A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết cổ truyền - gia tài văn hóa của dân tộc Việt Nam

Đối với cá nhân tôi và có lẽ đối với rất nhiều người Việt thì Tết cổ truyền trở thành gia tài văn hóa trường tồn của dân tộc Việt Nam. Đôi dòng tâm sự những suy nghĩ, tôi mong những người vọng ngoại nhân danh tiến bộ hãy nhìn nhận lại và trân trọng những giá trị truyền thống bất diệt của tổ tiên, cha ông chúng ta đã gây dựng và vẫn được phát huy, duy trì đến tận ngày nay, trong đó có ngày Tết cổ truyền.

 Tết là ngày đoàn viên của các gia đình

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Câu nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những đã phản ánh ý tưởng riêng của Người mà còn phản ánh trung thực tiếng nói chung về việc quyết tâm gìn giữ những gì tốt đẹp mà tổ tiên cha ông đã truyền lại cho chúng ta hôm nay. Trong đó, việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam là một phần hết sức quan trọng của công cuộc giữ nước đối với mỗi người dân nước Việt chúng ta. 

Trong những năm gần đây, khi Tết cổ truyền dân tộc đang đến gần, trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, một số người tự cho mình tiến bộ lên tiếng nên gộp ngày Tết cổ truyền của dân tộc vào ngày lễ đầu năm của phương Tây với lý do là để cho tiện lợi, giảm bớt ngày nghỉ, tăng cường phát triển kinh tế, không tụt hậu, thoát ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, học tập theo Nhật Bản... Thậm chí, một số người còn có những lý luận rất ngu ngơ như để làm giảm thiểu tai nạn giao thông, tạo điều kiện cho Việt kiều thuận lợi về quê ăn Tết... Tôi hoàn toàn không đồng tình với các quan điểm trên. Tôi cho rằng, việc gìn giữ văn hóa cũng là gìn giữ đất nước. Văn hóa là nền móng cốt lõi mà mọi sự phát triển kinh tế - xã hội phải tuyệt đối không những không được xúc phạm, mà còn phải nương tựa vào nó để công cuộc phát triển luôn đượm màu sắc đặc thù của dân tộc Việt Nam. Trong đó, Tết cổ truyền là một nét văn hóa đặc trưng của văn hóa dân tộc được truyền lại từ lớp lớp thế hệ người Việt, trải qua chiều dài lịch sử và cả không gian văn hóa. 

Tết cổ truyền dân tộc diễn ra vào thời điểm lập Xuân, khi hoa mai, hoa đào bắt đầu nở rộ và hai loại hoa này là đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết. Dân tộc Việt Nam đón Tết, đồng thời cũng đón mùa Xuân. Trong khi đó, ngày đầu năm Dương lịch là một ngày của mùa Đông lạnh giá, cách Tết cổ truyền gần tháng trời. Tại sao chúng ta lại cổ vũ kêu gọi nhập Tết cổ truyền vào một thời điểm trái mùa?!

Hơn thế nữa, trong đời sống văn hóa người Việt, Tết cổ truyền có ý nghĩa hết sức quan trọng, ăn sâu bám rễ vào tâm hồn người người Việt. Tết không chỉ thể hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh trong quan niệm của người phương Đông. Mà thiêng liêng hơn cả đó chính là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. 

“Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Điều này đối với với những người con xa quê như tôi thì nó như sợi dây vô hình gắn bó chúng tôi với quê nhà, với tổ tiên ông bà. Ngoài ra trong quan niệm của người Việt, Tết cổ truyền là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc, cụ thể nhất. Giá trị hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm của người Việt với Tết cổ truyền. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp, bền vững. Người ta tin rằng, vào dịp Tết Nguyên đán, tổ tiên cũng sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, ở nhà thờ họ để chứng kiến lòng thành của con cháu, và từ đó sẽ phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc trong tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng. Đó là ý nghĩa tâm linh của Tết cổ truyền.

Tết cổ truyền là cơ hội thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" 

Trong không khí ấm áp giao hòa của ngày Xuân, ai cũng thấy như phải gần gũi nhau hơn, nói những điều hay với ngôn ngữ chọn lọc. Chẳng hạn, Tết là phải chúc mừng nhau: sức khỏe, tuổi tác (trường thọ), chúc “làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái”… Có phần ngoa ngôn, song vẫn êm tai và thực lòng. Cho nên, Tết đến, người ta vui vẻ, dịu hiền, là cơ hội để hòa giải những bất đồng, “giận đến chết đến Tết cũng thôi”.  Đó là giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ mà người Việt muốn đạt tới và thường đạt tới. Cho nên, những ngày trong dịp Tết Nguyên đán thực sự là những ngày vui vẻ, hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Chúng ta cùng thế giới chúc mừng nhau ngày đầu năm Dương lịch là điều nên trân trọng. Ngược lại, thế giới cũng rất vui vẫy chào những ngày Tết truyền thống theo Âm lịch của dân tộc Việt Nam, thậm chí nhiều bạn bè quốc tế còn đến Việt Nam du lịch trong dịp này để cùng chung vui với dân tộc ta. Mà Tết cổ truyền của chúng ta có cây nêu, có bánh chưng, bánh tét, bánh dày... đó là những nét đặc trưng không dân tộc nào có được.

 Trông không khí ấm ấp giao hòa ngày Xuân ai cũng thấy gần gũi nhau hơn

Còn về việc nghỉ Tết cổ truyền dài ngày làm ảnh hưởng, kìm hãm sự phát triển kinh tế đất nước là hoàn toàn không đúng như một số chuyên gia đề xướng. Tôi không nghĩ rằng những ngày nghỉ lễ Tết truyền thống thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam lại làm cản trở sự phát triển kinh tế hoặc sự phát triển của đất nước. Việc cắt giảm ngày nghỉ lễ để tiết kiệm, tăng năng suất lao động, tôi nghĩ cơ quan quản lý nhà nước không phải không có cách làm hợp lý mà phải nghĩ đến việc cắt hẳn ngày nghỉ lễ Tết cổ truyền dân tộc. Việc làm này tôi nghĩ động chạm đến cả cõi thiêng sâu thẳm trong mỗi tâm hồn con người Việt Nam. 

Đối với cá nhân tôi và có lẽ đối với rất nhiều người Việt thì Tết cổ truyền trở thành gia tài văn hóa trường tồn của dân tộc Việt Nam. Đôi dòng tâm sự những suy nghĩ, tôi mong những người vọng ngoại nhân danh tiến bộ hãy nhìn nhận lại và trân trọng những giá trị truyền thống bất diệt của tổ tiên, cha ông chúng ta đã gây dựng và vẫn được phát huy, duy trì đến tận ngày nay, trong đó có ngày Tết cổ truyền.

  Tiến sĩ Đặng Trung Phước (Canada)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu