A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dưới tán rừng lặng lẽ

"Nhà trai đến rồi". Tiếng ai đó nói to khiến tôi giật mình, tim đập loạn xạ. Tiếng cười nói, chào hỏi lao xao. Tiếng bàn ghế xô đẩy ken két. Tất cả tạo thành mớ âm thanh hỗn độn. Tiếng vỗ tay đôm đốp. Tiếng loa oang oang. Tất cả cứ chập chờn như thực như mơ.

Chỉ còn hơn một giờ đồng hồ nữa đoàn nhà trai sẽ sang đón tôi về làm dâu. Chẳng hiểu tâm trạng những người đã có chồng họ nghĩ gì vào giây phút này? Mấy con bạn lên xe hoa rồi thì bảo: "Hồi hộp, náo nức, xao xuyến. Như người đang bay. Bồng bềnh ngất ngây. Tóm lại là vừa thích thú vừa lo lắng". Nhưng sao lúc này đầu óc tôi lại trống rỗng, nhẹ tênh? Tôi lấy Hoàng không phải vì yêu. Như mọi cô gái ở vùng rừng núi này, lớn lên phải lấy chồng. Lấy qua mai mối. Mẹ tôi thủ thỉ bảo: "Mấy ai thoát khỏi cây cầu này". Bà mối hết lời ca ngợi Hoàng. Nào là gia đình cơ bản, quý người, kinh tế khá giả. Nào Hoàng là người đứng đắn, có nghị lực... Chẳng cần bà mối nói tôi cũng biết. Người cùng xã mà. Tôi biết Hoàng từ ngày anh mới phục viên về. Tôi và anh gặp nhau ở đám cưới đứa bạn. Hôm ấy lũ thanh niên chúng tôi nhìn anh như một con quái vật từ ngoài hành tinh vừa đổ bộ xuống Trái Đất. Anh từ chối mọi lời mời uống bia rượu. Trong khi ở quê tôi con trai mười hai mười ba tuổi đã biết nâng chén rượu ngang mày một cách điệu nghệ.

Cái Na, em gái tôi, nhấp nháy ngoài cửa sổ: "Chị Bưởi, đi ngay mới kịp. Nhà trai sắp đến rồi". Nước mắt tôi trào ra. Thương mẹ, thương mình. Tôi lắc đầu. Na tròn mắt hỏi: "Thay đổi kế hoạch à? Sao chị hèn thế?". Theo kế hoạch, cái Na sẽ đưa tôi đi trốn vài ngày, chờ qua lúc "nước sôi lửa bỏng". Hôm tôi nhận lời lấy Hoàng, cái Na phản đối: "Không yêu sao có thể lấy làm chồng?". Mẹ tôi thì bảo: "Đừng cạn nghĩ mà làm xấu mặt bố mẹ. Chỗ người lớn với nhau. Mới lại phong tục mình từ xưa tới nay nó thế". Cái Na bất lực bỏ đi. Thế là hết. Chẳng lẽ tuổi con gái của tôi lại ngắn ngủi vậy? Tôi mới có 18 tuổi. Trong đôi mắt to tròn của tôi luôn ánh lên những tia sáng đầy lãng mạn. Mấy bà cao tuổi bảo: "Nhìn vào mắt mày, lòng tao lại thấy bồi hồi nhớ thủa con gái". Tôi biết mình là một cô gái đẹp. Phong tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy ở cái vùng bán sơn địa này còn nặng lắm. Tôi thương mẹ. Một mình bà xoay xỏa với mấy mảnh ruộng bằng bàn tay để nuôi bốn chị em tôi ăn học cùng ông chồng hầu như say xỉn suốt ngày, trừ buổi chiều tối đúng vào giờ quay xổ số. Tôi nghe người lớn xì xầm về cái quầy bán vé xổ số trá hình kia. Đằng sau nó là bán lô, bán đề. Cái quầy đó từng làm điêu đứng, tan nát bao nhiêu gia đình ở quê tôi. Chẳng kém tệ nạn ma túy chút nào. Có người ví cái quầy ấy như con điếm, ai vào cũng có thể lên giường được. Miễn là có tiền. Một lần bố tôi giải thích với mẹ con tôi rằng: "Chơi xổ số là ích nước, lợi nhà". Rồi ông hát với cái giọng đầy rượu: "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui...". Mẹ tôi gầm lên: "Ngụy biện. Đấy là cờ bạc, là sát phạt. Tôi nói cái trò lô đề ấy tại sao chính quyền không bắt hết đi nhỉ?". Thế là từ đấy mẹ tôi phải gồng mình lên với bao lo toan trong cuộc sống. Bố tôi thì vẫn say mê với "con điếm" lô đề. Những cuộc xô xát, ầm ĩ giữa bố mẹ tôi diễn ra như cơm bữa. Có lẽ tôi mau mắn nhận lời lấy Hoàng cũng vì muốn chạy trốn khỏi bi kịch gia đình.

"Nhà trai đến rồi". Tiếng ai đó nói to khiến tôi giật mình, tim đập loạn xạ. Tiếng cười nói, chào hỏi lao xao. Tiếng bàn ghế xô đẩy ken két. Tất cả tạo thành mớ âm thanh hỗn độn. Tiếng vỗ tay đôm đốp. Tiếng loa oang oang. Tất cả cứ chập chờn như thực như mơ. Một bàn tay đẩy nhẹ vào vai tôi: "Đứng lên, ra nhận hoa". Tôi như cái máy. Hoàng đứng trước mặt tôi tự bao giờ. Anh trao hoa, nói lời âu yếm: "Tặng em. Người vợ yêu quý của anh". Tôi nhận hoa hờ hững. Hoàng tưởng tôi ngượng, anh bảo: "Đừng ngại. Rồi sẽ qua nhanh thôi". Tôi muốn ném bó hoa cô dâu xuống đất và thét vào mặt anh: "Không thể quen được khi phải làm vợ một người tôi chưa yêu". Nhưng không dám. Ánh mắt bố tôi như lưỡi dao. Tôi hiểu hậu quả sẽ khôn lường. Mấy lần gặp ở hội nghị Đoàn toàn xã tôi thấy ở Hoàng chả có gì nổi bật. Anh chỉ được cái to cao lừng lững như cây rừng. Rất chịu khó siêng năng trồng và bảo vệ rừng. Hoàng không uống rượu, không hút thuốc. Hình như trời sinh ra anh để dành cho công việc. Suốt ngày trong rừng với vài chục héc ta rừng nhận khoán. Bọn trẻ chúng tôi coi anh như người ở một thế giới khác. Anh làm gì, nghĩ gì, chúng tôi không để ý. Thỉnh thoảng nghe nói anh được đi tỉnh đi huyện báo cáo về thành tích trồng và bảo vệ rừng. Thế thôi. "Đừng khóc. Hai họ đang cười cho kìa", tiếng Hoàng lào thào bên tai. Mẹ tôi cười: "Mong các cụ, các ông bà tha lỗi. Cháu nó xúc động quá thôi". Không. Không phải. Tôi đang tiễn đưa, đang chôn cất, đang vĩnh biệt thời con gái của mình.

Đêm dần trôi về khuya. Mọi công việc hoàn tất. Trời đổ mưa tầm tã. Tôi ngập ngừng bối rối bước vào phòng tân hôn. Ngọn đèn mờ tối. Hoàng ngồi bên mép giường vẻ sốt ruột. Tự nhiên người tôi run bắn. Tôi không thể hình dung được điều gì đang chờ mình phía trước. Hoàng đứng lên ôm tôi vào lòng. Người tôi cứng như khúc gỗ. Không phản ứng, không hưởng ứng. Một cái gì đó rất nhanh rất lẹ. Như dòng điện. Đôi tay Hoàng buông lỏng. Anh đẩy tôi ra một khoảng cách vừa đủ: "Sao vậy em?". Không còn đường lùi nữa. Tôi đã bị đẩy tới chân tường, không nói bây giờ sẽ chẳng có cơ hội lần thứ hai. Tôi thong thả buông từng tiếng một: "Anh Hoàng. Em chưa yêu anh". Cũng câu nói này tôi đã từng nói với bố mẹ tôi. Những lần ấy mẹ tôi cười: "Khỏi lo con gái ạ. Cứ lấy chồng đi. Ở với nhau một thời gian tự khắc đam mê sẽ đến, tình yêu sẽ đến. Như bố mẹ, như cả cái làng này". Hoàng nhăn mặt: "Em không đùa đấy chứ? Vậy sao em nhận lời lấy tôi?". Tôi cắn chặt môi để khỏi bật ra tiếng khóc: "Đơn giản, mẹ em muốn bố mẹ anh xóa món nợ một trăm triệu mà bố em vay chơi cờ bạc lô đề. Em thương mẹ. Bây giờ em đã là vợ anh rồi. Đây, cái thân xác em đây". Bị kích động trước câu nói của chính mình, tôi òa khóc và giằng mạnh hai vạt áo. Năm cái cúc bay ra. Toàn thân tôi trắng nhễ nhại. Bất ngờ và luống cuống, Hoàng vội vơ cái áo của anh khoác lên người tôi, dỗ dành: "Nín đi, nín đi, kẻo thầy u bên ngoài nghe thấy". Tôi vẫn đứng giữa phòng tức tưởi. Giận cha, giận mình, giận Hoàng, giận tất cả. Chỉ thương mẹ. Trời đã sinh ra mẹ có đầy đủ đức tính tốt đẹp của người vợ người mẹ sao không được hưởng hạnh phúc? Hoàng bảo tôi: "Em đã nói vậy thì tôi không dám cưỡng ép. Đêm nay em cứ ở tạm phòng này, sáng mai về bên đẻ. Chúng ta không có duyên có phận. Đành vậy". Nói xong Hoàng vơ lấy cái đèn pin, khoác áo mưa bước ra khỏi buồng. Tôi nghe tiếng anh nói: "Con phải vào rừng. Mưa to thế này là cơ hội cho bọn lâm tặc tàn phá". Tiếng mẹ anh thở dài.

Kể từ đêm ấy Hoàng rất ít khi về nhà. Nếu có, anh chỉ đảo qua vào ban ngày, lấy cái gì đó rồi đi ngay. Hình như anh ngạc nhiên thấy tôi còn ở lại. Mẹ chồng tôi có vẻ hiểu, bà bảo: "Chồng con là người tốt nết, lại chịu thương chịu khó. Nó bận việc quá. Con thông cảm nhé". Tôi vâng dạ. Lòng tôi rối như tơ vò. Thà anh xông vào vò xé tôi nhầu nhĩ có khi lòng tôi lại thanh thản. Đằng này anh cứ dửng dưng như người lạ. Sáu tháng rồi, ngày nào tôi cũng mang cơm vào rừng cho anh. Lần nào cũng vậy, Hoàng đứng với bạn bè từ xa hét vọng vào: "Cứ để đó, lát nữa tôi ăn. Em về đi". Có lần tôi cố tình chờ anh để nói lời xin lỗi. Có thể sau câu nói ấy tôi sẽ về bên mẹ đẻ. Về thanh thản. Nhưng không được. Có thể anh bận thật, nhưng cũng có thể anh tránh mặt tôi. Cặp lồng cơm nguội ngắt. Tôi bẽ bàng lủi thủi ra về. Tôi chưa yêu Hoàng. Chỉ khâm phục ý chí vươn lên thoát nghèo của anh. Anh làm việc không ngừng nghỉ. Giá anh chăm sóc tôi như từng chăm sóc cây rừng thì có khi tôi đã yêu anh từ ngày chưa về làm vợ. Nhớ sau cái đêm tân hôn không thành ấy, hôm sau anh tạt qua nhà trao tôi bọc tiền: "Đây là một trăm triệu. Em cầm về đưa cho mẹ, để mẹ trả cho thầy u tôi. Khỏi mang tiếng gán con trừ nợ". Tôi níu tay anh: "Thì anh ngồi lại đã. Em có chuyện muốn nói". Hoàng nhẹ nhàng gỡ tay tôi, rồi đi. Bọc tiền ấy tôi vẫn để trong tủ. Định bụng hôm nào sẽ trả lại anh.

Một năm trôi qua, tôi chưa một ngày làm vợ. Tôi đọc được câu hỏi lẫn niềm khao khát có cháu bế bồng trong ánh mắt của bố mẹ chồng. Của cả mẹ đẻ tôi nữa. Tôi không thể giải thích được. Lòng tự trọng của người đàn ông ghê gớm thật. Anh còn giận tôi không? Tôi quý trọng và khâm phục sự thẳng thắn, đôn hậu đến dại khờ của anh. Tự nhiên tôi thấy thương Hoàng quá. Có lẽ mẹ tôi nói đúng, từ khâm phục đến thương, đến yêu là khoảng cách rất mong manh. Dường như tôi bắt đầu yêu Hoàng. Một lần mang cơm cho anh, tôi thấy anh và bạn bè cởi trần, toàn thân lấm lem bùn đất. Anh cho đào ao để chuẩn bị thả cá. Nét mặt anh hồ hởi, mắt long lanh. Anh bảo: "Phải tận dụng hết đất thừa. Độ này dân bỏ ruộng nhiều quá. Người ta thích Mếc miếc hơn". Tôi nói đùa: "Anh không định nói là sẽ mở thêm xưởng nước mắm nữa chứ?". Ngỡ Hoàng tự ái, nào ngờ anh cười: "Sao em thông minh thế? Nhưng đó là chuyện lâu dài". Hoàng giảng giải cho tôi hiểu những ý định tương lai của anh và bè bạn. Anh kết luận: "Có khi em phải đi học một lớp quản lý kinh tế. Cơ ngơi này sẽ còn phát triển". Hoàng tự tin đến mức chẳng cần hỏi ý tôi có bằng lòng không. Không hề bị cuốn vào câu chuyện của anh, tôi gắt: "Anh không thể nghĩ được chuyện gì khác ngoài công việc sao?". Hoàng cười thật hiền: "Có chứ...".

Ôi chao. Ở cái tuổi ba mươi mà sao Hoàng lận đận thế. Lấy vợ cả năm rồi mà chưa có nổi một ngày trăng mật. Tôi lảng chuyện: "Các anh vào ăn cơm, kẻo nguội hết rồi". Hoàng và bạn bè sà vào mâm. Tôi vội chạy ra bưng vào chậu nước sạch và cái khăn. Làm ra vẻ một người vợ nanh nọc, tôi bảo Hoàng: "Này ông tướng, người ngợm bẩn như ma rừng. Rửa tay đi chứ". Bốn bàn tay gặp nhau trong chậu nước. Anh bóp nhẹ cổ tay tròn của tôi. Không cần ngẩng lên tôi cũng biết anh đang nhìn tôi đăm đắm. Hai má tôi đỏ lựng. Tôi tỉ mẩn lau từng vết bùn trên mặt anh. "Thầy u đang mong chúng mình có con để ông bà có cháu bế đấy". Hoàng im lặng vẻ nghĩ ngợi. Lát sau anh bảo: "Em còn trẻ, phải đi học. Riêng việc này tôi sẽ thưa chuyện với thầy u". Tôi cắm mặt nhìn vào khuôn ngực nổi vồng của anh. Lúc này tôi mới thật sự nhận ra vầng sáng hạnh phúc đang tỏa ra từ nghị lực của Hoàng. "Tối nay anh về ngủ ở nhà chứ?".

Tôi đạp xe chầm chậm trên con đường mòn dẫn về nhà. Tôi cố tránh những bông hoa rừng vương vãi. Mùa này hoa bắt đầu vào quả. Ánh nắng xuyên qua tán cây in trên mặt đường những đốm sáng lung linh. Rừng yên tĩnh quá. Mọi thứ như một giấc mơ đẹp. Mẹ chồng tôi đón từ giữa sân, đon đả: "Sao về muộn thế con?". Tôi vội xuống xe, ôm chầm lấy bà: "Mẹ ơi, con vui lắm". Người mẹ ngạc nhiên, rồi bà cười móm mém: "Mẹ hiểu. Mẹ hiểu rồi. Trời không bao giờ phụ lòng người tốt đâu, con gái ạ".

Nguyễn Sĩ Đoàn (Chuyên trang Văn nghệ, Báo Hải Dương Online)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu