A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người mở cõi đất Phương Nam

Rời vùng cát trắng Quảng Bình, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh "mang gươm đi mở cõi" đất phương Nam. Đến khi mất ông lại được đưa về quê mẹ, song do chiến tranh, loạn lạc, mộ phần của ông bị mất, sau đó hơn 50 năm, hậu duệ của Lễ Thành Hầu mới tìm thấy. Năm 2010, Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Quảng Bình kỷ niệm 310 năm Ngày mất của Nguyễn Hữu Cảnh. Và những câu chuyện về người "mở cõi" phương Nam lần đầu được tiết lộ.

"Mang gươm đi mở cõi”

Chiều đầu năm, chúng tôi may mắn được tiếp chuyện ông Nguyễn Hữu Tiến, hậu duệ đời thứ 10 của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh trước nhà thờ họ Nguyễn Hữu ở Vạn Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình.

Lăng mộ Lê Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh 

Theo gia phả của dòng họ mà ông Tiến còn giữ được Nguyễn Hữu Cảnh là con thứ của Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, em của Hào Lương hầu Nguyễn Hữu Hào, sinh tại Phước Long, Chương Tín, Phong Lộc, Quảng Bình. Là dòng dõi danh tướng, lớn lên trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, lại thông minh, lập được nhiều chiến công nên Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Tần phong chức Cai cơ khi mới tuổi đôi mươi. Người làng thường gọi Nguyễn Hữu Cảnh là "Hắc Hổ".

Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu phái Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh đem quân bình định biên cương, thành lập trấn Thuận Thành (Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay). Sau đó ông được cử làm Trấn thủ dinh Bình Khương (Khánh Hòa, Bình Thuận bây giờ).

Tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai. Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng Đồng Nai, đến đóng đại bản doanh ở Cù lao Phố. Thuở ấy xứ Đồng Nai toàn là rừng núi âm u, sông rạch thì chằng chịt, mãnh thú, ác ngư đầy rẫy...

Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã đưa ra nhiều kế sách: Khai hoang mở cõi, dàn xếp biên cương, thiết lập cơ quan hành chính địa phương, lập phủ Gia Định và chính thức cho sáp nhập vùng đất cực Nam này vào bản đồ Đại Việt... Chỉ trong một thời gian ngắn, vùng Đồng Nai - Bến Nghé đã nhanh chóng trở nên trù phú, rộng lớn.

Tháng 4 năm Canh Thìn (1700), Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao (nay là Chợ Mới, An Giang) và báo tin thắng trận về kinh. Sau đó, ông lâm bệnh trọng và mất vào ngày 9/5 năm Canh Thìn (1700) tại Rạch Gầm, Mỹ Tho. Đến ngày 16-5, linh cữu ông được đưa về an táng tại Hiệp Hoà (Biên Hòa - Đồng Nai). Năm 1802, di hài ông được đưa về an táng tại Phước Long, Chương Tín, Phong Lộc, Quảng Bình.

Đến năm 1945, chiến tranh, loạn lạc đã xóa đi dấu tích phần mộ ông. Sau đó ít năm, hậu duệ của Lễ Thành Hầu đã đi tìm, nhưng phần mộ của ông vẫn mịt mù không biết nơi đâu...

50 năm đi tìm mộ tổ

Ông Nguyễn Hữu Chương được coi là người đầu tiên đi tìm mộ Nguyễn Hữu Cảnh, hàng chục năm trời ròng rã đi tìm, nhưng cuối cùng ông đành phải nắm tay con trai là ông Nguyễn Hữu Tiến dặn dò: "Phải tìm cho được mộ tổ Nguyễn Hữu Cảnh".

Suốt gần 10 năm tiếp theo ông Chương cùng 3 con trai đã không biết bao lần ra đi rồi lại phải về tay không. Ông Chương cứ tự trách mình, tại sao không thể định hình được nơi cụ tổ nằm, dù trước năm 1945, ông đã nhiều lần đến đó tảo mộ. Hàng ngày ông Chương cầm cuốn gia phả có tuổi đời gần 300 năm của họ ra xem thấy tiên tổ khẳng định Nguyễn Hữu Cảnh chôn tại Quảng Bình, lòng ông lại rối như tơ vò.

Năm 1985 ông Chương qua đời, với một nỗi buồn mang nặng trong lòng vì chưa tìm ra một tổ. Năm 1995, trong khi cơ quan chức năng đang tổ chức hội thảo nhằm tìm ra vị trí của mộ phần Nguyễn Hữu Cảnh, thì ông Tiến và cựu chiến binh Nguyễn Phúc Thuần, cũng ở Vạn Ninh bất ngờ tìm ra mộ Nguyễn Hữu Cảnh từ một giấc mơ đầy tâm linh.

Ông Thuần kể lại giấc mơ kỳ lạ của mình: Tối đó, sau khi ngồi uống nước trà cùng hàng xóm xong, ông lên giường ngủ, đến khoảng 12h đêm tự dưng ông tỉnh dậy, thấy cổ khô khát và ớn lạnh rồi ông thiếp đi. Trong cơn mơ, ông Thuần thấy một cụ già người to cao, râu tóc bạc trắng, mặc áo xanh, tay cầm kiếm, bên cạnh có hai người khác theo sau đi vào nhà và bảo ông: "Ngày mai dậy đem theo một ít gạo và đồ dùng để nấu ăn". Tiếp đó ông lại nhìn thấy một người đàn bà và một đứa trẻ chăn trâu... Ông choàng tỉnh rồi ngủ tiếp, đến gần sáng, ông lão ông Thuần gặp trong mơ lại xuất hiện giục ông dậy đi kẻo trễ. Không hiểu sao lúc đó ông bật dậy, chạy ngay lên nhà ông Tiến và nói: "Sáng nay sẽ tìm ra mộ Đức ông".

Ông Tiến, ông Thuần và một người cháu ngoại bắt đầu cuộc tìm kiếm. Loanh quanh giữa vùng đồi núi mà không kết quả, 3 người thống nhất chia nhau đi tìm. Ông Thuần thấy khát nước nên tìm đến con suối gần đấy. Đến đây ông bất ngờ gặp một người đàn bà. Ông nghĩ lại trong giấc mơ đêm qua có gặp một người đàn bà, ông Thuần vội gọi ông Tiến lại để đưa bức ảnh chụp bia mộ cụ Nguyễn Hữu Dật và hỏi xem bà này có thấy ngôi mộ nào có tấm bia tương tự. Bà này cho biết, trước đây thì có, nhưng nay các bia chữ Hán đã bị phá, hỏng gần hết. Rồi bà chỉ tay về phía khu nhà dân có nhiều bia mộ.

Theo tay người đàn bà chỉ, đi được một quãng, bất ngờ ông Thuần gặp một đứa trẻ đang chăn bò (lại trùng hợp với giấc mơ đêm qua). Tim đập thình thịch, lại gần đứa bé, ông chìa tấm ảnh ra hỏi thăm. Đứa trẻ cho biết có một chỗ có tấm bia như thế. Sau khi thắp hương, chụp lại ảnh cả hai mặt của tấm bia mộ, ông Tiến, ông Thuần ra về.

Tiếp đó ông Tiến báo cáo với Sở VHTT tỉnh. Mấy ngày sau, GS Trần Quốc Vượng nhân chuyến công tác ở Quảng Bình, sau khi xem qua đã khẳng định, đây chính là bia mộ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ở mặt trước tấm bia ghi "Vĩnh An Hầu Nguyễn Hữu Cảnh chi mộ", theo GS Vượng, đó là tước hiệu cao nhất vua ban cho, sau khi Ngài mất. Sau khi tìm thấy, lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã được xây dựng lại rất bề thế tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, xứng đáng với công trạng của Ngài.

Hậu duệ đời thứ 9 của Nguyễn Trãi

Theo sử liệu ghi lại, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là bậc công thần đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), quê gốc ở Gia Viễn, Ninh Bình, sinh ra ở xã Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Nguyễn Hữu Cảnh là hậu duệ 19 đời của khởi tổ Nguyễn Bặc; hậu duệ 9 đời của hậu tổ Nguyễn Trãi. Ngoài trí tuệ trác việt, ông còn là người rất dũng cảm, thiện chiến. Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn là người nhân hậu, luôn nhớ về cội nguồn. Ngày nay, các địa danh hành chính quận, huyện, xã, tỉnh ở TP HCM và các tỉnh lân cận như: Tân Bình, Bình Dương, Bình Đông, Bình Tây, Bình Tiên, Bình Quới… đó đều là những tên gọi mà khi xưa Lễ Thành Hầu đặt để tưởng nhớ nơi sinh quán Quảng Bình.

S.Lam-V.Quý (CAND)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm