A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác Hồ với thanh niên Việt Nam ở nước ngoài

Qua lời kể, qua những gì đã được đọc về Bác Hồ tôi càng xúc động và thấy rằng mình là một trong những thanh niên Việt Nam ở nước ngoài, phải sống và học tập tốt hơn. Có như vậy mới xứng đáng với lòng mong mỏi của Bác Hồ...

Bác Hồ với thiếu nhi

Tôi cùng với cha mẹ và em gái sống ở LB Nga. Trong nhà tôi hiện vẫn đang treo chiếc đồng hồ có ảnh Bác mà bố mẹ tôi mang từ quê hương sang, đủ để biết rằng cha mẹ tôi kính yêu Bác biết nhường nào. Thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe cha hoặc mẹ kể về Bác, về Việt Nam, tôi đã vào lăng viếng Bác. Qua lời kể, qua những gì đã được đọc về Bác Hồ tôi càng xúc động và thấy rằng mình là một trong những thanh niên Việt Nam ở nước ngoài, phải sống và học tập tốt hơn. Có như vậy mới xứng đáng với lòng mong mỏi của Bác Hồ: “Non sông Việt Nam có được vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn vào công học tập của các cháu.”

Bác là tấm gương sáng để chúng ta soi vào và phấn đấu. Người sinh ra trong một gia đình nho học, lúc nhỏ học chữ Hán và thông thạo đến mức có thể làm một tâp thơ “Ngục trung nhật ký” bằng chữ Hán.

Bác đã bôn ba ở nhiều nơi trên thế giới: Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Phi, đã học 20 thứ tiếng.

Noi gương của Bác, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên biết nhiều ngoại ngữ, có như thế mới học hỏi được nhiều điều hay, làm việc mới tốt hơn được. Bác Hồ vì rất yêu nước nên đã ra đi tìm đuờng cứu nước và chúng ta là con cháu của Người chúng ta phải phát huy truyền thống yêu nước thương nòi, cùng nhau xây dựng Tổ Quốc ngày càng giàu đẹp.

Nhờ không ngừng học hỏi nên Bác đã rút ra được những bài học vô cùng quý giá, những cái hay cái đẹp từ những học thuyết nổi tiếng thế giới: Học thuyết Khổng tử có cái hay là tu dưỡng đạo đức, tôn giáo Jesus có cái hay là lòng bác ái, chủ nghĩa Marx có cái hay là phương pháp biện chứng, chú nghĩa Tôn Dật Tiên có cái hay là chính sách của nó phù hợp với điều kiện của nước chúng tôi. Bác nhận thấy Khổng Tử, Jesus, Marx, Tôn Dật Tiên đều muốn làm lợi cho xã hội, vì vậy Bác đã rút ra kết luận: tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của họ, tôi chính là tôi ngày truớc: một người yêu nước”. Xuất phát điểm của mỗi thắng lợi là tinh thần yêu nước và biết kết hợp những tư tưởng tiển bộ với truyền thống dân tộc.

Những điều căn bản của tư tưởng Hồ Chí Minh đã thâm nhập vào văn hoá Việt Nam, tạo nên bước chuyển trong tâm thức người Việt. Người Việt chúng ta, dù ở nơi đâu cũng hướng về nguồn cội, dù ở nơi đâu cũng phải sống có văn hoá, để làm đẹp hình ảnh người Việt trong mắt bạn bè các châu lục.  Tôi muốn đề cập tới đây một mẩu chuyện nhỏ về Bác để các bạn thấy đuợc Bác đã sống thế nào. Năm 1923, Bác Hồ từ Paris đến Nga, Bác đã tiếp xúc với nhà thơ Nga nổi tiếng Osip Mandelstam và nhà thơ đã đánh giá rất cao về Bác: “Cả diện mạo Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc toát ra một nền văn hoá, không phải như văn hoá châu Âu mà có lẽ là văn hoá tương lai.” Bác đã để lại một ấn tượng khó quên ở nhà thơ,  ông nói: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và thanh lịch, chuộng nếp điều độ và ghét thói thái quá. Qua cử chỉ cao thượng và tiếng nói trầm lặng của Nguyễn Ái Quốc tôi thấy được ngày mai, thấy đuợc viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái đoàn kết bao la như đại dương…”

Học tập Bác là học tập cách sống giản dị, đoàn kết của Người. Có như thế mới tranh thủ đuợc sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới trong công cuộc xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh và giàu đẹp.

Chu Ngọc Minh
Ekaterinburg (LB Nga)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm