A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện tương lai

Tôi đã sống, đã trở về và đang thực hiện đúng những mệnh lệnh mà các anh và đồng đội đã giao phó và ủy thác cho tôi ở tương lai...

  Ảnh: Văn nghệ Quân đội

I.

Nếu chia cuộc sống thành ba thì, có lẽ bạn dễ chấp nhận rằng: quá khứ, hiện tại thì ai cũng có, nhưng tương lai thì còn phải bàn. Ngày nay, rất mừng vì các bạn trẻ hay nói về tương lai, hào hứng khi nói về “ngày mai lập nghiệp” “ngày mai tươi sáng”. Hồi còn đang trong cuộc chiến chống Mĩ, vào những lúc thư nhàn giữa hai chiến dịch, hai trận đánh, cánh lính tráng chúng tôi cũng có bàn đến ba cái thì này, nhưng chủ yếu nói về quá khứ. Đôi khi tranh cãi về những gì đang diễn ra trong hiện tại, nhưng rất ít khi chúng tôi bàn về tương lai. Ấy là nói đến tương lai của mỗi người, chứ chúng tôi ai cũng hiểu rằng mình đang chiến đấu vì tương lai của quê hương đất nước. Nếu trước khi ra trận mà được cấp một vài điếu thuốc lá, là quà của một vị lãnh đạo nào đó cao hứng gửi ra chiến trường để úy lạo binh sĩ, thì chúng tôi lập tức đốt ngay bằng hết, thở khói phì phèo mà rằng “Biết có sống đến ngày mai mà để củ khoai đến mốt!” Nếu ai đó phê phán cái câu cửa miệng của lính thời bấy giờ là “sống gấp” thì chắc chúng tôi cũng chịu, không cãi lại được. Lí lẽ của hiện thực khắc nghiệt hơn mọi thứ lí thuyết. Nếu ngày mai sẽ diễn ra trận đánh lớn, thứ mà chúng tôi ngại nói đến nhất không phải là cái chết, ngược lại chúng tôi còn lạnh lùng, nhiều khi còn khá nhiệt tình chuẩn bị cho nó. Lính tráng thì kiểm tra lại tư trang cá nhân, xóa các dấu vết nhân thân của mình, gửi lại hậu cứ tất cả những gì có liên hệ với hậu phương, với quá khứ, rồi cẩn thận gấp cái túi nilon “đặc chủng” dùng trong trường hợp mình hi sinh. Với cán bộ chỉ huy thì ngoài những động tác chuẩn bị riêng còn phải lo ngay đến việc chỉ định người thay vị trí chỉ huy trong trường hợp mình hi sinh. Và cái việc hậu sự ấy phải được công khai, đưa vào hồ sơ phương án tác chiến của đơn vị chứ không phải chỉ nói chơi. Sau trận đánh, nếu người chỉ huy còn sống thì mọi sự chuẩn bị đó coi như “ngoài dự kiến”. Nhưng điều trớ trêu đôi khi lại ở chỗ, người được chỉ định cho tương lai “sẵn sàng thay thế tôi khi…” lại là người phải khép lại tương lai của mình. Cái phương án cho tương lai gần của anh ta đã tịt ngòi, người chỉ huy lại phải suy nghĩ, tính toán chuẩn bị một “tương lai gần khác” cho trận đánh kế tiếp. Tôi được một vị thủ trưởng thân tình tâm sự rằng ông đã từng chỉ định đến năm người thay thế cho những trận đánh mà ông là người chỉ huy, nhưng rốt cuộc cả năm “tương lai gần” của ông đều ra đi. Đến trận đánh thứ sáu thì ông sợ, không dám công khai chỉ định người thay thế nữa. Trận đó ông đổi được vận: ông vẫn còn mà “tương lai gần” ông chỉ định ngầm cũng không phải hi sinh.

Nghe chuyện, tôi không giấu được tò mò:

- Sau đó thì sao, thủ trưởng?

- À, mình được chuyển ngạch sang làm cán bộ chính trị ở sư đoàn này. Không phải nơm nớp lo chỉ định người sẵn sàng thay thế trong trường hợp mình hi sinh nữa.

- Nhưng… thủ trưởng cũng phải nghĩ đến trường hợp…

- Câm ngay! Đừng có dại mồm dại miệng. - Ông quát - Ở trên này “cái gáo” dù sao cũng chắc hơn làm thủ trưởng các đơn vị chiến đấu, không phải lo xa đến thế! Hơn nữa, câu chuyện tớ có số “sát” người thay thế cũng loang khắp sư đoàn rồi. Ở cơ quan này thằng nào cũng sợ bị xếp vào “nguồn” thay thế tớ!

Nhớ lại chuyện đó tôi mới thấy cuộc sống thời bình bây giờ sao mà khác xa đến thế. Không ai phải sợ tương lai. Ngược lại, được xếp vào nguồn, làm người “sẵn sàng thay thế” cho người ngồi trên một chiếc ghế nào đó đang được coi như một diễm phúc, một đặc ân. Nhiều kẻ còn phải dựa vào thần thế hoặc phải chạy hàng đống tiền chỉ để được xếp vào diện cán bộ đã nằm trong quy hoạch.

Có một điều càng ngày tôi càng tin chắc rằng, tôi đã được “quy hoạch” để làm người viết văn như hôm nay. Ai lập ra quy họach đó, tôi không biết, nhưng đồng đội tôi luôn là những người sốt sắng để bảo vệ “quy hoạch” đó, bảo vệ cái điều mà họ tin rằng, tôi sẽ phải sống sót qua cuộc chiến tranh này để viết về cuộc sống chiến đấu gian khổ và đẫm máu của họ trong tương lai. Họ chính là người tin vào điều đó hơn cả tôi, người luôn được cho là có chút năng khiếu văn chương và đến với các chiến hào chỉ như một chứng nhân.

II.

Khi mới vào bộ đội tôi được phân công đi học một lớp trinh sát. Đó là một “binh chủng” mà khi còn là học trò tôi rất mê. Vì hoạt động của những người lính trinh sát luôn li kì, hàm chứa sự kích thích trí tưởng tượng, luôn đòi hỏi sự khám phá, sáng tạo và năng lực hành động độc lập. Trong ba tháng trời tôi được trui rèn những kĩ năng như vậy. Từ một cậu học trò, tôi trở nên cứng rắn hơn rất nhiều. Nhưng do yêu thích văn chương nên môi trường mới, kiến thức của người lính trinh sát lại giúp tôi biết cách quan sát, phân tích hiện thực và càng trở nên mơ mộng hơn. Tôi có một cuốn sổ và trên dòng đầu tiên tôi ghi là “Ghi chép của một người lính trinh sát”. Dường như đó là sự khởi đầu của cái nghiệp mà tôi đã được “quy hoạch” cho tương lai. Đồng thời cũng báo hiệu rằng trong tương lai tôi không thể gắn với “nghề trinh sát” mặc dù lúc đó tôi rất yêu nghề này và mơ sẽ lập được công trạng như những người lính trinh sát trong các phim chiến đấu của Liên Xô mà lứa tuổi chúng tôi ngày đó rất say mê. Nhưng những manh nha của việc “đi sai quy hoạch” đó đã sớm được uốn nắn.

Cuối năm sáu bảy, sư đoàn tôi hành quân vào chiến trường Quảng Trị để tham gia chiến dịch Mậu Thân. Một trong những mục tiêu lớn mà sư đoàn chuẩn bị cho những trận đánh mở màn trên chiến trường Đường 9 là căn cứ chi khu quân sự Cam Lộ. Đội trinh sát của trung đoàn tôi may mắn được phối hợp cùng tổ trinh sát tài ba của sư đoàn làm nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu căn cứ này. Sau nửa tháng trời thức đêm thức hôm, mò mẫm bò vào bò ra ở nhiều hướng, chúng tôi đã nghiên cứu xong cách bố phòng của địch, lên được sơ đồ các loại hàng rào, ụ súng, lô cốt, các cụm pháo, nhà xe, nhà chỉ huy... để các cấp chỉ huy lên phương án tác chiến. Mọi việc có lẽ sẽ suôn sẻ hanh thông nếu như sư đoàn trưởng của chúng tôi không phải là một vị chỉ huy quá thận trọng. Vốn trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp, nay lần đầu tiên chỉ huy sư đoàn đánh một trận lớn, lại gặp phải một căn cứ Mĩ được bố trí rất khác lạ so với cách phòng ngự của thằng Tây ngày trước nên ông rất băn khoăn. Cuối cùng ông quyết định tự mình phải đi địa hình, phải bò vào tận hàng rào cuối cùng của căn cứ địch để tận mắt quan sát trên thực địa ông mới yên tâm. Quyết định của sư đoàn trưởng khiến ông chủ nhiệm trinh sát sư đoàn lo sốt vó. Chuyện bò ra bò vào căn cứ địch với cánh lính trinh sát đã trở nên đơn giản, thành thục rồi, nhưng phải bảo vệ cho một chuyến “vi hành” vào nơi nguy hiểm của một thủ trưởng cấp cao lại là chuyện khác.

Công tác chuẩn bị được tiến hành trong hai đêm, dự kiến đêm thứ ba sẽ bảo vệ thủ trưởng vào trinh sát. Nhóm trinh sát của trung đoàn tôi cũng có vinh dự được tham gia bảo vệ thủ trưởng, nhưng chỉ bảo vệ vòng ngoài, nghĩa là từ hàng rào thứ bảy trở ra. Từ đó vào tới hàng rào cuối cùng do tổ trinh sát tinh nhuệ của sư đoàn bảo vệ. Mười một giờ đêm hôm đó, chúng tôi rải quân, khi vào đến hàng rào thứ tư thì tôi được đội trưởng yêu cầu chốt lại bảo vệ hành lang đã dọn hết mìn bẫy, chướng ngại. Mệnh lệnh là tôi phải nằm đó cảnh giới cho đến khi thủ trưởng quay ra.

Suốt hơn nửa tháng trời phải đột nhập căn cứ ban đêm nên lúc nào tôi cũng thiếu ngủ. Hễ dừng chân một lúc là tôi ngủ, lần nào trung đội trưởng cũng phải lay gọi tôi mới choàng dậy tiếp tục hành trình cùng cả đội. Đêm nay, bỗng dưng được nằm yên một chỗ, chiến trường lúc này còn rất yên tĩnh, thi thoảng mới vang lên đâu đó một phát đạn pháo hay một loạt đạn của bọn lính canh trong các căn cứ, các điểm chốt của địch bắn vu vơ. Ánh đèn pháo sáng thi thoảng lại nhoáng lên, chập choạng, ma mị. Trời se lạnh, tôi nằm co ro một lúc thì cơ thể ấm dần lên. Tiếng côn trùng rỉ rả như những lời hát ru khiến mắt tôi díp lại. Và tôi ngủ thiếp lúc nào không hay. Có lẽ tôi đã ngủ rất say, ngủ mê mệt cho đến khi có một vật gì đó đập vào đầu, vào vai. Tôi choàng tỉnh, và theo bản năng của người lính tôi choàng tay vơ lấy súng rồi lăn tròn một vòng. Và, tai họa đã ập đến! Do cú lăn người hốt hoảng ấy tôi đã chạm phải một quả mìn phát sáng. Một tiếng nổ “bụp” kèm một vầng sáng lóe lên chói lóa. Ngay sau đó là bản hòa tấu của hàng chục họng súng máy từ các tháp canh. Đạn túa ra veo véo, ràn rạt ngay trên đầu, những mảnh vụn của dây kẽm gai, của đất đá bay tứ tung, mù mịt. Cơn cuồng phong của các loại hỏa lực từ trong căn cứ địch vãi ra chừng mười lăm phút thì đột ngột dừng. Nhờ ơn ông bà ông vải, cám ơn bản lĩnh can trường của đồng đội tôi, dưới làn mưa đạn, không một người nào hoảng loạn, manh động, nhúc nhích. Có lẽ vì bắn mãi không thấy có động tĩnh gì nên bọn địch trong căn cứ tưởng rằng mìn sáng bật lên là do có một con chuột hoặc con cầy con cáo nào đó tình cờ đạp phải chứ không có sự xuất hiện của đối phương. Không gian dần trở lại yên tĩnh. Nửa giờ sau đội hình của chúng tôi được lệnh di chuyển theo phương án đã định và nhờ giời, thủ trưởng và tất cả anh em tham gia cuộc trinh sát đêm đó đều trở về an toàn. Nhưng tôi biết “sự nghiệp” làm lính trinh sát của tôi chắc chắn sẽ tiêu tan sau đêm nay.

Mấy ngày sau trung đội trưởng trinh sát trung đoàn bảo tôi: “Cậu được lệnh trở về làm lính trinh sát của tiểu đoàn!” Tôi khoác ba lô, bụng khấp khởi mừng thầm vì ít ra mình vẫn chưa mất nghề. Đón tôi là cậu Viên, tiểu đội trưởng trinh sát tiểu đoàn, người cùng học lớp trinh sát với tôi trong ba tháng huấn luyện ngoài Bắc. Viên cười bảo “Tớ biết cậu vừa gây ra chuyện động trời nên bị thải về đây. Nhưng tiểu đội đủ người rồi. Tớ đã báo với quân lực... - Hắn nhìn tôi vẻ giễu cợt rồi tiếp - Cậu có văn hóa, biết làm thơ nữa, làm lính trinh sát đi đêm đi hôm, đầu bờ đầu bụi làm gì cho nhọc!”

Hôm sau tôi được điều động xuống đại đội 10, làm văn thư kiêm liên lạc viên cho đại đội trưởng Thanh.

III.

Đại đội trưởng của tôi là dân trong một ngõ nhỏ thuộc phố Hàng Bông, cha mẹ anh đều là công nhân nhà máy cơ khí “trung quy mô” ở Hà Nội. Ông nội anh là cán bộ “tiền khởi nghĩa”, có tham gia đội cảm tử quân. Nghe anh kể, ông cụ từng ôm bom ba càng lao vào xe thiết giáp của địch trong một trận đánh những ngày đầu kháng chiến ở Thủ đô. May thay, quả bom không nổ, ông cụ không những không “cảm tử” được mà lại còn bị bắt làm tù binh, bị giam giữ qua nhiều nhà tù đến tận ngày hòa bình lập lại mới được quân đội Pháp trao trả. Trong tù cụ rất kiên cường, vẫn tham gia sinh hoạt Đảng, cùng đảng viên trong tù lãnh đạo các cuộc đấu tranh. Có lí lịch oách như thế nên vào năm sáu mươi, khi vừa học xong cấp hai anh đã được tuyển vào bộ đội rồi được cử đi học trường sĩ quan lục quân. Tốt nghiệp, anh về công tác ở sư đoàn, làm trợ lí quân huấn chuyên chỉ huy huấn luyện các đội điều lệnh mẫu trên sư một thời gian rồi được điều xuống làm đại đội phó trước khi đi chiến trường. Vào đến mặt trận Đường 9 thì đại đội trưởng đột nhiên bị đau ruột thừa, phải quay ra bệnh viện Khu 4 để phẫu thuật. Anh Thanh nghiễm nhiên được đề bạt làm đại đội trưởng từ đó.

Anh nói với tôi “Cậu từng được đào tạo trinh sát, tốt quá, ít ra cũng đọc được cái bản đồ, lại có văn hóa cấp ba nữa. Quý lắm!” Trong bữa cơm chiều hôm đó, đột nhiên anh vỗ vai tôi rồi giới thiệu với chính trị viên Xế: “Cậu này là học sinh giỏi văn, biết làm thơ, biết hát chèo. Ông có một trợ lí văn nghệ đắc lực rồi đấy.” Lời giới thiệu của đại đội trưởng khiến tôi rất xấu hổ. Từ khi đi học lính trinh sát tôi đã cố giấu nhẹm chút tài lẻ đó đi, không hiểu sao đại đội trưởng biết được. Có lẽ vì trước khi đi học trinh sát, tôi từng là tân binh của đại đội 11 trong tiểu đoàn, đôi lần sinh hoạt văn nghệ tôi đã cao hứng xuất chiêu nên đến giờ còn chút dư âm chăng? Chính trị viên của tôi là người “xuất khẩu thành thơ” nên khi nghe đại đội trưởng giới thiệu thế, đôi mắt anh lập tức sáng bừng lên: “Thế thì hay quá! Có việc cho cậu ngay đây!” Ngay tối hôm đó anh đã bắt tôi phải đọc cho xong tập “nhật kí bằng thơ” của anh và hẹn ngày mai phải cho ý kiến. “Tớ có hai cuốn nhật kí ghi song song, một bằng văn xuôi, một bằng thơ. Cuốn văn xuôi thì thôi, vì tớ ghi tỉ mỉ mọi chuyện trong ngày, trong đó không thiếu gì những điều mà lính tráng các cậu không được phép biết. Tập “nhật kí thơ” thì khác, chỉ là ghi cảm xúc, tức cảnh sinh tình thôi! Ai cũng đọc được! Nhưng không phải ai cũng có thể hiểu, kể cả lão Thanh. Lão ấy nghe thơ cứ như vịt nghe sấm ấy, chả có cảm xúc gì sất!” Chính trị viên giải thích như vậy trước khi trang trọng trao cuốn sổ tay bìa bọc nilon màu xanh cho tôi. Thế là, vô tình hay do tạo hóa bày đặt, tôi đã bắt đầu phải làm quen với “sứ mệnh tương lai” của mình. Và, tôi đã học được bài học đầu tiên: chớ nên quá thật thà khi bình luận về thơ văn của người khác!

Phải nói cho công bằng, chính trị viên của tôi là một người có tâm hồn cực kì lãng mạn. Bất cứ chuyện gì anh cũng có thể chuyển được thành thơ lục bát hoặc gần như thế. Thôi, tôi cứ lấy vài ví dụ cho dễ hiểu.

Ngày… Phê phán nạn phân biệt chủng tộc:

Sáng nay đi thao trường về
Thấy một đàn nghé có bê đi cùng
Lũ nghé có vẻ rất hung
Không muốn đi cùng với mấy con bê
Hầm hè hậm hực rõ ghê
Kiên quyết đuổi mấy con bê khỏi hàng
Ngẫm ra mới thấy rõ rằng
Phân biệt chủng tộc là thằng súc sinh
Nước Mĩ cứ nói văn minh
Người da đen thấy phận mình giống bê!

Ngày… Thực hiện dân chủ ở chiến trường!

Hôm nay hội nghị quân nhân
Để bầu cho đủ thành phần tham gia
Hội đồng quân nhân “Xê” (đại đội) ta
Cho thật dân chủ phải là có dư
Mười một ứng cử chỉn chu
Chỉ bầu lấy chín, là đu (đủ) số rồi !
Quân nhân phấn khởi rạng ngời
Thực thi dân chủ giữa nơi chiến trường!


Đọc xong tập nhật kí bằng thơ, chiều hôm sau tôi hăm hở tự tin sang nhà hầm chỉ huy gặp chính trị viên. Sau vài câu khen chiếu lệ, tôi hạ một câu:

- Thưa thủ trưởng, theo em thì tất cả những bài này đều có ý nghĩa giáo dục rất rõ ràng. Nhưng chưa phải là thơ đâu, thủ trưởng ạ!

- Thế… nó là cái gì?

- Dạ… chỉ là văn vần thôi.

- Văn vần là cái gì?

- Là những câu nói thông thường ghép lại cho có vần!

- Thế thơ là cái gì?

Đến đây thì tôi sa vào ma trận với những câu hỏi liên hồi kì trận để cuối cùng thì nhà thơ của tôi nổi cáu với những câu tra vặn tức tối. Cậu chỉ giỏi nói nhăng nói cuội! Thơ mà không chú trọng vào vần điệu thì chú trọng vào cái gì? Cậu cũng công nhận là thơ khác văn xuôi nói ở chỗ nó có vần, có nhạc điệu. Những cái tôi viết có đủ những thứ ấy, sao cậu dám bảo không phải là thơ? Tôi hỏi cậu, rốt cuộc thơ là gì thì cậu cũng không biết, không biết sao dám bảo những gì người ta viết ra không phải là thơ?...

Ừ nhỉ, quả thật hồi đó tôi đâu đã biết thơ là cái gì. Chỉ cảm nhận được cái gì là thơ, cái gì không là thơ mà dám định giá sáng tác của người ta thì quả là bạo hổ bằng hà! Thú thực, cho tới tận ngày hôm nay, chắc gì tôi đã biết chắc chắn cái gì là thơ, cái gì không phải là thơ. Nhất là trong cái thời mà nhiều nhà thơ trên các diễn đàn văn chương đã viết mới đến mức độc giả nếu đọc xong tác phẩm của họ mà hiểu được ngay thì chết liền! Nhà thơ thời nay đã đau khổ và cô đơn đến cái mức độc giả ít nhất cũng phải đau khổ và cô đơn đến mức ấy thì mới thấu hiểu được. Mà độc giả đâu phải ai cũng nghiện cô đơn, nghiện đau khổ nên họ đã chọn cách khôn ngoan nhất là chớ dại mà đọc thơ. Có lẽ đó là một trong hàng ngàn lí do giải thích vì sao ngày nay bạn đọc không còn mê thơ như thời xưa, ít nhất là như thời chúng tôi còn trẻ.

Trở lại với cuộc tranh luận về thơ đầu tiên trong đời của tôi với chính trị viên. Tôi còn quên chưa kể rằng, giữa cuộc tranh luận sôi nổi của hai chúng tôi thì đại đội trưởng Thanh xuất hiện. Anh không tham gia mà lặng lẽ ngồi một chỗ lắng nghe, thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười. Cuối cùng khi thấy tôi đã đuối lí, anh bước tới ấn nhẹ vào vai tôi, thủng thẳng kết luận:

- Nếu cậu thông minh thì nên chịu thua đi là vừa!

Hồi đó tôi chưa thông minh lắm, nên không chịu thua ngay mà còn cố cãi thêm một vài câu nữa khiến đại đội trưởng cũng nổi cáu:

- Đủ rồi đấy! Cả hai ông đều gàn bát sách. Nhưng ông trẻ còn gàn hơn cả ông già. Sắp đánh nhau đến đít, bom đạn tùm lum, sống chết chưa biết đâu, còn ngồi đấy mà thơ với thẩn.

IV.

Sau cuộc tranh luận dại dột ấy, tôi đinh ninh rằng từ nay chính trị viên sẽ cạch cái mặt tôi ra, không bao giờ thèm cho đọc thơ nữa. Ai ngờ, anh không chấp nhặt thế. Tuy có dè dặt hơn nhưng thi thoảng anh vẫn gọi tôi sang hỏi chuyện văn chương và đôi khi không nín được, anh vẫn mang những bài “nhật kí thơ” đọc cho tôi nghe. Đã “thông minh” hơn đôi chút, tôi cố nhịn không chê, nhưng cũng còn đủ liêm sỉ để không nịnh thối những bài văn vần của anh. Vạn bất đắc dĩ, anh có gặng hỏi thì tôi cũng chỉ ừ hữ một câu “tạm được” hoặc “cũng có ý hay” cho qua chuyện. Đôi khi anh gạ tôi đọc thơ của mình, tôi cũng đọc (hồi đó tôi làm thơ cũng khá nhiều, đã có thơ in mặt trận, rồi được in cả trên báo quân đội nữa). Có khi anh khen hay, cũng có khi anh chau mày bảo “thơ của cậu hơi nhuốm màu học trò, tiểu tư sản đấy, coi chừng!”

Một đêm, tôi đang lơ mơ ngủ thì bỗng thấy cậu Thọ liên lạc viên đột ngột xộc vào lay tôi: “Dậy, sang ngay hầm chính trị viên có việc gấp! Đi luôn, không phải mặc quần áo dài đâu!” Tôi vội vàng mắt nhắm mắt mở, chân thấp chân cao theo Thọ. Vừa tới cửa nhà hầm đã nghe tiếng ngâm thơ réo rắt vang lên từ chiếc đài Orionton. “Vào đi, vào đi! Đài đang ngâm bài thơ của cậu đấy!” Thì ra, trong chương trình tiếng thơ hôm nay, nhà đài giới thiệu bài thơ Đi trên Trường Sơn của tôi. Rất tiếc, khi tôi sang đến nơi thì bài thơ đã “ngâm” gần xong, chỉ còn nhõn hai khổ cuối. Khi bài thơ dứt, tôi tưởng sẽ tiếp tục được chính trị viên cho nghe nhờ hết cả chương trình, ai ngờ ông tắt đài, vặn to cây đèn cầy làm bằng lọ dầu muỗi lên rồi bảo Thọ “Lấy phong lương khô ra đây, ta ăn mừng nhà thơ của đại đội mình cái đã!”

Trong khi tôi còn chưa hết xúc động vì vừa được nghe thơ mình, lại được ăn khao thì chính trị viên thủng thẳng làm công việc của nhà phê bình văn học. “Bài thơ của cậu hay đấy. Nghe rất xúc động. Nhưng phải nói thẳng, chủ đề hơi bị loãng. Hành quân trên Trường Sơn thì thiếu gì chuyện cảm động, hào hùng mà cậu lại đưa vào toàn chi tiết vụn vặn. Hết phong lan khoe sắc lại suối sâu tâm tình. Rồi còn em em, anh anh nữa. Cải lương bỏ mẹ! Vào Trường Sơn chiến đấu cũng có nhiều nữ thanh niên xung phong, hay giao liên thật, nhưng họ ra trận với tư cách chiến sĩ, bình đẳng như cánh đàn ông chúng mình cả. Cậu viết về họ cứ như là thứ gì đó yếu ớt, mảnh mai cần phải che chở ấy. Tóm lại, kể cả những bài thơ trước tớ đọc cũng vậy, thơ của cậu có xu hương tiểu tư sản, thiếu chất anh hùng ca. Như vậy, không tốt lắm đâu!”

Rút kinh nghiệm lần trước, tôi im lặng ừ hữ cho qua. Với lại, miếng lương khô còn đang mắc nghẹ trong cổ, có nói cũng khó lưu loát. Khi tôi xin phép về ngủ, chính trị viên rời tấm sạp tre bước xuống tiễn tôi ra tận bên ngoài nhà hầm rồi nhẹ nhàng ôm choàng lấy vai tôi và nói với một giọng chân tình, ấm áp hiếm thấy: “Cậu là một chàng trai có năng khiếu văn chương đấy. Có năng khiếu, lại được sống trong môi trường chiến đấu như thế này là quá may mắn. Phải biết tận dụng thời cơ này mà trau dồi lí tưởng sống, rồi quan sát ghi nhớ vào trong tâm, trong óc để mai này có thể viết được những gì xứng đáng với đồng đội, với nhân dân.” Lúc ấy tôi thực sự xúc động trước những lời động viên rất tâm huyết, rất chân thành của chính trị viên. Nhưng phải thú thực là phải hai tháng sau tôi mới thấm thía.

Đó là một ngày hè oi bức và đẫm máu. Đại đội tôi chiến đấu giữ chốt ở Ngã Tư Sòng, phía bắc cầu sông Hiếu đã sang ngày thứ ba. Gần một nửa đại đội đã hi sinh và bị thương. Đại đội trưởng của tôi cũng đã bị thương nhưng vẫn kiên cường, dũng mãnh tả xung hữu đột chỉ huy đại đội chiến đấu. Đến chiều thì cụm phòng ngự phía đông đường sắt do chính trị viên chỉ huy đã bị quân Mĩ tràn lên. Mất chốt phía đông đồng nghĩa với việc số anh em giữ chốt bên đó cùng với chính trị viên của chúng tôi đã hi sinh hoặc đã bị bắt làm tù binh. Chập tối hôm đó, đại đội trưởng bảo tôi đi mời ba đảng viên còn lại của chi bộ về hầm chỉ huy hội ý. Đó là trung đội trưởng Minh, quản lí Mạo và tiểu đội trưởng Du. Khi mọi người đã về đủ, đại đội trưởng nói “Các đồng chí, trước khi vào chiến dịch, chi bộ đại đội ta có mười hai người nay chỉ còn có bốn. Đồng chí chính trị viên, bí thư chi bộ đã hi sinh trước khi địch tràn lên chiếm chốt, các đồng chí cán bộ đảng viên ở bên đó cũng đã hi sinh hết hoặc bị thương, bị địch bắt. Là người chỉ huy, đồng thời là phó bí thư chi bộ, tôi quyết định, đêm nay tôi sẽ chỉ huy một nhóm chiến sĩ sang bên đó để nắm tình hình. Nếu có cơ hội thì sẽ đánh chiếm lại chốt, giành lại thương binh liệt sĩ. Chuyến đột kích này sẽ rất nguy hiểm, ác liệt, khả năng chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trở về không cao lắm. Vì thế tôi quyết định, từ giờ phút này đồng chí Minh sẽ thay tôi chỉ huy đại đội, đồng chí Mạo giữ quyền chính trị viên, bí thư chi bộ. Đồng chí Du giữ quyền đại đội phó phụ trách phòng ngự hướng cầu sắt. Trong trường hợp tôi hi sinh thì đồng chí Minh sẽ đương nhiên nắm quyền chỉ huy đại đội tiếp tục giữ chốt cho đến khi cấp trên có lệnh mới. Các đồng chí, đây là giờ phút sinh tử, tôi mong các đồng chí luôn nêu cao ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, giữ vững trận địa cho đến phút cuối cùng!”

Tổ đột kích lập tức được thành lập gồm sáu người do đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy. Tôi xin được đi cùng nhưng đại đội trưởng lập tức nghiêm giọng: “Cậu phải ở lại đây! Đại đội phó và các trung đội trưởng được đi trinh sát trước khi vào trận đều đã hi sinh cả. Đơn vị chỉ còn cậu là nắm vững được địa hình. Tôi để lại bản đồ và địa bàn cho cậu, trong trường hợp được lệnh rút lui thì cậu phải tìm được đường đưa anh em cùng thương binh, liệt sĩ ra khỏi vòng vây của địch!” Nói rồi anh trao cho tôi chiếc xắc cốt và dặn thêm: “Trong đó chỉ có bản đồ, địa bàn và một cuốn sổ nhỏ, trong sổ mình chưa ghi chép gì ngoài một vài số liệu về địa hình và địch tình. Mọi tư trang cá nhân mình để ở hậu cứ cả.” Rồi anh bỗng tặc lưỡi tiếc rẻ: “Tiếc rằng trước lúc ra chốt phía đông anh Xế đã định gửi lại cuốn nhật kí thơ bỏ túi cho mình, nhưng phút cuối anh ấy lại quyết định mang theo. Có lẽ vì anh ấy sợ rằng mình không có thái độ trân trọng thơ ca nên có thể sẽ vô tình để thất lạc mất… Giờ thì… không chừng bọn Mĩ đã có nó trong tay rồi. Còn cậu nữa, hãy cố mà sống. Phải sống để viết lại tất cả những chuyện này cho thế hệ mai sau biết chúng ta đã chiến đấu như thế nào.”

Tôi ôm chặt đại đội trưởng, nước mắt trào ra chảy mặn chát trên môi, giọng tôi nghèn nghẹn: “Anh… có tìm được chính trị viên hay không… anh cũng phải trở về!” “Ừ, trở về, trở về… Tôi cũng rất muốn như vậy!” Nói rồi anh rời khỏi vòng tay tôi, ra lệnh tập hợp đội đột kích. Chỉ một lát sau, bóng các anh đã lẫn vào màn đêm vô định.

Và, các anh đã không một ai trở về!

Anh Thanh, anh Xế ơi! Tôi đã sống, đã trở về và đang thực hiện đúng những mệnh lệnh mà các anh và đồng đội đã giao phó và ủy thác cho tôi ở tương lai!

Hà Nội, tháng 11/2016
Khuất Quang Thụy
(theo vannghequandoi))


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu