A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đậu Văn Khánh và hành trình tìm về chữ Việt

Đối với kiều bào ta sinh sống tại tỉnh Nakhon Phanom,Thái Lan, cái tên Đậu Văn Khánh dường như khá quen thuộc. Ông không chỉ là một doanh nhân thành đạt trên đất Thái mà còn là một trong những người tiên phong trong việc đem tiếng Việt và văn hoá Việt Nam đến với con em kiều bào cũng như những người yêu tiếng Việt nơi đây.


 Ông Đậu Văn Khánh (người thứ 4 từ phải sang) 

Tôi có dịp gặp ông trong buổi lễ trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao cho những kiều bào có công trong sự nghiệp giáo dục nước nhà. Với vẻ ngoài giản dị ở ông vẫn cho người ta cảm nhận về một con người có ý trí kiên cường và quyết tâm không mệt mỏi.  Điều đó đã được chứng minh qua lời kể của ông về cuộc đời mình và hành trình đem cái chữ đến với con em kiều bào. Đó quả là một chặng đường dài nhiều gian nan, vất vả. 

Trong câu chuyện của mình ông Khánh kể: Ông sinh ra ở tỉnh Nakhon Phanom, vương quốc Thái Lan, là con thứ 6 trong gia đình 7 anh chị em. Quê ông ở Nghệ An, bố làm công nhân nhà máy điện, mẹ bán hàng ở chợ Vinh. Năm 1948 ông bà sang định cư ở bên Lào, sau đó theo dòng người tản cư sang Nakhon Phanom, Thái Lan.  Năm lên 7 tuổi ông được gia đình cho đi học ở trường Thái Lan. Thời gian này quan hệ giữa Thái Lan và Việt Nam chưa được tốt nên việc học tập và sinh sống của Việt kiều ở đây gặp nhiều khó khăn. Việc học tiếng Việt cũng phải trốn tránh. Người Việt chỉ có thể dạy tiếng Việt cho con cái tại nhà, không ai được phép mở trường dạy học. Các bậc phụ huynh thời đó vẫn mong đến ngày hoà bình để đưa con em trở về quê hương, nên vẫn  tìm cách cho con em mình học tiếng Việt. Thế là mỗi ngày ngoài việc học tiếng Thái ở trường, ông lại dành thời gian học tiếng Việt do các bậc cha chú giảng dạy.  Ông Khánh nói: mình được như ngày hôm nay cũng là nhờ công lao của thế hệ đi trước đã tranh thủ thời gian dạy dỗ nên bản thân cũng thấy trách nhiệm phải truyền đạt cho thế hệ con em thứ 3, 4 được biết ngôn ngữ mẹ đẻ của mình vì nếu không hiểu tiếng Việt, thế hệ trẻ gốc Việt sẽ không duy trì, phát huy được những  giá trị  văn hoá truyền thống của người Việt Nam, không có ý thức hướng về nguồn cội, vun đắp tình hữu nghị giữa hai quốc gia.


 Ông Đậu Văn Khánh phát biểu tại buổi lễ trao bằng khen của Bộ trưởng BNG

Ý tưởng thành lập một lớp dạy tiếng Việt đã hình thành trong ông từ đó và ông đã  dành hai gian nhà của mình để mở lớp, đồng thời kêu gọi bạn bè biết tiếng Việt giúp việc giảng dạy. Thầy giáo Nguyễn Sĩ Tường người cùng được nhận bằng khen của  Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong đợt này là một trong lớp thầy giáo đầu tiên đó. Thuở ban đầu mở lớp các ông cũng gặp nhiều khó khăn. Bản thân ông và các thầy cô giáo đều không được đào tạo qua các trường lớp về phương pháp giảng dạy nên phải tự tìm tòi sách vở, tài liệu rồi về Việt Nam học hỏi kinh nghiệm giảng dạy và tự soạn giáo trình phù hợp với trình độ học sinh Việt kiều để các em dễ học, dễ hiểu. Thời gian này, lớp chưa đông học sinh. Có thời điểm, do bị sức ép của chính quyền nên các bậc cha mẹ cấm không cho con em họ đến trường. Ông Khánh và các đồng nghiệp lại phải lặn lội tới từng gia đình để vận động cho các em đi học. 

Sau năm 1998 sự giao lưu, tiếp cận giữa hai nước được tốt đẹp. Tỉnh đã có chính sách cởi mở cho phép học các ngôn ngữ của những nước lân cận. Biết được điều đó ông Khánh xin phép chính quyền cho mở trường dạy học. Để thuận tiện cho việc cấp phép và cũng để phù hợp với luật pháp ở Thái lúc bấy giờ ông đã đăng ký mở trường dạy ngoại ngữ của những nước láng giềng. 

Tháng 2/2002,  “Trường dạy ngoại ngữ các nước láng giềng” đã ra đời tại trung tâm tỉnh Nakhon Phanom theo giấy phép của chính quyền sở tại. Trường chính thức dạy 4 ngôn ngữ: Anh, Lào, Thái, Việt Nam, trong đó tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính. Học viên không giới hạn thành phần, từ học sinh, sinh viên, và cả các công chức người Việt cũng như người Thái đều có thể theo học tại trường.

Ông Khánh cho biết, các giáo viên tham gia giảng dạy tự nguyện, học viên được học miễn phí theo tài liệu của nhà trường biên soạn được kết hợp từ giáo trình tiếng Việt của các trường đại học danh tiếng như Mahidol, Chulalongkorn và sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam. Ngoài việc học chữ và học viết, các em còn được nghe kể về lịch sử Việt Nam cũng như các danh lam thắng cảnh của quê hương. 

Kể từ khi thành lập đến nay đã được 6 năm, trường đã đào tạo được hơn 500 học viên, gồm Việt kiều và người Thái, trong số này có nhiều người là trí thức, công chức địa phương. Ông Chủ tịch tỉnh Nakhon cũng đã theo học tiếng Việt tại đây trong 3 tháng. Hiện trường có 5 giáo viên dạy tiếng Việt, các lớp học được chia làm 3 ca,  từ 16 giờ đến 20 giờ hằng ngày, giảng dạy học viên ở các lứa tuổi  từ 8-12, 15-20 và trên 20 tuổi.  

Là Hiệu trưởng của Trường, đồng thời ông Khánh còn là Hội phó Hiệp hội Thương mại tỉnh Nakhon Phanom...Mặc dù công việc vô cùng bận rộn nhưng ông vẫn dành hết tâm huyết của mình trong việc truyền bá ngôn ngữ và bản sắc văn hoá Việt Nam cho cộng đồng người Việt và người Thái nơi đây. Ông nói: “Là người Việt Nam, dù ở đâu cũng vẫn là người Việt Nam, với suy nghĩ đó tôi mong muốn sẽ góp phần nhỏ bé vào việc tăng cường sự hiểu biết, giao lưu giữa hai quốc gia để tình hữu nghị giữa hai nước ngày càng gắn bó”.  

Ông Khánh cũng cho biết từ khi Nghị quyết 36 của Bộ chính trị ra đời, việc dạy và học tiếng Việt cho con em kiều bào ngày càng được các cấp lãnh đạo quan tâm. Vừa qua trường đã vinh dự được đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm nhân dịp Thủ tướng thăm Thái Lan tháng 12/2006, ngoài ra trường cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ sách giáo khoa cho con em kiều bào, điều này khiến bà con rất vui mừng, phấn khởi. Ông Khánh cũng  mong Chính phủ và các Bộ, Ngành trong nước tiếp tục quan tâm, ủng hộ đối với việc học tập của con em kiều bào để một ngày không xa tiếng Việt và văn hoá Việt Nam sẽ có chỗ đứng quan trọng trong lòng người Việt  xa xứ và bạn bè quốc tế. 

Vũ Thuý

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu