A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng Việt - kết nối thế hệ trẻ kiều bào với quê hương

Với các thầy cô giáo dạy tiếng Việt ở nước ngoài, niềm vui và cũng là động lực thúc đẩy thầy cô tiếp tục với công việc tình nguyện này đó chính là kết quả học tập của học trò. Các thầy cô cảm thấy như vui hơn, thấy quê hương thật gần qua từng nét chữ học trò nắn nót, qua tiếng ê a đánh vần, phát âm và giọng đọc trong trẻo những bài thơ về quê nhà. Qua bài giảng của thầy cô, các em cũng hiểu hơn về quê hương Việt Nam và thêm yêu nguồn cội.

 

 Đoàn giáo viên tham dự Khóa tập huấn chụp lưu niệm khi tham quan Động Thiên Cung, Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Trở về quê hương tham dự Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài, gần 80 học viên từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là những giáo viên dạy tiếng Việt không chuyên nhưng rất tâm huyết, trăn trở với việc giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc, đặc biệt việc dạy tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài.

Cô giáo Lâm Quế Kim (giáo viên dạy tiếng Việt tại Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ: “Khi mới sang Đài Loan, tôi cảm thấy rất nhớ nhà bởi mọi thứ đều xa lạ. Nhưng may mắn đối với tôi là bên cạnh có một người chồng, "người học trò" thật tâm lý. Mỗi khi được hướng dẫn anh học tiếng Việt, được trò chuyện cùng anh bằng thứ tiếng mẹ đẻ, tôi cũng nguôi ngoai nỗi nhớ nhà và cảm thấy ấm cúng như ở Việt Nam. Anh đã tạo điều kiện cho tôi được tiếp tục học tiếp Đại học tại Đài Loan, giúp công tác giảng dạy tiếng Việt của tôi tốt hơn. Giờ đây mỗi khi đến lớp, được nghe các em đọc vần, hướng dẫn các em tập viết và đôi lúc có thể trò chuyện với các em bằng tiếng Việt là niềm vui đối với tôi. Quê hương Việt Nam gần gũi hơn qua từng câu thơ, địa danh lịch sử mà chúng tôi giảng với học trò".

Một buổi dạy tiếng Việt trong chương trình “Về nguồn” của Hội người Việt tại Pháp. (Nguồn: UGVF)

Tình yêu với công việc giảng dạy tiếng Việt của cô Trần Nguyệt Trân tại Malaysia xuất phát từ day dứt khi những đứa con của cô nói tiếng Việt rất hạn chế. Cô Trân cho biết: "Tôi đến với lớp dạy tiếng Việt dành cho con em kiều bào tại Kuala Lumpur như một trách nhiệm. Cách đây hơn hai mươi năm về trước, các con tôi không có cơ hội đến với lớp học tiếng Việt như thế này nên tiếng Việt của các cháu rất kém, điều này làm tôi rất day dứt. Giờ đây khi có điều kiện, tôi sẵn sàng đi cả tiếng đồng hồ bằng ô tô để đến với các cháu, để được dạy, được nghe các cháu bi bô học vần. Mỗi từ, mỗi âm giảng dạy cho các cháu, tôi cảm nhận như cầu nối các cháu với quê nhà. Công việc giảng dạy cũng không đơn giản, đôi khi chúng tôi phải dỗ dành để các cháu đến lớp. Nhưng niềm vui như được đền đáp khi phụ huynh thông báo các con về nhà bi bô nói, viết chữ khoe bố mẹ bằng tiếng Việt. Điều đó tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục công việc. Chúng tôi cũng mong muốn gia đình và các tổ chức trong nước quan tâm có thể tạo điều kiện cho các cháu được về Việt Nam nhiều hơn để các cháu trải nghiệm và sử dụng tiếng Việt tốt hơn".

Trong Khóa tập huấn năm nay, đoàn giáo viên ở Thái Lan tham dự khá đông. Mặc dù phần lớn các cô đều đã lớn tuổi nhưng sự nhiệt huyết với việc duy trì với tiếng Việt trên đất Thái chưa bao giờ vơi cạn. Cô Vũ Thị Tin (giáo viên giảng dạy tiếng Việt tại chùa Khánh An, tỉnh Udon Thani, Thái Lan) tâm sự: "Qua khóa tập huấn này, tôi biết thêm nhiều phương pháp dạy để làm sao các em lĩnh hội được thật nhanh và cảm thấy tiếng Việt không còn khó học. Tôi luôn tạo điều kiện để các em thoải mái khi học bằng việc tổ chức những trò chơi, quay video hình ảnh các em chơi, đọc bài, đọc thơ gửi lên Line để mọi người cùng biết và tạo niềm vui cho các em. Tôi còn đặt tên Việt cho một số em để các em gắn bó với quê hương hơn. Thế hệ chúng tôi giờ đã lớn tuổi nên đang phải đào tạo thế hệ kế cận trẻ hơn để tiếp tục công việc này. Điều rất mừng là hiện nay phong trào học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Thái đang lan tỏa, ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta không mất đi và đang được tiếp tục duy trì và phát triển".

Công việc thầm lặng của những người “gieo chữ” nơi xứ người vẫn tiếp tục. Biết bao tấm gương những thầy cô giáo đang lặn lội đến với những lớp học trong điều kiện rất khó khăn để tiếp tục gìn giữ hồn cốt Việt nơi xứ người. Những con chữ mà các thầy cô “gieo trồng” qua năm tháng đã đang nảy mầm, phát triển từ những thế hệ học trò để văn hóa Việt Nam ngày càng được phổ biến rộng rãi trên thế giới.

Thanh Thảo


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu