Doanh nhân gốc Việt kinh doanh nông sản ở Bờ Biển Ngà
Người Việt ở Bờ Biển Ngà chỉ chừng một trăm người, phần lớn đều mở nhà hàng, quán ăn, nhưng riêng anh Nguyễn Thế Phiệt lại chọn xuất khẩu nông sản.
Năm 1984, anh Nguyễn Thế Phiệt xuất cảnh sang Bờ Biển Ngà phụ quản lý nhà hàng cho gia đình tại đây.
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành marketing, anh Phiệt làm việc tại công ty chuyên về logistic và phụ trách giao dịch cho một tập đoàn bao bì ở Hong Kong (Trung Quốc). Sau đó, anh tiếp tục theo học thạc sĩ về kinh tế quốc tế, cùng lúc mở xưởng bao bì riêng tại Bờ Biển Ngà. Vào thời điểm đó, anh Phiệt nhận được lời đề nghị của một người chú tại TP HCM ngỏ ý muốn nhập hạt điều thô. Từ đây, anh nhận thấy tiềm năng kinh doanh các loại nông sản là rất lớn, nên quyết định thành lập công ty chuyên xuất nhập khẩu mặt hàng như điều, cà phê, cacao…
Để đảm bảo số lượng và chất lượng mặt hàng, anh và nhân viên thường đến các khu trang trại ở Bờ Biển Ngà, làm quen với các hợp tác xã để thương lượng mua hạt điều. “Tôi cùng một nhóm kỹ thuật xuống tận nơi kiểm tra quy cách phơi điều, nếu phát hiện bị mốc sẽ loại ngay”, anh chia sẻ. Có khi phải nói chuyện, tìm hiểu, giao dịch và đàm phán giá cả hơn một chục nơi mới tìm được một chỗ ưng ý.
Mỗi năm, công ty anh Phiệt xuất khoảng 100.000 tấn điều thô
sang Việt Nam, Ấn Độ và Brazil
Vào năm 1999, do vốn liếng chưa nhiều, mỗi năm anh Phiệt chỉ cung cấp được khoảng 3.000 tấn điều thô cho đối tác Việt Nam. Cũng vì mới thâm nhập thị trường, do ít thông tin và kinh nghiệm, nên có những hợp đồng anh phải chịu lỗ hơn một nửa giá trị của lô hàng để giữ uy tín. Tuy nhiên, dần dần nhờ vào các mối quan hệ bạn bè, đối tác từng làm việc, anh bắt đầu tham gia các triển lãm thương mại, hội chợ giao thương để mở rộng thị trường.
Vào những năm tiếp theo, việc kinh doanh của công ty phát triển ổn định với số lượng hàng năm xuất khoảng 100.000 tấn điều thô sang Việt Nam, Ấn Độ và Brazil. Trải nghiệm thương trường gần 8 năm, anh Phiệt thấy đã đến lúc phải mở rộng quy mô kinh doanh. Năm 2007, một số đối tác ở châu Âu cho biết cần một số loại nông sản khác ngoài điều, nắm bắt cơ hội này công ty của anh Phiệt bắt đầu thiết lập mạng lưới thu mua và cung cấp ca cao cho những nhà sản xuất chocolate ở Thụy Sĩ, London (Anh), số lượng gần 20 nghìn tấn mỗi năm.
Tiếp đến, anh xuất cà phê robusta cho các nhà máy tại châu Âu với sản lượng chừng 10.000 tấn mỗi năm. Không dừng lại ở đó, anh và một người bạn thân gốc Ấn Độ mở một công ty tại Singapore chuyên cung cấp và thu mua các mặt hàng nông sản, nhất là điều thô tại Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria…
Theo kinh nghiệm của anh, do giá cả thị trường thế giới trồi sụt theo từng giờ, nên việc dự đoán theo mùa vụ còn phụ thuộc yếu tố chủ quan lẫn khách quan như thời tiết, chính sách… để đưa ra quyết định hợp lý tránh tổn thất hàng hóa và các khoản phí khác như lưu kho bãi.
Điều thô tại kho cảng Abidjan, Bờ Biển Ngà
Công ty của anh hiện có khoảng 100 nhân viên đến từ Ấn Độ, châu Phi, Philippines, Trung Quốc và người bản địa. “Người Việt rất được tôn trọng ở đây do có uy tín trong việc chi trả lương với phúc lợi xã hội đầy đủ cho người lao động. Và tôi tiếp tục kế thừa đức tính này của các bậc cha chú đi trước”, anh chia sẻ.
Bôn ba xứ người gần 30 năm, anh Phiệt tâm sự: “Việt Nam là một quốc gia đi trước, có nhiều kinh nghiệm về nông nghiệp và Bờ Biển Ngà cũng có nét tương đồng như thế. Tôi nghĩ tại sao mình không trở thành cầu nối để giới thiệu hàng hóa giữa hai nước?”.
Sẵn có mối quan hệ làm ăn lâu năm với các bạn hàng và biết được nhu cầu của thị trường tại Bờ Biển Ngà, công ty của anh đang nhập cá hộp, cá tra của Việt Nam khoảng 5 container 40 feet mỗi tháng. Ngoài ra, anh còn mang các loại thực phẩm chế biến đóng gói từ Việt Nam như bánh tráng, bún gạo… và nhiều gia vị khác đến các nhà hàng ở thành phố Abidjan, Bờ Biển Ngà tiêu thụ.
Anh Phiệt cho biết, mới đây công ty của anh có dự án liên kết với các nhà máy sản xuất điều nhân ở Việt Nam nhằm quảng bá và giới thiệu sản phẩm điều Việt tại các siêu thị lớn ở Bờ Biển Ngà cũng như tại các nước trong khu vực Liên minh kinh tế và tiền tệ châu Phi (UEMUA). Trong khi đó, theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), dự báo năm nay ngành điều đạt 2,2 tỷ USD, trong đó 1,8 tỷ USD từ xuất khẩu điều nhân. Ngoài phải thu mua 100% nguyên liệu sản xuất trong nước, tương ứng 350.000 tấn điều thô, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 650.000 tấn điều thô từ châu Phi và Đông Nam Á.
Mai Phương (VnExpress)
Nguồn:quehuongonline.vn Copy link