A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một người Việt thầm lặng vun đắp mối tình "Hồng Hà - Cửu Long”

“Biên soạn từ điển là một công việc đòi hỏi sự cố gắng, kiên trì, ngoài việc sử dụng kỹ năng về ngôn ngữ học còn phải tìm kiếm tài liệu bổ sung có liên quan để chứng minh sự đúng đắn, chính xác được nhiều nhất”– Đó là lời tâm sự của bác sỹ Trần Kim Lân, người Việt Nam xuất bản cuốn Từ điển Lào - Việt với hơn 50.000 từ.
Theo kế hoạch đã định, Đoàn đại biểu của UBNVNONN chúng tôi đã có mặt tham dự Hội nghị Giao lưu các Hội người Việt Nam tại Lào tổ chức ngày 23-24/4/2008 tại tỉnh Chăm Pà Sắc, Nam Lào. Trong bữa cơm thân mật do Ban Chấp hành Hội người Việt Nam tại Păcsế tổ chức, các đại biểu về dự Hội nghị từ các nơi đã có buổi tiếp xúc rất vui vẻ, thân mật trong không khí của đại gia đình Việt Nam. Trong bữa tiệc, chúng tôi để ý tới một người đàn ông với vẻ mặt rất tự tin và cởi mở, trên tay là cuốn từ điển rất dày, ông đang chuyện trò với mọi người xung quanh. Được sự giới thiệu của ông Nguyễn Quốc Việt, Lãnh sự - Tổng lãnh sự quán tại Savanakhét, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với người đàn ông này. Từ lúc đó, chúng tôi đã khám phá được nhiều điều thú vị và bất ngờ về tác giả cuốn Từ điển Lào-Việt mới nhất vừa được phát hành.



 Cuốn Từ điển Lào-Việt với hơn 50.000 từ của bác sỹ Trần Kim Lân

Ông chính là bác sỹ Đông y Trần Kim Lân, Uỷ viên thường vụ Ban chấp hành, Trưởng Ban Văn hoá Giáo dục, Hội người Việt Nam tại tỉnh Savanakhét. Sinh ra trong một gia đình gốc Quảng Trạch, Quảng Bình, cha là một người thợ cơ khí, vì điều kiện cuộc sống lúc bấy giờ, cả gia đình ông đã chuyển sang sinh sống tại Lào từ những năm 50 của thế kỷ trước. Tuổi thơ của ông và 10 anh chị em khác trong gia đình đã phải trải qua những khó khăn giống như các gia đình khác khi tham gia vào một môi trường sống mới hoàn toàn xa lạ. Từ năm 1969 đến năm 1979 ông theo học các trường tại Lào, sau đó, bằng nỗ lực bản thân, ông đã về nước học tập và năm 1990 thì tốt nghiệp Đại học Y tại Huế. Với bằng cử nhân bác sỹ Đông y, ông lại quay trở lại Lào để bắt đầu lo tạo lập cuộc sống mới cho bản thân. Cũng chính từ đây, ông bắt đầu bắt tay vào việc thực hiện ước mơ ấp ủ từ khi còn nhỏ.

Ông kể lại:”Hồi bé theo học tại các trường của Lào, so với với các bạn trong lớp, học lực của mình được các thầy cô giáo đánh giá rất khá. Nhưng do bất đồng ngôn ngữ, nhiều từ không được học hoặc không có từ Việt nào mượn được để giải nghĩa nên nhiều lần bị điểm kém vì thực hiện sai đề bài. Những lúc như vậy, mình chỉ mong có được một cuốn từ điển để phục vụ việc học tập. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, từ điển Lào - Việt hay Việt – Lào là thứ gì đó quá xa vời đối với những người như ông. Kể cả sau này, khi ông bắt tay vào việc biên soạn cuốn từ điển hiện nay, tài liệu ông có trong tay duy nhất khi ấy là Từ điển Việt – Lào của Lê Duy Lương xuất bản năm 1963 và Từ điển Lào - Việt của GS-TS Phạm Đức Dương xuất bản năm 1995. Tuy nhiên, cả hai cuốn này so với thực tế còn thiếu rất nhiều từ cho nên ông đã phải tìm kiếm và khai thác thêm các nguồn tài liệu khác. Đặc biệt, bạn bè ông đã cung cấp cho ông Từ điển tiếng Thái do một nhóm tác giả biên tập, những tác giả này đều không phải là những nhà ngôn ngữ mà họ chuyên về các lĩnh vực như: Hoá, Lý, Toán... tập hợp và xuất bản năm 1956. Đây chính là yếu tố làm điểm tựa tinh thần cho ông tự tin hơn trong quá trình biên tập, là cơ sở để học được cách trình bày cho tác phẩm của mình.

Vì không có kinh nghiệm, lúc đầu ông chỉ dịch được ý do chưa biết cách đối chiếu một số từ, sau đó vừa tìm vừa đổi lại một số từ chưa đúng để phù hợp hơn. Một thời gian sau, thấy cách làm như vậy không được vì mất nhiều thời gian quá, ảnh hưởng tới công việc mưu sinh hàng ngày. Do đó, vừa dịch, ông vừa mua thêm sách về đọc và tham khảo để thấy được sự khác nhau giữa các cuốn mà hiệu chỉnh và biên tập lại cho phù hợp hơn. Lúc này trong tay ông đã có hơn 80 đầu sách các loại và 2 bộ máy vi tính để phục vụ công việc.

Trong thời gian 10 năm thực hiện tác phẩm của mình, khó khăn lớn nhất của ông là chỉ thực hiện được cuốn sách trong những lúc rảnh rỗi và những áp lực của dư luận xung quanh. Khi đó, thái độ phản ứng của mọi người được chia làm hai phía. Đa số nói”Ôi chao! Có học, có biết gì về ngôn ngữ đâu mà đi viết từ điển”, ông không trách gì họ vì ông biết họ chỉ nghe mà chưa thấy những gì mình làm. Những người hiểu thì động viên ông “Cố gắng lên, việc làm đó là đúng và rất có ý nghĩa!”. Sự quan tâm và chú ý của dư luận càng là động lực thúc đẩy ông phải làm sao cho hoàn chỉnh hơn để chứng tỏ “Không phải ai sinh ra cũng biết viết từ điển, việc này xuất phát từ cái tâm mong muốn cho thế hệ sau của hai nước có sự gần gũi nhau hơn”.

Năm 2003, bản thảo đầu tiên của cuốn Từ điển đã hoàn thành. Ông bắt đầu tiến hành đi xin thủ tục cấp phép xuất bản. Tuy nhiên, từ trước đó đến thời điểm ông làm thủ tục, tại Lào chưa có tiền lệ một cá nhân nào ngoài ngành Giáo dục, lại là người nước ngoài mà viết từ điển. Do đó, hai tập sách đã phải “chạy vòng” đủ chỗ và nhờ có người quen giúp đỡ, chúng đã đến được Bộ Văn hoá Thông tin Lào, đơn vị có thẩm quyền giải quyết. Sau 3 tháng đọc bản thảo của ông, Bộ VHTT Lào cũng đã cấp phép nhưng không quên dặn dò thêm: Chúng tôi không đủ khả năng thẩm định tài liệu này, nhưng đề nghị tác giả làm thế nào để chính xác nhất, ít sai sót nhất.

Từ đây lại một lần nữa, ông phải một mình bước vào giai đoạn mới đầy những khó khăn trong việc tìm kiếm nơi in ấn và phát hành cuốn sách. Vì không biết giá cả in ấn, ông đã ngược xuôi nhiều lần từ Lào về Huế rồi lại chạy cả vào Đà Nẵng để tìm nhà in có uy tín và chất lượng đảm bảo. Với kinh phí tự túc thì việc tìm được một nơi nhận in như vậy là việc không dễ dàng. Đến năm 2006, được sự giới thiệu của bạn bè ông đã tiếp xúc được với Nhà Xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Sau nhiều lần tiếp xúc và thương lượng với không ít vướng mắc, trắc trở do số lượng bản in ít, đẩy giá thành lên cao, cuối cùng ông cũng được Nhà Xuất bản chấp nhận và cấp phép cho việc xuất bản. Quay lại Việt Nam lần cuối 18 ngày để thực hiện việc xuất bản, trước những trăn trở của gia đình, ông đã hứa cùng vợ, bác sĩ Hồ Ngọc Anh: “Nếu chuyến đi này không thành công, anh sẽ từ bỏ ý định của mình”.

Cuối cùng, vào tháng 9/2007 sau 10 năm miệt mài thì tâm huyết và sự kiên trì không mệt mỏi của ông đã được đền đáp: cuốn Từ điển Lào - Việt của ông đã được in với số lượng 550 cuốn và nội dung trong sách đã lên tới 50.000 từ. Sau khi nhận được những ấn phẩm đầu tiên, ông đã không cầm được nước mắt. Tất cả những bạn bè, người quen và cả những người đang mong ngóng chờ đợi được sử dụng cuốn sách của ông cũng đã đến, viết thư chia sẻ với ông niềm vui lớn lao này.

Chúng tôi cũng được biết, bên cạnh Từ điển Lào - Việt, ông còn là tác giả của các công trình khác: Phần mềm từ điển Việt - Lào, Lào - Việt, Pháp - Lào, Lào – Pháp, Anh – Lào, Lào – Anh; Tục ngữ: Lào - Việt, Việt – Lào; Từ đồng âm Lào - Việt. Và trong tương lai, với những tài liệu đã có trong tay, nếu điều kiện cho phép, ông sẽ xuất bản hai cuốn Thành ngữ, Tục ngữ Việt – Lào.

Câu chuyện ông kể đã kết thúc mà chúng tôi, những người được nghe cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc của ông dường như đã lan toả sang cả những người xung quanh. Bởi kết quả công việc ông đã làm, niềm hạnh phúc ông đang có không còn chỉ là của riêng ông mà nó còn là niềm vui, sự kiêu hãnh của mỗi người dân Việt Nam trong mong muốn phát triển tiếng Việt và gìn giử bản sắc văn hoá dân tộc. Chúng tôi xin chúc ông sẽ tiếp tục đạt được những thành công trong những dự định của mình để xây đắp cho tình hữu nghị Việt - Lào ngày càng tốt đẹp hơn.

Trương Thắng

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu