A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quê hương luôn cần đến bàn tay, khối óc của kiều bào

Vừa qua, tại TP.Hồ Chí Minh, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Kiều bào, tổ chức buổi tọa đàm “Kết nối tiềm lực của kiều bào trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa và xã hội”. Đông đảo kiều bào và các đại diện của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp đã đến dự.

Tại buổi tọa đàm, chính sách về Kiều bào vẫn được các đại biểu nhắc đến nhiều nhất, GS. Vũ Đức Vượng – Việt Kiều Mỹ, nhận xét: Đến nay Việt Nam đã đơn giản hóa nhiều thủ tục tạo thuận lợi cho người Việt từ nước ngoài trở về. Tuy nhiên, vẫn còn những chướng ngại vật vô hình như thiếu thông tin rộng rãi và cập nhật kịp thời, vẫn còn những thủ tục rườm rà khi họ muốn làm việc lâu dài tại Việt Nam.



 Trong mỗi kiều bào, ai cũng có một tấm lòng,
một ý chí muốn đóng góp để xây dựng quê hương


Đồng quan điểm trên, một kiều bào khác cho biết, chúng ta kêu gọi đầu tư về nước nhưng kiều bào sẽ không đóng góp được nhiều, nếu không giải quyết tốt vấn đề về chính sách. Do vậy khó có thể phát huy đầy đủ sức mạnh của kiều bào tham gia đóng góp xây dựng đất nước.

Góp ý thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Giao – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, chính sách về kiều bào của Nhà nước ta đã có nhiều cải tiến. Tuy nhiên, theo tôi vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự thuận lợi đối với họ. Nếu chúng ta nói mà không thực hiện thì kiều bào sẽ nản. Ranh giới, định kiến không quan trọng nữa, bây giờ cái cốt lõi nhất là đóng góp, xây dựng như thế nào thôi.

Trao đổi về vấn đề đào tạo giáo dục, Tiến sĩ Dương Minh Trí – Việt kiều Đức cho biết, tôi về nước cũng được khá lâu rồi, tôi thấy nước ta còn thiếu nhiều thứ riêng chỉ có giáo sư, tiến sĩ lại quá nhiều, có khi tỷ lệ còn cao hơn cả một số nước ở Châu Âu, nhưng chất lượng lại không cao. Điều này một phần do việc đào tạo tràn lan, không kiểm soát nổi. Một sự thật đáng buồn là có không ít dự án tài trợ cho đào tạo này nhưng đơn vị tài trợ cũng không biết được đào tạo ai, đào tạo cái gì thì làm sao nói đến tính hiệu quả của nó được?  Ông nhận xét: Hiện nay, chúng ta còn có thêm một bất cập nữa là đào tạo các nhà khoa học không có sự cân bằng và thiếu nhu cầu thực tế, chủ yếu tập trung ở phía Bắc, trong khi ở phía Nam nơi tập trung kinh tế, công nghệ khoa học lớn nhất cả nước thì lại ít... Rõ ràng đây là những bất hợp lý rất lớn cần phải khắc phục, nếu chúng ta muốn phát triển.

Đề cập đến vấn đề vận động, hỗ trợ thiên tai, bà Lê Diệu Ánh - Giám đốc ENDA Việt Nam – một đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực phát triển cộng đồng tại Việt Nam khẳng định, mỗi khi gặp thiên tai, đồng bào ta ở khắp nơi trên thế giới đều theo dõi và quan tâm chia sẻ. Tuy nhiên, trong vấn đề này, chúng ta cần có một cách làm hợp lý để làm sao tạo điều kiện cho kiều bào cùng có trách nhiệm tham gia thì vẫn tốt hơn.

Trong khi đó, bà Đông Xuân- một đại diện kiều bào có những nhận xét hết sức tâm huyết: “Ai trong chúng ta cũng không muốn nước mình tụt hậu cả, do vậy, không nên hô khẩu hiệu nữa, mà nên thể hiện bằng những việc làm cụ thể, đầu tư dân trí, đầu tư khoa học công nghệ... xây dựng đất nước là trách nhiệm chung của mỗi chúng ta.”

Phát biểu kết luận trong buổi tọa đàm Bà Lương Bạch Vân – Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.Hồ Chí Minh cho biết, những chính sách của Nhà nước đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng thông tin này vẫn chưa thể đến được hết với bà con trên khắp thế giới. Do vậy những bức xúc và ý kiến đóng góp của bà con là chính đáng. Bà Vân cũng thừa nhận, việc phát huy được tiềm lực của kiều bào là một việc làm rất khó, nhưng không thể không làm được, đất nước luôn cần đến bàn tay, khối óc của bà con.

 
Quốc Định (Đại đoàn kết)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm