A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo sư Việt kiều Nguyễn Quang Riệu được tặng bằng Tiến sĩ danh dự

Sáng nay 1/11, tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), đã diễn ra Lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự của ĐHQGHN cho GS. Nguyễn Quang Riệu - Giám đốc nghiên cứu danh dự Đài Thiên Văn Paris, CH Pháp - và GS. Pierre Encrenaz - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, Giáo sư trường Đại học Pierre và Marie Curie, nhà thiên văn học của Đài Thiên văn Paris.



GS. Vũ Minh Giang (phải) trao bằng Tiến sĩ danh dự cho GS. Nguyễn Quang Riệu

Thay mặt ĐHQGHN, GS. Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc ĐHQGHN đã trang trọng trao bằng Tiến sĩ danh dự cho GS. Nguyễn Quang Riệu và GS. Pierre Encrenaz, để ghi nhận những thành tựu xuất sắc của hai Giáo sư trong hoạt động khoa học cũng như những đóng góp quý báu của hai ông đối với sự phát triển các mối quan hệ hợp tác và hữu nghị với ĐHQGHN.

Cách đây 15 năm, GS. Nguyễn Quang Riệu và GS. Pierre Encrenaz đã tới ĐHQGHN lần đầu tiên nhân dịp có nhật thực toàn phần tại Việt Nam. Kể từ đó, hai ông đã mở nhiều khoá học, hội thảo tại ĐHQGHN với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu của Pháp và quốc tế về một lĩnh vực khoa học có truyền thống lâu đời và phát triển đến trình độ cao trên thế giới nhưng còn hết sức mới mẻ ở Việt Nam là khoa học vũ trụ. Bên cạnh các khoá học được tổ chức tại Việt Nam, hai ông đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao tại Pháp làm nòng cốt xây dựng ngành khoa học non trẻ tại Việt Nam. Suốt 15 năm qua, hai Giáo sư đã không ngừng nỗ lực giúp Việt Nam phát triển ngành khoa học vũ trụ và vận động xây dựng Nhà chiếu hình vũ trụ tại Hà Nội nhằm phổ biến kiến thức khoa học và thúc đẩy niềm say mê khám phá khoa học cho thế hệ trẻ.



 GS. Nguyễn Quang Riệu và GS. Pierre Encrenaz (thứ 3 từ bên phải)
đón nhận những lời chúc mừng từ gia đình và các đại biểu

Phát biểu tại buổi Lễ, GS. Vũ Minh Giang bày tỏ: GS. Nguyễn Quang Riệu và GS. Pierre Encrenaz đã dành tình cảm hết sức đặc biệt đối với Việt Nam. ĐHQGHN đánh giá cao sự cộng tác tâm huyết, có hiệu quả, những đóng góp quý báu cũng như những tình cảm hết sức sâu đậm dành cho Việt Nam của hai Giáo sư. GS. Vũ Minh Giang cũng tin tưởng chắc chắn rằng, thông qua hai Giáo sư, quan hệ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa ĐHQGHN và Đại học Pierre và Marie Curie và Đài Thiên Văn Paris ngày càng phát triển mạnh mẽ.

GS. Vũ Minh Giang cho biết, sau Lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự, tại giảng đường của ĐHQGHN diễn ra Hội thảo Pháp - Việt về khoa học vũ trụ. Đó là tiếp nối kết quả hợp tác tốt đẹp giữa ĐHQGHN, Đài thiên văn Paris và Đại học Pierre và Marie Curie với vai trò đóng góp hết sức quan trọng của GS. Nguyễn Quang Riệu và GS. Pierre Encrenaz.

Vinh dự được trao bằng Tiến sỹ danh dự, GS. Nguyễn Quang Riệu và GS. Pierre Encrenaz đã gửi lời cảm ơn tới Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS. Nguyễn Quang Riệu phát biểu tại buổi Lễ

GS. Nguyễn Quang Riệu bày tỏ: Ông vô cùng cảm động mỗi khi có dịp trình bày những vấn đề khoa học tại những hội thảo và những khóa học tổ chức trong nước. Hội thảo Pháp - Việt lần này lại càng có ý nghĩa vì năm nay là năm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Sự kiện lịch sử Thăng Long đã mở đầu một kỷ nguyên văn minh mới cho nhiều thế hệ về sau. Những hoạt động hướng về Đại lễ là dịp để quảng bá cho khách nước ngoài nền văn hoá Việt Nam. Đồng bào ở hải ngoại cũng sẽ hiểu biết thêm về cội nguồn và truyền thống nghìn năm văn hiến của dân tộc.

Việt Nam đã có một truyền thống quan sát thiên văn. Những địa danh nổi tiếng biểu tượng của Thủ đô như quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây trên những nguyên tắc của vũ trụ quan đời xưa. Giếng “Thiên Quang” phản chiếu ánh sáng của mặt trời và các vì sao trong vũ trụ. Giếng vuông vắn như bàn cờ tượng trưng cho trái đất, còn cửa sổ của “Khuê Văn Các” có hình tròn tượng trưng mặt trời. Sao Khuê đã được lấy tên để đặt cho Văn Các và là một trong những chùm sao “Nhị thập bát tú” rọi xuống trái đất nhiều khí tốt lành. Theo quan niệm thiên văn địa lý phương Đông, trung tâm văn hoá giáo dục Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây để thu thập những tinh hoa của trời đất.

Giáo sư cũng cho biết, trong hội thảo này các nhà khoa học sẽ trình bày một số đề tài trọng yếu liên quan đến những hiện tượng thiên nhiên trong vũ trụ và những diễn biến khí hậu trên trái đất.

GS. Nguyễn Quang Riệu với những đóng góp cho quê hương

Từ năm 1976, ông thường xuyên về nước tham gia phát triển và phổ biến ngành Thiên văn Vật lí và ngành Vật lí Môi trường, hai lĩnh vực còn non trẻ tại Việt Nam. Nhân có nhật thực toàn phần ngày 25 tháng 10 năm 1995 tại  miền nam Việt Nam, ông đã vận động Bộ Ngoại giao Pháp cấp kinh phí để ông cho làm và mua thiết bị thiên văn mang về Phan Thiết, quan sát cùng đồng bào hiện tượng thiên nhiên hiếm có này. Sau đó ông đã tặng ĐHQGHN và Đài Thiên văn Phủ Liễn toàn bộ thiết bị  để sinh viên thực tập quan sát bầu trời.

Cũng nhân dịp này (1995), cùng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, ông tham gia tổ chức một Hội thảo với mục đích giải thích hiện tượng nhật thực và trình bầy những thành tựu mới đạt được trong ngành thiên văn. Từ đó, hàng năm ông về nước tổ chức lớp học về môn Vật lí Vũ trụ và Vật lí Môi trường tại ĐHQGHN, trong khuôn khổ hợp tác mà ông khởi xướng, giữa Đài Thiên văn Paris, Đại học Pierre và Marie Curie (Paris 6) và ĐHQGHN. Ông mời các nhà khoa học đầu ngành nước ngoài cùng về giảng. Học viên là những cán bộ nghiên cứu và giảng dạy cuả các trường đại học, các viện khoa học và sinh viên sắp tốt nghiệp đại học.

Ông được Hội Thiên văn Quốc tế (International Astronomical Union, IAU) mời tham gia thực hiện chương trình cộng tác với Hội Thiên văn Việt Nam. Và cụ thể, ông đã là giáo sư cuả những lớp học Thiên văn Vật lý dành cho các cán bộ giảng dạy Vật lý cuả các trường Đại học Sư phạm tại Việt Nam, trong khuôn khổ chương trình TAD (Teaching for Astronomy Development) của IAU nhằm phát triển ngành thiên văn toàn cầu.

Ông không ngừng quan tâm đến vấn đề đào tạo các cán bộ chuyên ngành, xin học bổng cuả chính phủ Pháp cho sinh viên Việt Nam và là giáo sư hướng dẫn họ làm luận án tiến sĩ về ngành Vật lý Thiên văn tại Đài Thiên văn Paris. Sau khi bảo vệ thành công luận án, họ đã về nước tham gia vào công việc giảng dạy ngành Thiên văn Vật lý tại các trường đại học, hoặc còn đang thực tập để lấy thêm kinh nghiệm tại Viện Thiên văn Vật lý Đài Bắc (Institute of Astronomy and Astrophysics, Taipei).

Trong  tương lai, ông tiếp tục tổ chức lớp học về Vật lý Vũ trụ và Môi trường tại ĐHQGHN và hướng dẫn sinh viên và cán bộ khoa học sang thực tập tại các cơ quan nghiên cứu khoa học Pháp. Ông hi vọng một ngày gần đây, Việt Nam sẽ có một đội ngũ chuyên gia sẵn sàng sánh vai với các nhà khoa học trên thế giới, nhằm chinh phục vũ trụ bao la và bảo vệ hành tinh Trái đất mỏng manh cuả chúng ta.

Quá trình công tác, thành tích, công trình nghiên cứu
của nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu:

- Ông sinh năm 1932 tại Hải Phòng. Hiện đang định cư tại Pháp.

- Ông là Tiến sĩ Nhà nước môn Khoa học Vật lý, Đại học Sorbonne, Paris.

- Nguyên Giám đốc Nghiên cứu  Emeritus của Trung Tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) và công tác tại Đài Thiên văn Paris.

- Đã có những thành tựu nghiên cứu khoa học đăng trong những tạp chí khoa học quốc tế về những bức xạ vô tuyến và hồng ngoại trong vũ trụ và sự tìm kiếm những chất hữu cơ trong  những thiên hà và trong những tinh vân cuả dải Ngân hà. Mục tiêu là dùng những định luật vật lý để giải thích cơ chế tạo ra những bức xạ vũ trụ và nghiên cứu những điều kiện lý-hoá có khả năng dẫn đến sự sống trong không gian vũ trụ. Để đạt được mục tiêu khoa học, ông đã sử dụng những kính thiên văn lớn đặt trên những đỉnh núi cao ở các lục địa. Ông là nhà khoa học đã tích cực tham gia vào đề án của Cộng đồng Châu Âu phóng kính thiên văn hồng ngoài ISO (Infrared Space Observatory) vào không gian năm 1995 bằng tên lửa Ariane V.

- Đã có những hợp tác nghiên cứu với những viện khoa học tại Pháp và tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Viện Max-Planck tại Bonn (Đức), Viện Sternberg tại Moscova (Nga), Đại học California tại Berkeley (Hoa Kỳ) và Đại học Tokyo (Nhật Bản).

- Đã viết sách bằng tiếng Việt để phổ biến khoa học:

* Vũ trụ phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ  đại (Nhà Xuất bản Giáo dục, 1995)

* Lang thang trên dải Ngân hà (Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin, 1997)

* Sông Ngân khi tỏ khi mờ – Les Reflets du Fleuve d’Argent  (song ngữ Việt-

Pháp, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin, 1998)

* Bầu trời Tuổi thơ ( Nhà Xuất bản Giáo dục, 2002)

* Vũ trụ huyền diệu (Nhà Xuất bản Thanh niên, 2008)

* Thiên văn Vật lí – Astrophysics  (Nhà Xuất bản Giáo dục, 2000), sách giáo khoa song ngữ Việt-Anh cấp Đại học (Tác giả D. Wentzel, Ng.Qg.Riệu, Ph.V.Trinh, Ng.Đ.Noãn, Ng.Đ.Huân)

* Những con đường đến với các vì sao (Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 2003),  trình bầy những bài giảng trong khóa học ông tổ chức năm 2002 tại Đại học Quốc gia Hà Nội (cùng với nhiều tác giả)

* Kỷ yếu 2009: 400 năm thiên văn học và Galilei (Nhà Xuất bản Tri thức. Chủ biên: Chu Hảo, Nguyễn Quang Riệu, Trịnh Xuân Thuận, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm)

* Kỷ yếu 2009: 150 năm thuyết tiến hoá và Charles Darwin (Nhà Xuất bản Tri thức. Chủ biên: Chu Hảo, Nguyễn Quang Riệu, Trịnh Xuân Thuận, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm)

- Ông đã nhận Giải thưởng của Viện Hàn Lâm Khoa học Pháp về những thành tích Thiên văn Vật lý, 1973; Kỷ niệm Chương của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 2006.

Phương Thuận


Tin liên quan

Tin tiêu điểm