 đại biểu đến từ các cơ quan Đảng và Nhà nước, như: Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Nhà báo Việt Nam… và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí lớn như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam…, các học giả, nhà văn hóa, nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật…. đã tham gia Hội thảo. Đặc biệt, lần đầu tiên có mặt 14 kiều bào đại diện cho báo chí tiếng Việt ở nước ngoài từ các nước Hoa Kỳ, Đức, Séc, Ba Lan, Lào, Pháp, Nga… về dự.



Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều học giả, nhà văn hóa trong nước
và kiều bào đại diện cho báo chí tiếng Việt ở nước ngoài

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi chân thành, cởi mở, đưa ra các kiến nghị, gợi ý cụ thể để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), góp phần giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Chính sách bảo vệ văn hóa, giữ gìn tiếng Việt còn phải dành cho cả người Việt ở nước ngoài
Cho đến nay, chúng ta có khoảng 4,5 triệu bà con người Việt sinh sống, định cư trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, hình thành nên những cộng đồng người Việt với lịch sử và trình độ phát triển khác nhau. Những cộng đồng người Việt này có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển đất nước về nhiều mặt. Trong đó, văn hóa, ngôn ngữ đóng vai trò là cầu nối, gắn liền tình cảm của bà con với đất nước. Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Theo PGS-TS Nguyễn Chí Bền – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam: “Giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, ngôn ngữ dân tộc là vấn đề sống còn, trọng đại của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa là một lĩnh vực dễ bị tổn thương, trong đó, bản sắc văn hóa, văn hóa truyền thống, tiếng nói của dân tộc dễ bị tổn thương hơn cả. Tôi nghĩ rằng, chính sách bảo vệ bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, tiếng nói của dân tộc không phải chỉ dành riêng cho người dân trong nước, mà còn phải dành cho người dân Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài”.
Thông qua các phiên thảo luận, với những cuộc trao đổi sôi nổi, các học giả, diễn giả và đại diện một số ban, ngành đã đi đến thống nhất mong muốn chung là trong thời gian tới, Nhà nước cần ban hành các chính sách, biện pháp nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt, xây dựng quan hệ hợp tác giữa truyền thông trong nước với truyền thông trung lập nước ngoài, quan tâm hơn nữa đến đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.



Các đại biểu đã có những trao đổi hết sức cởi mở, thẳng thắn.

PGS-TS Lê Thanh Bình – Vụ trưởng Học viện Ngoại giao đề xuất: Cần tăng cường sự năng động, tự chủ của các Nhà văn hóa và hoạt động của các Tùy viên văn hóa – Báo chí trong việc đồng tổ chức các sự kiện văn hóa, quảng bá hình ảnh văn hóa, đất nước, con người Việt Nam với các nhóm cộng đồng có tính văn hóa của NVNONN như: Tổ chức của những hội viên võ cổ truyền Việt Nam, Hiệp hội những Doanh nhân trong lĩnh vực ẩm thực Việt Nam, câu lạc bộ ảnh nghệ thuật quê hương, Hội Văn học, nghệ thuật thể hiện bằng Việt ngữ…
Về vấn đề dạy tiếng Việt cho kiều bào, ông Hà Văn Cảnh - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), thành viên của Tổng hội Việt Nam tại Lào - kiến nghị: Các trường của Việt kiều hiện giờ do yêu cầu về lương bổng, về giáo viên nên chữ Việt chỉ được học thêm như một ngoại ngữ, nên chăng Nhà nước ta trao đổi, thống nhất với phía Lào để cho các trường người Việt được giảng dạy song ngữ Việt – Lào...
Ông Lê Xuân Lâm - Tổng Biên tập báo Quê Việt - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Văn Lang, phụ trách trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan thì gợi ý: bên cạnh hoạt động trại hè cho thanh niên kiều bào do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức hàng năm, có thể phát triển thêm trại hè cho các cháu thiếu niên kiều bào ở lứa tuổi nhỏ hơn từ 7-8 tuổi đến 14-15 tuổi, đưa các cháu về sống trong các gia đình tại Việt Nam, giao lưu kết nghĩa với trường Tiểu học để giúp các cháu học và phát triển vốn tiếng Việt.
Truyền thông, báo chí góp phần quan trọng trong bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt
Hội thảo cũng nhấn mạnh và khắng định vai trò quan trọng của truyền thông, báo chí trong nước; các Hội đoàn người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là báo chí truyền thông tiếng Việt trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, làm cầu nối để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với thế giới. Các diễn giả cũng đã đề xuất những giải pháp tích cực mà truyền thông báo chí có thể làm để góp phần bảo tồn văn hóa, giữ gìn tiếng Việt.



Nhiều giải pháp tích cực của đại biểu trong và ngoài nước 
đã được đưa ra tại Hội thảo 

Việc bảo tồn văn hóa trong cộng đồng người Việt đòi hỏi cần có sự giao lưu văn hóa, thông tin hai chiều giữa những người Việt trong nước và nước ngoài, cung cấp những sản phẩm văn hóa trong nước đến với bà con Việt kiều. Ông Vũ Hữu Nghị - Tổng biên tập Báo Đất Việt bày tỏ mong muốn nhận được sự hợp tác với báo chí, truyền thông của kiều bào, tổ chức những chương trình giao lưu văn hóa để làm cầu nối thông tin về tình hình đất nước cho bà con xa quê và các hoạt động của kiều bào với bà con trong nước. 
Ông Michael Bùi - Tổng biên tập báo Trẻ Online đến từ Mỹ thì cho rằng: “Tiếng Việt là cội rễ dân tộc, gìn giữ tiếng Việt là gìn giữ nét đặc trưng nhất của văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, tạo sự gắn kết với các cộng đồng người Việt trên thế giới và với quê hương. Các thế hệ người Việt Nam xa xứ luôn quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt như một việc làm tất yếu để gìn giữ bản sắc văn hóa. Do vậy, báo chí truyền thông tiếng Việt trước hết phải là tờ báo “sạch”, phải định hướng rõ ràng, phải tuyên truyền, giáo dục, khích lệ tinh thần yêu bản sắc văn hóa dân tộc, yêu tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng hải ngoại”.
Ông Hà Văn Cảnh (Lào) kiến nghị Đài Truyền hình Việt Nam cần phát sóng những chương trình lồng ghép tiếng Lào cho một số kênh tiếng Việt để bà con ở nước ngoài xem tivi có thể hiểu. Ông cũng đề nghị Ủy ban Nhà nước về NVNONN xem xét giúp cộng đồng người Việt ở Lào có được một tờ báo của Tổng Hội.
Ông Lê Xuân Lâm (Ba Lan) bày tỏ, hiện nay hoạt động báo chí của kiều bào đa phần là nghiệp dư, mang tính tự nguyện, với mục đích chính là cung cấp thông tin, tình hình ở nước sở tại cũng như trong nước cho bà con trong cộng đồng. Ông Lâm mong muốn trong nước cử những chuyên gia, nhà báo chuyên nghiệp sang giảng dạy thêm về chuyên môn, nghiệp vụ làm báo để báo chí của kiều bào có chất lượng cao hơn, phục vụ tốt hơn cho bạn đọc.
Có thể nói, qua hai ngày tham dự Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt”, các đại biểu đều đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo và mong muốn có nhiều cơ hội được tham gia vào các diễn đàn tương tự để được giao lưu, học hỏi, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng NVNONN.
Thủy Trần

Tin liên quan

Tin tiêu điểm