A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở cửa trời

Hai nhăm tháng chạp, Vũ về trên một chuyến xe chở hoa. Ngó hình ảnh đó người ta tưởng khuôn mặt kia chắc hớn hở lắm. Tết mà, phải vui chứ. Nhưng Vũ lạnh băng, tĩnh tại, như một cái thân thể rã rời đang trôi về chầm chậm.

Thực ra Vũ không định đi trên chuyến xe này. Chỉ là lúc nãy đứng ở quốc lộ, thấy người ta chộn rộn bưng hoa lên xe, anh xông tới giúp một tay, để cảm giác bàn tay đã sống lại từ những việc mình thích làm, muốn làm. Giúp xong, anh xin đi nhờ vì xe chạy cùng đường.

Tài xế nhăn mặt than Tết tới sát nút rồi mà trời rét quá, kiểu này chắc hoa ế. Rồi quay qua hỏi Vũ về ăn Tết sao không có người đến đón, mà đồ đạc cũng sơ sài quá, chắc năm rồi làm ăn khó khăn. Vũ cười hậc, tôi thì có ai mà đến đón rước, với lại, tôi muốn tự mình tìm đường về nhà. Tài xế lại hỏi nghề nghiệp, từ đâu về. Vũ im lặng không muốn đáp, chẳng lẽ nói tôi vô công rồi nghề, chẳng lẽ nói tôi mới từ cái chỗ cùng đường tận số về. Người ta đang làm ăn, mình nói như vậy là xúi quẩy.

Xuống xe, Vũ đi bộ thêm một đoạn xa mới tới làng. Chỗ này lúc Vũ ra đi còn đất bùn nhão, ngày mưa lựng khựng ngồi trên xe ba bánh chỉ dám cúi gằm mặt xuống, nên nhớ nhất con đường. Giờ về thì đường đã bê tông, Vũ thả từng bước chân chắc nịch xuống, để biết mình còn có quê.

Mấy hôm trước Vũ nhận quyết định đặc xá trước thời hạn. Cuộc tù mười hai năm khép lại nhẹ tâng trong một tờ giấy chứng nhận anh đã là người tự do.

Người làng vỗ vai Vũ bảo nhà nước cho về sớm là đúng rồi, tội phạm như anh có gì nguy hiểm đâu. Thanh thản nhất là ra tù không còn thù oán và không bị ai oán thù. Vì cái đáng căm ghét chỉ là mảnh giấy nhỏ ghi tỷ số bóng đá thì đã mất lâu rồi. Cái công ty hồi đó anh hốt một tỷ bạc tiền thu ngân để ném vào trò cá độ giờ cũng đã phá sản. Thế là hết ân oán, còn gì nữa phải lo.

 Minh họa: Đỗ Dũng

Vũ về, xóm chộn rộn qua lại thăm chơi. Ai cũng mừng như kiểu từ nay xóm nhận lại một gương mặt thân quen, dù có già đi nhiều lần. Trước Vũ sống có tình có nghĩa, thân thiện giúp đỡ mọi người hết mình, nên được lòng bà con. Trẻ nít không biết Vũ, chạy tới ngó bộ râu ria lạ hoắc, nói ông này giống diễn viên đóng phim kiếm hiệp. Lại có tiếng chép miệng tiếc tủi, giá ông bà thân sinh của Vũ còn sống tới ngày hôm nay cũng đỡ xót lòng.

Ông hàng xóm của Vũ mấy năm trông coi nhà lo chuyện hương khói giúp, đưa chìa khóa cho Vũ bảo, từ nay coi quản đi nhé, lo tính chuyện vợ con cho nhà đỡ vắng. Vũ cười, một nụ cười gắng gượng sau bao nhiêu năm cay đắng không thấy trời tự do. Con chim vừa được sổ lồng phải sửa đôi cánh mới bay được, con người chắc cũng không dễ hòa nhập ngay. Nên cuộc chào đón ân cần có khi lại làm khó thêm kẻ đã quen sự cai quản. Hơi ấm từ những bàn tay xóm giềng không xua được cái lạnh lẽo trong lòng Vũ, người về hai bàn tay trắng, ruột rà thân thích cũng không.

Buổi chiều Vũ đứng ngắm nghía cây mai trước sân, ngó bộ không nở kịp rồi. Hồi xưa anh thường hái lá sớm với suy nghĩ thà cho nó nở sớm còn hơn muộn. Sau Tết mà cây nở hoa chỉ làm người ta tiếc nuối, và trông chờ đằng đẵng thêm mười hai tháng nữa. Chục năm nay anh không được hái lá, đôi khi trong tù nghĩ chắc ở nhà cha mẹ cũng mặc kệ chứ tâm trạng đâu nữa để chơi xuân.

Thôi thì muộn còn hơn không, Vũ đưa tay trẩy thử vài cái lá, bất chợt nhìn xuyên qua mấy nhánh gầy lại thấy ai quen quen. Chính xác vào lúc này, ngoài đường, Thành vừa chở Ngọc đi qua, chắc là đi sắm Tết. Đừng nói chia tay mặc đường ai nấy đi. Vợ chồng ly dị là coi như người dưng đâu có dễ. Ít ra thì trước khi đi trại, Vũ và Ngọc cũng từng là vợ chồng một năm rưỡi cơ mà. Lòng Vũ bỗng có chút khó chịu. Phải vì Tết đang đến gần, nó làm cho người ta bồi hồi, nhớ nhớ, thèm xích lại gần nhau hơn. Thèm những cái Tết có đôi có cặp.

*

Cái năm Vũ và Ngọc đang là sinh viên năm thứ ba. Những ngày cuối năm Vũ tỏ tình mấy lời nhẹ nhàng. Và cũng chính cái buổi trời hôm ấy như hôm nay, cái giá rét không có lợi cho cây cối nhưng có ý nghĩa cho những cặp tình nhân. Mùng một Tết năm đó, thấy cặp sinh viên chở nhau đi hớn hở trên đường. Ngát cả một quãng đường làng tiếng cười trêu. Nghe người ta trêu mà vui.

Cái lúc đó Thành ở đâu?

Thành vẫn đang đứng bên đường, phía trước chợ, chụp ảnh cho khách. Anh dựng một khung cảnh tươi, vẽ một cành đào lên bức toan căng phẳng như áp phích. Xứ này đâu có hoa đào, nên người du xuân thấy là lạ ghé vào chụp một bức kỷ niệm. Còn gì hay hơn việc lưu giữ một chút xuân để sau này ngó lại cho vui. Người ta sống, qua được quãng nào hay quãng ấy, chứ mấy ai nghĩ sau này ngó lại làm gì. Chỉ đến khi thấy cái chỗ chụp ảnh mới nhớ ra, ồ, cũng nên lưu dấu cái ngày rất vui này.

Vũ và Ngọc cũng dừng xe, chờ đến lượt rồi sấn tới. Ngọc ngại ngần, đứng khép nép. Vũ có vẻ tự tin hơn nhưng cũng chưa đến mức ôm chầm lấy bạn gái. Trong vụ này chỉ người chụp ảnh là có quyền nhất. Thành nhắc đứng sát vào. Rồi thấy hai nhân vật của mình còn đứng kiểu sợ đụng phải nhau, Thành tới cầm cái tay của Vũ vòng qua eo Ngọc. Thế, thế mới tình tứ chứ. Trong lúc hai nhân vật đang ngượng nghịu cười thì Thành một hai ba bấm máy.

Cái lúc đó Thành ở đâu?

Ở đấy chứ đâu. Thành đang ngắm qua ống kính cặp Vũ và Ngọc. Chính Thành bảo hai người đang yêu kề sát vào nhau và hỗ trợ cho cái tay của Vũ mạnh dạn hơn. Cái ánh mắt thợ chụp ảnh nheo nheo trông có vẻ tinh quái cộng với điệu bộ khom lưng đỏm dáng.

Vũ vẫn nhớ cho đến khi đi khỏi chỗ đó một chặng rồi mà Ngọc còn bảo, em thấy mắt thằng cha chụp ảnh cứ dê dê thế nào ấy, cứ soi chằm chặp vào em, phát ngại. Vũ không ghen, còn đùa thêm rằng, em không nghe người ta nói mấy ông chụp ảnh với mấy ông đạo diễn là tợn lắm à, thích đụng đâu thì đụng.

Cái lúc đó Thành ở đâu?

Thành vẫn đeo theo xe của Vũ và Ngọc. Đeo đẳng một quãng dài trong câu chuyện của hai người. Cái thằng cha đó hâm hấp, Ngọc bảo, hắn hơn tụi mình đến chục tuổi mà giờ vẫn chưa lấy vợ. Nghề chụp ảnh lúc đó còn thịnh, chưa mấy ai có máy ảnh cá nhân, điện thoại thông minh đa chức năng cũng chưa. So với người trong vùng thì Thành là kẻ kiếm tiền khá được. Đám cưới, đám ma, tiệc tùng lễ lạt ai cũng qua kêu anh chụp cho vài chục kiểu. Tết thì khỏi nói, đó là dịp thu tiền của thợ ảnh. Ngày Tết dân ở đây chỉ việc đi chơi, Thành thì vừa chơi vừa kiếm ra tiền vừa được ngắm người đẹp, thậm chí được sờ vào người đẹp để uốn nắn cho có duyên. Thế mà anh vẫn chưa có vợ. Hay là kiêu kỳ quá mức. Hay là cái chút nghề có dính dáng đến nghệ thuật nó buộc người ta không nên lấy vợ sớm. Những câu kể lể đàm tiếu về thợ chụp ảnh cứ theo Vũ và Ngọc suốt chặng đường. Kể ra khi yêu, mọi chuyện đều trở nên hấp dẫn, dù chuyện chả liên quan gì đến ta.

Những cái Tết sau đó cặp yêu đương vẫn chở nhau đi chợ Tết đi chơi xuân. Đi qua chỗ chụp ảnh năm nào, anh chị vẫn còn nhớ đến cái ánh mắt nheo nheo và khom lưng điệu bộ của người thợ. Ngọc lại đấm thùm thụp vào lưng Vũ bảo ghen.

Cái lúc đó Thành ở đâu?

Thành vẫn ở đây chứ đâu. Chỉ khác là không chụp ảnh nữa. Nghề đã hết thịnh, Thành chuyển qua nghề rao lô tô hội chợ. Đa năng thế mà vẫn chưa lấy vợ.

Bữa đó Ngọc rủ Vũ vào quầy thử hên xui đầu năm. Mua một vé, ngồi nghe xướng lô tô vui vui. Thơ kiểu con cóc thơ kiểu bút tre, ca dao tục ngữ xáo trộn thành một thứ vần vè suôn tai. Tết quê là thế, giản dị và bình dân. Thành xướng lô tô, thỉnh thoảng nhìn xuống chỗ Ngọc, có lúc nhìn chằm chặp và hình như có nheo mắt. Vũ có một chút hãnh diện, người yêu mình xinh mới được nhìn. Và cũng một chút khó chịu, sao vẫn là ánh mắt của thằng cha đó.

*

Bây giờ Vũ đang ở đâu?

Vũ vẫn đang đứng ở đây. Trong cái giá rét cuối năm. Người ta nói Tết càng rét càng có không khí, rét mới xích lại gần nhau để cảm nhận hơi ấm. Vũ thì cứ thấy lạc lõng, dù đang đứng trong sân nhà mình. Cái tư thế của ánh mắt đã thay đổi sau mười mấy năm. Giờ là Vũ ngắm. Thành và Ngọc mới chở nhau đi qua. Lỗi của thời gian là thay đổi mọi thứ, nhưng đánh tráo được một cái gì đó thì hẳn không phải do thời gian.

Năm thứ hai ở trong tù, Vũ có nghe bạn lên thăm nói Ngọc qua lại với một người nào đó. Cái hạn tù quá dài không níu giữ được tuổi xuân, và cũng không thể cầm tù thêm một người ở ngoài kia nữa. Nên Vũ không ghen, chỉ nghĩ sao người ta có thể tìm niềm vui nhanh như vậy.

Vũ bần thần. Sao không phải một người nào khác mà lại là Thành. Cái gã chụp ảnh năm nào từng bị Ngọc khinh vì ánh mắt săm soi. Phải như người ta nói, ghét của nào trời trao của ấy. Hay là Ngọc đang cố tình chọc tức Vũ đến cùng. Để thấy rằng cái người này tuy đáng ghét, nhưng vẫn còn dễ thương hơn anh rất nhiều. Người đó tuy làm điệu làm bộ nhưng không chơi trò nông nổi như anh. Người đó chụp hình chứ không chụp giật của công ty đi mua may rủi. Người đó biết tích cóp từng đồng chứ không ưa ăn miếng to mắc cổ. Nhớ có lần Ngọc nói loại đàn ông ham ăn to ngậm lớn thì dễ thay đổi tráo trở, mấy người chắt chiu vậy chớ biết cẩn thận vun vén.

Bây giờ thì Vũ thôi đứng giữa sân.

Vũ dắt xe định chạy một vòng loanh quanh chơi. Tết mà, người ta đi mình cũng đi được. Mình đã là kẻ tự do, một người bình thường như bao người khác, như mới tha hương trở về đón xuân thôi. Nhất là Vũ cảm giác mình đang luống cuống, đi đứng lạ lẫm trong chính căn nhà của mình, rồi không biết làm gì trước làm gì sau. Nhìn góc nào trong cái nhà này cũng cần dọn dẹp, mà đụng tay vào đâu cũng nhớ lại đôi ba kỷ niệm gắn với một thời ấm cúng, có người đàn bà gọi là vợ.

Loanh quanh một hồi, anh lại chạy qua chợ. Chợ cuối năm đông đúc, ai cũng có chút vội vội vàng vàng. Rét, người càng đông càng ấm. Chỉ Vũ vẫn thấy còn lạnh. Mấy đứa trẻ túm tụm ở chỗ bán bong bóng bay xanh đỏ. Vũ tìm thấy chút hồn nhiên trong mắt trẻ, chút rạo rực trong những bàn tay nhỏ xíu cầm níu dây chỉ. Bong bóng dễ vỡ mà dây buộc mong manh, chỉ trẻ thơ mới giữ được. Người lớn thì ham thích những thứ lớn lao hơn, nên đôi khi để tuột những điều mỏng manh như hạnh phúc.

Cái chỗ chụp ảnh năm nào giờ thay vào đó là chỗ phóng phi tiêu. Trò chơi có chút thô bạo ngày trước, giờ thành ra thú chơi dân gian. Cái kim tiêu cột đuôi lông gà vẫn còn mê hoặc bọn trẻ con, kéo chúng ra khỏi món nghiện game trực tuyến. Tấm bản gỗ tròn xoay chóng cả mặt Vũ. Những cái ngắm mắt nheo nheo, sao giống cái cảnh chụp ảnh hồi trước. Những mũi phi tiêu bay như mũi kim sắc nhọn, châm vào gỗ để lại vết hoẵm. Những cái vết sẹo không dễ gì xóa được.

Bây giờ Ngọc và Thành đang ở đâu?

Vẫn đang ở chợ này. Thành đang chăm chú xem hội lô tô. Ngọc đứng ở chỗ quầy bánh kẹo đưa tay vẫy ra hiệu cho Thành vào bê giúp đồ đạc. Giá bàn tay đó vẫy Vũ, chắc Vũ hất tung hết đám trẻ con đang chơi trò tôm cua để chạy đến. Nhưng bàn tay đó đã không dành cho Vũ một cái vẫy sau cùng, vì bàn tay đã bận bịu cầm nắm những thứ giấy áo bánh kẹo lỉnh kỉnh, chất chứa hạnh phúc sum vầy ấm áp.

Ông thợ sửa đồng hồ đang cặm cụi sắp kim lên mặt gương, vừa quở ai ăn hết mà mua cho nhiều không biết. Vũ đứng bên nghe, nhìn xuống thấy tay mình rảnh rang, đã mua gì đâu mà nhiều. Ông thợ hất mặt về phía hội lô tô rồi bảo, là tôi nói cái cặp vợ chồng ấy đấy, lấy nhau gần chục năm rồi mà chả có con cái gì, mua cho lắm để cúng bao đồng à.

Vũ quay về. Hóa ra Ngọc và Thành cũng đang khổ sở. Có khi còn khổ sở hơn mình ấy chứ. Một cái cây khô không hoa không quả đã đành, đằng này hai cái cây tươi không được thụ phấn, chắc là nôn nao lắm khi mùa cấy mầm bắt đầu.

Vũ nghĩ người ta đã mở cho mình cửa nhà tù, còn cửa lòng mình thì tự mà mở lấy, để thấy trời xuân lồng lộng. Và giữa cái hội đời túm tụm này, cũng phải ân xá cho người từng duyên nợ với mình chứ.


Hoàng công Danh (Báo Văn nghệ Công an)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu