A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng vọng cố hương

Năm nay đã 75 tuổi, thế nhưng luật sư Đinh Viết Tứ (từng công tác tại Sở Xã hội và Trung tâm Y tế vùng Tây Los Angeles, Hoa Kỳ) vẫn đi đi về về thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm ít nhất một lần. Đối với ông, quê hương là một phần không thể thiếu đối với mỗi kiều bào, dù ở bất cứ nơi đâu.

 



Luật sư Đinh Viết Tứ (ngoài cùng bên phải) cùng các kiều bào
trong một lần về Việt Nam


Dịp Tết 2012, Luật sư Đinh Viết Tứ về đón Tết cổ truyền tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi có căn nhà cũ của gia đình ông gần Ngã 4 Nguyễn Tri Phương và đường Ba Tháng Hai. Ông báo tin vui với chúng tôi, trước khi về nước đã xuất bản tập thơ "Những bài thơ trên webs” mà ông vừa ra mắt tại cộng đồng người Việt ở Hải ngoại, với hơn 900 trang. Đó là nỗ lực miệt mài của ông, từ những bài thơ do ông sáng tác; thơ của các thân hữu, đồng nghiệp sáng tác...Trong số này, có những cái tên thân thuộc đối với bà con kiều bào, như: Phố Nắng, Thơ Văn, Việt Nam – politics,…Một phần lớn các bài thơ cũng được ông tập hợp từ web "Đàn Chim Việt” và Viet-land, là những diễn đàn hướng về Tổ quốc của phần đông kiều bào sinh sống tại California.

Ông Tứ chia sẻ, ông yêu thích làm thơ, viết văn từ thời sinh viên tại Luật khoa – Đại học Sài Gòn (1965), sau đó là Đại học Pháp lý Hà Nội (1990), thế nhưng trong những ngày sang định cư tại Mỹ ông có nhiều thời gian hơn để sáng tác thơ văn.  Từ năm 1996 khi cùng một số thân lữu thành lập Đài phát thanh "Tiếng vọng quê hương” (106.3 FM) ông đã tập trung nhiều thời gian để sáng tác các bài thơ về chủ đề quê hương, đất nước để góp thêm sự phong phú trong đời sống tinh thần của bà con kiều bào tại Hải ngoại. Ông Tứ kể, có một độc giả của đài là một bà cụ đến gặp ông, hỏi "ông là ông Tứ phải không, tôi phải cám ơn ông, nghe ông nói về quê hương sao tôi thấy mát ruột quá”. Sau đó thì bà cứ nhất định đề nghị ông nhận 50 USD mà bà ủng hộ chương trình phát trên Đài.

Những tình cảm đẹp đẽ, sâu nặng của bà con càng khiến ông Tứ dành nhiều hơn thời gian vào công việc này. Thế nhưng, thời gian sau đó đài gặp khó khăn liên tục khi người phụ trách kỹ thuật của đài bị ốm, các chương trình của đài buộc phải tạm ngưng sau gần một năm hoạt động. Năm 2003, Luật sư Đinh Viết Tứ gặp nhà sư Thích Pháp Châu, và được nhà sư giúp đỡ kinh phí mở một website, lấy tên gọn lại là "Tiếng quê hương”, sau đó thu âm các chương trình để đưa lên internet. Ban đầu, chương trình phát sóng đều đặn vào các ngày thứ 3, 5, 7 và chủ nhật, với thời lượng 2 tiếng mỗi chương trình. Sau đó, chương trình mở rộng thêm bình luận các sự kiện thời sự trong nước dưới góc nhìn khách quan, trung thực. Ông Tứ cũng trực tiếp đảm nhiệm và biên tập các nội dung chương trình, trong đó có một số nội dung được cả kiều bào ở Mỹ, cũng như đồng bào trong nước biết đến là phần tường thuật trực tiếp chuyến thăm của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm sang Mỹ.

Thế nhưng, phần ông Tứ ưng ý nhất, cảm thấy thú vị nhất vẫn là những bài thơ đăng trên webs mà ông tập hợp và sáng tác. Trong số những người cùng chung chí hướng với ông có ông Lê Đức Duy. "Chúng tôi cùng tham gia ý kiến, làm thơ trên website Đàn Chim Việt và khi anh biết tôi cũng làm việc tại đài phát thanh thì lại tiếp tục cộng tác bài vở, dù rằng người ở Berlin, người ở Orange, California, thậm chí mãi 6 năm sau đó chúng tôi vẫn chưa gặp nhau lần nào”, ông Tứ nhớ lại.

Một lần khác, năm 2004 khi về Hà Nội dịp đại lễ, ông đã sáng tác một bài thơ hưởng ứng cuộc vận động sáng tác 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, sau đó có hai bài thơ được đăng trên chuyên mục "Đến với Thăng Long” (2005, tập 4). Ông đọc vài câu trong lúc nói chuyện với chúng tôi: "Hà Nội bây giờ đã vào Thu – Mặt nước hồ Gươm: Ánh tháp Rùa – Phố nhỏ quanh co người đông đúc – Liễu rủ gợi tình bao khách thơ”.

Tình cảm thiêng liêng, da diết với kinh đô ngàn năm văn hiến còn theo ông mãi trong những ngày trở lại Hoa Kỳ. Ông kể một kỷ niệm xúc động trong một lần ghé vào một quán nằm ven bờ biển nước Mỹ. Thấy ông Tứ là người có dáng dấp Á châu, vừa đi vào thì ai nấy đều hiếu kỳ nhìn theo. Ông Tứ thấy hơi bất ngờ, nhưng sau đó ông vẫn tìm được một chỗ cho mình, và gọi bia. Thật bất ngờ, một bồi bàn mang tới một cốc bia và nói rằng ông được mời miễn phí. Trong lúc ngạc nhiên, ông Tứ linh cảm đây có lẽ là một loại bia đặc trưng của vùng này mà ông chủ quán cố ý mời thực khách mới đến. "Nhưng chao ôi, khi tôi mở nắp và thử ngụm đầu tiên, tôi biết rằng đó chính là King of Beer, và tôi kịp nhìn trên thân chai ghi dòng chữ "Budweiser”, một loại bia tôi rất thích”. Tôi gọi thêm chai nữa, rồi uống đến chai thứ 6 thì ông chủ quán bước tới ngồi cùng bàn. Ông ta nói tất cả các chai bia đều do ông ấy thết đãi.

Để bày tỏ lòng cảm ơn, lúc ra về tôi đã gửi tặng lại ông chủ quán rượu một chén sứ Bát Tràng, ông ta có vẻ rất thích thú về món quà này”, ông Tứ cười. Căn nguyên của món quà là trước khi lên phi cơ sang Mỹ, ông Tứ đã ra Hà Nội chia tay một số bạn bè thân thiết. Họ đã tặng ông món quà mang dấu ấn của Hà Nội, và hi vọng ông sẽ trưng nó tại tư gia bên Mỹ. "Thế nhưng, tôi nghĩ rằng món quà ấy cũng sẽ đem lại niềm vui cho người bạn Mỹ đặc biệt mà tôi vừa quen”, ông Tứ nói.

Mấy mươi năm dù đi đi về về nửa vòng trái đất, thế nhưng trong lòng ông Tứ vẫn day dứt mãi hai tiếng "quê hương”.

(Theo Đại đoàn kết)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu