A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lê Vượng với những khoảnh khắc đẹp

Những khoảnh khắc đẹp ở đây là cái nhìn Chân - Thiện - Mỹ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng, người đã đặt tên tuổi mình vào hàng ngũ những cây đại thụ hiếm hoi trong nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Người Hà Nội gốc dòng dõi trí thức, lịch lãm, ông gắn bó gần trọn thế kỷ đời mình tại đất Hà thành hoa lệ thanh lịch.

Mùa Xuân 

Mơ ước từ tuổi hoa niên muốn làm một công việc nào đấy cho cuộc sống tươi đẹp này, ông tìm đến nhiếp ảnh - một khái niệm xa lạ với công chúng những năm đầu thế kỷ 20. Và, ông thành đạt ở cả hai phương diện: Con người và sự nghiệp. Một thế kỷ tưởng là dài nhưng thời gian như “vó câu qua khung cửa”, bởi thế ông luôn sống trong niềm đam mê cháy bỏng, vội vàng, tâm hồn ông hòa chung với thời đại trên cái nền số phận của quốc gia, dân tộc suốt chiều dài chất chứa biết bao thăng trầm của lịch sử.

Những năm đầu tiền khởi nghĩa, ông tham gia Mặt trận Việt Minh và theo kháng chiến hoạt động tại chiến khu Thanh Hóa. Hòa bình lập lại, sau khi định hình công tác biên tập tại Nhà xuất bản Mỹ thuật Âm nhạc, rồi đến Viện Nghiên cứu Mỹ thuật và nghỉ hưu tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đầu những năm 60 ông có điều kiện tiếp xúc với nền nghệ thuật cổ đại và hiện đại trong các chuyến đi điền dã với các nhà nghiên cứu mỹ thuật, nghiên cứu văn hóa, lịch sử... Tâm thức của một người thực sự cầu thị, một tài năng trí tuệ tiếp nối của dòng họ, ngoài một số bài viết trên báo, tạp chí thể hiện nhân thức văn hóa xã hội, ông còn có cái nhìn khác biệt trong quan niệm nhân sinh:

“Mỗi người tìm được niềm vui giúp ích cho đời, được đắm mình với bao thăng trầm văn hóa lịch sử đất nước, đó là điều hạnh phúc. Tôi tuổi Ngựa (sinh năm Mậu Ngọ - 1918) rất thích di chuyển đây đó, tôi sớm đến với nghệ thuật nhiếp ảnh, một loại hình văn hóa thẩm mỹ thấm đậm giá trị nhân văn, cô đọng ngôn ngữ tình cảm thị giác gần gũi...”.

Viết về cuộc đời và tác phẩm của ông, nhà văn hóa Hữu Ngọc - người đồng tuế - từng trải lòng: “Lê Vượng không chạy theo trường phái nào cả, ảnh của ông tìm cái đẹp cổ điển, chân phương rất gần hội họa do bố cục đường nét màu sắc. Trước hết ta thấy dư vị lãng mạn của lãng du...”.

Đúng vậy, Lê Vượng nay đây mai đó suốt chiều dài đất nước, là một người Hà Nội tiếp nhận được lời giáo huấn từ các bậc tiên hiền, cha mẹ, ông tạo dựng tâm hồn mực thước trong ứng xử thẩm mỹ, trong nếp nhà, nếp làm việc hàng ngày. Ông không kiêu ngạo, người ta có thể thấy ông xì xụp bát bún ốc vỉa hè, nắm xôi gạo nếp hương trong tay bên nồi thắng cố nghi ngút mùi thơm ngầy ngậy của đồng bào dân tộc tận Hà Giang bốn mùa mây phủ. Hình ảnh ông đậm nét trong đời thường là sự hưởng thụ văn hóa những ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền. Dù ở thời bao cấp khó khăn hay cuộc sống đầy đủ ngày nay, mỗi độ Xuân về tại căn nhà kiến trúc Pháp già nua trên phố Trần Quốc Toản, giữ nét cổ kính một thời, ông đón Tết bằng một cành đào ưng ý, một giò thủy tiên, vài bông hoa hồng sang trọng bên chiếc bánh chưng, giò, nem, dưa hành... đó là thú vui ngày Tết.

Qua nhiều Tết đầm ấm gia đình, nhưng cảnh đẹp thiên nhiên như vẫy gọi mời ông lên đường, ở tuổi ngoài 80 ông vẫn hồn nhiên, vui vẻ cùng anh em câu lạc bộ đi sáng tác. Hãy nghe ông kể niềm vui buổi đầu Xuân: “Vài năm gần đây đến độ Xuân về, anh em chúng tôi trong nhóm ảnh Hồng Hà, những người bạn cùng cảm thức lại rủ nhau về miền Tây Bắc, Đông Bắc, các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên... sáng tác. Mùa Xuân ở miền núi thật khó biểu tả nét đẹp muôn hình vạn trạng luôn cuốn hút chúng tôi. Mặc gió lạnh, mưa phùn, đêm vùng núi đá buốt giá, hình ảnh đồng bào các dân tộc với sắc màu rực rỡ trang phục hòa trong cảnh đẹp nên thơ, thúc giục gợi mở, mọi người lại lên đường. Mỗi chuyến đi trong hàng trăm khoảnh khắc bấm máy ngưng đọng thời gian. Mỗi góc chụp như ghi lại hình ảnh quen thuộc, nhịp sống đời thường nhưng miên man bao kỷ niệm, niềm vui và trải nghiệm”.

Suốt chặng đường dài, ông là nhà nhiếp ảnh đã cộng tác cùng các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa trong và ngoài nước: Nguyễn Khắc Viện, Hữu Ngọc, Phan Huy Lê, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Quốc Vượng... xuất bản một số cuốn sách về lịch sử và văn hóa nghệ thuật Việt Nam giới thiệu với bạn bè khắp năm châu bốn biển: Lịch sử Việt Nam, Huế giữa chúng ta, Tranh lụa Việt Nam, Nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Điêu khắc đình làng, Điêu khắc Chăm, Việt Nam quê hương Bác Hồ, Văn hóa Việt Nam, Văn hóa dân gian Hà Nội...

Năm 2012, ông cho in một số bức ảnh nghệ thuật trong cuốn sách: “Những khoảnh khắc” tập hợp tác phẩm tiêu biểu về Hà Nội xưa, phong cảnh đất nước, sắc màu các dân tộc Việt Nam trải dài trên mọi miền đất nước. Nghệ sĩ Lê Vượng chia sẻ: “Bước qua tuổi 90 hạnh phúc nào bằng, tôi vẫn chắc tay máy nhiều chuyến dặm dài với các bạn cùng chí hướng, thói quen thẩm mỹ miết mải mọi nẻo đường quê hương. Tất cả hòa quyện ngưng đọng thuần khiết trên từng tác phẩm. Ký ức của thời gian...”.

Xuân về 

Theo mẹ 

Hoa mai 

 Thiếu nữ Hà Nhì

 Tam quan chùa Kim Liên

 Vẽ tranh dân gian

 Thổi cơm thi

Nguyễn Thị Đan Chi

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm