A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thưởng ngoạn suối nguồn...ở Bình Định

Một trong những con suối đầu tiên bạn phải nên đến là suối khoáng Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát. Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) có chép về suối này như sau: “Ở trong rừng về phía Nam huyện Phù Cát bề dọc 2 trượng, bề ngang chừng 1 trượng, lởm chởm nhiều đá, nước thường bốc hơi như nước sôi, chảy ra hơn 10 trượng, khi nóng mới bớt dần. Nước chảy đến thôn Tân Hòa thì với chằm Nước Đục mà cùng chảy vào sông Nha Đoài”.

Suối Một ở thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) với dòng nước trong mát chảy quanh năm. Ảnh: Ngọc Nhuận 

Ngày nay, suối khoáng Hội Vân tuy còn ít nước, nhưng vẫn còn mạch nước nóng lộ thiên nghi ngút khói bốc hơi từ các bờ đá đẹp ngỡ ngàng. Bạn tới đường Lê Hoàn ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát rẽ trái đi thêm khoảng 3 km nữa là đến suối. Đến đây, bạn có thể tản bộ để ngắm suối, còn được thưởng thức món trứng gà ta, trứng cút tự mình luộc tại các vũng nước nóng dưới suối có nhiệt độ trên 800C, cùng món gà thả vườn “hấp cát” độc đáo. Gần đó là khu dịch vụ tắm, xông hơi bằng thuốc bắc từ nguồn nước ấm lấy từ mạch suối khoáng Hội Vân của Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng (Cơ sở 2) mở ra để phục vụ nhu cầu của du khách.

Suối Cây Cầy ở thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ thu hút nhiều người “trốn nắng” nhờ không gian xanh mát, êm ả; đường đến suối lại dễ đi. Từ UBND xã Mỹ Hòa, chạy xe về hướng Tây khoảng 7 km, rồi men theo đường núi vài chục mét là bạn đến nơi. Mùa này, tuy suối ít nước nhưng không khí lúc nào cũng mát lạnh bởi bóng cây cổ thụ bao bọc bên bờ suối. Càng ngược lên thượng nguồn, cảnh sắc càng quyến rũ, với những tảng đá lớn, bằng phẳng; những đàn bướm bay lượn giữa núi rừng nguyên sơ. Bạn nên dành ít thời gian tham quan mô hình trồng rau trong nhà màng của HTX Chế tác đá hoa cương Bảo Thắng Phù Mỹ, hoặc khám phá một số điểm đến khác như Truông Gia Vấn, hồ Hội Khánh, chùa Thiên Sanh (còn gọi là chùa Hang).

Từ đồng bằng, ngược lên miền núi huyện Vân Canh - miền rừng bên phố biển, tìm đến những con suối nguyên sơ quanh năm nước chảy róc rách đó là suối Cà Te (xã Canh Thuận) và suối Một (thị trấn Vân Canh). Không chỉ có dòng suối trong mát chảy quanh năm, những tảng đá đủ màu sắc, nhiều hình thù kỳ lạ, tiếng chim hót líu lo dưới những tán cây cổ thụ tỏa bóng, đến đây bạn còn có cơ hội tìm hiểu cuộc sống của đồng bào Bana với những truyền thống văn hóa đặc sắc, nghề dệt thổ cẩm, nhấp hơi rượu ghè bên tiếng đàn goong réo rắt. Bạn còn có thể thưởng thức những món ăn đậm đà chất Bana chế biến từ gà thả vườn, trứng kiến...

Suối Tà Má - Tà Mú ở làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh) mang vẻ đẹp nguyên sơ, với dòng nước nóng dưới hạ nguồn, dòng nước mát trên thượng nguồn. Ảnh: Ngọc Nhuận 

Gần đây, cả vạn người không ngừng xôn xao, kéo nhau về suối Tà Má - một con suối nổi tiếng ở xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh nhân mùa hoa trang rừng nở rộ. Suối Tà Má thuộc làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, cách trung tâm thị trấn Vĩnh Thạnh khoảng 7 km, đường dễ đi. Suối Tà Má nước chảy quanh năm dưới những tán cây cổ thụ tỏa bóng nhưng điều hơi lạ là nước suối khá ấm chứ không mát lạnh như các dòng suối khác. Từ suối Tà Má, bạn men theo đường mòn quanh rừng, di chuyển ngược lên núi khoảng 3 km nữa là đến suối Tà Hom - một dòng suối mang làn nước trong mát nằm trên cao với nhiều thác nước đẹp, nơi đây còn có một vực nước sâu gọi là vực Bà Chiểu. Càng lên cao, cảnh đẹp càng quyến rũ, thơ mộng.

Ngoài những con suối kể trên, bạn còn có thể khám phá thêm nhiều con suối đẹp ở Bình Định được nhiều du khách biết tới, như: Suối Đá Vàng (Tuyệt Tình Cốc - ở Bãi Xép, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), suối Đồng Tre (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), suối Nước Ối (xã An Toàn, huyện An Lão)… với những thú vị bất ngờ đang chờ bạn.

Đoàn Ngọc Nhuận/ Báo Bình Định


Tin liên quan

Tin tiêu điểm