A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà hát Chance ở quận Cam, Hoa Kì: Nghệ sĩ gốc Việt mang lại thành công

Nhà hát Chance đã trở thành một trong những doanh nghiệp phát triển nhanh nhất tại quận Cam. Thành tích này bắt nguồn từ những nỗ lực lớn của các thành viên nhà hát, trong đó có Oanh Nguyễn, Giám đốc Nghệ thuật của Chance.

Chung sức chung lòng  


 Oanh Nguyễn, người từng đoạt “Giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc”  của Arts Orange County.

Hơn 10 năm trước, giống như nhiều thanh niên ở độ tuổi 20, người thanh niên gốc Việt Oanh Nguyễn đã từng có những định hướng nghề nghiệp khá mơ hồ, và cũng chẳng gắn bó lâu dài với bất cứ kế hoạch nào. Nhưng rồi một biến cố xảy ra: bạn Oanh là Jeff Hellebrand chẳng may mắc bệnh ung thư, và chính biến cố này đã tạo nên một chuyển biến rõ rệt trong lòng Oanh và nhóm bạn của anh.

Thời ấy, Oanh, Hellebrand và các cộng sự là một nhóm sinh viên “khố rách áo ôm”, tốt nghiệp ngành kịch nghệ từ các trường đại học Fullerton, Santa Ana, USC và Cal State Fullerton. Họ đã đến với nhau và đồng tâm hiệp lực vì sự phát triển của Chance Theater.

Anh Oanh kể lại: “Khi Hellebrand may mắn thoát được lưỡi hái của tử thần, chúng tôi cảm thấy sự sống của Jeff là một động lực thôi thúc chúng tôi phải làm được một điều gì đó”. Năm 1998, nhóm của Oanh quyết định mở công ty kịch nghệ mang tên Chance Theater ở Anaheim Hills.

Lúc bấy giờ, một số người quen biết với nhóm của Oanh cho rằng việc mở nhà hát là một dự án khó thực hiện, thậm chí là dại dột. Nhưng giờ đây, gần 10 năm đã trôi qua, nhóm của Oanh đang chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập Chance Theater – một doanh nghiệp được đánh giá là phát triển nhanh nhất và có uy tín nhất ở quận Cam!

Trong số khoảng 100 vở tuồng và hài nhạc kịch do Chance sáng tác trong 10 năm qua, có 36 tác phẩm được xếp vào loại hàng đầu thế giới, và 20 tác phẩm khác được yêu thích ở Mỹ.

Năm 2000, tác phẩm "The Stroop Report", nói về cuộc nổi dậy của Warsaw Ghetto trong Thế chiến 2, được sự hưởng ứng nhiệt liệt của khán giả, trong đó có những người ở tận New York đến xem. Năm 2003, vở kịch “Lee Miller: The Angel and The Fiend” tạo ấn tượng tốt trong lòng người hâm mộ. Và năm 2006, tác phẩm hàng đầu thế giới “The Rover” được chuyển thể thành phim, mang lại niềm vinh dự lớn cho Chance.

Năm 2005, Arts Orange County trao giải “Tổ chức nghệ thuật xuất sắc” cho nhà hát Chance và giải “Nghệ sĩ xuất sắc” cho Oanh Nguyễn. Cũng trong năm đó, anh Oanh vinh dự trở thành thành viên mới của tổ chức kịch nghệ quốc gia Network of Ensemble Theaters. Nhiều vở kịch và chương trình nghệ thuật có sự góp sức của anh cũng đoạt được những giải thưởng uy tín ở Mỹ vào các năm 2001, 2002, 2005 và 2006.

Trong năm 2008, Chance cho biết sẽ tiếp tục mang đến khán giả những vở hài kịch vui nhộn, duy trì các quan hệ tốt đẹp với cộng đồng, và phấn đấu trở thành một công ty kịch nghệ ngày càng nổi tiếng.

Vượt qua gian khó

Trong 10 năm qua, đã có lúc Chance đối mặt với một thực tế: chất lượng các vở diễn ngày càng tốt nhưng số lượng khán giả lại giảm. Những nhà kinh doanh kịch nghệ hàng đầu, như Martin Benson của South Coast Repertory (SCR), đã được Chance mời làm cố vấn. Nhưng nhóm của Oanh không muốn trở thành “bản sao” của SCR. Giám đốc điều hành Casey Long cho biết: “Chúng tôi muốn sáng tạo ra những chương trình của riêng mình”.

Về mặt tài chính, Chance đã từng lâm vào hoàn cảnh khó khăn kéo dài. Vợ anh Oanh, chị Erika C. Miller, đã phải xoay sở nhiều cách để giúp công ty thanh toán nợ nần. Chị nói: “Đó là một giai đoạn đầy gian nan”.

Anh Oanh cho biết: “Từ khi công ty mới thành lập, chúng tôi tự hứa là phải trả hết nợ trong vòng 5 năm. Trong 4 năm đầu, có rất ít tiền tài trợ. Chúng tôi trang trải được nợ nần chủ yếu nhờ vào tiền bán vé. Năm 2003, khi khả năng tài chính được cải thiện, chúng tôi tậu được một mặt bằng riêng rộng 1.000 m2 ở Anaheim Hills”.

Về sự phát triển nhanh của công ty, anh Oanh cho biết: “Kinh phí dành cho năm 2008 lên đến 350.000 USD, trong khi năm ngoái là 290.000 USD, và cách đây 5 năm, con số này chỉ vỏn vẹn 100.000 USD”.

Phát huy trí tuệ tập thể

Mặc dù Oanh Nguyễn là người đồng sáng lập công ty và hiện là giám đốc nghệ thuật, nhưng thành công của công ty thực sự đến từ sáng kiến và nỗ lực của tất cả các thành viên. Ông Jonathan Josephson, Giám đốc Văn học của Chance, cho biết: “Mọi thành viên đều được khuyến khích đưa ra kiến nghị cho các dự án hay vở diễn mà công ty sẽ thực hiện. Và từng thành viên được yêu cầu xem xét và nghiên cứu những ý kiến đó”.

Ngay từ khi mới thành lập, Chance áp dụng nguyên tắc đối xử chuyên nghiệp với tất cả thành viên về mọi mặt, trong đó có vấn đề tài chính. Anh Long nói: “Chúng tôi luôn trả lương đủ cho các nghệ sĩ và nhà thiết kế, ngay cả khi chúng tôi đang mắc nợ”.

Sự tăng trưởng mạnh của Chance đồng nghĩa với ước mơ của các thành viên sắp trở thành hiện thực, đó là xây dựng một nhà hát rộng rãi, hiện đại và đầy đủ tiện nghi. Anh Oanh tự tin khi cho biết trong một tương lai không xa, Chance sẽ sở hữu một khu phức hợp, trong đó có một sân khấu chính có sức chứa 500 người và một công ty được chuyên nghiệp hóa hoàn toàn.

(Người Viễn Xứ)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu