A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phạm Ngọc Anh Tùng – "Người kể chuyện" nông sản Việt với thế giới

Phạm Ngọc Anh Tùng người sáng lập Foodmap (Công ty TNHH Công nghệ và thương mại UFO) đã được vinh danh trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 vì thành tích cung cấp sản phẩm nông nghiệp trên kênh trực tuyến giữa bối cảnh đại dịch Covid – 19 đang bùng phát.

Foodmap là sàn thương mại điện tử giới thiệu nông sản, các đặc sản Việt Nam bằng cách kết nối người nông dân với nhà sản xuất vừa và nhỏ đến trực tiếp người tiêu dùng. Ảnh: Thông Hải/VNP

Tháng 9/2019, FoodMap đã vượt qua gần 600 đội từ các quốc gia khác để giành giải Sáng kiến có tác động lớn nhất (Most Impactful Innovation) tại vòng chung kết Asia Innovates 2019 do viện hàn lâm Kỹ thuật hoàng gia Anh và quỹ Newton tổ chức. Đây là Giải thưởng dành cho các startup, tập thể nhà nghiên cứu, viện khoa học có những phát minh, những giải pháp đột phá trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường, xã hội.
 
Cũng trong năm 2019, FoodMap được tổ chức Ricebowl (Malaysia) bầu chọn là "Startup tốt nhất Việt Nam" trong lĩnh vực agri-tech (nông nghiệp công nghệ). Năm 2020, FoodMap lại tiếp tục là dự án đại diện Việt Nam tham gia vòng bình chọn ở khu vực Đông Nam Á.
 
FoodMap đã được vinh danh là 1 trong 10 công ty công nghệ nông nghiệp (Agri – Tech) tiêu biểu của khu vực APAC năm 2020, giải Nhất Startup Hunt Việt Nam 2020; Winner giải Most Impactful Innovation Châu Á năm 2019; giải Nhất chương trình khởi nghiệp Leading Innovation Fellowship (LIF) năm 2018; đại diện Việt Nam tại vòng chung kết Blue Venture Award thế giới năm 2021.

Từng làm việc tại Cầu Đất Farm, Phạm Ngọc Anh Tùng nhận thấy sự phong phú đa dạng của những sản vật nông nghiệp Việt Nam. Nhưng những lợi thế, tiềm năng này chưa được khai thác hết. Đặc biệt rất nhiều những sản vật ngon, tốt cho sức khoẻ nhưng do hạn chế kênh phân phối nên chưa phủ sóng đến được tay nhiều người tiêu dùng. Dẫn đến cung cầu chưa gặp được nhau, người sản xuất bị thua lỗ. Hoặc người tiêu dùng phải trả phí cao hơn do qua nhiều kênh phân phối,… Đặc biệt, trong nhiều năm trở lại đây, ở Việt Nam vẫn luôn xảy ra tình trạng “giải cứu nông sản” diễn ra một cách thụ động. Tất cả những hạn chế đó đã khiến một thanh niên trẻ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp như  Phạm Ngọc Anh Tùng “không thể ngồi yên”.
 

 Phạm Ngọc Anh Tùng (áo trắng) đang làm việc cùng các team nông sản. Ảnh: Thông Hải/VNP

Theo chia sẻ của Phạm Ngọc Anh Tùng, FoodMap ra đời năm 2018. Khác với các kênh phân phối trực tuyến các sản phẩm nông nghiệp sạch hiện nay trên thị trường, FoodMap là sàn thương mại điện tử giới thiệu nông sản, các đặc sản Việt Nam bằng cách kết nối người nông dân với nhà sản xuất vừa và nhỏ đến trực tiếp người tiêu dùng.
 
Website thương mại điện tử FoodMap chuyên cung cấp các sản phẩm liên quan đến nông sản an toàn. Hiện FoodMap xây dựng ba thương hiệu riêng là Đặc sản Ngon Lành (như đường, mật ong, rau củ quả...), Maloka (trà và cà phê) và HappyNut (các loại hạt dinh dưỡng).
 
Đến nay công ty hợp tác với hơn 100 nông dân hoặc nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm từ hơn 20 tỉnh thành cho hơn 5.000 người dùng cuối và nhà bán lẻ.

Để tạo được niềm tin để người nông dân và các nhà sản xuất khác tham gia vào hệ sinh thái của Foodmap, Phạm Ngọc Anh Tùng và các cộng sự đã đến nói chuyện trực tiếp với từng hộ nông dân, thậm chí “ăn cùng, ở cùng, làm việc cùng” để có thể lắng nghe những chia sẻ, tâm tư của những người cả đời gắn với nông nghiệp. Trung bình, Foodmap đã thực hiện 1 – 2 chiến dịch/ tháng. “Đến khoảng 15 chiến dịch thì FoodMap có được kha khá tệp khách hàng lẫn nhà sản xuất nhờ đủ độ hấp dẫn để thu hút người mua và thuyết phục được người bán là các nông dân hoặc nhà sản xuất”, Phạm Ngọc Anh Tùng chia sẻ.  

Trong 8 tháng của năm 2021, FoodMap đã xuất khẩu vài mặt hàng nông sản với giá trị cao đi Singapore, Malaysia và hy vọng sẽ đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. FoodMap cũng đã đi cùng với nhiều đối tác lớn như Lazada, Tiki, Grab, Vietjet Cargo … , Cục Thương Mại Điện Tử, Cục Xúc Tiến Thương Mại và các hiệp hội lớn nông nghiệp Việt nam như BSA, VIDA, VASEP,... để cùng chạy những dự án lớn và đồng hành tiêu thụ nông sản cùng bà con nông dân trên khắp Việt Nam. 

Để nâng cao giá trị nông sản Việt, FoodMap đã đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc là điều kiện bắt buộc lên sàn cho mọi nhà sản xuất hoặc nông dân. Đồng thời, FoodMap còn làm thương hiệu riêng cho những nông sản bản địa độc đáo nhưng khó cạnh tranh ở các sàn lớn vì chưa có thế mạnh thương hiệu.
 
Để giải quyết bài toán khó trong chuỗi cung ứng nông nghiệp đó là khâu hậu thu hoạch, giảm thiểu hàng dư, hàng tồn, Phạm Ngọc Tùng Anh cho biết FoodMap đã chọn cách vận hành theo mô hình đặt hàng trước (pre-order), chiếm khoảng 30-35% sản phẩm bán ra, đồng thời cung cấp cho cả khách hàng B2B (B2B là tên gọi viết tắt của cụm từ “Business to Business”. Đây là hình thức kinh doanh, buôn bán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp)  và  B2C (Business To Consumer đề cập đến giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng).
 

Phạm Ngọc Anh Tùng (đầu tiên bên trái) ký hợp tác với Trung tâm mã số mã vạch quốc gia. Ảnh: Foodmap 

Quy mô chưa lớn, nhưng FoodMap do Phạm Ngọc Anh Tùng sáng lập là một trong những startup Việt đầu tiên cung cấp sản phẩm nông nghiệp trên kênh trực tuyến. Hai công ty TMĐT thương hiệu lớn đó là Tiki và Lazada đã chọn hợp tác với FoodMap khi ra mắt mảng nông sản, thực phẩm tươi trong giai đoạn căng thẳng nhất của Covid-19 (tháng 4/2020).
 
Trong năm 2020, Foodmap đã gọi vốn thành công 500.000 USD từ Qũy Wavemaker Parners, Singapore sau hai năm hoạt động. Hiện nay, Foodmap đã mở cửa hàng trải nghiệm nông sản offline đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh.
 
Với mục tiêu, tối ưu chuỗi cung ứng, người bán sẽ được giá tốt và người mua sẽ an tâm với đầu ra, tối ưu lời giải cho bài toán nông sản Việt, Phạm Ngọc Anh Tùng cùng các cộng sự đang tiếp tục hành trình kể câu chuyện nông sản và tìm giá trị đúng cho sản vật Việt Nam./.
 

 Bài: Thảo Vy - Ảnh: Thông Hải & Tư liệu Foodmap/ Báo Ảnh Việt Nam

Tin liên quan

Tin tiêu điểm