A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài thành công tốt đẹp

Sau một ngày làm việc tích cực, chiều nay 7/6, Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã bế mạc tốt đẹp. Diễn đàn cho thấy đã bước đầu hình thành khuôn khổ hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các nhà chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam trong và ngoài nước, trong việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp trong nhiều lĩnh vực: kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong quá trình chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới.



 Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu kết luận

Tiếp tục phiên làm việc tích cực buổi sáng, chiều nay, các đại biểu tham dự Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, đã có buổi thảo luận sôi nổi với các chủ đề “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và vấn đề thuế” và “Phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh” .

Các đại biểu tiếp tục nghe và thảo luận về các tham luận của các chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước, như: tham luận “Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và vấn đề trốn thuế” của Gs. Trần Ngọc Anh (ĐH Havard), “Chìa khóa cho cải cách thuế” của Gs. Trần Nam Bình (ĐH New South Wales - Úc), “Tầm nhìn phát triển và cải cách kinh tế Việt Nam: Một số suy nghĩ” của Ts. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, “Cải tiến công tác nghiên cứu, giảng dạy kinh tế học ở Việt Nam để đạt tầm cỡ quốc tế” của Gs. Lê Văn Cường (Đại học Paris Sorbones - Pháp), “ Cải cách giáo dục đại học, đào tạo nhân lực để phát triển khoa học công nghệ tại Hàn Quốc và mô hình áp dụng tại Việt Nam” của Ts. Trần Hải Linh (Đại học ChonBuk - Hàn Quốc). Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng được nghe ý kiến qua video của Gs. Ngô Bảo Châu về cải cách giáo dục đại học và tham luận về việc hỗ trợ quốc tế với hệ thống y tế của Ts. Phạm Nguyên Quý (Nhật Bản) giải quyết bài toán nhân lực trong chăm sóc người già qua kinh nghiệm của Nhật Bản.   

Như vậy, sau một ngày làm việc tích cực và hiệu quả, Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”, đã kết thúc tốt đẹp. Diễn đàn đã lắng nghe 14 tham luận cùng 2 video của các diễn giả là các giáo sư, chuyên gia tiêu biểu của Việt Nam đến từ các nước Pháp, Úc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các trường đại học lớn trên thế giới, cùng 14 ý kiến phát biểu trực tiếp tại diễn đàn, tập trung vào các vấn đề: (1) Nhận diện mô hình tăng trưởng của Việt Nam, so sánh mô hình tăng trưởng ở Việt Nam với các nước Đông Á khác; vấn đề tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng đặt trong mối quan hệ với quản lý rủi ro trong hệ thống tài chính toàn cầu; vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững; vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam; vấn đề chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam, kinh nghiệm của các nước và khuyến nghị đối với Việt Nam. (2) Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở Việt Nam; kinh nghiệm cải cách giáo dục, đào tạo nhân lực để phát triển khoa học công nghệ ở các nước và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam; vấn đề hỗ trợ quốc tế với hệ thống y tế…

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, thay mặt Ban Tổ chức, Gs. Ts Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã tổng kết lại nội dung chính trong các phiên thảo luận của Diễn đàn. Ông cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết cho đất nước thể hiện qua các bài tham luận, phát biểu của các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở trong và ngoài nước và chuyên gia nước ngoài.

Qua ý kiến của các đại biểu, cho thấy Diễn đàn đã bước đầu hình thành khuôn khổ hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các nhà chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam trong và ngoài nước, trong việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp trong nhiều lĩnh vực: kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong quá trình chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau, nhưng tựu chung, ý kiến của các đại biểu đều mang tính xây dựng và mong muốn Việt Nam có những giải pháp để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, tiếp tục phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn sẽ được các cơ quan chức năng tiếp thu, tổng hợp, phục vụ việc nghiên cứu, phân tích nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Với tinh thần tích cực, cởi mở, các đại biểu đã hoan nghênh sáng kiến tổ chức Diễn đàn của Ban Tổ chức và bày tỏ mong muốn Bộ Ngoại giao, Ban Kinh tế Trung ương sẽ đưa diễn đàn thành sự kiện thường niên, nhằm tạo điều kiện hơn nữa, thu hút sự đóng góp của các chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài vào công cuộc phát triển đất nước.

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn, chiều tối hôm nay, các đại biểu trí thức kiều bào đã vinh dự được ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp và trao đổi thân mật./.

* Một số hình ảnh tại Diễn đàn:



 Gs. Trần Ngọc Anh, giảng viên Đại học Indiana, Thỉnh giảng viên Đại học Havard,
Hoa Kỳ, phát biểu tham luận
 



 Gs. Trần Nam Bình (ĐH New South Wales - Úc)



 Ts. Võ Trí Thành (Viện Quản lý kinh tế Trung ương) trình bày tham luận 



 Gs.Lê Văn Cường (Đại học Paris Sorbones - Pháp)



Ts.Trần Hải Linh (Đại học ChonBuk - Hàn Quốc)



 Các đại biểu nhận quà lưu niệm của Ban tổ chức 

Tin: Diệu Thúy/ Ảnh: Thanh Thủy - Cảnh Tiêu


Tin liên quan

Tin tiêu điểm