A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai bút về việc dạy và học tiếng Việt nơi xa xứ

Trong ký ức của tôi về Tết thời niên thiếu bao giờ cũng có hình ảnh sáng Mồng Một Tết tôi háo hức mặc quần áo đẹp, chờ ba mẹ mừng tuổi và sau đó ngồi vào bàn học hay viết bài gì đó để khai bút. ”Khai bút” có lẽ chỉ có trong văn hóa Việt Nam, trong tiếng Việt mới có từ này.

Mấy chục năm sống ở nước ngoài, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng tôi chưa thấy một dân tộc nào có tục lệ khai bút đầu năm. Giờ đây khi trên đầu đã hai màu tóc, đã bao lần đón Tết xa quê, tôi vẫn giữ cho mình phong tục khai bút có từ thời thơ ấu ấy. Nhưng các con tôi, các cháu người Việt sinh ra ở nước ngoài, liệu có biết và sẽ có thói quen khai bút không? Đó là câu hỏi mà biết bao bố mẹ thế hệ chúng tôi đều trăn trở. Để các cháu biết được, hiểu được những phong tục tập quán Việt Nam, có lẽ điều rất quan trọng là các cháu phải thông thạo về ngôn ngữ, phải biết tiếng Việt.

Lại một mùa Xuân tới, những cành đào, cành mai đang đua nhau khoe sắc, năm mới Mậu Tuất đang bước vào từng gia đình và những dòng khai bút đầu Xuân này tôi muốn dành cho những tâm sự, nghĩ suy về việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.

Tất cả những người làm cha mẹ có con sinh ra và lớn lên ở nước ngoài đều có mong muốn các con mình biết tiếng Việt, hiểu và giữ được những phong tục tập quán của dân tộc mình. Những năm gần đây, từ phía Nhà nước Việt Nam cũng có những cố gắng nỗ lực rất nhiều hỗ trợ cộng đồng kiều bào trong việc dạy và học tiếng Việt. Nhưng kết quả vẫn chưa được như ý muốn.

Theo tôi, gia đình là yếu tố nền tảng trong việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ sinh ra ở nước ngoài. Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào các lớp học tiếng Việt của cộng đồng, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà quan trọng nhất là trong gia đình, bố mẹ, ông bà phải khơi gợi lên được cho các cháu lòng yêu quý Việt Nam, mong muốn tìm hiểu, khám phá về đất nước, con người Việt Nam. Chỉ khi đó các cháu mới hào hứng muốn học tiếng Việt. Trong việc hướng các cháu học tiếng Việt không nên ép buộc mà phải tạo cho các cháu niềm hứng khởi tự nguyện. Nếu chỉ vì ép buộc thì các cháu sẽ học một cách thụ động, không hiệu quả. Nhưng khi chính bản thân các cháu muốn tìm tòi khám phá về Việt Nam thì việc muốn thông thạo ngôn ngữ sẽ là động lực cho các cháu học tiếng Việt hiệu quả và bền vững.

Quá trình dạy tiếng Việt đòi hỏi sự kiên nhẫn của các bậc cha mẹ ông bà, một tư duy rõ ràng hướng các cháu yêu mến Việt Nam. Từ lúc chào đời chúng ta nên nói chuyện với các cháu bằng tiếng Việt. Khi các cháu bắt đầu đến trường, hầu như cả ngày các cháu sử dụng ngôn ngữ nước sở tại, nên nhiều cháu trước biết tiếng Việt tốt nhưng từ khi đến trường bị quên tiếng Việt. Mặc dù vậy, bố mẹ vẫn nên kiên nhẫn giao tiếp với các cháu bằng tiếng Việt và không nản chí. Nhiều khi các cuộc nói chuyện sẽ rất kỳ lạ là bố mẹ nói tiếng Việt và con trả lời bằng tiếng nước sở tại. Trường hợp gia đình tôi, chồng tôi là người Hungary, nên việc dạy cho các con biết tiếng Việt còn nan giải hơn rất nhiều gia đình khác. Qua kinh nghiệm bản thân, tôi thấy nếu mình vẫn luôn nói với các cháu bằng tiếng Việt, mặc dù nhiều lúc các cháu trả lời bằng tiếng Hung cho dễ và nhanh nhưng các cháu vẫn hiểu hoàn toàn tiếng Việt. Đến thời điểm khi các cháu cảm thấy thực sự muốn học tiếng Việt, học đọc, học viết thì việc học sẽ nhanh và thuận tiện hơn.

Bên cạnh đó, việc học tiếng Việt trong gia đình không phải là ngồi trước bàn và sách vở mà nên qua những câu chuyện kể về những phong tục, tập quán Việt Nam. Những điển tích dân gian như sự tích và ý nghĩa của bánh chưng ngày Tết, câu chuyện ông Công, ông Táo, sự tích cá chép hóa rồng... sẽ vừa mở cho các cháu nhiều điều thú vị về phong tục tập quán Việt Nam, vừa giúp các cháu học thêm tiếng Việt. Các sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt sinh ra ở nước ngoài cũng cần bao gồm những câu chuyện điển tích dân gian hấp dẫn với nhiều hình ảnh trực quan để việc học trở nên lôi cuốn hơn. Chúng ta cần chú trọng để chất lượng, hình thức sách giáo khoa phải đạt tiêu chuẩn cao. Đặc biệt đối với thế hệ sinh ra và lớn lên tại các nước phát triển đã quen với những sản phẩm chất lượng cao, thì những cuốn sách giáo khoa tiếng Việt phải thật chất lượng để tạo được ấn tượng tốt. Các cháu sẽ chỉ hứng thú học tiếng Việt khi các cháu thực sự yêu mến nền văn hóa Việt Nam.

Mỗi lần về thăm quê hương cũng là dịp rất tốt để các cháu trau dồi tiếng Việt. Chương trình của chuyến về thăm Việt Nam không nên chỉ bao gồm các cuộc thăm viếng người thân, họ hàng, mà bố mẹ nên đưa các cháu đi thăm những danh lam thắng cảnh, đặc biệt những địa điểm gắn liền với truyền thống, giai thoại lịch sử của dân tộc. Khi đó những chuyến về Việt Nam sẽ trở nên thú vị hơn, không nhàm chán đối với các cháu và sẽ góp phần giúp các cháu khám phá thêm về đất nước. 

Việc dạy và học tiếng Việt cho thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài chỉ thực sự hiệu quả khi chúng ta gây dựng được cho các cháu lòng yêu mến Việt Nam, mong muốn khám phá, tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam. Mong lắm trong năm mới Mậu Tuất này, thay bằng câu: ”Con phải học tiếng Việt”, chúng ta sẽ được nghe từ các cháu câu: ”Con muốn học tiếng Việt”.

Phan Bích Thiện (Hungary)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu