A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người sống chết với ‘‘truyền thần’’

Phố Hàng Ngang, Hà Nội đích thực là “tấc đất tấc vàng”. Mặt tiền phố cổ này không còn chỗ cho sinh hoạt mà hoàn toàn dành cho các hoạt động thương mại. Vậy mà chính giữa phố cổ ấy, số nhà 47 lại “ngang nhiên” tồn tại một cửa hiệu vẽ tranh “Truyền thần Bảo Nguyên”.

Lạc lõng giữa khu phố sầm uất

Nhiều người tiếc rẻ bảo, đem miếng đất vàng bạc ấy để hành nghề vẽ tranh ư, phí phạm thế cơ chứ! Nhưng có người nhìn xa hơn, bảo cửa hàng truyền thần Bảo Nguyên là điểm nhấn văn hóa, làm sang cho dãy phố vốn mang nặng hơi hướng kim tiền.

Ông Nguyên bên giá vẽ 

Thản nhiên giữa dòng đời thị phi, ông Nguyễn Bảo Nguyên chỉ lặng lẽ vẽ, như vẫn từng lặng lẽ gần năm chục năm qua, khi truyền thần đang vào thời kỳ hoàng kim. Ông bảo: “Nghề này kỳ lạ thế đấy, trong lòng vui quá, náo nhiệt quá thì hỏng. Chỉ có lặng lẽ quan sát, trầm tư chiêm nghiệm mới tìm ra được cái “thần” để “truyền” vào bức ảnh, thế mới gọi là truyền thần”.

Hiện truyền thần vẫn còn đất sống bất chấp sự phát triển của hội họa hiện đại và nhiếp ảnh với sự trợ giúp của công nghệ số. Cuộc đời gần 80 năm của ông đã chứng kiến trọn vẹn sự lên bổng xuống trầm của nghề này mà ông khái quát ngắn gọn là “phát triển theo đồ thị hình sin”. Bảy tám chục năm về trước, khi kỹ thuật nhiếp ảnh còn thô sơ, việc in tráng một bức ảnh rất đắt thì truyền thần trở thành nghề “hot”.

Những năm 1940 -1970, Hà Nội có hơn 400 cửa hàng truyền thần, làm không hết việc. Thời hoàng kim kéo dài đến cuối những năm 1980, trước khi những minilab ra đời, việc tráng, rửa ảnh chỉ 30 phút, giá 1000đ/ảnh - rẻ hơn 50 lần 1 bức truyền thần. Nghề truyền thần đi xuống đáy vào những năm cuối thế kỷ XX. Những tưởng nghề này khó lòng trụ nổi trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ số trong việc lưu giữ hình ảnh. Nhưng trớ trêu thay, chính việc ứng dụng công nghệ số đã thu hẹp phạm vi hoạt động của nhiếp ảnh: các minilab teo dần, các cuộn phim nhựa gần như biến mất, thợ chụp ảnh giải nghệ phần lớn; vô hình trung tạo ra một khe cửa hẹp cho truyền thần sôi động trở lại với khoảng hai chục cửa hàng, chủ yếu nằm ở các phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường…

Đi bằng “cửa ngách”

Thực tế, truyền thần vẫn tồn tại, nhưng đi vào thị trường bằng “cửa ngách”, nghĩa là cái gì nhiếp ảnh không làm được thì truyền thần phải làm cho bằng được, lấy đó là lẽ sống của mình. Theo ông Nguyên, khách đến với truyền thần đều thuộc loại đặc biệt. Các yêu cầu đưa ra cũng đặc biệt tới mức mà công nghệ phục chế ảnh kỹ thuật số cũng chào thua: chỉnh ảnh chụp nghiêng thành chụp thẳng; sửa mắt nhắm thành mắt mở; ghép người từ nhiều bức ảnh khác nhau vào một bức.. Trong số đó, có cả quan khách của Hoàng Gia Thái Lan, phu nhân Đại sứ quán Mỹ và Lào… tìm đến Bảo Nguyên để làm giàu bộ sưu tập của mình bằng nét văn hóa truyền thống độc đáo từ Việt Nam.

Chưa qua một trường lớp đào tạo cơ bản nào, vốn kiến thức hội họa ban đầu của ông chỉ là những lần đứng nép bên một cửa hiệu truyền thần ở Hàng Đào để… học lỏm. Nhưng bù lại, lòng yêu nghề, thiên khiếu bẩm sinh và nhất là tính cách trầm lặng đã cho ông những phẩm chất cốt yếu nhất mà người vẽ truyền thần phải có, đó là tìm ra cái “thần” của đối tượng. Cái thần có khi là ánh mắt biết cười, có khi là vầng trán suy tư, hay cái nhíu mày, bậm môi…”. Biết rằng nói “lý luận” với người ngoại đạo như tôi không xong, ông chỉ bức tranh vẽ hai em bé người Dao đang treo trên tường, bảo: “Khó nhất ở đây là ánh mắt hồn nhiên đến trong veo của hai em bé, không có một chút gì gờn gợn như người lớn vẫn thường “làm duyên” trước ống kính cả. Lột tả được thì gọi là truyền thần, bằng không chỉ cho ra một bức hình sao chép gượng gạo, thất thần mà thôi”. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao một người không bằng cấp như ông, lại được các nước có nền hội họa phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản mời tham dự triển lãm tranh.

Nay đã ở tuổi 79, khí lực không còn sung sức như xưa nhưng ông đã kịp truyền niềm đam mê nghề cho con trai Nguyễn Bảo Lân .“Chỉ hiềm một nỗi - ông bảo - nó có dám sống chết với nghề suốt cả đời như tôi không thì chưa biết chắc. Bởi vì, mỗi mét đất ở đây mà chuyển sang kinh doanh thì tính ra bạc triệu mỗi tháng, gấp 7 -8 lần vẽ truyền thần”.

Vĩnh Nguyên (Làng Việt)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm