A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Say mê với Hà Nội

Trở về Hà Nội chủ trì Hội nghị âm nhạc truyền thống quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam (tháng 8/2010), Giáo sư - Tiến sĩ (GS.TS) Trần Quang Hải (Việt kiều Pháp) và đoàn khách đã có một ngày du ngoạn Hà Nội không thể nào quên.

Mặc dù xa Việt Nam nhiều năm nhưng mỗi lần có dịp về Hà Nội, GS.TS Trần Quang Hải – con trai GS Trần Văn Khê, Nhà nghiên cứu văn hóa và âm nhạc cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam và thế giới - luôn dành thời gian ghé thăm những địa danh văn hóa, lịch sử để hiểu hơn về thủ đô ngàn năm văn hiến. Trong lần du ngoạn Hà Nội một ngày này, ông vừa là trưởng đoàn, vừa là một "hướng dẫn viên" đặc biệt cho các chuyên gia âm nhạc quốc tế. Lịch trình của đoàn là vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, xem múa rối nước và thưởng thức các món ăn đặc sản của Hà Nội.


 
GS.TS Trần Quang Hải và đoàn khách chụp ảnh lưu niệm trước
lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh


 
GS Trần Quang Hải dâng hương tại chùa Một Cột (Hà Nội)


 
Mọi người rất hào hứng với cách dạy tiếng Việt đầy hóm hỉnh của
GS.TS Trần Quang Hải


 
GS.TS Trần Quang Hải cùng các chuyên gia quốc tế trong hội thảo “Nhóm nghiên cứu ICTM – âm nhạc và các dân tộc thiểu số”


GS Trần Quang Hải kể rằng: việc đầu tiên khi về Thủ đô Hà Nội là tôi tìm mua một chiếc áo lụa, bởi tôi thích chất lụa nổi tiếng của Hà Nội. Mặc áo lụa biểu diễn đàn môi, đàn muỗng cho tôi cảm giác rất tự hào về văn hóa Việt. Đi trên các đường phố Hà Nội, nhìn bảng biển gắn tên các công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi thấy như mình cũng đang hòa niềm vui cùng dân tộc. Trong các chuyến lưu diễn khắp thế giới của mình, tôi luôn nhắc về Thủ đô Hà Nội và giới thiệu đến bạn bè quốc tế về thành phố 1000 năm tuổi bằng tất cả sự say mê.

Qua những con phố của Hà Nội, dừng lại ở các điểm tham quan, đến đâu GS Trần Quang Hải cũng giới thiệu say sưa cho các vị khách trong đoàn về nét đẹp của cảnh quan và văn hóa của người Hà Nội. Trong chuyến tham quan này, GS Trần Quang Hải không quên mang theo chiếc đàn môi, vài chiếc muỗng, chiếc thìa, những cây đàn độc đáo để biểu diễn những bản nhạc về Hà Nội.
Chiếc đàn môi, chiếc muỗng, chiếc thìa đã theo ông đi khắp thế giới. GS Trần Quang Hải cho biết, mỗi năm ông có trung bình khoảng 600 chuyến đi, biểu diễn ở hơn 60 quốc gia. Và người ta biết đến ông là người Việt Nam cũng từ chính những dụng cụ giản dị này. Ông luôn tự hào về đất nước, về nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam và truyền thống âm nhạc của gia đình mình.

GS Trần Quang Hải là người đã đưa đàn môi của người Mông đến diễn đàn âm nhạc thế giới. Ông bắt đầu làm quen với đàn môi từ năm 1965, năm 1970 thu thanh cùng một nghệ sĩ đàn môi người Anh. Ông cũng là người đầu tiên trên thế giới biểu diễn đàn môi cùng nhạc điện tử, nhạc techno và thu được thành công. Hiện nay, GS.TS Trần Quang Hải sưu tầm được một số lượng lớn đàn môi trong và ngoài nước, đồng thời phát triển nhiều cách biểu diễn tinh tế và đặc sắc loại nhạc khí dân gian này. Ông là một trong 10 thành viên sáng lập Hội đàn môi quốc tế. Trong túi của ông luôn thường trực nhạc cụ này để có thể sẵn sàng biểu diễn phục vụ mọi nơi mọi lúc. Những kiến thức và sự say mê kỳ lạ của ông truyền cảm hứng cho người nghe bằng những tấu khúc đàn môi rất độc đáo.

Trong hành trình thăm Hà Nội, GS Trần Quang Hải không chỉ là một hướng dẫn viên cho du khách nước ngoài hiểu hơn về thành phố, Thủ đô ngàn năm văn hiến mà ông còn truyền cho họ tình yêu đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch và rất đỗi thân thiện. Ông hướng dẫn các chuyên gia nước ngoài nói tiếng Việt từ các câu rất đơn giản “Hà Nội", "Xin chào các bạn", "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đạị"... Những bản nhạc ông biểu diễn bằng muỗng, bằng thìa luôn đem lại không khí vui tươi và sôi động cho những người tham gia.

GS Trần Quang Hải cũng đã được mời dạy và thuyết trình về âm nhạc dân tộc ở nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu, viện bảo tàng khắp năm châu. Là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, ông đã trình diễn nhạc dân tộc trên 3.000 buổi cho khán giả phương Tây, chưa kể 1.500 buổi trình diễn cho học trò trên khắp thế giới. GS Trần Quang Hải đặc biệt nổi tiếng trên thế giới với kỹ thuật hát đồng song thanh. Ông áp dụng thành công kỹ thuật này vào lĩnh vực âm nhạc thế giới và đương đại, âm thanh học, âm nhạc điều trị học... Giáo sư là người sáng lập ra trường phái hát đồng song thanh ở châu Âu và thu hút khoảng 8.000 người ở 70 quốc gia theo học.

Nhờ những đóng góp về việc truyền bá thành công lĩnh vực âm nhạc dân tộc Việt Nam đến nhiều quốc gia trên thế giới, năm 2002, GS Trần Quang Hải đã được Tổng thống Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Ông cũng đã nhận nhiều giải thưởng lớn về âm nhạc của thế giới. Mong muốn của ông mỗi khi trở về Việt Nam là truyền bá những kiến thức và kinh nghiệm về nghiên cứu nhạc dân tộc cho giới chuyên ngành trong nước, đặc biệt là lớp trẻ.  Về Hà Nội lần này, GS Trần Quang Hải trao tặng toàn bộ công trình nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam trong 40 năm của mình cho Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thể hiện tấm lòng yêu quê hương, đất nước sâu đậm của người nhạc sĩ tài hoa.


(Theo BAVN )


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu