A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ám ảnh nguồn cội

Trong suốt 40 năm rời xa quê hương, trong tâm thức nữ họa sĩ Tô Bích Hải luôn ám ảnh câu hỏi: “Ta là ai? Ta từ đâu tới?”; những câu hỏi không chỉ thôi thúc bà trở về Việt Nam để tìm nguồn cội mà còn đi vào các tác phẩm của bà như một nguồn cảm hứng lạ lẫm và pha chút huyền bí.  


 Hoạ sĩ Tô Bích Hải đang thực hiện tác phẩm Oan hồn

Có thể nói, cuộc đời của nữ họa sĩ Tô Bích Hải như một câu chuyện đầy tình tiết và hấp dẫn. Bà là người dân tộc Tày, sinh tại Móng Cái, sát biên giới Trung Quốc - Việt Nam. Vừa chào đời, bà đã theo cha vào miền Nam sinh sống. Từ lúc nhỏ, bà đã có năng khiếu và đam mê vẽ. Do gia cảnh khó khăn, học xong trung học tú tài, bà phải nghỉ học và làm việc trong ngành hàng không. Thế rồi, không đầu hàng số phận, bà học tiếp và nhận được học bổng sang Thụy Sĩ học hội họa.

Rời Việt Nam năm 20 tuổi, ký ức của bà về quê hương là một vùng đất ngập tràn khói lửa chiến tranh, đầy mất mát và đau thương. Năm 1967, bà tốt nghiệp học viện hội họa thành phố Lausanne. Sang Pháp lập gia đình, bà đã chọn nơi này để sống và sáng tác. Thế nhưng trong suốt thời gian sống xa quê hương, những ký ức về tuổi thơ vẫn luôn là nỗi niềm canh cánh trong lòng Tô Bích Hải, đồng thời những câu hỏi về nguồn cội cứ ám ảnh khôn nguôi để trở thành một đề tài sâu kín, day dứt: thân phận và nguồn cội con người. Người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé và cô độc này đã có gần 20 cuộc triển lãm ở xứ người, nhưng trong lòng bà cứ mãi ấp ủ về một cuộc triển lãm ở quê hương thân yêu của bà. 

Trong những chuyến trở về Việt Nam rất ngắn ngủi để làm từ thiện, bà luôn tranh thủ thời gian đi lên các miền núi, những mong tìm lại nguồn cội và gia đình của mình. Mấy chục năm tìm kiếm tưởng như vô vọng, cuối cùng bà cũng đã tìm ra người thân ở tận Cao Bằng và Lạng Sơn. Cuộc tìm kiếm ấy không chỉ đưa bà về với nơi chôn nhau cắt rốn thiêng liêng mà còn giúp bà có được một bộ sưu tập độc đáo: 50 bộ trang phục của các dân tộc thiểu số. Những cô gái dân tộc thiểu số hôm nay cũng đang dần Âu hóa: những chiếc váy xòe hoa dệt bằng thổ cẩm được thay thế bằng quần jeans, áo pull. 

Sự nuối tiếc đã thôi thúc bà tìm đến tận nơi người ta trồng cây, dệt vải, nhuộm vải, may áo, quyết tâm sở hữu một bộ sưu tập mang đầy hơi thở dân tộc. Trở về Pháp, bà “nhốt” mình trong Viện nghiên cứu Bảo tàng các dân tộc để nghiên cứu và hoàn thiện bộ sưu tập của mình. Sau 10 năm cất công sưu tập và nghiên cứu, 50 trang phục của các dân tộc Nùng, Lôlô, Pùpéo, Dao, Mông, Khơme, Bana, Êđê… của đất nước Việt Nam và các dân tộc thiểu số của các nước khác như Habari của đất nước Pakistan, Aka của đất nước Lào… đã ra mắt trong một triển lãm tại Paris năm 2007. Và năm nay nó sẽ xuất hiện tại Festival Huế 2008 vào ngày 7-6 tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng (15 Lê Lợi), sau đó sẽ được trình diễn tại công viên Tứ Tượng và diễu hành qua một vài đường phố chính của Huế. 

Trở về quê hương sau 40 năm, nữ họa sĩ Tô Bích Hải còn tìm lại được sức mạnh huyền bí nối chặt con người với thiên nhiên. Vốn mang dòng máu một dân tộc thiểu số rất gắn bó với thiên nhiên, những công trình nghệ thuật của bà gắn kết với đất, nước và cỏ cây. Tác phẩm sắp đặt của Tô Bích Hải trong dịp này thuộc trào lưu Land Art (nghệ thuật gắn liền với mặt đất); bà sử dụng những vật liệu thô sơ, sẵn có để diễn tả điều sâu kín tận đáy lòng.  

Đến Huế, quan sát cuộc sống của người dân cố đô vốn nặng tâm linh, chăm lo thờ cúng những người đã khuất, kể cả những vong hồn, bà đã thực hiện một tác phẩm mang tên Oan hồn gồm 100 bức khắc gỗ làm từ những mảnh gỗ, khúc gỗ đầy mối mọt, bị thời gian tàn phá, thể hiện những gương mặt mang đủ tâm trạng. Bà bày tỏ: “Tôi chọn chất liệu gỗ cho tác phẩm của mình bởi tôi yêu thích những ngôi nhà rường cổ kính và tĩnh mịch ở Huế. Nó chính là nhân chứng của những khổ đau qua bao thời đại. Tôi tìm những vật liệu có sẵn tại chỗ như cột kèo của các nhà rường cổ cùng sỏi đá và xếp đặt chúng thành tác phẩm nghệ thuật, dù chỉ là phù du”.  

Với cách sáng tác giống như những dân tộc chưa có chữ viết nhưng đã mô tả được bản chất của cuộc sống, của sự sống và cái chết bằng các điệu bộ cổ sơ, qua tác phẩm Oan hồn, Tô Bích Hải muốn bày tỏ sự tôn kính, cảm thương đối với những phận người long đong, dũng cảm vượt qua số phận, cả những người chết trong cô đơn, bị bỏ rơi và không có mộ phần. 

Triển lãm Oan hồn diễn ra từ ngày 2 đến 11-6 tại Công viên số 7, đường Lê Lợi, thành phố Huế. 

Hạnh Lý
(Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu