A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Cán bộ “gầy” nhân dân “béo” mới là vinh hạnh...”

Năm mươi năm trước, ngày 23-9-1958, Bác Hồ lên thăm tỉnh Lào Cai. Khi đó, tôi là cán bộ bảo vệ chính trị của Ty Công an được cấp trên giao nhiệm vụ cùng đồng chí Phạm Quế phối hợp với các đồng chí tiếp cận của bộ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho chuyến đi.

 


Bác Hồ tặng quà cho ông Trần Văn Nỏ 

Đúng 10g30, đoàn tàu hỏa đặc biệt mang số hiệu 424 do tài xế Nguyễn Văn Thêm lái đưa Bác tới ga Làng Giàng. Từ đây Bác Hồ lên ôtô sang sông để thăm công nhân mỏ apatit Cam Đường (thường gọi là apatit Lào Cai). Thấy giữa sông một chiếc canô đang chạy rẽ sóng với tốc độ rất cao, Bác quay lại đồng chí Hoàng Trường Minh, bí thư tỉnh ủy, hỏi: “Các chú biểu dương lực lượng đón Bác đấy à?”. Đồng chí Hoàng Trường Minh thật thà thưa: “Thưa Bác, đó là chiếc canô kiểm tra trên sông trước lúc đoàn qua đấy ạ!”.

Lúc đó, đồng chí cảnh vệ bảo vệ Bác đứng cạnh tôi, nói nhỏ: Năm trước, Bác lên thăm tỉnh Cao Bằng, tỉnh ủy cho kết hoa thật đẹp lên chiếc xe mui trần để Bác đi. Khi đồng chí bí thư tỉnh ủy mời Bác lên xe kết hoa, Bác nhất định không đi và nói với đồng chí bí thư: “Chú nào ra lệnh kết hoa lên xe thì chú đó đi”. Lời phê bình nhẹ nhàng mà nghiêm khắc về bệnh phô trương hình thức đã để lại cho Cao Bằng một bài học thấm thía.

Địa chỉ và người được Bác đến thăm và tặng quà đầu tiên trong chuyến lên thăm Lào Cai là ông Trần Văn Nỏ. Ông Nỏ là một nông dân người Tày ở xã Cam Đường. Năm 1924, khi còn là một cậu bé, trên đường lên nương, mệt và khát nước, cậu chặt một ống nứa đun nước uống. Bỗng dưng ba hòn đá kê bếp bốc cháy phừng phừng, tỏa ra ngọn lửa xanh lè. Đá cháy và lửa xanh là điều chưa từng thấy làm Nỏ hoảng sợ, nghi là hòn đá ma, sợ ma báo thù vì gia đình Nỏ có làm nghề thầy cúng. Nỏ liền báo với lý trưởng, lý trưởng báo quan Tây... Từ đó, thực dân Pháp đã thăm dò và khai thác apatit ở Lào Cai. Cách mạng rồi kháng chiến chín năm, mỏ không hoạt động. Đến ngày 29-9-1955 ta bắt đầu khôi phục và mở rộng diện khai thác. Ông Nỏ được coi là người đầu tiên phát hiện mỏ apatit và được ghi vào lịch sử của mỏ.

Sáng hôm sau, Bác nói chuyện với cán bộ các cơ quan dân chính đảng, đại diện các dân tộc tại sân tỉnh ủy.

Buổi chiều, Bác xuống thăm công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Lào Cai.

Buổi chiều đó nắng nóng, khi Bác nói chuyện với công nhân, đồng chí bí thư Đảng ủy công trường che ô cho Bác. Người gạt đi và nói mọi người cũng như Bác, mượn cho Bác cái mũ là được.

Sau buổi mít tinh ở sân nhà tỉnh ủy, Bác gọi đồng chí Hoàng Trường Minh (bí thư kiêm chủ tịch tỉnh Lào Cai lúc đó) và một số cán bộ chủ chốt của tỉnh về đời sống và phong tục của đồng bào các dân tộc. Trong khi đồng chí Hoàng Trường Minh loay hoay tìm chỗ ngồi cho Bác thì Bác đã tháo dép ngồi ngay xuống thềm nhà mát mẻ, sạch sẽ. Thế là tất cả đều ngồi xuống thềm quây quần quanh Bác.

Riêng một đồng chí mặc comlê đi giày tây bóng loáng cứ loay hoay mãi. Bác hỏi: “Chú ngồi xuống. Chú béo đấy. Chú làm công tác gì?”. Đồng chí Hoàng Trường Minh thưa: “Thưa Bác, đây là chú Tiến, trưởng Ty Thương nghiệp”. Bác nói ngay: “Làm thương nghiệp lúc này là phải xắn quần lên, mang muối, vải và dầu hỏa lên vùng cao cho đồng bào miền núi và thu mua lương thực, thực phẩm cung cấp cho bộ đội và nhân dân... Cán bộ mà “gầy”, nhân dân mà “béo” đó là điều vinh hạnh cho Đảng ta...”.

Hai ngày 23 và 24-9-1958 là hai ngày hạnh phúc nhất của đời tôi khi được ở bên Bác, bảo vệ Bác và nghe những lời dặn dò thân thiết mà sâu sắc của Người. Đó là những lời nói giản dị, bình thường mà có ý nghĩa khai sáng, nghiêm giới suốt cả cuộc đời, khiến tôi không bao giờ sai lầm và làm được một số điều có ích cho sự nghiệp chung, có ý nghĩa trong cuộc đời tôi và gia đình tôi.

Nguyễn Sĩ Đại

(Theo lời kể của đồng chí Phạm Ngọc Minh, cán bộ công an hưu trí, phường Pom Hán, TP Lào Cai)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm