A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người bạn lớn của trẻ đường phố

Nếu cuộc sống cho một cơ hội khác, Jimmy Phạm sẽ vẫn lựa chọn con đường đồng hành với những thiếu niên đường phố ở Việt Nam. Dù trên con đường đầy chông gai ấy, không ít lần anh rơi nước mắt…

Những nhọc nhằn trong cuộc sống bôn ba đã làm chai sạn trái tim của người đàn ông có nụ cười hiền lành đó. Không, đó là sự nhầm tưởng. Ở mỗi buổi lễ tốt nghiệp của học viên KOTO, người ta đều thấy anh khóc. Anh rơi nước mắt khi chứng kiến những "đàn em" tự tin phục vụ trong nhà hàng. Mắt anh ướt đẫm khi kể về những câu chuyện đổi đời…



 Jimmy Phạm cùng các học viên của KOTO


Ký ức mờ nhạt

Sinh năm 1972 tại Sài Gòn trong một gia đình khá giả, cha anh gốc Hàn Quốc, mẹ quê ở Hưng Yên. Lên hai tuổi, Phạm Việt Tuấn cùng gia đình sang Singapore rồi Saudi Arabia và nhiều quốc gia khác trước khi dừng chân ở Australia, sống dựa vào nghề may và buôn bán ở chợ. Năm 1988, anh nhập quốc tịch Australia và 5 năm sau, cha anh qua đời.

Cuộc sống thiếu thốn tình cha đã gieo vào lòng Jimmy nỗi khát khao hạnh phúc và lòng trắc ẩn, nhưng đổi lại là tính hay cãi cọ và lười học. Học hết lớp 10, anh lăn lộn với các công việc ở nhà hàng, quán bar, bán máy hút bụi... Rồi những thất bại và trải nghiệm cuộc sống khiến anh nhận ra, chỉ có sự học mới mang lại tương lai xán lạn. Hoàn tất chương trình lớp 12 rồi bước vào giảng đường đại học ngành du lịch. Vận may đã mỉm cười: Jimmy được nhận vào một hãng hàng không của Anh quốc, phụ trách vùng Đông Nam Á.

Và theo thời gian, ký ức về Việt Nam ngày càng mờ nhạt trong anh. Việt Nam xa lạ hơn khi những người thân và bạn bè quen gọi anh là Jimmy…

Chuyến trở về định mệnh

"Trước năm 24 tuổi, tôi vẫn luôn tự hào vì mình là người Australia. Nhưng trong tôi vẫn thấy thiếu vắng, cảm giác như mình đang thuộc về một nơi nào đó", Jimmy tâm sự khi trở lại Việt Nam năm 1994 nhằm khảo sát khách sạn và chương trình du lịch.

Việt Nam trong con mắt của chàng thanh niên 24 tuổi lúc này chính là sự thân thiện của con người và nhiều xe máy. Tuy nhiên, điều gì mới là lý do quyết định cho Jimmy trở lại? Câu trả lời chính là ở nụ cười trong trẻo và những gánh dừa nặng trĩu trên vai bốn thiếu niên mà anh tình cờ gặp trên đường phố TP. Hồ Chí Minh. Anh trò chuyện, đưa các em đi ăn rồi mua quần áo, bàn chải đánh răng…

Hai năm sau, trẻ đường phố TP. HCM đã chứng kiến những ''cuốc'' xe đêm cũng như chuyến đi bộ tưởng như bất tận để tìm gặp chúng của một thanh niên lai Việt chưa thạo tiếng. Những chuyến thăm đều đặn và ân cần đến nỗi, chỉ sau một thời gian ngắn, những đứa trẻ vốn quen với vất vả, đắng cay và thù hận trở nên tin tưởng, mong chờ “chú Tuấn”.

“Đại ca" đầy khát vọng

Năm 1999, Jimmy Phạm trở lại Việt Nam với quyết tâm đổi đời thật nhiều trẻ đường phố. Với 6.000 USD tiền riêng, cộng thêm 30.000 USD vay mượn, anh mở quán café nhỏ mang tên KOTO ở phố Văn Miếu (Hà Nội), xoay sở đủ loại giấy tờ cho lớp học đầu tiên. Nơi đây, 9 trẻ đường phố vừa học vừa thực hành nghề làm bếp, phục vụ nhà hàng.

Tháng 9/2000, một trung tâm dạy nghề cùng tên được khai trương tại 72 Thụy Khuê. Các học viên tham gia khoá học trong 18 tháng, gồm cả thực hành nấu các món ăn Âu - Á, phục vụ bàn dưới sự hướng dẫn của một số giảng viên quốc tế tình nguyện. Tất cả được lo chỗ ở, cấp đồng phục, bảo hiểm y tế, học tiếng Anh...

''Nếu tiếp tục chu cấp tiền, các em sẽ vẫn bán kẹo cao su, đánh giày, bán bưu ảnh, thậm chí bán lẻ ma tuý, hành nghề mại dâm. Chỉ có dạy nghề mới giúp các em tự hào sống bằng sức lao động của chính mình suốt đời'', Jimmy tâm sự.

Và anh đã đúng. 10 năm qua, hơn 300 học viên đã ra trường và 100% có việc làm, không ít bạn đang làm việc tại các khách sạn lớn như Sheraton, Metropole, Sofitel. Hiện một số học viên KOTO đang theo học ngành nhà hàng khách sạn ở Pháp và Australia. Họ đều trìu mến gọi Jimmy là "Đại ca".

Thành công của KOTO, Jimmy nhận thấy vẫn chưa đủ. Khát vọng của anh là có nhiều cơ hội hơn cho rất nhiều trẻ em đường phố. Đó cũng là lý do ra đời của KOTO tại TP. HCM vào đầu năm 2010 và trong tương lai, sẽ xuất hiện KOTO ở Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ…

KOTO là chữ viết tắt của Know One Teach One (biết một, dạy một). "Thành quả lớn nhất đối với tôi là được nhìn thấy các em đứng vững trên đôi chân của mình và quay lại giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Nếu bạn biết một thì bạn cũng nên dạy một" . (Jimmy Phạm)
 

(Thế giới & Việt Nam) 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu