A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quê hương - Tình yêu và Khát vọng

Trước thềm năm mới, ngay sau khi Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII (27-28/12/2010) kết thúc tốt đẹp, phóng viên báo Quê Hương đã có cuộc trò chuyện và trao đổi với ông Nguyễn Hoài Bắc (Ông NHB), doanh nhân Việt kiều, là một trong 10 đại biểu đại diện cho hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài tham dự Đại hội.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ 2 từ bên trái) cùng các đại biểu tham dự
Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII,
ông Nguyễn Hoài Bắc (đầu tiên bên phải)

PV: Bác Hồ nói “Yêu nước là thi đua, thi đua là yêu nước”, là một doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân Việt kiều nói riêng, ông nghĩ như thế nào về lời dạy của Bác, đặc biệt là sau khi ông tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII?

Ông NHB: Với những năm tháng sống và làm việc tại Canada và đặc biệt sau khi đủ thời gian và điều kiện để thi vào Quốc tịch Canada, trong buổi lễ trang trọng đó tôi nhớ nhất là tất cả những người nhập cư được chấp thuận nhập Quốc tịch Canada đều nghiêm trang hát quốc ca và giơ tay tuyên thệ trung thành với tổ quốc Canada. Chúng tôi trở về Việt Nam với danh nghĩa là Việt kiều và đầu tư về nước nhằm tìm kiếm công ăn việc làm cho bản thân mình, tạo cơ hội cho những người thân yêu cũng có công ăn việc làm, thu nhập ổn định trong giai đoạn ban đầu và làm giầu trong giai đoạn kế tiếp. Chúng tôi phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua mọi khó khăn thử thách để doanh nghiệp mỗi ngày một lớn lên, để có đủ khả năng đầu tư sang lĩnh vực khác; nhà máy, trường học do mình và các cộng sự đầu tư xây dựng nên khang trang hiện đại theo tiêu chuẩn của các nước phát triển, cán bộ công nhân viên không chỉ còn lại những người thân trong gia đình mà thêm nhiều người từ khắp nơi vào làm việc, niềm vui được lớn dần theo tháng năm, tự mình đặt ra qui ước thi đua với chính mình. Từ những tình yêu rất nhỏ trong phạm vi hẹp đã bừng cháy để lớn mạnh. Và lúc tôi đã nhận ra rằng mình yêu đất nước này hơn tất cả vì tâm huyết, tiền bạc và năng lượng của bản thân để lao động và làm việc. Lời nói của Bác Hồ từ những năm 1948 đến nay không chỉ đúng cho nhân dân Việt Nam mà nó đã trở thành chân lý chung cho nhân dân các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào ngày 27-28/12/2010, tôi là người vinh dự được tham dự, trong buổi giao lưu gặp gỡ với 1500 cá nhân điển hình từ khắp mọi miền của đất nước và 10 bà con Việt kiều trở về được nghe, được nhìn, được thấy tận mắt những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Từ đó đều toát lên sự cố gắng thi đua với chính bản thân để làm tốt công việc của mình, nó minh chứng lòng yêu nước sâu sắc và mạnh mẽ của những công dân có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng.  

PV: Là một doanh nhân hoạt động cả trong và ngoài nước đã hơn 10 năm, ông nghĩ thế nào về sự thay đổi và phát triển của đất nước trong thời gian qua, theo ông cái gì là nổi bật nhất và cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới?

Ông NHB: Đầu những năm 1992 lần đầu tiên trở lại Việt Nam, lúc đó trong tôi không chỉ có một ý định về thăm thân nhân mà còn có kế hoạch tìm kiếm cơ hội đầu tư về nước. Thực lòng mà nói tại thời điểm đó, Việt Nam còn rất nhiều khó khăn về tài chính, chính sách đầu tư phát triển cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Rào cản về tư duy và sự nghi ngại vẫn còn đè nặng lên các nhà quản lý và các cơ quan có liên quan dẫn đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất khiêm tốn - chỉ khoảng 300 triệu USD năm 1992. Nó được bùng nổ từ sau năm 1996 khi nhà nước Việt Nam đã định hướng được con đường mà đất nước và nhân dân phải đi. Sự thay đổi về đầu tư, chất lượng cuộc sống của người dân, sự nghi ngại dần được cởi bỏ với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và bà con Việt kiều nói riêng. Dòng tiền gửi về giúp đỡ thân nhân và đầu tư trực tiếp của bà con Việt kiều năm sau cao hơn năm trước. Dấu ấn mạnh mẽ nhất vào năm 2004 khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị Việt Nam ban hành tạo điều kiện thuận lợi cho những người Việt Nam sống và định cư ở nước ngoài quay trở về quê hương.

Việt Nam là nước nghèo đói đã từng bước vươn lên trở thành một đất nước đang phát triển, đến năm nay đã đạt mức phát triển trung bình. Thành tựu mà Việt Nam đạt được trong những năm qua là đáng trân trọng và tự hào. Phía sau niềm kiêu hãnh đó chúng ta nhận thấy còn rất nhiều bất cập trong chính sách, tầm nhìn và tư duy chiến lược của chúng ta còn yếu kém, thụ động trong việc điều tiết kinh tế vi mô dẫn đến nhiều thông tư, chỉ thị của Chính phủ và các bộ, ban, ngành không phù hợp thực tế và đi sau đòi hỏi của xã hội, của hội nhập quốc tế. Nên chăng các nhà lãnh đạo Việt Nam nên tập trung cho nguồn lực quan trọng nhất là con người – những người có thực tài, thực tâm và thực ý - để giao trọng trách trước nhân dân, đất nước.



Lễ cắt băng khánh thành Trường nghề Việt Nam – Canada
do ông Nguyễn Hoài Bắc làm Chủ tịch HĐQT, chủ đầu tư

PV: Năm 2011 đang tới, ông có thể bộc bạch một số dự định của ông trong việc kinh doanh và trong hoạt động cộng đồng?

Ông NHB: Với hơn 12 năm chính thức đầu tư về Việt Nam, hiện tại tôi là chủ của Công ty TNHH Home Deco Canada (chuyên về sản xuất chăn, ga, gối, đệm), và là cổ đông lớn của 5 công ty: Công ty cổ phần Phát triển & Đầu tư Đại Sơn (Trung tâm Thương mại, Biệt thự sinh thái, Nhà máy Sản xuất Nước tinh khiết...); Trường nghề Việt Nam – Canada (dạy nghề phục vụ cho các công ty trong nước và xuất khẩu lao động); Trường THPT dân lập Marie Curie Hà Nội; Công ty cổ phần IQLinks (liên doanh với EVN, Qualcomm Hoa Kỳ, Ubiquam Hàn Quốc chuyên sản xuất thiết bị đầu cuối phục vụ cho viễn thông và ngành điện); Công ty cổ phần Cao su Hòa Lâm (trồng và khai thác chế biến mủ cao su).

Năm 2011 và những năm kế tiếp với bản thân tôi và các công ty tôi làm chủ và tham gia đầu tư sẽ đi vào củng cố và hoàn thiện. Với suy nghĩ của tôi chỉ cần làm tốt những gì mình sẵn có là đã toại nguyện với mơ ước từ khi biết làm người và biết kinh doanh. Tôi sẽ tiết kiệm và tích lũy để làm việc có ích cho những người khó khăn đang cần mình giúp đỡ.

PV: Với tư cách là một doanh nhân, ông nhìn nhận như thế nào về những thuận lợi và khó khăn của môi trường kinh tế đối ngoại nước ta?

Ông NHB: Là doanh nhân về Việt Nam đầu tư, tôi luôn quan tâm đến các chính sách của nhà nước Việt Nam ban hành nhằm đi đúng những quy định của luật pháp. Môi trường kinh tế đối ngoại của đất nước ta đã và đang hoàn thiện trong bối cảnh vị thế của Việt Nam đã có tầm ảnh hưởng quan trọng trong cộng đồng ASEAN và vị thế nhất định trên trường quốc tế. Đến lúc này, chúng ta cần phải bảo đảm chữ tín của mình đã đạt được trong nhiều năm gian khổ đi lên, bảo đảm vững chắc về chính sách đầu tư cũng như luật pháp phải được hoàn thiện trên nguyên tắc dân chủ và minh bạch, đẩy lùi các tệ nạn tiêu cực trong thủ tục hành chính, củng cố niềm tin yêu của người dân cũng như nhà đầu tư và bạn bè thế giới.

Đan xen với thuận lợi chúng ta gặp không ít khó khăn trong năm 2011 vì thực tế tình hình thế giới chưa tìm được sức bật hữu hiệu về kinh tế. Khi Hoa Kỳ và Châu Âu vẫn lặn, nổi trong khó khăn, an ninh khu vực và nhiều nước bất ổn gây hệ lụy cho kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, các nước có nền kinh tế ổn định và mạnh mẽ sẽ co cụm để bảo vệ chính họ nên các nước đang cần hỗ trợ, cần đầu tư sẽ khan hụt về tài chính, cho nên kế hoạch đặt ra khó có thể hoàn thành. Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông.

Phương Thuận (thực hiện)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu