A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một trường phổ thông trong căn hộ nhỏ

Đã gần chục năm nay, căn hộ hai buồng của cô giáo Phạm Thị Điềm ở Matxcơva trở thành một trường học tại gia. Gọi là trường học, bởi vì học sinh học tại nhà cô Điềm bao gồm những học sinh chuẩn bị vào lớp Một, cho đến những sinh viên cuối khoá đang làm luận án tốt nghiệp.

Cô Điềm dạy học sinh đủ các môn: Tiếng Nga, Toán, Vật lý, Hoá học, Lịch sử... và những kiến thức xã hội. Hàng chục học sinh lứa tuổi khác nhau, có người gọi cô là cô giáo, có người gọi cô là bác, những học sinh nhỏ gọi cô là bà.

Những hôm không thu xếp được chỗ, hai nhóm ngồi học trong hai phòng, còn một nhóm phải ngồi trong phòng bếp. Thế nhưng tất cả học sinh đều hài lòng và các buổi học vẫn tiến hành một cách trật tự, nghiêm túc.

Giờ học với cô Điềm không phải là một para 90 phút, mà thường kéo dài ba tiếng, cô dạy đến khi nào học sinh hiểu hết mới được kết thúc.

Học sinh lớn, các sinh viên học xong thì tự ra về, cón đám học sinh nhỡ, thì hoặc là cô dẫn về tận nhà, hoặc ở lại nhà cô, đến chiều tối phụ huynh đón về. Các cháu ở lại, nhà cô lại biến thành nhà trẻ, và căn bếp của cô lập tức trở thành xtalovaia, còn cô lại là một oshin chính hiệu. Cô lo cho các cháu ăn uống, nghỉ ngơi và cho phép xem những bộ phim hoạt hình dành cho trẻ con.

Học với cô Điềm, trước tiên chưa phải học chữ, mà là học văn hóa, lễ nghĩa. Cô dạy từ cháu bé đến cháu lớn những kiến thức xã hội, ăn nói, cách giao tiếp đối với người Nga, những nghi thức, tập tục Nga Việt. Cô uốn nắn những khuyết điểm của từng cháu một các nghiêm khắc, đặc biệt là sự hình thành nhân cách.

Những cháu học với cô, chỉ trong một thời gian ngắn đã rèn luyện được tính kiên trì, trau dồi chữ viết, ý thức độc lập và đặc biệt là tính cầu tiến, khiêm nhường và ham học. Dù học sinh nhiều, nhưng cô Điềm đều xác định được yếu điểm, nhược điểm từng cháu để động viên và nhắc nhở các cháu kịp thời và hữu hiệu.

 Sau nửa năm học với cô Điềm, chữ viết của học sinh đã trở nên chuẩn mực

Là con một thầy đồ Xứ Nghệ được nuôi dưỡng và giáo dục trong truyền thống và khuôn phép của gia đình, với cô, nghề giáo là một nghề thiêng liêng và cao quý.

Là học sinh chuyên Toán tỉnh Nghệ An, là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học ngành máy tính tại Liên Xô từ năm 1967, cô nắm rất vững kiến thức tự nhiên đa ngành; là người đọc nhiều, nhớ nhiều, cô có một vốn tri thức rất phong phú. Cô muốn truyền đạt cho học sinh, sinh viên Việt Nam tại Nga những gì họ không có điều kiện thời gian tìm hiểu. Cô coi việc dạy học của mình là một niềm vui, một trách nhiệm đối với cộng đồng.

Cô sống đạm bạc và giản dị với số thù lao nhỏ bé, đủ sống để duy trì căn hộ hai buồng làm nơi nuôi dạy các cháu.

Cô Phạm Thị Điềm là người sáng lập Hội Phụ huynh học sinh Trường 282 Matxcơva, mặc dù cô không hề có con, cháu hoặc người thân học ở trường này. Cùng với anh em tâm huyết trong khu Đakutraev, cô giữ mối liên hệ mật thiết với Ban Giám hiệu nhà trường, tổ chức lớp học tiếng Việt, tổ chức những ngày lễ lớn của dân tộc.

Mọi người đều kính trọng cô, dành cho cô những tình cảm thân thương nhất. Dù chưa một lần lên tivi, chưa một lần lên mặt báo, nhưng nhắc đến cô, ai cũng biết; ai cũng muốn gửi gắm con học thêm chỗ cô, chí ít cũng mong có được một sự tư vấn của cô về việc học tập của con cái.

Những học sinh của cô, giờ đây, có người đã là tiến sĩ, có người đã có cương vị cao trong xã hội, có người đã rất thành đạt, họ luôn nghĩ đến cô như là một cô giáo, một bà mẹ Việt Nam ở xứ người.

Và có lẽ cô Điềm là người hiếm hoi ở thành phố 12 triệu dân này không dùng điện thoại di động, là người duy nhất dạy học thêm mà chưa hề một lần quảng cáo trên bất cứ một phương tiện thông tin nào, nhưng trường học trong căn hộ của cô vẫn luôn có nhiều học sinh tìm đến học, là một địa chỉ tin cậy của phụ huynh các cháu Việt Nam tại Matxcơva.

Một số hình ảnh của lớp học:

Cô Điềm kiên trì dạy đến khi nào học sinh hiểu hết mới kết thúc buổi học

Các cháu hết giờ học chưa có phụ huynh đón
được cô Điềm lo cho ăn uống, nghỉ ngơi và giải trí

Học sinh học tại nhà cô Điềm chỉ sau một thời gian ngắn đã có những tiến bộ đáng kể

Nguyễn Huy Hoàng (LB Nga)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu