A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo lấy ý kiến về xây dựng mạng chuyên gia NVNONN

Từ ngày 24-26/6 tại Quảng Ninh, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo quốc tế về “Xây dựng mạng chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài”. Đây là dịp để các nhà quản lý và chuyên gia trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp và cơ chế vận hành tiến tới xây dựng và phát triển một mạng lưới chuyên gia trí thức, các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài.



Thứ trưởng Bộ KH & CN Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu là lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH & CN), các chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Anh, Australia, New Zealand, Singapore.., đại diện Ủy ban Nhà nước về NVNONN, đại diện Ngân hàng Thế giới, Hội liên lạc NVNONN và các bộ, ngành liên quan.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH & CN Trần Việt Thanh khẳng định, việc thu hút và phát huy nguồn lực trí thức NVNONN đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước luôn được Đảng và Nhà nước rất quan tâm chú trọng. Cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng cơ chế đãi ngộ và tạo môi trường làm việc thông thoáng để trí thức Việt Nam ở nước ngoài về quê hương làm việc. Tuy nhiên, đến nay, công tác phát huy nguồn lực chất xám này còn nhiều hạn chế so với tiềm năng và mong muốn, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp để tới đây việc huy động nguồn lực này vào sự nghiệp phát triển đất nước thực sự phát huy được vai trò và khả năng. Thứ trưởng cũng cho biết, các công cụ tra cứu, các nguồn dữ liệu trao đổi thông tin hiện nay còn khá sơ sài, khiến các trí thức NVNONN gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt tình hình trong nước cũng như các tổ chức khoa học, doanh nghiệp chưa thể tiếp cận các chuyên gia nước ngoài một cách có hệ thống. Do đó, ông mong muốn Hội thảo sẽ tập trung giải quyết được những vấn đề sau: quan điểm và mục tiêu của mạng chuyên gia trí thức NVNONN; cách thu hút sự quan tâm và tiêu chí để vận động các chuyên gia tham gia; các thông tin, tri thức và phương thức cần được chú trọng hỗ trợ và chia sẻ; cách tiếp cận và giải pháp công nghệ áp dụng; phương pháp để đảm bảo tính bền vững của mạng lưới chuyên gia; các tổ chức nào cần phối hợp xây dựng…

Ông Đặng Trần Phong, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, cho biết hiện nay các chuyên gia trí thức NVNONN đã tham gia thực hiện nhiều dự án ở trong nước về nhiều lĩnh vực về kinh tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, công nghệ sinh học… Trên thực tế, đã và đang hình thành nhiều mạng lưới chuyên gia không những liên kết các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước mà cả bạn bè quốc tế cùng nghiên cứu, hợp tác về một vấn đề, dự án, chương trình… của VN để đưa ra một sản phẩm thực tiễn giúp cho VN phát triển. Như vậy, các nhóm chuyên gia trí thức  người Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, qui tụ ngày càng nhiều chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước, không chỉ ở phạm vi một nhóm trí thức ở một nước mà trong một nhóm chuyên gia cố vấn kiều bào đã có đa quốc tịch; đã có nỗ lực mở đầu cho một mạng lưới mở rộng khắp nhằm tập hợp trí tuệ các giáo sư kiều bào giảng dạy, nghiên cứu trên toàn thế giới, hỗ trợ lẫn nhau và dễ dàng đóng góp xây dựng đất nước, rộng lớn hơn các nhóm trí thức NVNONN đơn lẻ, tuy vậy hình thức tập hợp này cần mở hơn, khác so với các hình thức tập hợp nhóm “think tank”.  Việc thiết lập được một mạng lưới chuyên gia, trí thức NVNONN sẽ mở ra các kênh hợp tác hiệu quả (Nhà nước, hợp tác quốc tế, giảng dạy đại học, doanh nghiệp...).



Ông Đặng Trần Phong tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo 

Phát biểu tham luận tại đây, Gs.Ts Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, ĐH New South Wales (Australia), đã đưa ra đề nghị gồm 3 chương trình nhằm nâng cao việc huy động nguồn lực khoa học ở nước ngoài gồm: xây dựng website kết nối các nhà khoa học; tổ chức hội nghị khoa học khoáng đại; và kiến tạo một chương trình fellowship dành cho các học giả người Việt xuất sắc ở nước ngoài. “Chương trình fellowship đã được thực hiện rất thành công ở Úc khi thu hút lượng lớn nguồn chất xám cho đất nước họ. Tôi nghĩ chương trình này nên tập trung vào 5 mục tiêu chính là: Khuếch trương và nuôi dưỡng một đội ngũ khoa học gia ưu tú; đảm bảo các nhà khoa học này có một sự nghiệp vững vàng; xây dựng một môi trường tri thức và cơ sở vật chất để huấn luyện thế hệ khoa học gia trẻ; khuyến khích việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào thực hành, hoạt động sản xuất và qua đó nâng cao tính cạnh tranh của quốc gia; khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà khoa học có những mối tương tác với các cơ quan chính phủ và công ty kỹ nghệ. Nói tóm lại là nhắm vào việc xây dựng một cộng đồng khoa học “tinh hoa” để nâng cao tính cạnh tranh của nước ta trên trường quốc tế”, Gs. Tuấn chia sẻ thêm. 



 Gs.Ts Nguyễn Văn Tuấn trình bày tham luận

Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra vào các ngày 25-26/6 với khoảng 20 tham luận về các vấn đề có liên quan đến tổ chức mạng lưới chuyên gia từ nhu cầu, tầm quan trọng đến thiết kế, tổ chức, cách vận hành mạng lưới có hiệu quả.

Hội thảo nằm trong dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ - FIRST”. Đây là dự án đầu tiên về khoa học công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Thanh Thủy


Tin liên quan

Tin tiêu điểm