A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn văn hoá Huế” của GS-BS Bùi Minh Đức

Từ lâu, tạp chí “Nhớ Huế” đã làm nhịp cầu nối những nhánh văn học Huế đang “chảy ngoài sông Hương” về lại cội nguồn. Qua “Nhớ Huế” đọc giả làm quen với những cây viết là người Huế đang sống trong nước cũng như đang xa xứ, dòng văn chương nầy tương đối còn mới mẽ, góp phần làm cho văn chương trong nước thêm đa sắc màu.


 Giáo sư Bùi Minh Đức trong buổi lễ trao
danh hiệu vinh danh đất Việt 2005

Trong số những tác giả đó, gần đây GS-BS Bùi Minh Đức vừa phát hành tập bút ký “Dấu ấn văn hoá Huế” (NXB Văn học, 12/2007). Đây là quyển sách có nhiều điều thú vị, có nhiều thông điệp mà tác giả gởi gắm tới bạn đọc rất hữu ích, góp phần mở rộng biên độ kiến thức của người đọc. Khi gấp sách lại, người đọc có thể nhớ nhiều sự kiện về lịch sử, về con người và về thiên nhiên của một vùng đất từ lâu đã đi vào văn học, nổi tiếng bởi phong cảnh nên thơ, hữu tình, bởi có những người con gái e ấp trong chiếc nón bài thơ, đẹp như sương, như khói.

Bằng giọng văn hóm hỉnh, đôi lúc đầy cảm động, có khi chỉ dưới dạng một bài ghi chép nhưng bao trùm lên tất cả là tấm lòng thương yêu sâu sắc những con người, những cảnh vật, những kỷ niệm cùng những lề thói của người dân xứ Huế. Giọng kể chân thật, súc tích và tỉ mỉ vì hầu hết những chuyện ông đề cập đến đều xuất phát từ người thật việc thật, những chuyện tác giả nói đến thường là những chuyện thời ông còn sống ở Huế và những chuyện mới đây ông quan sát trên đường đi “đãi cát tìm vàng” để làm tập “Từ điển tiếng Huế”

Trên 300 trang giấy với hơn 20 bài viết gồm các mảng đề tài nói về cách ăn uống, cách nói năng, tính cách của người Huế, nói về hạt muối quê nhà, về cách chiều chồng của người phụ nữ Huế, về những kỷ niệm vui buồn thuở hàn vi với những người bạn học, với từng thầy cô mà ông kể tên họ thật chi tiết. Ông ông so sánh tục ăn “bữa lợ” (lỡ bữa) của người nông dân Huế với tục uống trà chiều của người Anh, đối chiếu bản sắc văn hoá của người Huế với người Nhật, người Anh, điểm tương đồng giữa tục ngữ Huế và tục ngữ Đức, ông hãnh diện và có những mong ước cải tiến tốt đẹp hơn trong một số vấn đề của Festival Huế trong mấy năm gần đây…

Còn nhiều đề tài phong phú, đa dạng không thể kể hết. Đặc biệt, những bài viết về ẩm thực của BS Bùi Minh Đức khiến cho người đọc không khỏi ngạc nhiên về sự quan sát tỉ mỉ, sự am tường cách ăn cách nấu các món ăn Huế dù ông không phải là phụ nữ. Ta thử đọc một đoạn trong bài "Các món ăn chơi xứ Huế", tác giả tả cách làm và cách ăn món gà bóp mà dân Nam bộ gọi là gà xé phay, ông viết: "...Món gà bóp Huế thiệt “danh bất hư truyền”. Muốn món gà bóp cho ngon phải dùng thứ gà thịt mềm, thứ gà mái tơ, gà mới lớn. Thịt còn non, da còn mỏng và vàng ngậy. Thứ gà nuôi chạy quanh trong vườn là lý tưởng… Con gà trước khi bóp phải treo lên cho ráo nước sau khi luộc. Móc con gà lên, treo thẳng đứng, treo trước gió đu đưa qua lại cho bắt mắt, hấp dẫn. Ăn cũng phải có nghệ thuật, phải cho khách ăn cả bằng mắt. Sau khi xé gà rồi, thêm tiêu muối, hành ngò vào rồi bóp. Ăn thua là nhồi cho kỹ, vừa nhồi vừa bóp. Bóp gà phải nhồi lên nhồi xuống cho thiệt thấm rồi mới dọn ra đĩa…Cẩn thận thì rưới một ít nước gà vào dĩa trước khi dọn ra cho khách ăn, cho gà bóp khỏi quá khô, “Rứa là xong”… Ăn bằng mắt, đó là một nghệ thuật trong ẩm thực mà tác giả đã đề cập, còn gà xé phay là món gỏi cần phải được trộn kỷ nhiều lần thì gia vị thấm vào miếng thịt, miếng gỏi mới ngon, không cần nhồi bóp nhiều quá như tác giả mô tả, đoạn nầy ông hơi cường điệu một chút cho giọng văn thêm vui.


Nói về hạt muối - chỉ là một hạt muối thôi nhưng ông hiểu rất rõ về nó vì nó là món gia vị cũng là món ăn được dùng thường xuyên trong giới bình dân, lao động - ông có hai bài viết về cách làm và cách ăn, ông liệt kê ra gần 20 món ăn với muối trong đó phân loại: Muối sống trong phép ẩm thực Huế, muối trong lễ nghi phong tục và muối để chữa bệnh. 

Nhắc lại kỷ niệm thời còn đi học dưới mái trường Trung học Khải Định, thời xứ Huế ngập tràn khó khăn, gian khổ trong giai đoạn đánh Tây. Lúc ấy, ông là một cậu học trò nhỏ ở trong đội "Học sinh cứu quốc” nhưng không được tuyển đi vào làm liên lạc vì tướng tá ốm yếu nhỏ bé, ông trở lại trường đi học trong sự bất an, ông kể: "...Lựu đạn nổ tại trường như cơm bữa, truyền đơn rải như bươm bướm. Công an xông vào lớp lúc các thầy đang dạy, kêu sổ những người đã bị khai, đã bị nhận dạng rồi bắt đem đi. Có lúc, tuy có mặt của trò nhưng khi Công an kêu đến tên trò thì thầy trả lời "vắng mặt”. Bạn bè, thầy trò hiểu nhau, che chở cho nhau. Qua ánh mắt, qua cách nhìn, ái ngại khi thấy "người ra đi” ôm sách vở lẳng lặng biến nhanh trong giờ ra chơi sau đó. Lâu lâu thấy vắng người thì hiểu ngay, không bị Công an đón đường bắt thì cũng thoát ly lên chiến khu tiếp tục kháng chiến. Bạn bè nhiều người ra đi không thấy về. Một Phan Văn Thông ôm lựu đạn vào cổng Thành Nội bị bắt, không còn được thấy mặt, chỉ nghe tin ít lâu sau gia đình lên cống An Hoà nhận xác, hai tròng mắt đã bị cá ăn, không khác gì những chàng Kinh Kha khi qua sông Dịch Thuỷ. Kinh Kha còn được chén rượu tiễn đưa nhưng những chàng Kinh Kha trong thời đại học trò nầy ra đi không được một cái nắm tay, một cái choàng ôm của người ở lại. Đau khổ biết bao nhiêu!...”

Tác giả đề cập đến nhiều việc mà chuyện nào khi đọc xong cũng để lại ít nhiều buồn vui trong lòng người đọc.

Được biết, Bs Bùi Minh Đức là người thành đạt trong lãnh vực Y Khoa, ông đã tốt nghiệp Bs tại Đại học Y khoa Sài Gòn (1960), tốt nghiệp Bs Chuyên khoa Tai Mũi Họng tại Đức (1972), ông đã từng là Giảng viên Tai Mũi Họng tại Đại học Y Khoa Louisville, Kentucky, Hoa Kỳ (1975), là hội viên Hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ AAUP (Association of American University Professors). Trong lãnh vực chữ nghĩa ông còn làm một việc rất mới, rất công phu mà theo nhà văn Trần Hữu Lục đã viết ở lời bạt: “…Ông đi săn tìm, nhặt nhạnh, phát hiện, phủi sạch bụi bặm những con chữ, sau đó xếp vào kho tự điển". Trong một thời gian dài, ông chắt chiu từng tiếng nói của quê mình để làm nên quyển tự điển phương ngữ Huế, có lẽ đây là quyển từ điển đầu tiên của một địa phương, do một Bác sĩ biên soạn.

Làm tự điển chưa đủ, ông còn muốn trang trải những nghĩ suy, tình cảm của mình đối với nơi chôn nhau cắt rốn qua những bút ký, những bài ghi chép để cho mọi người hiểu rõ, mà thêm yêu quí quê hương. "Dấu ấn văn hoá Huế” thực sự để lại trong lòng người đọc những dấu ấn khó quên. Ông xứng đáng là một nhà văn hoá với những lời khen tặng: "Con ong miệt mài hút mật cho đời” và là một trong những gương mặt Việt kiều được tôn vinh của chương trình "Vinh danh đất Việt”…(Theo Người viễn xứ).

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu